Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lí luận phê bình hướng tới phản biện

Hoàng Quảng Uyên
Thứ ba ngày 18 tháng 6 năm 2013 10:16 PM

(Tham luận hội thảo: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
lý luận phê bình văn học trong tình hình hiện nay” do Hội nhà văn
Việt Nam tổ chức

Lý luận - phê bình của ta hiện nay thiếu tính phản biện, né tránh những vấn đề (tự gọi là)”gai góc”, “nhạy cảm”! Thiên về ca ngợi, đề cao tác phẩm, dù tác phẩm chưa “có tầm” như vậy. Nếu buộc phải phê bình thì “nhắc nhở” nhẹ nhàng, không quyết liệt, không đi đến tận cùng vấn đề, phân định đúng sai để mà chấp nhận hay lên án, loại bỏ. Quá thiếu vắng những cuộc bút chiến nhiều tri thức, nhiều vấn đề, nhiều phản biện. Phản biện làm gì cho mệt! Gây thù, chuốc oán mà chẳng giải quyết được gì, mà dù có muốn phản biện quyết liệt cũng “không có chỗ” để trình bày và in ý kiến phản biện... Đó là rào cản lớn cần vượt qua.
Hiện nay Lý luận - phê bình của ta dường như tách làm hai thái cực: Thái cực thứ nhất là lý luận của những học giả “nhiều chữ”: Thích hoành tráng, bề thế, nhiều trích dẫn những lý thuyết hiện đại này, những luận điểm tân tiến kia để “hướng dẫn dư luận”. Những bài Lý luận kiểu này đầy “lý thuyết”, nhiều khi sa đà vào kinh viện chủ nghĩa. Xin được gọi thái cực Lý luận - phê bình này theo ngôn ngữ điện ảnh là Toàn cảnh. Thái cực thứ hai là lối phê bình ưa chi tiết, cụ thể mà tôi gọi là Cận cảnh. Họ thích bình một bài thơ,“phát biểu cảm tưởng” về một cuốn sách! Ở thái cực này không phải không có bài hay, có giá trị nhưng những gì được “trình diễn” trên các tờ báo ngày, báo tuần, báo tháng “vô cùng nhiều” những bài bình thơ, giới thiệu thơ theo kiểu “diễn nôm thơ”. Những bài giới thiệu sách nặng về “phát biểu cảm tưởng”, đôi khi “nói lấy được”. Chính vì vậy những bài giới thiệu (phê bình) theo lối Cận cảnh này càng xuất hiện nhiều càng làm cho người đọc thờ ơ, bỏ qua.
Tách bạch như vậy sẽ thấy hai lối phê bình không dễ chấp nhận nhau! Vấn đề đặt ra ở đây là phải tạo ra sự hài hoà, gắn kết 2 thái cực này để khi đọc một bài viết lý luận - phê bình dù ngắn, dù dài phải thấy được cả Toàn cảnh và Cận cảnh! Nói theo lối “cổ truyền” là vừa thấy cây, vừa thấy rừng.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là quan niệm và quan hệ trong lý luận, phê bình. Trước hết là về quan niệm. Trong một xã hội quá trọng bằng cấp, trọng học hàm, học vị như ở ta hiện nay thì lý luận phê bình không thể là ngoại lệ. Bây giờ nhiều người viết văn, viết thơ “nhảy sang” viết phê bình, làm việc tay ngang, bài viết của họ nhiều cận cảnh, ít toàn cảnh nên theo “quan điểm chung” họ không phải là “người nhà” trong ngôi nhà lý luận - phê bình - nơi cần nhiều sách vở, cần nhiều bài bản! Có sao! chẳng việc gì lấn cấn, buồn bã!
Chẳng việc gì lấn cấn nhưng có một chút bất bình. Lấy ví dụ từ bản thân (không lấy ví dụ của người khác gây phiền nhiễu). Tôi xuất bản 2 cuốn khảo cứu có đầu đề ĐI TÌM NHẬT KÝ TRONG TÙ gồm 2 nội dung: 1- Đi tìm bản gốc NHẬT KÝ TRONG TÙ;  2- Đi tìm vẻ đẹp thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ. Phần 1 đậm chất phóng sự, điều tra không nói làm gì, phần 2 là những khảo cứu, những phát hiện, những dẫn giải, “hiệu đính” những chỗ dịch sai, hiểu sai về thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ với những chứng cứ và lập luận có cơ sở mang đậm chất lý luận, phê bình... thì  bị bỏ qua! trong một đợt xét giải, cuốn sách của tôi bị gạt ra rìa một cách thẳng thừng! Không sao cả! Mỗi ban giám khảo có một quan điểm riêng, cách xét giải riêng và quyền lực riêng! Xin không bàn.
Nhân nói về NHẬT KÝ TRONG TÙ, cái điều mà tôi nói là không đi đến tận cùng với sự thiên lệch thể hiện rõ khi tôi đưa ra để bàn thảo một vấn đề quan trọng: Đã hơn 10 năm qua Sách giáo khoa phổ thông giảng chưa trúng (nếu không muốn nói là sai) bài thơ LAI TÂN, làm giảm giá trị bài thơ và phong cách thơ Hồ Chí Minh rất nhiều. Điều “chưa trúng” là ở câu 3: Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự, dịch nghĩa: Huyện Trưởng đốt đèn làm công việc. Trong bài thơ này Bác Hồ đã sử dụng câu tiếng lóng của vùng Quảng Tây Trung Quốc có nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện! Đó là kiểu cách theo lối Trạng Quỳnh “gậy ông đập lưng ông”, đắc địa, thâm thuý đậm chất Uy mua Việt Nam đến mức Tuỳ viên văn hoá đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phải viết thư hỏi Bác Hồ: “Câu thứ 3: Huyện Trưởng thiêu đăng biện công sự (縣長燒燈辦公事) ở Trung Quốc câu này trước hết có nghĩa là: Huyện Trưởng đốt đèn hút thuốc phiện”. (Văn bản ngày 4-2-1960 của Viện văn học) - Bác Hồ hiểu ngay vấn đề bèn lấy bút chì đỏ gạch chữ hút thuốc phiện đi rồi viết 2 chữ làm việc bằng bút chì xanh! Thật tài tình! Trả lời mà như không trả lời. Biện công sự dịch là làm việc là quá đúng còn đặt trong ngữ cảnh bài thơ, “quyền” hiểu là ở người đọc! Thế nhưng vấn đề gây rắc rối sau này là ở chỗ Viện văn học lại dịch câu đó là: Huyện trưởng chong đèn làm việc công! để ngầm chỉ một ông huyện trưởng mẫn cán, quan liêu chong đèn tới khuya làm việc công, không giám sát cấp dưới để cấp dưới làm bậy. Việc thay đổi từ đốt đèn (thiêu đăng:  燒燈) ra chong đèn; Và làm công việc (biện công sự: 辦公事) thành làm việc công  đã làm sai nghĩa hoàn toàn câu thơ - để rồi năm này qua năm khác giáo viên giảng cho học sinh: chế độ nhà tù của Tưởng Giới Thạch thối nát: ban trưởng: đánh bạc, cảnh trưởng ăn tiền, huyện trưởng: quan liêu. (Sau này có mở ngoặc: có thể hiểu: Huyện trưởng hút thuốc phiện). Không! ở bài này chỉ có một cách hiểu và giảng duy nhất: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện! (Với lời chú thích đó là một câu tiếng lóng vùng Quảng Tây, Trung Quốc) Không biết đến năm 2015, khi hoàn thành việc viết sách giáo khoa mới có còn bài LAI TÂN hay không? Nếu còn và giảng theo lối cũ tôi sẽ “phản biện” đến cùng. Vấn đề này tôi đã viết báo, tôi đã đề nghị ở chỗ này, chỗ kia nhưng chẳng nhận được hồi âm! Đó là bi kịch Lý luận - phê bình ít ra là của riêng tôi. (Xin nói chuyện vui: khi đồng chí Vũ Kỳ đưa bản dịch NHẬT KÝ TRONG TÙ của Viện văn học cho Bác Hồ xem để Bác cho ý kiến. Bác đưa cho đồng chí Vũ Kỳ đọc cho Bác nghe mấy bài. Nghe xong Bác bảo “Chú đưa trả lại cho Viện văn học) và nói thêm rằng:  “Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác làm”. (Băng ghi âm lời ông Vũ Kỳ).) (Nói thêm bài thơ NGUYÊN TIÊU, câu 3: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. Xuân Thuỷ dịch: Giữa dòng bàn bạc việc quân - quá xa nghĩa gốc. Nếu Bác được xem bản dịch của Xuân Thuỷ, chắc Bác cười mà rằng “Thơ Xuân Thuỷ dịch hay hơn Thơ bác làm!”) (Tôi sẽ nói kỹ chuyện này ở một bài khác).
Trở lại công văn ngày 4-2-1960, ở trang 2 còn một khoảng giấy trống, Bác bèn viết một bài thơ chữ Hán vào đó (chính là bài Tân xuất ngục, học Đăng Sơn) - đó là văn bản duy nhất về bài thơ này. Từ bài thơ đó tôi đi tìm Tây phong lĩnh ở đâu (trong câu Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh).Tìm thấy rồi tôi viết một bài đăng trên Báo văn nghệ. Một phó giáo sư Hán Nôm viết bài “phản bác” tôi (In trong Tạp chí Thơ số tháng 10-2010). Tôi không ngờ bài viết có nhiều chỗ sai đến thế. Tôi viết bài “phản biện” ngay, đề nghị in vào những số tiếp liền nhưng tạp chí Thơ không in! Mãi sau, tìm được chỗ nhận in thì phó Giáo sư mất, tôi đành dừng lại vì in bài “phản biện” ra sẽ có người cho tôi là thất nhân tâm, chờ khi người ta không còn, mới lên tiếng! Thế là hèn! Thôi thì chịu thua thiệt vậy! Nhưng bài của phó Giáo sư có nhiều điều sai cần đính chính (chắc do yếu sức khoẻ) - chẳng hạn như chữ phong (峰) là đỉnh núi, Bác Hồ viết chữ phùng          (夆) bên cạnh có bộ sơn (山) thì phó Giáo sư viết chữ phùng  (夆)  bên cạnh có bộ trùng (虫), thành ra con ong (蜂)! Đỉnh núi mà biến thành con ong thì kỳ quá!
Có thể xem, đây là một Bi kịch nữa với một người làm phê binh tay ngang như tôi.
Nói về quan hệ giữa người phê bình và bị phê bình cũng có nhiều chuyện buồn cười. Có một lần tôi phát hiện một bạn thơ bê y nguyên một đoạn thơ trong trường ca sống chụ son sao vào làm thơ mình (Bài viết in trong tạp chí thơ, văn nghệ trẻ). Bạn thơ kia bèn lên mạng tuyên bố: “Người miền núi ít cãi nhau lắm!”. Ơ kìa! Sao lại “cãi nhau” khi ăn cắp bị bắt quả tang nhỉ! Ngay mới đây một bạn thơ khác “lắp” một câu thơ Thái vào câu hát của người Nùng An - Thơ sáo, mòn và cũ... Nói ra thì lại gây thù chuốc oán! Hay chuyện các nhà Thơ người dân tộc “sính” làm thơ bằng tiếng dân tộc rồi tự dịch ra Tiếng Việt để tỏ rõ hồn dân tộc của mình nhưng kỳ thực họ đã thao tác ngược - làm thơ bằng tiếng Kinh rồi dịch ra tiếng dân tộc...
Ở một “thái cực” khác khi tôi in một bài phê bình một tập thơ trên Tuần báo văn nghệ, trên mạng lập tức có ý kiến phản hồi, với một “tiên tri rởm”: “Ông Hoàng Quảng Uyên sắp vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam!”  Nhảm vô cùng tận!
Trong một bài viết ngắn, không thể nói nhiều, chỉ xin đưa ra vài “cận cảnh” phê bình của chính mình để chia xẻ với mong muốn Lý luận - phê bình ngày càng tươi mới, trong sáng trên con đường hướng tới phản biện. Hy vọng và tin tưởng./.
 Thành phố Cao Bằng, ngày 21/04/2013