Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về vấn đề trau dồi bản lĩnh của nhà phê bình văn học

Nguyễn Huy Thông
Thứ ba ngày 18 tháng 6 năm 2013 3:15 PM


1. Như chúng ta đều biết trong những thành tựu chung của nền văn học nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có phần đóng góp đáng kể của các nhà lý luận, phê bình văn học. Theo chúng tôi nghĩ, phê bình văn học là một trong những yếu tố quan trọng, không thể thiếu để cấu thành khoa học về văn chương. Nó phải thực sự trở thành một hoạt động có hiệu quả, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình phát triển lành mạnh, đúng hướng của văn học nước ta. Nhiệm vụ chính của phê bình văn học là theo sát sự phát triển của văn học trong từng thời kỳ, nhất là văn học đương đại qua các tác phẩm và tác giả cụ thể để kịp thời đánh giá chính xác, khánh quan về các sự kiện, hiện tượng văn học nổi bật cũng như với một số tác phẩm, tác giả. Ngoài ra, phê bình văn học còn phải góp phần vào việc phát hiện, phê  phán và uốn nắn các hiện tượng, xu hướng văn học lệch lạc, sai lầm, đi ngược lại đường lối, quan điểm của  Đảng về văn hóa, văn nghệ và pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục và lối sống tốt đẹp của dân tộc. Những ý kiến phê bình chân thành, đúng mực, mang tính chuyên môn cao của các nhà phê bình sẽ có tác dụng lớn đối với các tác giả trong việc định hướng sáng tác, phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót đã mắc khi sáng tác. Chẳng những thế, phê bình văn học còn tác động hai chiều (tích cực và tiêu cực) đến quảng đại công chúng, đến dư luận xã hội trong việc thưởng thức, đánh giá tác phẩm. Nếu phê bình đúng, mang tính xây dựng thì sẽ giúp người đọc cảm thụ chính xác về mặt hay, mặt chưa hay của tác phẩm. Ngược lại, nếu phê bình tùy tiện, chủ quan theo cảm tính thì sẽ làm cho người đọc thêm rối mù về chuẩn mực đánh giá tác phẩm, gây bất bình cho nhiều độc giả có trình độ thẩm mỹ tốt.
Thực tế là trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam chúng ta đã có nhiều nhà lý luận, phê bình giàu trí tuệ, tâm huyết, mẫu mực, có uy tín cao trong làng văn và trong xã hội. Đó là những cây phê bình uyên bác về kiến thức nhiều mặt, lịch lãm, già dặn trong trường đời và quá trình nghiên cứu, sáng tạo, am hiểu sâu sắc về đặc trưng, thể loại văn học và sắc sảo trong quan điểm, nhận định. Có một thực tế là bên cạnh những đóng góp tích cực của phê bình văn học trong thời gian qua, so với yêu cầu và định hướng phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, công tác phê bình văn học của nước ta đã và đang bộc lộ những yếu kém, hạn chế, cần phải khẩn trương khắc phục. Nghị quyết 23 (6-2008) của Bộ Chính trị đã chỉ rõ “Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn  hóa phê bình bị hạ thấp…”
Theo chúng tôi, để góp phần khắc phục có hiệu quả các yếu kém nói trên và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học thì một trong những vấn đề cần phải chú ý, đó là vấn đề trau dồi bản lĩnh của nhà phê bình văn học.
2. Có thể nói đây là một vấn đề rộng lớn, gồm nhiều khía cạnh cụ thể, nhằm xây dựng cho được bản lĩnh phê bình vững vàng, trung thực, dám nói thẳng, nói thật, nói có lý lẽ, lập luận chính xác, thấu tình đạt lý, thuyết phục. Bản lĩnh đó yêu cầu nhà phê bình phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng, không nhắm mắt làm ngơ trước những sai trái trong văn chương cần phải uốn nắn. Tôi rất đồng cảm với tâm sự của nhà lý luận, phê bình văn học Mai Quốc Liên: “… có lúc, có việc không thể mũ ni che tai mãi được nên phải lên tiếng, phải tranh biện, vì nó quan hệ với vận mệnh chung của văn học” .
Sự dũng cảm, khảng khái đó thật cần thiết vô cùng. Thực tế đã chứng tỏ rằng phê bình văn học là một công việc nhọc nhằn, phức tạp, dễ đụng chạm, làm mất lòng người khác, kể cả những hệ lụy phiền phức cho người phê bình. Chính vì vậy mà nhà phê bình có bản lĩnh phải can đảm dấn thân, lao vào công việc, “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm cao cả và lương tâm trong sáng, vì mục đích xây dựng một nền văn học tốt đẹp với những tác phẩm đỉnh cao, chứ không phải vì mục đích tư lợi cá nhân nào. Các nhà sáng tác và đông đảo công chúng đều đòi hỏi nhà phê bình cần có thái độ thận trọng, công tâm, công bằng khi nhận xét, đánh giá tác phẩm, tác giả hoặc một hiện tượng văn học. Từ trước tới nay thường xuất hiện 2 xu hướng phê bình văn học: Xu hướng thứ nhất là khen, chê tùy tiện, theo cảm tính cá nhân, thích ai thì cực đoan bốc đồng, đề cao đến tận mây xanh, gây bất bình trong dư luận hoặc ghét ai thì thiên kiến vùi dập, chụp mũ phê phán nặng nề. Xu hướng thứ hai là đáng nhẽ nhà phê bình phải “xông trận” ngay để có tiếng nói tin cậy, hướng dẫn dư luận thì họ lại phớt lờ, lảng tránh trước hiện tượng văn học hay tác phẩm “có vấn đề” đang gây tranh cãi khen, chê rất khác nhau trong xã hội. Một số nhà phê bình thì rụt rè, phê bình một cách chung chung, chiếu lệ, mưa phùn gió nhẹ “vòng vo tam quốc”, khen chẳng ra khen, chê chẳng ra chê, cốt để không mất lòng ai.
Cả 2 xu hướng này đều có hại cho việc trau dồi bản lĩnh của nhà phê bình văn học. Nếu nhà phê bình có cái tâm trong sáng, có quan điếm tư tưởng tiên phong, vững vàng thì họ sẽ nhiệt tình làm tốt chức năng của mình, dám thể hiện thái độ rõ ràng để biểu dương hay phê phán. Điều khó nhất đối với người phê bình là khen, chê, nhận xét, đánh giá thế nào cho đúng, cho thỏa đáng, nhất là đối với các tác phẩm đang gay cấn. Kinh nghiệm của tôi và của nhiều nhà phê bình khác là phải nghiên cứu thật kỹ càng, bám vào tác phẩm để phân tích, chứ không vội vàng đánh giá lệch lạc, oan uổng cho tác giả hoặc bàn chuyện văn chương thì ít, bàn chuyện “râu ria” ngoài học thuật, không cần thiết thì nhiều. Rốt cục, những ý kiến phê bình ấy chẳng giúp ích được gì cho tác giả, lại gây bực dọc, phản ứng mạnh cho đông đảo công chúng.
3. Một khía cạnh nữa chúng tôi thấy cần phải lưu ý là việc duy trì nhiệt tình của nhà phê bình, thấy việc cần thiết thì lao vào làm với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, làm được việc này quả là điều không dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà phê bình phải có dũng khí, dám tranh luận phê phán, để khẳng định chân lý, giữ vững những tiêu chí, chuẩn mực trong phê bình văn học. Nhắm mắt làm ngơ cho qua chuyện thì dễ dàng, còn bắt tay vào cuộc thì phải vất vả, gian khổ. Tôi cảm thấy có không ít tác phẩm gây xôn xao trong dư luận, rất cần có tiếng nói kịp thời của nhà phê bình để góp phần vào việc định hướng, giúp người đọc đánh giá đúng tác phẩm thì ít được giới phê bình quan tâm. Cách đây không lâu, Nhà xuất bản Lao động ấn hành cuốn “ Thơ đến từ đâu” của tác giả  Nguyễn Đức Tùng, dày 570 trang, khổ 15cmx22cm, nêu lên một số ý kiến của các nhà thơ trong nước và ngoài nước đánh giá về thơ đương đại và một số vấn đề khác. Song đáng tiếc, trong cuốn sách bên cạnh những bài thơ tục tĩu, có một số ý kiến chủ quan, phiến diện, vơ đũa cả nắm, rất cần có sự trao đổi để tìm ra chân lý. Xin đơn cử các ý kiến sau đây:
- Một nhà thơ lão thành nổi tiếng cho rằng nhà thơ Ngân Giâng: “Lúc còn sống, chị không được công chúng biết đến, thơ của chị không được phép xuất bản (trang 45).
- Cũng nhà thơ trên nói : “Bất cứ một nhà thơ, nhà văn nào, miền  Bắc hay miền Nam, trong nước hay hải ngoại, đã viết bằng tiếng Việt thì đều là nhà văn Việt Nam và văn học của họ là văn học Việt Nam. Tôi rất yêu mến và trân trọng tác phẩm của các nhà thơ miền Nam trước đây… Tôi nghĩ rằng đó là một dòng văn học lớn”. (trang 58)
- Nhà thơ, tác giả cuốn sách nói trên nhận xét: “Trong thơ Việt hiện nay đầy sự giả dối (faking) (trang 100).
- Một nhà thơ dân tộc ở miền Trung sau khi xem 2 bài thơ của 2 tác giả khác cho rằng: “Cả hai bài thơ có khả năng đánh tơi tả vào cái nghiêm nghị trịnh trọng đầy giả tạo của văn chương và xã hội Việt Nam” (trang 195).
Rõ ràng là các ý kiến vữa dẫn là không đầy đủ, không đúng sự thật, cần phải được phân tích thấu đáo để giúp các tác giả hiểu chính xác thực chất tình hình văn học cũng như tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Điều đáng phàn nàn là có một số tác giả đã vội vàng đề cao quá đáng “Thơ đến từ đâu” mà không chỉ ra những thiếu sót, sai lệch của cuốn sách.
4. Chúng tôi nghĩ rằng nhà phê bình văn học có bản lĩnh là người luôn nêu cao ý thức thường trực và tư tưởng tiên phong, sẵn sàng trao đổi, tranh luận về những quan điểm, ý kiến trái chiều để bảo vệ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thẳng thắn phê bình những tác phẩm lệch lạc, phản thẩm mỹ, không có lợi cho việc xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú của con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Thực tế phát triển của văn học nước ta đã và đang xuất hiện không ít vấn đề rất cần có tiếng nói chuẩn xác, mực thước của nhà phê bình. Cho đến nay vẫn có những ý kiến như muốn hạ thấp hoặc phủ nhận thành tựu của văn học chống Mỹ, cứu nước; đánh giá sai lầm hoặc hạ thấp vai trò của nhà thơ lớn Tố Hữu – con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam... Tôi rất tán thành ý kiến thẳng thắn của nhà thơ  Hữu Thỉnh về đánh giá nền văn học chống Mỹ, cứu nước (xem Báo Nhân Dân số 21046, ngày 29/4/2013). Ông khẳng định đó là “một nền văn học nhân bản. Nó đề cao giá trị con người và về mặt nghệ thuật có rất nhiều thành tựu… Lớp nhà văn chống Mỹ chủ yếu xuất thân từ chiến sĩ. Cầm súng và cầm bút đều với tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, sẵn sàng đón nhận hy sinh”.
Bản lĩnh của nhà phê bình sẽ càng được bộc lộ qua thực tế đấu tranh phê bình, bằng những ý kiến xây dựng và chính xác. Những nhà phê bình có tâm, có tài nhất định sẽ không bỏ qua, không phê phán những tác phẩm có biểu hiện sai trái hoặc sơ lược, hời hợt về nội dung và dở kém về hình thức nghệ thuật. Có được nhà phê bình đầy bản lĩnh như vậy thật đáng quý.
Một điểm nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh là văn hóa phê bình trong quá trình xây dựng bản lĩnh nhà phê bình.
Nhà phê bình có bản lĩnh còn là người chín chắn, khiêm tốn, biết bình tĩnh lắng nghe những ý kiến thuận chiều và trái chiều. Khi tranh luận thì sáng suốt trong cách đặt vấn đề, phân tích, lập luận để bảo vệ chân lý. Họ có thái độ phục thiện, trọng lẽ phải, không cố chấp bảo thủ, tự cho mình là nhất “hạ mục vô nhân”. Trong tranh cãi họ không hề có ác ý, ngạo mạn, trịch thượng, coi thường, áp đặt, mất dân chủ, muốn lên lớp “dạy dỗ” người khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà phê bình và bạn đọc đã yêu cầu những người làm công tác văn học, nghệ thuật cần quan tâm tới yếu tố văn hóa trong phê bình và tiếp nhận phê bình. Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị đã viết: “Muốn khen, chê trung thực thì phải có văn hóa của khen, chê và văn hóa của sự tiếp nhận khen, chê” (xem Tuần san Sài Gòn giải phóng, thứ bảy, 15/2/2003).
5. Có thể nói do yêu cầu phát triển tự thân của nền văn học nước nhà và đòi hỏi ngày càng cao của đông đảo công chúng, công tác lý luận, phê bình văn học cần phải nhanh chóng tạo ra những chuyển biến cơ bản, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác đầy ý nghĩa này. Những nhà phê bình có bản lĩnh chính là những người có vai trò, trọng trách không nhỏ trong việc đẩy lùi sự tụt hậu của phê bình so với yêu cầu cuộc sống; rút ngắn khoảng cách giữa lý luận, phê bình với sáng tác; khẳng định vị trí, trách nhiệm của phê bình đối với sự phát triển của toàn bộ nền văn học và là cầu nối văn học với công chúng. Chính vì vậy mà chúng tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, việc trau dồi bản lĩnh tự tin, khẳng khái, hướng tới mục đích xây dựng chung, dám chịu trách nhiệm trước công chúng và xã hội… của nhà phê bình chính là cách thiết thực để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, vì một nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hà Đông, ngày 7/5/2013
N.H.T