Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hình tượng cái áo trong ca dao

Đường Văn
Thứ bẩy ngày 9 tháng 11 năm 2013 11:44 AM

(Tạp cảm)


    Tìm hiểu ca dao, thấy cái áo là 1 hình tượng nghệ thuật.
Có khi như một nhịp cầu tình duyên;
có khi là hơi ấm, là niềm tin, nỗi nhớ khi xa cách.
Ai đọc ca dao trữ tình Việt Nam,
đừng quên suy ngẫm hình tượng này.

    Trong ca dao trữ tình giao duyên, cái áo đã trở thành hình tượng nghệ thuật quen thuộc, phổ biến, mang sắc thái nghệ thuật khá phong phú, thể hiện trí tuệ, tài hoa, tâm hồn, tính cách, tình cảm tinh tế của người bình dân Việt Nam.
    Cái áo sứt chỉ đường tà, bị bỏ quên vô tình đong đưa trên cành hoa sen bên ao Đình, đã thành cái cớ đưa duyên rất hữu tình, tuyệt khéo để chàng trai có thể dựng chuyện, trách móc, kể lể gia cảnh vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu, rồi mượn cô ấy về khâu cho cùng. Cuối cùng, hứa trả công bằng những món đồ sính lễ cho một dám cưới tương lai vô cùng hậu hĩnh. Cái áo đã bắc nhịp cầu tự nhiên, mềm mại mà vững chắc tới trái tim người anh yêu.
    Yêu nhau, trao nón, trao nhẫn tặng nhau chưa đủ. Mạnh bạo, hết mình hơn, chàng trai (hay cô gái?) còn dám cởi áo cho nhau/Về nhà dối mẹ: qua cầu gió bay! Cái áo trong bài ca dao này đã thành vật kỷ niệm, biểu tượng của tình yêu lứa đôi nồng nàn, bền chặt. Có bà mẹ, ông bố nào nỡ tiếc, trách, giận con gái (hoặc con trai) mình về câu nói dối hớ hênh mà sao ngọt ngào và có duyên đến thế?
    Cái áo đã góp phần kết nối bao mối tình trai gái nơi đồng quê, thôn dã. Kì diệu hơn là mùi hương của nó:
        Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm, em đắp lấy hơi.
    Ai cũng biết đó chẳng qua chỉ là một cách nói đẹp lời, bằng hình ảnh. Người chồng đi làm ăn xa. Người vợ ở nhà đêm ngày mỏi mòn con mắt ngóng trông, đợi chờ. Cuộc sống lứa đôi vừa quen hơi bén tiếng bỗng chia xa đã nhân nỗi nhớ nhung, khắc khoải lên bao lần? Ngày, trông áo của chàng vắt mắc, ngỡ như thấy chàng đâu đây quanh quẩn. Đêm, đắp manh áo mỏng của chàng, cố tìm hơi ấm của người thân yêu. Cái áo thân yêu! Mùi hương thân yêu! quen thuộc, ấm lòng người vợ trẻ cô đơn vò võ.
    Cùng môtip này, có dị bản diễn đạt rất thật thà:
Chàng về để áo lại đây,
Để đêm em đắp, để ngày em thương!
    Một dị bản khác, cách nói lại có vẻ vô lý:
Chàng về để áo lại đây,
Phòng khi em đắp, gió tây lạnh lùng.
    Cũng như cái vô lý trong câu ca dao:
Gió sao gió mát sau lưng?
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?
    Gió tây là gió thổi từ phương tây. Gió tây ở Việt Nam là gió nóng. Làm sao gió tây lại có thể là gió lạnh được? Phòng khi là khi nào phải đề phòng? Và tại sao? Nếu chúng ta đặt mình vào tâm thế, tâm trạng của người phụ nữ xa chồng ấy, sẽ thấy cái lý, cái hay của câu ca dao tưởng chừng như ngang ngược trên. Tất nhiên, ở đất nước nhiệt đới này, gió tây quanh năm là gió nóng, mang hơi nóng. Nhưng đó là cái nóng bên ngoài, nóng gió, nóng trời. Cái nóng ấy không át nổi, thậm chí không liên quan gì đến cái lạnh lùng của tâm trạng cô đơn lẻ chiếc vò võ trong những đêm dài mong nhớ người chồng ở phương xa. Không phải gió tây lạnh mà lòng em, không anh, thì dù ngàn cơn gió tây thổi tới, vẫn trống vắng, hoang lạnh, vì anh!
    Chữ tây còn gợi nghĩa niềm riêng tây, riêng tư sâu thẳm, phức tạp, rối bời, cái giây phút nguy hiểm chợt nghĩ tới: cái mơ ước vừa lóe lên ngoài vợ ngoài chồng!... Phải cố dùng lý trí mà đè nén, mà át nó đi, quên đi!… Những ý nghĩ tội lỗi ấy, có nên chăng, rất đáng được tha thứ!?...
    Nhưng còn phòng khi? Sở dĩ nói vậy là bởi cuộc sống trong những năm tháng xa chồng của em đâu có nhàn rỗi, thảnh thơi mà càng bộn bề bao công việc thay anh (Nay 1 thân nuôi già dạy trẻ, /Nỗi quan hoài quang quẻ xiết bao!(Chinh phụ ngâm). Cho nên, mỗi khi gió tây thổi về, nóng, oi không ngủ được, khiến em lại càng bồn chồn nhớ tới anh, càng thấy lạnh lùng, trơ trọi một thân một mình. Khi ấy, đắp áo của anh, em sẽ đỡ nóng bên ngoài, đỡ lạnh bên trong, đỡ tủi, đỡ nhớ đôi phần. Mặc những trận gió tây ào ạt, nỗi cô đơn trong em chắc sẽ vợi nguôi với niềm hi vọng: Anh sẽ về!
    Như thế, cái áo, trong bài ca dao trên, một lần nữa, lại đóng vai trò chỗ dựa tinh thần, phương thuốc màu nhiệm của những lứa đôi, những cặp người yêu, vợ chồng lẻ loi vì xa cách.
    Đầu những năm 60 thế kỉ 20, để diễn tả nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của người vợ miền Nam có chồng đang chiến đấu ở chiến khu xa, Giang Nam đã mượn tứ bài ca dao trên:
               Con nhớ anh, thường đêm biếng ngủ,
   Nó khóc, làm em cũng sụt sùi!
Anh nhớ gửi về manh áo cũ,
Ủ con, cho mẹ ấm nhờ hơi!
                                       (Lá thư thành phố, trong tập thơ Tháng Tám ngày mai)
    Khổ thơ – đoạn thư cảm động, đắng xót đến nao lòng!...

    Ai biết, trong hiện tại và tương lai, hình tượng cái áo trong ca dao trữ tình còn phát huy sức mạnh nghệ thuật sâu thẳm của nó như thế nào đối với cuộc sống và văn học Việt nam đương đại?

* In trên báo Giáo dục và Thời đại chủ nhật, số 52, ra ngày 29 – 12 - 1996
    
Đọc lại, chỉnh sửa, bổ sung, 7 - 11 – 2013. ĐV