Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đêm chợ tình - một bài thơ hay

Thảo Dân
Chủ nhật ngày 10 tháng 11 năm 2013 10:06 PM

Thảo Dân

Tháng giêng năm 2013, tôi đọc được bài thơ đêm chợ tình của Nguyễn Xuân Hoàn đăng trên báo Người Hà Nội, không ngờ đến tháng 3-2013 tôi lại gặp bài thơ đó đăng trên báo Văn nghệ Thanh Niên.

ĐÊM CHỢ TÌNH

Pan xi Păng ngàn mây
Thức dậy trăng cài cửa
Thổn thức nhạc đầu môi
Đốt tình anh như lửa
.......
Em mặc áo thổ cẩm
Vòng kiềng tay bạc reo
Anh say mềm rượu lá
Nghiêng ngả núi rừng theo

Em tuột tay tôi rồi
Thung sâu không đuổi kịp
Rượu Sán Lùng ngất ngây
Vầng trăng trên cỏ tối

Đợi thật lâu, thật lâu
Cho môi mềm rượu lá
Chẳng thấy em đâu cả
Cửa trăng cài đêm thâu

Biết tìm em ở đâu?
Mối tình xưa còn đó
Vượt đèo tôi tìm em
Với tình tôi còn mãi.

Nguyễn Xuân Hoàn

Lời bình :
Bài thơ hay trước hết do thi liệu để làm nên tác phẩm. Thi liệu trong " đêm chợ tình" chính là những nét đặc thù của phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn Tây Bắc:

Phan xi Păng ngàn mây
Thức dậy trăng cài cửa
"Trăng cài cửa" là hình ảnh rất thực ,rất mộng ,rất nên thơ, chỉ có được với những người sống trong các ngôi nhà chon von trên núi.
Cùng với cảnh thiên nhiên riêng có, những nét sinh hoạt của đồng bào mông làm cho " Đêm chợ tình" rộn lên bao hương sắc: nhạc đàn môi vang lên réo gọi người tình, áo thổ cẩm, vòng tay bạc, rượu Sán Lùng Cái cảnh:
Anh say mềm rượu lá,
Nghiêng ngả núi rừng theo...chỉ có ở Chợ Tình vùng núi rừng Tây Bắc và cũng chỉ trong "Đêm chợ tình" mới có cảnh say rượu nằm lì chờ người yêu:
Đợi thật lâu thật lâu
Cho môi mềm rượu lá
Chẳng thấy em đâu cả
Xuân Hoàn đã khéo khai thác những thi liệu dặc hữu này ,làm nên hương sắc của bài thơ. Tình chân thực của thi phẩm đã chinh phục được người đọc.
Yếu tố thứ hai làm nên sự thành công của bài thơ chính là cách cấu tứ: bài thơ chỉ có năm khổ thơ ngũ ngôn, nhưng lại nói được nhiều điều về quá khứ đến hiện tại về tâm trạng của một chàng trai trong đêm chợ tình từ xưa và nay: khổ thơ thứ nhất và thứ năm diễn tả tâm trạng và hành động của anh ta trong đêm chợ tình hiện tại, còn ba khổ thơ thứ hai, thứ ba, thứ tu, là diễn tả cái chợ tình trong quá khứ.
Cũng như bao đêm chợ tình xưa, đêm nay chàng trai Mông không thể nằm yên bởi tiếng "nhạc đầu môi" đang thổn thức, đốt tình anh như lửa " thế là anh vùng dậy, anh mở cửa," trăng cài" , anh sống lại với những gì anh đã cùng người yêu năm xưa trong một " đêm chợ tình " đáng nhớ:
Em mặc áo thổ cẩm
Vòng kiềng tay bạc reo
Còn anh thì:        say mềm rượu lá
Nghiêng ngả núi rừng theo
Vì say quá nên xảy ra cảnh:
Em tuột tay tôi rồi
Thung sâu không đuổi kịp
Và tiếp theo là cảnh ngã lăn trên vạt cỏ, bởi sự ngất ngây của rượu sán lùng, trước mắt anh không còn" vầng trăng cài cửa" mà là vầng trăng " say rượu" đang nằm cùng với anh trên cỏ tối. Anh còn nhớ rất rõ cảnh nằm lì chờ người yêu quay lại. Rồi anh phải tự bò về nhà, lại nhờ trăng cài cửa để day dứt với môt đêm thất tình cay đắng vì uống rượu quá đà. Đợi thật lâu, thật lâu
Chẳng thấy em đâu cả
Chợ tình năm nay anh thức dậy do tiếng nhạc đầu môi thổn thức, anh xông vào thực tại chợ tình để tìm lại người yêu;
Biết tìm em ở đâu?
Mối tình xưa còn đó
Vượt đèo tôi tìm em
Với tình tôi còn mãi
Dù không gặp được người tình xưa vì không biết tìm em ở chốn nào, nhưng tình yêu anh dành cho người yêu xưa vẫn không hề phai nhạt:
Mối tình xưa còn đó
Và anh nhấn mạnh: với tình tôi còn mãi

Yếu tố thứ ba làm nên cái hay của bài thơ chính là tâm trạng của chàng trai người Mông diến biến qua một đêm chợ tình đầy sóng gió. Từ thực tại đưa anh về quá khứ, rồi từ quá khứ anh xông vào thực tại để tìm ra bóng dáng người tình xưa. Nhưng tất cả chỉ đem lại cho anh một nỗi buồn hụt hẫng.
Thơ là sự thể hiện tâm trạng của con người trước hiện thực khách quan " Đêm chợ tình" đã bộc lộ tâm trạng yêu đương của thanh niên nam nữ người Mông một cách sâu sắc, thủy chung , mang phong cách của núi rừng, của đồng bào thiểu số, một nét mĩ miều trong đời sống văn hóa của dân tộc ta.