Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện không ra gì - nhưng cần phải kể

Vĩnh Thông
Thứ tư ngày 19 tháng 6 năm 2013 4:46 PM

Số là chuyện bút danh. Chỉ đơn giản là chuyện bút danh chứ không phải gì to tát. Như ai cũng biết, người sáng tác văn học, nghệ thuật thường có hai xu hướng để ghi tên tác giả, xem như là sự “đánh dấu”, sự “chứng nhận” quyền của mình đối với tác phẩm do mình tạo ra. Một là, sử dụng tên thật - tên khai sinh cha mẹ đặt sao để vậy. Hai là, dùng một cái tên khác do mình tự đặt ra, gọi là bút danh hoặc bút hiệu. Nếu nói rằng số lượng tác giả sử dụng tên thật là nhiều thì số lượng tác giả sử dụng bút danh cũng không phải ít. Có người dùng tên thật, cũng có người dùng bút danh, thậm chí có người dùng cả tên thật và bút danh, hay dùng nhiều bút danh khác nhau. Từ xưa đến nay đã có những trường hợp như vậy chứ không phải chỉ mới gần đây.
Nếu ai đó nghĩ rằng, bút danh là dành cho những người có tên khai sinh không được đẹp, họ dùng bút danh che giấu cái “chưa đẹp” trong tên thật của họ - thì suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ không phải tác giả nào có tên khai sinh “chưa đẹp” cũng đặt bút danh, và như thế, không phải tác giả nào có tên khai sinh đẹp đều dùng tên thật. Thí dụ như Nhất Linh tên thật Nguyễn Tường Tam, Hàn Mặc Tử tên thật Trần Trọng Trí, Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, hoặc có trường hợp người viết chọn bút danh vì một ẩn ý nào đó, như Thế Lữ là bút danh của Nguyễn Thứ Lễ, Nguyễn Đông Thức là bút danh của Nguyễn Đức Thông… Dĩ nhiên, tên những nhà văn, nhà thơ này rất đẹp, nhưng họ vẫn dùng bút danh. Hay như họa sĩ Nguyễn Hải Chí - cái tên rất đẹp, nhưng lại đặt cho mình bút hiệu trơ trọi có một chữ “Chóe”, vậy mà khi nói đến Nguyễn Hải Chí ít người biết chứ nói đến Chóe thì ai cũng biết.
Vậy thì, việc dùng bút danh hay tên thật chỉ đơn giản là bắt nguồn từ sở thích, hay từ một dấu ấn nào đó trong đời, hay một ẩn ý nào đó… Nhưng tựu trung lại, dù có ý nghĩa gì, thì bút danh cũng là “sản phẩm” được sinh ra từ… cá nhân và hoàn toàn thuộc về cá nhân.
Nói hơi dài dòng một tý, bởi vì câu chuyện tôi sắp kể đây lại xoáy vào việc bút danh và tên thật. Chuyện thì không có gì to tát, thậm chí còn “không đâu vào đâu”, nhưng xét lại thì nên phải kể, vì đây không chỉ là chuyện của riêng tôi, mà có lẽ nhiều người cũng có thể gặp tình huống tương tự.
Đó là vừa rồi, có một bác nhà văn (tôi gọi chú vì tôn trọng tuổi đời và nghiệp viết) gửi tặng tôi một quyển tạp chí mới xuất bản để “đọc chơi”. Ở trang đầu, phần ký tặng bác ấy không ghi bút danh của tôi như nhiều người từng tặng sách cho tôi, mà lại ghi tên thật. Điều đó cũng không sao. Nhưng quan trọng hơn là ở phía dưới, bác ấy còn ghi thêm một câu (nguyên văn): “Lưu ý: Thời văn minh này các nhà văn nhà thơ dùng tên khai sinh (bố mẹ đặt thế nào ghi như vậy) không ai dùng bút danh như thời lạc hậu”. Đọc câu này, không biết mình nên tức hay nên cười. Theo phép tắc thì phải báo bác ấy biết mình đã nhận được sách tặng và cám ơn, còn chuyện tranh luận, thôi thì để bàn sau qua email cho được rõ ràng, cụ thể hơn. Nhưng sau đó tôi lại quyết định nói kèm nội dung này vào tin nhắn điện thoại luôn, vì cũng không cần thiết phải nói dài dòng, quan trọng là cho bác ấy hiểu quan điểm của tôi.
Tôi gửi: “Cháu đã nhận được sách bác tặng. Bút danh không phải lạc hậu hay hiện đại mà là ý thích cá nhân mỗi người. Cám ơn bác”.
Bác ấy trả lời lại: “Không phải hiện đại hay không hiện đại, vấn đề chính ở chỗ là bây giờ không mấy ai dùng bút danh. Các nước phương Tây mấy trăm năm nay các nhà văn, cả những nhà khoa học nổi tiếng chỉ dùng tên khai sinh thôi”.
Tôi không chịu cách lập luận thế này, nên tiếp tục trả lời: “Ai thích dùng tên thật là quyền của họ, còn ai thích dùng bút danh cũng là quyền của người ta. Không thể vì nhiều người không dùng bút danh mà bắt người khác cũng không được dùng. Sống thì quan trọng là chính mình chứ đừng chạy theo người khác. Mình thích cái gì thì mình hãy tự do thể hiện”.
Bác ấy tức giận và bảo rằng: “Cháu mắc bệnh xấu của người viết là hay cãi. Thôi nhé bác không dạy được cháu thì thôi nhé không liên lạc nữa”.
Nếu bác ấy đã nói thế thì tôi cũng chẳng còn gì để tiếc nuối cho mối quan hệ giữa tôi và bác ấy, tôi gửi tin nhắn cuối: “Cháu nói đúng chứ không nói sai nên không sợ, bác không thích cháu thì thôi, cháu đành chịu. Nhưng bút danh là chuyện cá nhân, cháu sẽ là cháu chứ cháu không muốn chạy theo trào lưu gì hết. Người thích ăn phở thì không thể nào ép họ phải ăn cơm được. Cám ơn bác đã góp ý”.
Ôi ! Thật không thể hiểu nổi, tôi đã làm sai gì chứ. Tôi chọn cho mình một bút danh, chính thức dùng đó và nhất quyết muốn giữ nó, vậy là sai sao ? Giống như bạn mình mới mua quyển sách, mình đến nhà chê là sách này dở quá, xưa quá, kêu bạn bỏ đi, nhưng bạn không bỏ, vậy là mình giận bạn sao, trong khi đó chuyện tài sản của bạn thì có liên quan gì đến mình. Dĩ nhiên, có thể có người không thích bút danh của tôi, nhưng đó là sở thích của tôi, làm sao có thể phản bác sở thích người khác được. Giống như trong thí dụ mà tôi gửi bác ấy, một người thích ăn phở, thì dù anh có đem đến cho họ một mâm cơm tuyệt ngon, họ cũng chê là dở. Vậy thì mỗi người có ý thích, chủ kiến của riêng họ, sao lại bắt ép người ta làm theo ý mình. Người ta dùng bút danh, vì một lý do cá nhân nào đó của riêng người ta, mà mình thì không thể nào biết được, vậy thì sao lại bàn tán, cản ngăn, bất bình ? Chỉ vì tôi không chịu từ bỏ bút danh (tài sản của tôi) mà một mối quan hệ đã bị cắt đứt. Thử hỏi câu chuyện này có phải là “không ra gì” không ?
Tôi và bác ấy có thể vẫn tiếp tục cuộc tranh luận, nhưng cả hai thấy không cần thiết. Ai cũng có quan điểm riêng và ai cũng ra sức bảo vệ quan điểm của mình, thì tranh luận sẽ chẳng bao giờ ngã ngũ, trái lại còn làm tăng ấn tượng xấu về nhau. Bác ấy nói không sai, và tôi thì cũng chẳng sai. Bởi vì tôi có đặt bút danh thì cũng có ảnh hưởng tới ai đâu. Và thí dụ cả thế giới này không ai dùng bút danh, mà một mình tôi dùng, thì cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Bản thân bút danh, chỉ đơn thuần là những chữ cái ghép lại, nó không có tội, cũng không độc hại gì đến ai, vậy thì sao phải cố chấp để gán tội cho nó. Mà nếu nó có tội, chắc là tội “không giống thế giới” vì “cả trăm năm nay không ai dùng bút danh” như lời bác nhà văn ấy nói.
Thật ra thì tên khai sinh, hay bút danh, hoặc tên thường gọi nào khác đi nữa, thì cũng chẳng quan trọng, gọi ra tên nhau là để tránh lầm lẫn nhau mà thôi. Cái tên thì không thể hiện được con người, nên đừng chấp vào cái tên phải thế này hay thế khác. Cũng như có người đi học tên đẹp, về bên ngoại có tên gọi khác, về bên nội lại gọi khác, rồi cha mẹ thì gọi tên khác… thì cũng vậy, không có gì quan trọng cả. Như Nguyên Ngọc tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, lại có bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Hai bút danh “đứng tên” cho hai tác phẩm khác nhau là với “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Nếu có ai nói “Đất nước đứng lên” là của Nguyễn Trung Thành, “Rừng xà nu” là của Nguyên Ngọc thì “Đất nước đứng lên” vẫn là “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu” vẫn là “Rừng xà nu”, và tác giả cũng là một, đâu có đổi khác. Tuy nhiên, nếu nói vậy thì có thể nhiều người sẽ không biết. Vậy thì cứ nói như ý tác giả cho mọi người dễ biết, bởi vì thực tế cái tên Nguyên Ngọc đã gắn liền với “Đất nước đứng lên”, cái tên Nguyễn Trung Thành đã gắn liền với “Rừng xà nu”, còn cái tên Nguyễn Văn Báu thì gắn liền với… giấy chứng minh nhân dân !
Thực ra cũng do cái suy nghĩ của nhiều người quá lớn, họ muốn đem suy nghĩ của họ để “lấn át”, “đè bẹp” suy nghĩ người khác. Bởi vì khi cái suy nghĩ của họ lớn như thế, trong đầu họ chỉ biết rằng họ là đúng, luôn luôn đúng, còn người khác đều sai. Lời kết cho câu chuyện “không ra đâu” này, xin mượn ý của Đức Phật: “Dù cho cha mẹ đặt tên hay một tên nào khác, thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái “ta” hay cái “của ta” như chấp ngã thường lầm nhận”.