Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những trang thơ một thời nồng ấm

Nguyễn Đức Quang
Thứ bẩy ngày 9 tháng 11 năm 2013 11:45 AM

Đọc tập thơ “Biển có về theo giấc ngủ con không” của thầy Phạm Văn Thanh tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại thuở ngày sinh viên dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm đầu 80 của thế kỷ trước.
Lứa sinh viên chúng tôi - ai đã từng qua đều còn nhớ Hội trường nhà lá với bao hoạt động, chương trình văn hóa - văn nghệ của Khoa Văn cũng như các khoa của trường được tổ chức tại đây. Những đêm sinh hoạt ấy đã cuốn hút, khơi dậy bao niềm đam mê, khát khao nghệ thuật của chúng tôi, những cô cậu sinh viên trẻ tuổi. Nó làm cho chúng tôi tin yêu, gắn kết hơn với cuộc sống thực tại đang diễn ra hàng ngày với bao vất vả khó khăn.
Rồi chiến tranh biên giới xẩy ra, chúng tôi cùng đến Quế Võ để xây dựng phòng tuyến sông Cầu. Tay cầm choòng, cầm xẻng mà miệng vẫn tươi,  mắt vẫn cười…
Có lẽ, hoàn cảnh học tập và rèn luyện ấy đã tạo nên một môi trường đầy hào hùng và lãng mạn cho mỗi chúng tôi chăng?
Bởi vì giờ đây, đọc những bài thơ của thầy Phạm Văn Thanh thấy rõ điều đó. Ngày đó, không chỉ thầy làm thơ, đến với thơ mà hình như tất cả chúng tôi đều như thầy yêu thơ, say thơ… có thể nhắc đến nhiều cây bút quen thuộc với bạn đọc sinh viên :
Bùi Mạnh Nhị, Trần Hòa Bình, Bùi Quang Thanh, Thế Dũng, Lã Thị Bắc Lý… và còn rất nhiều những tên tuổi khác trên cả lĩnh vực văn xuôi, phê bình, dịch thuật, kịch như Châu La Việt, Lê Huy Hòa, Nguyễn Chí Bền…
Thầy Thanh là cán bộ quản lý của khoa khi tôi là sinh viên. Nhưng cách gọi thân mật, gần gũi mà tôi xưng hô từ ngày ấy đến giờ vẫn là “thầy” - em. Dẫu bây giờ cách gọi, cách thưa có thể thay đổi tùy lúc, tùy chỗ thì trong tâm thức thầy - trò chúng tôi vẫn là sự kính trọng, gắn bó của tình cảm, quan hệ từ những ngày “khốn khổ” xa xưa.
Ngôi nhà tranh đầu hồi mà thầy Thanh vừa làm việc vừa ở, vừa sáng tác theo tiêu chuẩn của cán bộ nhà trường dù chật chội nhưng lúc nào cũng đông khách. Tôi biết người ra kẻ vào có rất nhiều lý do, mà hối ấy thầy còn “tranh thủ” làm thêm bằng nghề vẽ truyền thần nữa chứ. Việc gì cũng khẩn trương, cũng hối thúc, thế mà chưa bao giờ tôi thấy thầy phàn nàn, chỉ một câu quen thuộc “Phải làm thế mới đủ sống…” Đến giờ tôi mới hiểu điều thầy nói.
Thế nhưng, biết vậy mà thầy vẫn lao như thiêu thân vào những câu thơ, con chữ làm gì. Ai đã nói “Cơm áo không đùa với khách thơ” cơ mà. Tôi chưa có dịp hỏi thầy cơn cớ, lý do gì thầy đã đến với thơ ca như bị “bỏ bùa mê” như vậy. Chỉ biết gặp thầy lần nào, tôi cũng như một người lại bị “cuốn hút” vào những cảm xúc, tâm trạng như bị “thôi miên” với thơ ca của thầy. Nghĩ lại, sao thấy lâng lâng, hạnh phúc thế. Bởi với người viết, nhất là tôi khi ấy cũng đang chập chững sáng tác thì những khoảnh khắc, những buổi tâm giao mạn đàm về thơ ca với thầy thật ý nghĩa. Nó như khơi, như thổi để có lúc sẽ bùng lên những ngọn lửa cảm xúc, sáng tạo.
Có lần chào chưa kịp qua cửa bước vào nhà đã nhìn thấy thầy đang đánh vật với trang bản thảo rồi như gặp người tri kỷ, thầy khoe ngay “Mày thấy câu này viết về đồng bằng được chưa?”
Làm sao tôi lại tiếc một lời tâm đắc của mình với thầy. Tôi đã thuộc những câu thơ của Vũ Siêu Thả, của Phan Đức Chính… (Ngõ nhỏ mưa không ướt áo/Hai nhà đứng nép vào nhau/Chuyện riêng ngõ không hề giấu/Mời nhau uống nước xơi trầu), những nhà thơ đồng hương Thái Bình của thầy. Cũng có thể là người của đồng bãi mà thầy viết những câu thơ “đắc địa như thế”. Tôi đã ghi vào sổ tay những câu thơ “tâm đắc” của thầy mà tôi thích :
Sân khấu ngoài trời
Đó lờ chất ngất
Lưới vó phong phanh
Tiếng ếch thăng thăng
Tiếng ễnh ương trầm
Cóc nhái vỗ loang loang mặt ruộng


Sau cơn mưa là tiếng cá động bèo
Tiếng chóp chép sao mà ngọt thế
(Sân khấu ngày mưa)
        Những tiềm ẩn ngày thường trên đồng quê như vừa được khám phá:
Tiếng gì như nụ nứt nanh
Ô hay mùa cải viết thành không gian
Giữa vùng dây rợ bò lan
Ổ khoai ba tháng chừng đang vo tròn

Dâu xanh xanh đến mỡ màng
Một con kén thả ra ngàn vòng quay
(Tiếng gọi giêng hai)
Khuya rồi cá quẫy vào đêm
Gió thêm hào phóng cho mềm giọt sương
Đất sa quánh mật thay giường
Cỏ pha rơm mới đêm thường dễ say
(Đêm ở đồng)
        Quà dành cho con của những người mẹ ở nông thôn  đó là món quà đồng quê sau những ngày lao động:
Bát canh nổi gạch cua đồng
Con ăn ngọt miệng mà lòng mẹ vui
Rau dền mọc ở khắp nơi
Bữa cơm có vị đồng ngoài đồng trong
Giá mà theo mẹ ra đồng
Cùng đàn cò trắng như bông dãi dề
Ngắt ngồng cải dại ven đê
Con làm roi ngựa phi về nhà ta
Yêu sao cảnh sắc quê nhà
Lớn lên từ những món quà chân quê
                                                     (Ngây thơ)
Đấy là “đồng bằng” trong thơ của thầy Phạm Văn Thanh. Phải  nghe kỹ lắm, chắc không phải từ thính giác mà bằng tất cả giác quan, xuất phát từ tình cảm gắn bó máu thịt, yêu thương da diết với quê hương mới thấy được tiếng “chóp chép”, “cá quẫy vào đêm”, thấy được phóng khoáng của gió “mùa cải viết thành không gian” cùng chuyện lá dâu con tằm… Cái tình, cái duyên với quê hương cứ ngấm, đeo đẳng với thầy Phạm Văn Thanh ở bất cứ đâu, ở bất cứ việc gì.
Có thể là cảnh sắc khu kinh tế mới :
Thơm thơm hương lúa đâu đây
Chắc quê dưới ấy bữa nay gặt mùa
Ở đồi nhớ bát canh cua
Nhìn sang bếp lửa say sưa măng rừng
(Một vùng kinh tế mới Tây Nguyên)
Vài năm nữa nơi đây cũng có rừng chè, rừng cao su, rừng gỗ
Có những bờ tre đan cái nhớ ban đầu
Có những đoàn xe nối nhau theo tiếng gọi con tàu
Cái mệt tan đi trước muôn màu mới lạ
Hy vọng tràn lên những ngày vất vả
Như màu xanh giành cho đất lửa năm xưa
(Đi từ màu xanh)
        Hoặc cái vui hội chùa ở làng quê khi mùa xuân đến:
Các già say miếng trầu cay
Khói hương ngan ngát lòng này thiết tha
Mùa xuân gõ cửa mọi nhà
Tháng ba hoa nở làng ta hội chùa
(Làng ta hội chùa)
Nhắc đến quê hương của thầy Phạm Văn Thanh (Thái Hưng, Thái Thuỵ, Thái Bình) là một vùng quê biển dạt dào sóng vỗ và mặn mòi phù sa, là khát vọng của con người hướng ra biển cả trong bài  Biển có về theo giấc ngủ con không
Nơi cái nắng bết vào da đỏ lịm
Vệt bùn khô thay giọt mồ hôi
Gương mặt người thay gương mặt biển khơi
Niềm khao khát đẩy về phía trước
Bài thơ lấy tên cho tập thơ đã khái quát đầy đủ cảnh sắc và tình người miền quê ấy. Ẩn sau niềm mong đợi của người mẹ về giấc mơ của người con, ai đọc lên cũng thấy dạt dào, thương cảm, tràn ngập hạnh phúc :
Biển xanh ơi hào phóng vô cùng
Chân sóng đặt lên vùng đất mới
Đàn chim kéo chân trời lan mãi
Cho giấc mơ nào cũng đợi cánh chim bay
Lời ru của mẹ không chỉ dừng lại cánh cò bay lả cùng cánh võng ru hoài mà nó đã lan toả đến những chân trời xa xôi biển cả. Những hình ảnh, tình cảm, cùng niềm hy vọng đan xen lẫn nhau.  Từ trong mơ chuyển sang thực. Cảnh thực trước mắt xao xuyến lòng người.
 Biển trời bao la mà không xa lạ. Vì đó là biển đảo quê mình.
Những tàu cá xa bờ như chiếc lá nhỏ nhoi
Kéo mẻ lưới trông chừng con mắt bão
Chào đảo nổi với đất liền cùng chung dải áo
Chào đảo chìm huyền ảo lênh đênh
Chào những giếng dầu bám sâu vào lòng biển mông mênh
Thắp ngọn lửa niềm tin, mặc sóng bủa ngày đêm
 Như  sữa mẹ dành cho con tháng ngày tần tảo
Cùng bộ đội và huyện đảo Trường Sa bó bện thành xứ đảo
Nghe khơi xa ru hát biển quê mình.
Không còn là những nét chấm phá. Hình ảnh biển được đẩy lên bằng dòng cảm xúc dâng trào, hình tượng lớp lang gối kề như sóng biển tưởng không bao giờ dứt:
         Gió vẫn hát ru bông lúa chín lưng chừng
Biển túm tụm cánh buồm nâu buồm trắng
Biển được nắng như mẻ hồng chín mọng
Chân biển thì gần, con sóng thì xa
Chân trời cong như nét vẽ ngây thơ
Chiều nước nổi buồm đi qua tầm mắt
Mồ hôi nhỏ từ ngày gieo hạt
Đã giấc mơ nào đi hết biển đâu?
Đường chân trời dàng dịt lấy nhau
Là gạch nối mùa sau mùa trước
Bàn chân gặp bàn chân trên cát
Giọt nước sàng xay thành hạt cho người
Khẩu súng chuyền tay qua lớp lớp sóng dồi
Giấc mơ biển bao giờ cũng lớn!
(Biển có về theo giấc ngủ con không)
Theo tôi, đấy là những câu thơ hay, bài thơ hay viết về biển cả.
 Thầy Thanh cứ làm thơ như vậy, phía trước là những “thử thách” mà thầy gặp và biết mình phải vượt qua. Tôi hiểu điều ấy bởi vì từ khi còn là những trang bản thảo nhiều bài, nhiều câu, nhiều chữ đã được thầy nung nấu, trăn trở và chỉ tạm hài lòng khi được công bố trên mặt báo. Trước khi về làm cán bộ của trường, thầy Thanh từng tham gia quân ngũ là lính đặc công. Dấu ấn năm tháng chinh chiến trên những vùng sông nước như vẫn còn in đậm trong lao động sáng tạo nghệ thuật của thầy. Câu thơ, bài thơ nào cũng âm thầm “bùng nổ”.
 Đó là Cơn mưa từ dưới biển nơi đảo xa:
Đảo ở đây quanh năm ào ạt
Những lớp sóng không nhìn rõ mặt
Và cơn mưa nặng hạt từ đâu
Và người lính đảo vẫn hồn nhiên trước cái khắc nghiệt thường ngày:
Ngửa lòng tay cho  giọt mưa đuổi nhau
Thấy rân rân như buổi mai nào
Được tắm dưới tua cau mẹ bắc

Với riêng tôi, mỗi mùa tựu trường, lại ngân lên những vần thơ dung dị mà nhiều tìm tòi khác lạ của thầy. Đó cũng là khổ thơ còn “trụ” lại được trong trí nhớ bạn đọc…
Mùa thu
Nắng ở trên cao
Quả me chớm chua vào đầu lưỡi
Đường đến lớp lá me bay rong ruổi
Trang sách mở ra tìm thấy bạn bè
...
Cô đi tìm các em bắt gặp dấu chân chim
Như vãi như in bờ vùng bờ thửa
Con châu chấu đậu mềm lá lúa
Chẽ đòng thơm một thoáng hương lên
Qua con sông xanh ai chải chuốt mà mềm
Chiếc cầu nhỏ gập ghềnh cô dắt
(Giữa đàn em)
Khổ thơ  trong bài “Qua đường hoa phượng đỏ”, cũng được nhiều người nhắc tới :
Nắng xoay xoay tán cây bàng
Khăn quàng nắng dãi như hàng lá bay
Qua đường nắng đậu bàn tay
Nhìn hoa phượng đã lan đầy lối đi.
Những câu thơ viết về tuổi học trò ấy, đọc lên ta như lần đầu gặp gỡ cái hồn nhiên, cái sức sống trẻ thơ mà nó hằng vốn có. Gieo những cảm giác mới mẻ ở một đề tài giáo dục quen thuộc, chính là thành công, là đóng góp của thầy Phạm Văn Thanh.
Một thời gian khổ mà hào hùng. Vậy nên đọc tập thơ của thầy Phạm Văn Thanh sao ta lại không chia sẻ niềm vui, “anh hùng ca ấy”.
Đây là niềm vui của đôi lứa trong đêm pháo hoa mừng chiến thắng thật duyên dáng:
Cuộc sống hàng ngày bình thường sâu kín
Nay bừng lên lai láng lưng trời
Hỏi em màu nào tượng trưng cho vẻ đẹp trên đời
Chùm hoa nào có chúng mình trong đó?
Đấy là chút bâng khuâng sau ngày lao động ca trên tầng cao:
Gặp nhau từ bữa tầng cao.
Đêm về vôi vữa bay vào giấc mơ.
(Ca trên tầng cao).
Những câu thơ, bài thơ ấy có thể chỉ “ghim” lại và chỉ có vào dịp thích hợp được nhắc tới. Nhưng đó là những “niên biểu” để chúng ta không thể và không có quyền lãng quên. Tâm hồn thi sĩ luôn nhạy cảm và bắt kịp với thời cuộc, đó là thước đo trách nhiệm công dân của họ. Thầy Phạm Văn Thanh đã không ngần ngại dấn thân, và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy.

Bẵng đi sau một thời gian, thầy trò lại gặp nhau qua những trang thơ thuở nào.
Mọi sự đều thay đổi, chẳng có gì trách cứ, chỉ tiếc sao lại đằng đẵng xa xôi, vì mưu sinh, vì khoảng cách địa lý… để giờ mới gặp nhau, để THƠ có phần đứt đoạn, vắng cách… Có tiếc nuối thì cũng đành lòng vậy, vì thời gian còn trước mặt, còn trước mặt niềm đam mê, đắm say thuở nào, nếu không thì tập thơ Biển có về theo giấc ngủ con không đến với bạn đọc, người yêu thơ vì lý do gì?
Tất nhiên tấm lòng, sự tri ân của những học trò cũ : nhà văn Châu La Việt, Giám đốc NXB Lao Động Lê Huy Hòa và một số bạn bè học trò khác cũng là một lý do cần nhắc tới.
Lại mong dịp nào cùng thầy nhấc chén rượu quê, đọc những câu thơ mất ngủ, nồng ấm một thời, đâu của riêng mình…
Cho muôn tiếng gọi xuống đồng
Chảy vào tôi mát như dòng phù sa
Đầu bờ nảy một nhành hoa
Từ trong nắng nỏ thơm ra cuộc đời.

                            

Nguyễn Đức Quang