Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Giấc mộng - người thày của cuộc sống

Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn
Chủ nhật ngày 22 tháng 9 năm 2013 8:36 PM


Về tiểu thuyết "Chuyện cõi Trời- cõi Âm" của Hoàng Xuân Họa

     Một người bạn làm thơ nhỏ tai tôi: "Này, hình như lão Hoàng Xuân Họa cũng viết cả tiểu thuyết đấy!" Tôi không tin, bèn hỏi ông trong một cuộc giao lưu của Bích câu thi quán. Ông gãi đầu gãi tai vẻ cả thẹn, từ chối khéo, nhưng chắc là thấy rõ sự chân thành của tôi, ông mới thập thò đưa tôi đọc bản thảo tiểu thuyết đầu tay trước khi đưa nhà xuất bản để xin giấy phép in- cái giấy phép mà theo ông kể thì đáng lẽ phải có từ năm 2006, năm ông viết xong "Chuyện cõi Trời- cõi Âm"! Ấn tượng về bản thảo này mạnh đến độ khiến tôi, một kẻ tay trái với văn chương có đủ sự liều mạng cần thiết để có thể viết được mấy dòng này đặng mong được tri âm dù chỉ chút ít với người viết...
     Thú thực là, trước mấy trăm trang bản thảo đánh máy trang đôi khổ A4 (mà tác giả đã sắp trước cho nhà in), tôi rất e ngại, và hoảng sợ nữa... Không hiểu ông bạn lớn tuổi đáng yêu của mình đánh vật với anh "lực sĩ tiểu thuyết" ra sao đây? Bởi nếu đọc thơ Hoàng Xuân Họa, một giọng thơ vừa thủ thỉ vừa rình lúc người ta không chú ý liền bất ngờ xiên vào những triết lý tưởng vu vơ song thâm thúy, và khi tiếp xúc với ông, trong dáng vẻ một nhà giáo về hưu cù lần hoặc một ông tuyên huấn nhạt nhẽo, thì không ai có thể nghĩ rằng: ông cũng là một cây bút văn xuôi khá "đáo để"!
      Suốt hai chục trang đầu, thông qua giấc mơ, người đọc đã "bị" tác giả cho uống thuốc mê sự nuối tiếc và nhục cảm chân thực về cái cuộc tình bất thành trong quá khứ của nhân vật xưng Tôi và cô gái tên Huệ giữa chiến hào, để làm đòn bẩy thôi thúc những ai đã trót đọc ông đến lúc ấy phải theo hai nhân vật "đi cùng trời cuối đất"- trong tác phẩm là xuống hết thập điện Diêm phủ và lên đến cả vùng thiên giới của Ngọc Hoàng, Vương Mẫu. Và tác giả đã không đánh lừa độc giả khi ông tuyên bố: "Nhưng đời luôn có những sự trớ trêu của nó, ta muốn thế này con tạo lại vần xoay ra thế khác để mua vui trên cõi tạo hoá, để hành hạ kiếp người." Sự trớ trêu của số phận, những chuyện mua vui mà khiến ta chảy máu mắt, những cuộc hành hạ kiếp người đến lạnh xương sống... những điều đó đã được chi tiết hóa, tiểu thuyết hóa một cách dày công và khá tương xứng với tầm vóc tư tưởng - xã hội mà một tác phẩm văn xuôi tự sự hiện đại cần phải đạt tới! Dường như toàn bộ quan sát trải nghiệm của một đời quân ngũ và những năm tháng lăn lộn qua thời bao cấp, thời mở cửa... cùng bao ẩn ức tâm lý đã được tác giả đào bới, nhào nặn, mài rũa để rồi tác phẩm sẽ cựa quậy những con người hoặc những hình nhân đủ dáng vẻ, trong nhiều tình huống bi hài, kiểu một thứ "Hội chợ phù hoa"! Cái hình thức mượn giấc mơ để dễ dàng "tiêu dao" tới một thế giới khác kỳ ảo nhằm thâm nhập sâu hơn, tự nhiên hơn, có sức thuyết phục hơn về hiện thực đời sống chẳng phải là điều mới mẻ gì trong văn học nghệ thuật Đông Tây- Kim Cổ. Những giấc mộng của Trang Chu, chín vòng Luyện ngục dưới Địa phủ của thi hào Ý Đăngtơ, v.v, đã cho người ta thấy "hư hư, thực thực, kỳ ảo, thú vị" (Nam Hoa kinh, chương Thiên hạ) và rốt cục soi thấy mình rõ hơn trong thực tại. Điều đáng ghi nhận là, Hoàng Xuân Họa đã áp dụng thủ pháp Parabol này như cuốn tiểu thuyết của ông bắt buộc phải có hình thức đó, và kết cục, ông đã  thuyết phục được người đọc tin vào những gì mình miêu tả, để có thể cùng độc giả khẳng định giống như nhân vật thái tử Ba Lan trong kiệt tác sân khấu "Đời là giấc mộng" của Canđêrông: "Một giấc mộng đã là thầy dậy của ta...". Người "thầy dậy" quý báu ấy- khi là nhận xét chua chát về thế gian ngẫm dưới Âm phủ: "Không biết người ta nhìn thấy năng lực, tài cán đến mức nào của một ông lão trên năm mươi tuổi chưa học hết cấp phổ thông trung học, đã hưởng lương hưu còn xông ra tranh việc làm của lớp trẻ đang có trong tay vài bằng đại học, để các cháu phải dấn thân sang tận xứ Malaysia quét đường, đẩy xe rác, làm Ôsin... Tre cứ không chịu già còn kẽ nào cho măng mọc? Các vị giáo sư từng dạy dỗ các em cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ cái chất xám trí tuệ các thày mất bao công sức đào tạo bốn, năm năm trời bỏ phí bỏ hoài; phát buồn cho cái mớ đời nhố nhăng, nhỏ nhen đen bạc giữa cái thế kỷ gọi là văn minh này"; khi là một sự thật đau lòng về thói giả dối đang tràn ngập xã hội nhìn từ cõi Trời: "trách gì bao điều họ báo cáo về trời đều không thực cả; dân trần gian đang vất vả khổ sở, theo báo cáo của thần linh, thổ địa, ba vợ chồng nhà Táo Quân thì họ đang sung sướng lắm, nhờ giời họ béo tốt khoẻ mạnh lắm! Trong lúc họ đang lần ăn từng bữa, ăn độn khoai, sắn, ngô mảnh, bo bo cho thêm đầy dạ!"; khi là một sự đúc kết thâm trầm và uất hận qua lời người lính Lê dương: "Tao rất lạ là người Việt chúng mày nói thánh nói tướng như trạng Quỳnh nhưng suốt đời ăn xổi ở thì, tư duy ngắn cũn ngắn cỡn, thiếu hẳn phần nhìn xa trông rộng, thằng nào cũng vỗ ngực cho mình là tài, là giỏi, lại chẳng đem tài đem giỏi giúp cho người dân bớt nghèo khó, toàn bo bo cho riêng mình là tài, là giỏi?". Những bức xúc xã hội được thẩm thấu bởi một tâm hồn thi sĩ, một lương tri công dân trung thực, chúng lại được bộc bạch qua số phận lấm láp mồ hôi & máu, qua tình huống đời sống đầy kịch tính, qua chi tiết phũ phàng khắc họa đời sống & nhân vật, khiến sau khi gấp quyển sách lại tôi cảm thấy buồn hơn, đau hơn, xót hơn, và quan trọng hơn cả là thấm thía một điều: để cõi Trần, cõi Âm và cõi Trời khỏi biến thành những chốn ghê rợn của ma quỷ hoành hành, cuộc đời này với những con người cụ thể- trong đó có tôi, cần phải sống khác đi, tử tế hơn, nhân hậu hơn, có lý trí hơn...
      Phải chăng, đó cũng là lý do lớn nhất khiến ông bạn vong niên hiền lành vui tính của tôi cặm cụi khốn khổ cả hơn chục năm ròng để cho ra bằng được cuốn tiểu thuyết này? Và tôi có cơ sở để nghĩ rằng ông không phải tự ti xấu hổ khi bày tác phẩm của mình bên cạnh các đầu sách của những "đại gia tiểu thuyết" nước ta hiện giờ...


Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn