Thày Dương Quảng Hàm : đôi dòng tâm tư .
Trịnh Kim Thuấn
Chủ nhật ngày 22 tháng 9 năm 2013 6:58 PM
RIÊNG TẶNG nhà văn THÁI DOÃN HIỂU .
Ông Tân Khí Tật viết : “Vạn sự vân yên hốt quá”, muôn sự trên đời nầy như mây, như khói rồi trôi đi, bay qua …….
Vẫn biết là thế , cố gắng sống cho nhàn, cho hết phần đời còn lại (cũng gần hết rồi), nhưng khi đọc loạt bài :”Những cái chết tức tưởi của các nhà văn – chuyện bây giờ mới kể” của Thái Doãn Hiểu, đem đến cho tôi nhiều bất ngờ và tức tưởi ……..
Những gì viết về lúc sinh thời của Dương Quảng Hàm thì Thái Doãn Hiểu đã viết tương đối đầy đủ lắm rồi, cái bất ngờ và tức tưởi của tôi là cái chết của ông, vào đêm 19/12/1946 tại Hà nội trong những ngày đầu kháng chiến, hưởng dương 48 tuổi. Dương Quảng Hàm mất tích bởi ông là đảng viên Quốc Dân Đảng. Đây là lần đầu tiên tôi biết về cái chết của thầy giáo Dương Quảng Hàm.
Trước mặt tôi là quyển “Văn học Việt Nam”, tác giả Dương Quảng Hàm (không có học vị, học hàm cả 2 chữ nhà giáo đứng phía trước cũng không có) do Trung tâm Học liệu – Bộ Giáo dục xuất bản. Tôi mua quyển sách nầy vào năm tôi học lớp Đệ Tam C, trường trung học Thoại-Ngọc-Hầu – Long xuyên , năm 1969.
Nguyên văn : BIÊN TẬP ĐẠI Ý (trang 1) :Cuốn sách nầy soạn theo chương trình khoa giảng Việt văn ở năm thứ ba và thứ tư ban Cao đẳng tiểu học do Nghị định ngày 03 Février đã qui định ..…………
……………………………………………………………………………….
Văn nôm cũ của ta, thứ nhất là văn vần, có nhiều hàm súc, ít lời mà nhiều ý, lại có nhiều chỗ đặt cầu kỳ, đảo điên, nên ông thầy cần phải xem xét học trò có hiểu rõ đại ý cả câu. Cả đoạn sau khi chúng ta hiểu rõ nghĩa, những chữ khó trong câu. Có nhiều câu hoặc nhiều bài ngụ một ẩn nghĩa ở trong, ta cũng cần giảng cho học trò hiểu cái nghĩa ấy, nhưng chớ nên biện nạn, đến nỗi nói sai hoặc nói quá nguyên ý của tác giả.
Hà nội tháng sáu tây năm 1939.
Dương Quảng Hàm.
Soạn 1 bộ sách giáo khoa từ năm 1939, được xem là cuốn Văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ ( thời Pháp thuộc) đầu tiên của Việt Nam. Riêng tác phẩm “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” được Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, chính thức dùng làm sách giáo khoa, chương trình lớp Đệ Tam (lớp 10) trong nhiều năm liền ….. trong số học sinh đó có tôi.
Trong sách, ở phần : Phép tắc các thể văn như : vè, truyện, thơ đường luật, thơ mới , văn sách. kinh nghĩa …. Ta gặp lại ông Lê Quí Đôn, nhà bác học Việt Nam khi xưa, nhưng không phải bài thơ “Rắn đầu biếng học”, mà là 2 bài văn cổ .
Một bài VĂN SÁCH làm mẫu .
Đầu bài : Lấy chồng cho đáng tấm chồng , bỏ công tô điểm má hồng, răng đen. Tục ngử có câu rằng : “Chẳng tham ruộng cả, ao liền. Tham về cái bút, cái nghiên anh đồ”. Phù anh đồ “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” Tằng kiến ư thòi nhân chi sở tiếu, bất tri hà sở thủ nhi quyến luyến ư anh đồ ru ?
Một bài KINH NGHĨA làm mẫu .
Đầu bài : Mày về nhà chồng, phải kính, phải răn, chớ trái lời chồng (chữ kinh lễ : vãng chi nhữ gia, tất kính, tất giới, vô vi phu tữ).
Tiếng là văn cổ, khi xem xong thật dễ hiểu, đã hay lại vui. vui … (có dịp tôi sẽ gởi đến quí vị trọn 2 bài văn nầy ).
Có giai thoại, năm 1969, Thầy dạy văn Lê Văn Trung, khi giảng đến : Thơ Cổ phong và các lối thơ khác, có lối thơ YẾT HẬU (yết : nghỉ ; hậu : sau) là lối thơ có 4 câu thì 3 câu trên đủ chữ, còn câu dưới chỉ có 1 chữ . Thí dụ :
ANH NHÈ
Sống ở nhân gian đánh chén nhè.
Thác về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương mới hỏi : Mang gì đấy ?
BE
Thầy Trung mới kể lại : Nơi tác giả Văn học Việt Nam mà các em đang học đây, thầy Dương Quảng Hàm vừa là thầy dạy , vừa là Hiệu trưởng trường Bưởi. Các học sinh truyền khẩu với nhau bài thơ nầy :
Sống ở dương gian có cục đàm.
Thác về âm phủ nói làm nhàm
Diêm vương liền hỏi : Rằng ai đấy ?
HÀM.
Thầy Hàm biết chuyện chỉ lắc đầu cười trừ . Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò mà !
Ôi Thầy mất sớm quá, mất trong tức tưởi, lúc ấy tôi chưa ra đời, không biết trong chương trình giảng dạy ở miền Bắc từ 1954 – 1975 có giảng dạy quyển sách nầy hay không ? Chứ bọn học trò chúng tôi thì biết cả, mà các thầy cô dạy môn Việt Văn thì đây là sách gối đầu giường, là Kim chỉ Nam nữa kìa
…………………………………………………………………….
“ Ngày nay, nếu đọc lại những bài viết của nhóm Nhân văn – Giai phẩm, phải công nhận là nước ta đã từng có những nhà trí thức khả kính. Đất nước ta ra nông nỗi hiện nay bởi lịch sử không chọn họ ……………….. (HUY ĐỨC)
Thủ lĩnh nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, ngày 8/7/1963 Tòa án Quân sự của chánh quyền Ngô Đình Diệm xử ông. Ông nhận được trát hầu Tòa và Nguyễn Tường Tam không chịu đứng trước vành móng ngựa, vì “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả”. Đây là cách chọn lựa hay nhất, khôn ngoan nhất đối với Nhất Linh (theo Thế Uyên), chiều ngày 7/7/1963 ông uống thuốc ngủ quyên sinh.
Nghiệp văn chương, không chừa riêng một ai : Nhà thơ Thu Hồng, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống, (kỳ 1) Thiệu Chửu, Lan Khai (kỳ 2) Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu (kỳ 3)… lại đi trước các vị trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Lịch sử không chọn các vị, mà đã loại các vị ngay những phút đầu tiên.
Không biết có phải là số phận hay thân phận của con người, trong quyển Văn Học Việt Nam lại có một bài thơ độc đáo, theo thể thơ : SONG ĐIỆP (song : đôi ; điệp : trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đầu hay ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lặp lại) thí dụ :
Vất vất, vơ vơ cũng nực cười.
Căm căm, cúi cúi có hơn ai .
Nay còn chị chị, anh anh đó.
Mai đã ông ông, mụ mụ rồi.
Có có, không không lo hết kiếp.
Khôn khôn, dại dại chết xong đời.
Chi bằng láo láo, lơ lơ vậy.
Ngủ ngủ, ăn ăn nói chuyện chơi
Tác giả VÔ DANH
Không hiểu có phải cuộc sống vừa qua của chúng ta, như thế không nhỉ ?
Thôi thì : Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lão trời gần, trời xa ! (Nguyễn Du)
Đôi dòng tâm tư của kẽ hậu bối, thành kinh gởi đến thầy Dương Quảng Hàm, bậc tiền bối cũng là người thầy đáng kính của chúng con.
21/9/2013 TRỊNH KIM THUẤN