Tôi không muốn trở lại vấn đề này phần vì sự việc đã quá lâu rồi, cho dù đâu đó vẫn có người âm ỉ sướng với điệp khúc “một đêm thành tiến sỹ”, phần vì cũng đã đôi lần viết ra rồi (xem ở đây https://www.facebook.com/notes/dzung-nguy%E1%BB%85n/sao-l%E1%BA%A1i-th%E1%BA%BF-n%C3%A0y-c%C6%A1-ch%E1%BB%A9/500357863318756), song nhân chuyện của ông Trần Trương với ông Trần Đình Sử khi tranh luận về sự sang trọng của nghề văn mới đây, tôi thấy vẫn phải lên tiếng về chủ đề này.
1. Học vị tiến sỹ của Việt Nam
Theo Wikiphedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFn_s%C4%A9) thì “Danh xưng "Tiến sĩ" tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ truyền thống Nho học phong kiến, bắt nguồn từ gốc Hán 進士.
Trong giai đoạn phong kiến, tại các cuộc thi Nho học của Việt Nam, học vị tiến sĩ được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần những người đỗ tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
Thời Hậu Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn, tiến sĩ được dùng để phong cho những người thi đậu trong các kỳ thi Đình và thi Hội tùy theo từng thời. Danh sách các tiến sĩ thời hậu Lê và Mạc được khắc trên các bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long. Vào thời nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân - Huế, Văn Miếu Thăng Long không còn là văn miếu quốc gia nữa nên các bia tiến sĩ không còn được dựng tại đây. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu Huế từ khoa thi năm 1822. Tổng số các tiến sĩ, phó bảngvà tương đương (trúng tuyển thi Hội) kể từ khoa thi đầu tiên 1075 đến khoa thi cuối cùng 1919 là 2.848 người.[1]
Bắt đầu từ thế kỷ 20, học vị Tiến sĩ của Việt Nam bắt đầu áp dụng chính thức theo hệ thống giáo dục hiện đại của châu Âu. Thời Pháp thuộc, mặc dù nền giáo dục bị giới hạn nhiều bởi tình trạng thuộc địa, lịch sử vẫn ghi nhận một số người bản xứ lấy được học vị Tiến sĩ như Phan Văn Trường, Tiến sĩ Luật đầu tiên của Việt Nam...
Một khoảng thời gian từ 1954-1975 tại miền Bắc Việt Nam và từ 1975-1998 trên cả nước Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục của Liên Xô, tồn tại 2 bậc học vị là Phó tiến sĩ (Кандидат наук) và Tiến sĩ (Доктор наук).
Kể từ thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục năm 1998, học vị Phó tiến sĩ được đổi thành học vị Tiến sĩ, và các bậc học vị Tiến sĩ cũ theo hệ thống giáo dục Đông Âu và Liên Xô được đổi thành học vị Tiến sĩ khoa học. Ở Việt Nam, học vị Tiến sĩ do trường đại học hoặc viện nghiên cứu thuộc nhà nước có thẩm quyền cấp cho các nghiên cứu sinh chuyên ngành sau khi công nhận luận án của họ. Dù hệ thống Đông Âu và Liên Xô đã tan rã, hiện nay Việt Nam vẫn cấp học vị Tiến sĩ khoa học cho những Tiến sĩ chuyên về nghiên cứu khoa học.”
Vấn đề là ở chỗ việc đổi danh xưng học vị này khi Luật Giáo dục năm 1998 có hiệu lực được làm theo kiểu mờ mờ, tỏ tỏ nên đã tạo ra rất nhiều hiểu lầm và bức xúc không đáng có trong xã hội mà hệ lụy của nó nhiều khi không hề nhỏ chút nào.
2. Lỗi tại tiếng Việt
Cái sự bắt chước trong bất cứ tình huống nào cũng khó đem lại kết quả tốt đẹp một cách toàn diện. Trong trường hợp này cũng vậy. Khi chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Liên xô thì người ta sử dụng danh từ “Phó tiến sỹ” để gọi bậc học vị “Кандидат наук” mà chẳng cần biết nội hàm của nó là gì. Khi Việt Nam trưởng thành, đào tạo trên đại học trong nước được mở rộng, người ta cũng vẫn sử dụng danh xưng học vị “Phó tiến sỹ” để cấp cho những người bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh. Chắc hẳn những người có học thời đó cũng đã cảm thấy sự bất ổn của việc này nên trong các bằng phó tiến sỹ cấp cho các nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ luận án thành công giai đoạn trước 1998 tại Việt Nam thể hiện một sự tréo ngoe giữa tiếng Việt và tiếng Anh (vốn được dùng trong văn bằng song song với tiếng Việt). Trong phần tiếng Việt tại trang 3 văn bằng ghi “Công nhận học vị PHÓ TIẾN SỸ…”, nhưng ở trang 4 của văn bằng (phần tiếng Anh) lại ghi rõ “Recognition of Degree DOCTOR OF PHILOSOPHY in…” (xem ảnh). Rõ ràng là có sự quá khấp khểnh trong việc gọi tên này. Gọi Doctor of Philosophy là phó tiến sỹ thì có lẽ chỉ có mỗi mình Việt Nam thôi. Và như vậy thì cái việc gọi trở lại các phó tiến sỹ (cũ) là tiến sỹ chỉ là việc sửa sai của cấp quản lý về giáo dục mà thôi. Hay nói rộng hơn là việc các cơ quan quản lý đã phải trả lại tên cho những người đã bị gọi nhầm không hơn, không kém. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ bấy đến nay, chẳng ai đứng ra nhận cái lỗi lầm này khiến cho ai cũng cứ u u, minh minh, chẳng biết đằng nào mà rờ cả.
3. Lỗi tại truyền thông
Lâu nay có một số người làm báo rất lạ kỳ. Họ cứ lấy tin, cứ trương lên báo mà không hề tìm hiểu tin đó xuất xứ từ đâu, đúng hay sai khiến cho tin tức càng ngày càng loạn xạ. Người đọc không biết đâu là đúng là sai nữa. Còn nhớ cuối năm 1998, khi mới bắt đầu gọi lại tên của học vị tiến sỹ theo Luật Giáo dục 1998, Báo Lao Động (số ra khoảng giữa tháng 12 âm lịch-lâu ngày tôi không nhớ chính xác) có đăng một bài thơ châm về việc này. Trong đó có câu “Người ta (ý nói các vị được cấp hoặc vị tiến sỹ mới theo Luật Giáo dục 1998) phải học, phải thi/ Còn ông (ý nói các vị đã có bằng phó tiến sỹ) bế bụng ngồi chờ vinh quy”. Đọc thấy bài đó tôi liền viết thư, gọi điện ngay cho Báo đề nghị gỡ bài đó đại ý như sau:
1. Người viết chưa hề được ngó qua tấm bằng phó tiến sỹ và tiến sỹ của Việt Nam (như tôi đã trình bày ở phần trên) nên viết ẩu, viết loạn lên, chắc là kiếm ít tiến nhuận bút. Và tôi đề nghị người viết phải trưng ra được các bằng chứng về các bằng cấp này. Ngược lại báo phải gỡ bài, phải đính chính cho phù hợp.
2. Người viết cũng chưa hề biết thực hư của chuyện đào tạo và cấp bằng tiến sỹ, phó tiến sỹ ở Việt Nam trong giai đoạn đó như thế nào nhưng cứ viết, cứ gửi báo đăng bài mà không hề xấu hổ. Chính vì vậy, trong thư gửi báo tôi đã đề nghị người viết bài thơ đó rằng “hầu hết các tiến sỹ (mới) của ta đều có thầy là các phó tiến sỹ” nên “ô hay, thầy nó (phó tiến sỹ) lại không bằng nó (tiến sỹ (mới)) hay sao? và “Tôi thách ông từ nay cho đến tết Kỷ Mão (còn khoảng 15-20 ngày nữa-HM) tìm cho tôi một tiến sỹ (mới) mà hội đồng bảo vệ luận án (những người chấm cho họ đạt được tiêu chuẩn là tiến sỹ -HM) của họ không có một người nào là phó tiến sỹ. Nếu hết thời hạn đó ông (bà) không tìm được thì ông (bà) đừng bao giờ cầm bút viết báo nữa”
Chính vì những người làm báo như vậy nên các phương tiện thông tin cứ ầm ầm loan tải thông tin không đúng đắn dẫn đến cái sự sai lầm càng ngày càng lớn. Khủng khiếp đến nỗi ngay bây giờ gõ từ “một đem thanh tiến sỹ” trên thanh tìm kiếm của google thì có 1.640 kết quả chỉ sau 0,35 giây tìm kiếm.
Sẽ chẳng có cháy nhà, chết người xảy ra từ chuyện “một đêm thành tiến sỹ” này, nhưng không thể nói chuyện này vô hại. Việc tranh luận giữa Trần Trương và Trần Đình Sử mới đây là một ví dụ. Cũng đã có người trên danh thiếp của mình phải ghi rõ “Tiến sỹ (từ năm 1997)” để khẳng định mình là phó tiến sỹ, là thầy của những tiến sỹ mới được đào tạo theo Luật Giáo dục 1998,…
Hy vọng rằng từ nay trở đi đừng ai nói “một đêm thành tiến sỹ” nữa!
20/9/2-13