Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hằng số vô dụng

Hoàng Quốc Hải
Thứ sáu ngày 20 tháng 9 năm 2013 8:39 PM

Đọc báo Dân Trí thấy cái tựa đề hơi lạ: “ Hàng loạt lãnh đạo trượt kỳ thi nâng ngạch công chức”. Tôi chưa từng nghe cán bộ đương chức thi nâng ngạch, bậc bị trượt, nên chăm chú đọc tiếp.
Phần mở bài báo Dân Trí viết: “Sau khi Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển công chức trực tuyến thành công, đến nay Bộ Tài chính, Thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hòa, Trà Vinh…có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ thi tuyển cán bộ công chức tại địa phương.
Trong đợt thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp có hàng loạt lãnh đạo bị đánh trượt. Tôi không nghĩ có ai đó bị đánh trượt mà đây là dịp để cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, tự phơi bầy năng lực của chính mình. Ai không đủ các chỉ số cần và đủ cho công việc của mình thì người đó trượt. Đây là tự mình làm mình trượt thôi.
Báo Dân Trí cho biết thêm về cách thi tuyển: “ Việc ra đề thi, chấm thi, đánh giá kết quả và quản lý thời gian thi đều do máy tính thực hiện. Thí sinh biết kết quả làm bài của mình sau khi thi”.
Vậy là cuộc thi này đảm bảo được sự công khai và minh bạch. Đó là hai nhân tố xã hội ta đang thiếu một cách trầm trọng.
Nhà báo Quang Phóng báo Dân Trí cho biết thêm: “Kỳ thi tuyển cán bộ công chức vừa qua tại Bộ Nội vụ đã có hơn 600 người đăng ký dự thi. Dù chỉ tiêu Bộ Nội vụ lấy gần 60 người, nhưng cuối cùng chỉ có 30 người đạt được các yêu cầu…Trong đợt thi này có tới 30% công chức dự thi nâng ngạch đã không đạt kết quả; trong đó Bộ Nội vụ có 22 công chức dự thì 9 người không đạt yêu cầu (36,36%).
Tôi lần tìm trên internet thấy nhiều mạng đưa tin vui này. Trong đó có bài của nhà báo Chu Miễn viết trên VOV online cũng khá ấn tượng. Trước sự kiện bất ngờ, nhà báo cũng phải ngạc nhiên, thể hiện ngay trên cái tựa của bài: “Chuyện lạ khi nghe tin 30% công chức thi trượt nâng ngạch…Kết quả trên khiến chúng ta phải suy nghĩ về trình độ thực sự của cán bộ công chức hiện nay”.
Bài báo còn cho biết: “Trong lần thi tuyển này, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức thi theo phương thức trực tuyến, 3 môn thi trên máy tính, 2 môn thi viết do Hội đồng chấm”.
Thật ra việc thi tuyển nâng ngạch, bậc cán bộ từ xưa tới nay ta vẫn thường làm. Nhưng cái khiến ta phải đặc biệt chú ý trong lần này là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tiến hành một cách công khai, minh bạch. Chính vì công khai, minh bạch nên nó đạt được sự công bằng, và đánh giá thực chất, thực trạng năng lực của đội ngũ cán bộ hiện nay.
Nếu việc thi tuyển kiểu này trở thành định chế, thì chắc chắn đây là một cánh cửa mở ra, để tiếp nhận những tài năng đích thực cho nền công vụ nước nhà.
Ngoài việc chọn đúng người để trao đúng việc, thì cách tuyển chọn công chức này là một trong những giải pháp mang tính khoa học nhất, trong công cuộc phòng chống tham nhũng muôn vàn khó khăn của bộ máy công quyền, bời càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển.
Tuyển dụng cán bộ theo cách cũ, là khe hở lớn nhất của pháp luật, để kẻ có quyền lợi dụng chức quyền ăn hối lộ.
Việc tham nhũng trong khâu tuyển chọn cán bộ, đã có người trong giới lãnh đạo của Hà Nội nói công khai: “Nghe đâu mỗi trường hợp cũng mất khoảng 200 triệu đồng”. Dư luận xã hội cho rằng vị cán bộ này đã đưa ra một mức giá khá khiêm tốn.
Sở dĩ tình trạng trên kéo dài trong nhiều năm, là bởi ta chưa có công cụ chế tài mang tính khoa học.
Việc chúng ta làm hôm nay, nếu soi chiếu lại lịch sử thì cách đây cả ngàn năm, thời Lý, thời Trần ngoài quy chế tuyển dụng khá kỹ còn có chế độ Khảo khóa.
Khảo khóa theo định kỳ từ 3 đến 5 năm, cán bộ phải qua một kỳ kiểm tra chất lượng trên cơ sở nghiệp vụ của mình. Ai xuất sắc được cất nhắc ở cương vị cao hơn. Ai đạt yêu cầu được giữ chức cũ, ai kém thì biếm xuống cấp tương ứng với trình độ vừa khảo. Nếu sang kỳ khảo thứ hai, người đã kém ở kỳ trước mà không vươn lên được thì đuổi về quê quán và không hề có chế độ hưu bổng gì.
Còn như được giữ chức Đại an Phủ sứ ở Kinh sư (tương đương với Bí Thư thành ủy Hà Nội bây giờ), Triều đình lựa trong số các An phủ sứ tại các lộ (tương đương với đơn vị tỉnh ngày nay), lấy người xuất sắc nhất cho về làm An phủ sứ Thiên Trường 3 năm. Trong 3 năm đó, có Thượng hoàng giám sát, nếu thấy có đủ tài và đức mới cho về nhậm chức tại Thăng Long.
Nhà Trần rất coi trọng người đứng đầu các bộ máy. Bởi nếu người đứng đầu không phải là người tài, đức thì trong bộ máy có bao nhiêu nhân tài họ cũng biến thành đồ vô dụng hết.
Từng nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trong bộ máy Nhà nước có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về” không đem lại bất cứ thứ hiệu quả nào”.
Vào VOV online Chu Miễn còn cho biết thêm: “Tại phiên họp thứ 6 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 26/3 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trích dẫn kết quả điều tra trình độ công chức tại một số tỉnh phía Nam. Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 200 cán bộ cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả của một cuộc khảo sát chưa đầy đủ cho thấy, chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm”.
Vậy là qua phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ta biết có 30% số cán bộ vô dụng.
Qua báo cáo của Phó Chủ nhiệm UBGDTTN & NĐ cũng cho con số 30% cán bộ dù có “cầm tay chỉ việc” cũng không biết làm, tức thuộc loại vô dụng.
Và nữa, kết quả thi trực tuyến để tuyển dụng và nâng ngạch, bậc của Bộ Nội vụ cũng là con số 30%.
Do đó, 30% số công chức hiện có mặt trong bộ máy công quyền, không có khả năng làm được công việc ở chính nơi họ nhận lương là một hằng số.
Ta thử làm một bài toán giả định. Nếu như bộ máy công quyền của nước ta có khoảng 2 đến 3 triệu người, thì số người vô dụng theo hằng số 30% sẽ chiếm từ 700 ngàn đến 1 triệu người.
Ta lại giả định rằng, lương tháng bình quân cho mỗi người chỉ ở mức khiêm tốn là 5 triệu đồng. Và nếu như 1 triệu người vô dụng đó mỗi người một năm chỉ vẻn vẹn nhận có 60 triệu đồng lương (đấy là chưa kể những phát sinh khác), thì một năm quỹ lương phải chi tới 60 ngàn tỷ đồng, vào việc trả lương cho mục tiêu vô bổ, gây lãng phí ngân sách.
Trái lại nếu được giải phóng, số lao động kia làm việc đúng với sở trường của họ, thì sẽ tạo ra được của cải cho xã hội. Và họ trở nên người có ích, hơn là bám lấy cơ quan Nhà nước vừa mang tiếng là một thứ tầm gửi, vừa ăn hại vào tiền thuế của dân. Ấy là chưa tính đến sức phá hoại do số cán bộ dốt nát, nhưng có tiềm lực tham nhũng này gây ra. Ví như các vị đầu ngành của mấy sở phục vụ dân sinh như Đèn chiếu sáng công cộng, Vệ sinh môi trường công cộng…của Thành phố Hồ Chí Minh đã tác yêu tác quái bấy lâu nay, chẳng là bài học nhỡn tiền sao?
Công khai, Minh bạch, cùng với Tự do, Dân chủ là sinh mệnh của một chính quyền dân sự lành mạnh. Hãy lấy việc làm của Bộ Nội vụ làm khâu đột phá.
Tuy nhiên, muốn duy trì được lâu dài và để nó trở thành sức sống lành mạnh của nền hành chính công, thì phải qua Hiến định, nếu không bên Hành pháp dễ tùy tiện thay đổi.
Hà Nội, ngày 16/9/2013