( Nhân đọc tập bút ký Lạ lùng bóng giai nhân của Cao Minh, NXB Phụ Nữ, 2013 )
Với 325 trang trĩu nặng những tâm tư, những nỗi niềm của tác giả về văn hóa, về tình người. " LẠ LÙNG BÓNG GIAI NHÂN" là tập hợp những bài viết tâm huyết nhất về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội của nhà báo Cao Minh.
Có thể nói đây là những bài ca, ca ngợi vẻ đẹp thuần phác của nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam được bộc lộ qua hội hè, đình đám, lễ nghi phong tục và các hoạt động khác.
Vẻ đẹp của nền văn hóa Việt được sản sinh chủ yếu từ các làng quê Việt Nam, và nó được cất giấu kỹ càng trong mỗi trái tim Việt.
Việc này tác giả lý giải: " Cũng không biết tự bao giờ những câu dân ca, những làn điệu chèo, những cánh cò bay lả bay la... đã thấm trong tôi - một người sinh ra giữa chốn thị thành! Có phải chăng trong mỗi con người chúng ta hôm nay dù đã nhuốm bụi trần, đã phai màu rơm rạ vài thế hệ ở chốn phố phường, nhưng trong thẳm sâu vẫn thấp thoáng đâu đó tiếng gọi của khóm tre, bờ lúa....
Quê hương là gì, nếu không là tiếng mõ trâu lốc cốc những chiều tà, tiếng xào xạc cành tre những trưa hè nắng gắt... những gõ gạch lát nghiêng dẫn đến nếp nhà tranh đơn sơ sau bụi ruối, bụi cúc tần, vọng đưa kẽo kẹt cánh võng với giọng bà à ơi ru cháu...".
Điều mà tác giả mô tả với tình cảm da diết đó chính là HỒN QUÊ. Thật vậy, đã là người Việt Nam thì ai chẳng có một chút hồn quê, dù bước chân đã đặt tới muôn nẻo đường đời.
Đúng như tác giả tự sự, nền văn hóa Việt Nam chủ yếu là văn hóa làng xã, bởi nó được hình thành từ làng xã, ăn sâu bám rễ vào làng xã, nó được gìn giữ và truyền đời cũng từ cái nôi làng xã. Chính vì vậy, dù trải qua vật đổi sao dời với cả ngàn năm Bắc thuộc, ngót trăm năm Pháp thuộc với đủ thứ mưu ma chước quỷ của kẻ xâm lược, chúng vẫn không thủ tiêu hoặc đồng hóa được nền văn hóa Việt. Một khi ngôn ngữ tiếng Việt còn, phong tục, tập quán và lễ nghi tín ngưỡng của người Việt còn, thì nền văn hóa Việt còn tồn tại một cách vững vàng. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao tác giả đã có mấy đời sinh ra từ chốn thị thành, mà vẫn cứ vương vấn HỒN QUÊ.
Với cảm nhận đó, tác giả đã hóa thân vào các hội hè, hóa thân vào các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa trên khắp mọi miền của đất nước, như Hội Lim với tiếng hát quyến rũ hồn người của các liền anh liền chị xứ Kinh Bắc. Như cảnh đẹp Sa Pa, như nhị nữ Trưng Vương, kỳ tích thành Nhà Hồ...
Tác giả mô tả vẻ đẹp hùng vĩ và tài năng của người dân Việt đã dựng được một tòa thành kỳ vĩ chỉ trong ba năm trời, và nó vừa được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa vật thể thế giới. Tuyệt nhiên tác giả không ca ngợi cha con Hồ Quý Ly, bởi chính Hồ Quý Ly là kẻ đã làm tiêu tan sức mạnh và ý chí quật cường của dân tộc, khiến dân tộc mất sức đề kháng, khiến non sông rơi vào tay giặc.
Tuy là với thể bút ký, nhưng tác giả không ngại đi vào các góc khuất của các vĩ nhân. Trường hợp vị tướng tài ba Nguyễn Bình chuyển hướng từ đảng viên Quốc dân đảng, sang hàng ngũ những người cách mạng theo Đảng Cộng sản. Và những kỳ tích có một không hai của ông từ những ngày đầu khởi nghĩa của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, rồi được Cụ Hồ biệt phái vào Nam Bộ, thu phục các giáo phái hòa hợp với Việt Minh thành lực lượng kháng chiến... Về tướng Nguyễn Bình hiện nay vẫn còn là một bí ẩn, và bài viết về ông của Cao Minh in trên báo Hải Phòng tháng 11 năm 2008, dường như là bài báo đầu tiên nói được hơi kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cái khoảnh khắc "mờ chồng" này hẳn còn phải đợi các sử gia tài ba và gan góc đi vào khám phá, chứ như hiện nay thì đúng như Nguyễn Trãi từng than: " Ai ai đều đã bằng cân hết. Nước chẳng còn có Sử Ngư"- ( Sử Ngư là nhà chép sử trung thực, nổi tiếng cương trực của Trung Hoa thời cổ đại).
Tôi thật không ngờ, nhìn vẻ ngoài thư sinh của chàng trai Hà Nội này thế mà đã từng là lính " Giải phóng quân", đánh vào tới tận Sài Gòn, tận Dinh Độc Lập. Đất nước yên bình, chàng trở về quê hương học đại học và ra làm báo. Tôi từng biết Cao Minh đã làm trong các báo " Người Hà Nội", " Thể thao Văn hóa Hà Nội", " Sài Gòn Giải Phóng", thường đọc các bài bút ký văn học của anh vào các dịp Hà Nội giao mùa, nói về vẻ đẹp khôi nguyên của Hà Nội; nhưng bức xúc và xót xa bởi vẻ đẹp đó cứ mất dần trong sự tàn phá phũ phàng của những nhà quản lý thiếu văn hóa.
" Công nữ triều Nguyễn mở cõi", khiến tôi thật ngỡ ngàng về cái bút ký khảo cứu về lịch sử này.
Tác giả đưa ra ánh sáng về công lao và sự nghiệp của một trang nữ lưu đã góp phần to lớn vào công cuộc mở mang bờ cõi, mà bấy lâu nay vẫn bị khuất chìm trong mớ thư tịch cổ. Có thể nói đây là một Huyền Trân công chúa thứ hai của Đại Việt.
Tác giả viết thật có nghề: điền dã, nghiên cứu, khảo tả công phu như là một cây bút viết về lịch sử thuần thục nhưng với cách nhìn mới. Bài viết đã cung cấp cho ta nhiều thông tin lịch sử bổ ích, cũng như tài năng và tấm lòng yêu nước của Công nữ Ngọc Vạn, là con gái của vị chúa Sãi ( Nguyễn Phúc Nguyên) được gả cho vua nước Chân Lạp. Công lao của bà đối với quê hương xứ sở được phát lộ cũng từ khi bà phải dời bỏ quê hương.
Phải nói, tất cả các bài viết trong tập sách này, mỗi bài một vẻ, bài nào cũng cung cấp cho ta một ít thông tin, một ít tri thức mà ta cần. Song tôi đặc biệt quý cái tình của tác giả phả vào bài viết về nhà văn Vũ Đình Long, tác giả của những vở kịch nói nổi tiếng như " Chén thuốc độc" ( 1921), " Tòa án lương tâm" (1923). Đó là những vở kịch nói đầu tiên của nền văn học nước ta viết theo lối văn hiện đại, và được công diễn nhiều đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội, được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh.
Phải nói từng trang, từng trang viết của Cao Minh đều mang ý thức gạn đục khơi trong, để chắt lọc ra một cái gì đó mang hồn cốt văn hóa Việt, con người Việt. Và anh còn tranh thủ khai thác tối đa những người mà trong họ còn ẩn chứa tiềm tàng tinh hoa văn hóa, tựa như một cuốn từ điển sống, như trường hợp nhà văn Tô Hoài.
Trong tất cả các bài viết, tác giả không chỉ nhằm phô diễn vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, từ lời ăn tiếng nói đến giọng hát tiếng đàn trong các làn điệu dân ca, trong nếp sống thường hằng cũng như trong hội hè đình đám, lễ nghi phong tục, kể cả sự tham dự của văn hóa vào lịch sử dựng nước và giữ nước. Đâu đây ta còn nghe như tác giả còn nén giấu một tiếng thở dài, một niềm tiếc nuối pha lẫn xót đau rằng thuần phong mỹ tục cứ dần dần đội nón ra đi, và thế chân vào đó là những hủ tục mới và cả sự lấn sân của dòng văn hóa ngoại lai, dường như chúng đang lăm le soán ngôi chủ lưu của dòng văn hóa Việt tộc.
Là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tác giả thật sự xót đau cảnh báo: " Nếu chúng ta không sớm xây dựng lại hình ảnh người Hà Nội thì e rằng những gì là tinh túy của Thăng Long- Hà Nội sẽ trở thành tạp lai và không thể nhận diện đâu là văn hóa Hà Nội, đâu là con người Hà Nội...".
Trong nhiều trang viết, tác giả đã dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của nền văn hóa nước nhà, nếu không cứu vãn kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường. Bởi nói cho cùng, dù kinh tế, chính trị hay gì gì đi nữa thì văn hóa vẫn là hồn cốt của một dân tộc.
Khi một dân tộc đã đánh mất đi hồn cốt của chính mình, thì dân tộc đó trở nên trống rỗng không hồn cốt, tựa như kẻ không có linh hồn.
XIN GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI TRONG BÓNG GIAI NHÂN
BÂNG KHUÂNG QUAN HỌ
Ai người Việt Nam, ai sinh ra trong vùng châu thổ của con sông Cái (sông Hồng) lại chẳng khắc khoải nỗi nhớ, bâng khuâng nỗi niềm với quan họ, làng Lim...
Cũng không biết tự bao giờ những câu dân ca, những làn điệu chèo, những cánh cò bay lả bay la... đã thấm trong tôi - một người sinh ra giữa chốn thị thành! Có phải chăng trong mỗi con người chúng ta hôm nay dù đã nhuốm bụi trần, đã phai màu rơm rạ vài thế hệ ở chốn phố phường; nhưng trong thẳm sâu vẫn thấp thoáng đâu đó tiếng gọi của khóm tre, bờ lúa... Quê hương là gì nếu không là tiếng mõ trâu lốc cốc những chiều tà, tiếng xào xạc cành tre những trưa hè nắng gắt, tiếng ve ran những hàng cây dọc phố, những ngõ gạch lát nghiêng dẫn đến nếp nhà tranh đơn sơ sau bụi ruối, bụi cúc tần, vọng đưa kẽo kẹt cánh võng với giọng bà à ơi ru cháu... Những chùm me, chùm sấu, gốc bàng, hàng cột điện dọc phố gợi về nơi cây đa, sân đình, cổng làng và những cây sung, cây gạo... Và, những tất bật ngày mùa, tảo tần ngày ba ngày tám...
Ai chẳng có một hồn quê dù bước chân đã đặt muôn nẻo, ngẩng mặt nhìn những tòa nhà cao vút nơi trời Âu, trời Mỹ... Hồn quê! Vâng! Phải chăng nó đã làm nên phẩm chất người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam; cũng tạo nên cái lãng mạn, trữ tình rất Việt Nam...
Quan họ, tiếng hát quan họ là một âm tuyệt đẹp trong cung đàn Việt Nam; là sự lãng mạn của hương đồng gió nội quện quấn trong cái chừng mực, nguyên khiết, đượm màu cổ xưa, dân dã...
Khắc khoải niềm quan họ, cứ hàng năm đến hẹn lại lên, chúng tôi lên làng Lim từ chiều 11 tháng giêng để được tận hưởng những đêm quan họ thực thụ. Chính hội Quan họ là ngày 13 tháng giêng. Ngày đó người cả nước đổ về vùng quan họ, về Hội Lim để nghe quan họ trên đồi Lim, nghe quan họ do các liền anh liền chị hát trên chiếc thuyền rồng nhỏ xinh, trong cái ao cũng nho nhỏ... Những người khá sành nghe gọi đó là quan họ " mậu dịch", người đi xem người mà thôi, làm sao có thể thưởng thức được cái hay, cái đẹp của quan họ... Cái may của chúng tôi, cũng nhờ mê quan họ mà giao tình mật thiết với anh hai Chiến hàng chục năm nay; lại thêm người bạn là họa sĩ Đỗ Dũng người vùng quan họ, anh đam mê quan họ lắm, năm nào cũng dành hàng tuần, hàng nửa tháng để về đất quan họ lân la tìm hiểu, theo hát và hát khá hay, nhớ khá nhiều bài quan họ cổ.
Hội chính ngày mười ba nhưng trước đó vài ngày vùng quan họ đã thực sự vào hội. Theo truyền thuyết, vùng quan họ Kinh Bắc gồm 49 làng quan họ, coi nhau như anh em. Ngày xưa, Vua Bà về đây khai khẩn, lập ấp mang theo 49 người hầu hạ; Vua Bà đã dạy 49 người tập hát quan họ, sau 49 người rải ra ở 49 làng mà nên vùng quan họ đến ngày nay. Đền thờ Vua Bà ở làng Diềm ( thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong). Làng Diềm được ghi nhận là làng quan họ gốc. Theo các cao lão vùng quan họ, quan họ ngày xưa không chỉ hát quan họ vào các lễ hội mùa xuân mà hát cả những khi có công cha, việc mẹ, cưới xin ăn hỏi, vào đám ăn khao...
Quan họ không biết có tự bao giờ, chỉ biết đời này truyền cho đời khác mà tồn tại, mà tạo nên một nét văn hóa, một phong tục văn hóa - lễ hội đặc sắc " độc nhất vô nhị" của xứ Kinh Bắc, của Việt Nam. Nhiều loại hình văn hóa- nghệ thuật- lễ hội, qua thời gian và những biến thiên, biến cố của lịch sử cùng sự giao lưu, giao thoa của các dòng chảy văn hóa khác đã bị tạp lai, pha trộn... Quan họ Kinh Bắc đã bao đời, cứ riêng một dòng chảy thấm đẫm tâm hồn người chốn quan họ, người vùng châu thổ sông Hồng và, người mọi miền đất nước. Người quan họ, cũng từ bao đời nay truyền lại không gọi là đi hát hay đi xem quan họ mà là chơi quan họ. Một thú chơi thật thanh khiết, nặng tình và nồng ấm hơi thở của một vùng quê Việt Nam. Người ta không những lưu luyến bởi lời ca tiếng hát, còn lưu luyến bởi tấm lòng nồng hậu, chân thành, hiếu khách của con người xứ quan họ.
Anh Hai Chiến- một liền anh quan họ làng Lũng Giang( làng Lim)vồn vã, xởi lởi nắm tay từng người. Chiều đã nhập nhoạng, quanh mâm cơm đón khách có chai rượu gạo nút lá chuối, sau lời mời rượi đầu xuân, anh hai Chiến cất giọng cùng anh hai Thảo. Không thể ngờ rằng con người mộc mạc, chân quê như anh hai Chiến lại có giọng đẹp làm say lòng người đến thế. Các anh hát say sưa và người nghe cũng say sưa không kém. nào những bài " Mời nước", " Mời trầu", "Trà mạn hảo", Con trai cầu Lim"... Như hiển hiện dòng sông Tiêu Tương một thủa cứ chảy trôi, lênh láng. Màn đêm buông xuống, chúng tôi ra đình làng Lim. Ngôi đình to rộng là thế mà kín người. Các liền anh liền chị đang trổ hết tài nghệ vào giọng hát lời ca... Tiếng hát đằm thắm, mượt mà, ngọt ngào cứ tỏa lan vang vọng đến từng viên ngói âm dương, từng đầu đao cong cong; tiếng hát như níu buộc tâm hồn mỗi người; tỏa lan vào không trung đặc quánh hồn quê nơi đây... Thi thoảng những tiếng xuýt xoa, trầm trồ( khe khẽ thôi) và những tiếng vỗ tay không kìm nén được bật ra từ người nghe.
Ai đam mê quan họ hay thuần túy chỉ thích quan họ thôi; nếu chưa một lần được lang thang đêm trong làng quan họ thì quả là chưa tận hưởng được cái hay, cái đẹp, cái cách chơi quan họ của người quan họ.
Mười một giờ đêm, dời đình làng Lim, theo chân các liền anh đến với các canh hát quan họ trong làng. Người sành hay ưa thích quan họ thường tìm đến nghe các liền anh liền chị ở các làng quan họ hát, chứ ít chấp nhận nghe quan họ được đem biểu diễn trên sân khấu. Được nghe quan họ "mộc", có nghĩa các liền anh liền chị ngồi đối diện nhau hát giao duyên, đối đáp mà không có micro, không có đàn đệm mới tận hưởng được cái phong phú của các làn điệu, cái hay, nhuyễn của tiếng hát; cái tình tứ bạo liệt như đã dồn nén những nhớ thương da diết của hàng năm đằng đẵng vấn vương của tình quan họ... Chuẩn độ của một giọng quan họ phải đạt được là: Vang- Rền- Nền- Nảy. Những canh hát thực sự của người chơi quan họ thường diễn ra về đêm. Nếu như canh hát ở đình, chùa thường được tổ chức với mục đích phục vụ người nghe thì, những canh hát tổ chức tại nhà riêng mới là cuộc chơi quan họ thực thụ mà, những người tham dự dốc cả vốn liếng, tài năng của mình để đối đáp, so tài với nhau, dẫn canh hát đi từ cung bậc này sang cung bậc khác. Và, các liền anh liền chị, thật ngạc nhiên khi họ thuộc nhiều đến thế các giọng điệu, lời ca quan họ cổ... Cảm giác như không bao giờ vơi cạn cái mạch nguồn quan họ đã thấm đẫm trong mỗi người.
Đêm, lang thang tìm đến những canh hát ở làng Lim và các làng xung quanh, tâm hồn như bay bổng giữa ảo và thực... Đâu con sông Tương nước chảy lững lờ, đâu dải yếm thắm, tà áo bay... Đâu con mắt sóng sánh tình, lưu luyến bạn; đâu nỗi lòng khát cháy mà chẳng đến được với nhau; đâu nỗi tri âm tri kỷ của Bá Nha-Tử Kỳ của các liền chị liền anh... Thoảng đâu đó mùi rơm rạ ẩm mốc, mùi hoa bưởi hoa chanh ngan ngát những con ngõ gạch lát nghiêng khấp khểnh, hun hút mờ trong sương đêm... Cảm ơn ai đã đặt ra cái lệ luật quan họ: Liền chị liền anh không được thành vợ thành chồng. Ôi! Nếu thành vợ thành chồng thì còn đâu quan họ, còn đâu cái đắm say muôn thuở, đeo đẳng một kếp người mà nhớ mà thương:
Hẹn nhau ngày hội hôm nay
Giao duyên kết bạn để mai này sầu đong...
Quan họ thanh khiết, đắm say, tình tứ là ở đó. Lời quan họ như khắc khoải, dãi bầy:
Ấy vì tình, lên tận làng Lim
Sang chơi đường quan họ phân minh vài điều
(Vì tình- điệu Cung trăng).
Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm không ngủ nhớ ngày quên ăn
Chị Hai ơi! Việc tôi không muốn làm
Ngủ đi thì chớ thức dậy lúc nào cũng nhớ cùng thương
Chị Ba ơi! Tôi biết đến bao giờ
Xạ bén hơi hương mặn nồng...
( La rằng)...
Quãng hai ba giờ sáng chúng tôi kéo về nhà anh Hai Thảo. Anh hai Chiến rủ thêm các anh hai Đặng, anh hai Thoa( liền anh nổi tiếng của vùng Lim) hát với nhau, hát cho nhau, hát cho chúng tôi nghe. Chúng tôi như chìm vào dòng sông quan họ, phiêu dạt, lãng du từ lời ca này sang lời ca kia, từ cung bậc này đến cung bậc khác...đến khi tiếng chim véo von trên cành bưởi báo tin trời sáng, làng đang tất bật vào hội chính mười ba.
Bây giờ còn sớm người ơi
Xin đôi người ở lại mà chơi đến mai sẽ về...
( Giữ bạn)
Tiếng hát các liền anh Thoa, Đặng, Chiến, Thảo; các liền chị Hài, Hương, Lộ, Tuyết, Sứ...da diết, đằm thắm, vang vọng như níu giữ tâm hồn chúng tôi...
Quan họ ơi, là gì mà nhớ mà bâng khuâng đến thế!
Hà Nội, xuân 2004
VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP
Tiểu luận
Khái niệm Văn hóa vô cùng rộng lớn, có thể nói bao trùm mọi họat động xã hội của con người. Văn hóa, nói cho cùng đó là tri thức và những ứng xử cộng đồng, ứng xử cá nhân. Từ khi xuất hiện lòai ngừơi cũng là lúc xuất hiện văn hóa. Con người không ngừng tìm tòi, sáng tạo,khám phá thế giới, đó là quá trình hình thành và phát triển tri thức. Cá nhân ứng xử với cá nhân, cá nhân ứng xử với cộng đồng; cộng đồng này với cộng đồng kia, dân tộc này với dân tộc khác……..đó là quá trình hình thành và phát triển của văn hóa. Hai phạm trù này không tách bạch mà đồng nhất làm nên gương mặt mỗi bản thể CON NGƯỜI, CỘNG ĐỒNG, DÂN TỘC. Tuy nhiên, cũng có khi tri thức chưa hẳn là văn hóa và ngược lại.
Nói văn hóa là cái gốc, là nền tảng của mọi vấn đề là hòan tòan chính xác. Một dân tộc không có văn hóa, dân tộc ấy không thể phát triển. Một con người không có văn hóa, con người ấy không thành người hòan thiện. Văn hóa là trí tuệ, là những sản phẩm phi vật thể và vật thể do chính con người tạo nên. Văn hóa chính là phẩm cách, là bản lĩnh của mỗi dân tộc, mỗi con người.
Dân tộc Việt Nam trải qua mấy ngàn năm lịch sử đã tạo dựng nên một nền văn hóa mang bản sắc riêng độc đáo; nền văn hóa ấy chính là trí tuệ, phẩm chất, bản lĩnh của dân tộc Việt của mỗi người Việt nam được thừa hưởng hôm nay. Mặc dù, ngược hành trình lịch sử dân tộc Việt, văn hóa Việt đã từng không ít lần đứng trước nguy cơ bị diệt vong, bị đồng hóa. Một dân tộc quật cường không bao giờ khuất phục trước các thế lực ngoại bang; dân tộc ấy đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng dân tộc, nhà văn hóa qua các thời đại, điển hình là hai con người kiệt xuất: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh; dân tộc ấy đang đứng trước thử thách lớn của thời đại hôm nay: Hội nhập và Phát triển.
Khi cánh cửa quốc gia đã được mở ra bốn hướng, khi xu thế hội nhập và giao lưu là tất yếu; đất nước ta cũng đồng thời phải chấp nhận hai xu hướng tích cực và không tích cực. Văn hóa Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó. Chúng ta sẽ tiếp nhận cái gì, loại bỏ cái gì nhằm làm giàu có văn hóa và bản sắc Việt Nam! Lâu nay, ở nước ta lý thuyết thường hay đi sau thực tiễn. Cuộc sống cứ tiếp diễn theo quy luật của nó, đến một lúc nào đó người ta mới nhận thấy cần phải xây dựng hệ thống lý thuyết, lý luận cho vấn đề đó...Vô hình chung đã không tuân theo hoặc đi ngược quy luật biện chứng của xã hội. Tư tưởng luôn luôn đi trước và làm nền tảng cho hệ thống lý thuyết, lý luận...Như vậy dòng chảy thực tiễn mới ''xuôi chèo mát mái '', mới vận động đúng hướng, đúng quy luật...
Từ khi đất nước chuyển động theo xu hướng đổi mới, đã hơn hai mươi năm qua, chúng ta chưa có công trình mang tầm quốc gia nào nghiên cứu, đánh giá sự phát triển của văn hóa Việt Nam đã kế thừa được gì, phát huy được gì, đồng thời bị xâm thực, ngoại lai như thế nào...! Văn hóa Việt Nam đang ở tầm, mức nào của thời đại?... Mặc dù Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Như trên đã nói, văn hóa bao trùm mọi họat động xã hội; khi đất nước đứng trước vận hội mới; văn hóa Việt Nam chuyển động thế nào trong thời hội nhập và xa hơn nữa? Có lẽ chúng ta chưa có một hoạch định mang tầm chiến lược cho vấn đề này. Một hình dung từ như thế nào, để trong suy nghĩ hoặc sự cảm nhận thị giác người ta có thể khẳng định đó là Việt Nam, là văn hóa Việt Nam; điều này chính là bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc mà chúng ta cần phấn đấu xây dựng cho được. Người Việt Nam vẫn tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến của mình. Tuy nhiên, để chỉ ra, gọi cho chính xác thì vẫn là vấn đề còn phải bàn và mỗi nơi, mỗi người hiểu khác nhau. Bản sắc văn hóa của thủ đô Hà Nội- con người Hà Nội là gì? Bản sắc văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh-con người của thành phố là gì? Của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng đồng bằng sông Cửu Long, của dải đất miền Trung như thế nào? Và, từ những tập hợp bản sắc ấy điều gì làm nên giá trị, phẩm chất, sắc tố của văn hóa Việt Nam- con người Việt Nam...! Cũng đã có một số công trình nghiên cứu về lĩnh vực này; nhưng một công trình mang tầm thời đại có lẽ còn đang ở phía trước.
Thời đại toàn cầu hóa, hội nhập là tất yếu; vị trí và vai trò của văn hóa ngày càng quan trọng. Sự xuyên thấm và tác động lẫn nhau giữa kinh tế , chính trị và văn hóa là một đặc điểm quan trọng của thời đại ngày nay, trong đó, vai trò và vị thế của văn hóa trong việc tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng nổi bật. Bài học kinh nghiệm của người Nhật cho thấy công thức: Văn hóa Nhật Bản + Kỹ thuật phương Tây đã đem đến những bước nhảy vọt thần kỳ cho đất nước hoa Anh đào. Thực tiễn văn hóa Việt Nam hiện nay cho thấy bức tranh toàn cảnh về vấn đề này còn đang thiếu một chiến lược tổng thể, toàn diện; một sự triển khai trong toàn xã hội về ý thức và những bước đi cụ thể. Văn hóa không tạo ra hiệu quả trước mắt, nhưng văn hóa có thể cảm nhận và thấy được ở ngay bên cạnh, xung quanh , ở mỗi người , mỗi cộng đồng...Trong thời đại phát triển kinh tế tri thức hiện nay, cạnh tranh kinh tế bao hàm cả sự cạnh tranh ý thức và năng lực sáng tạo, cạnh tranh về nguồn lực văn hóa. Sức mạnh của văn hóa một khi đã thấm sâu vào ý thức, thì sức sống, sức sáng tạo, sức hội tụ là vô cùng to lớn. Hội nhập chính là thời cơ để văn hóa Việt Nam nhìn nhận lại mình một cách thấu đáo. Chúng ta đã có một nền văn hóa-văn hiến truyền thống và rực rỡ, làm sao cho phẩm chất văn hóa- văn hiến đó thấm sâu vào ý thức, hành vi mỗi tế bào cộng đồng, tức mỗi bản thể con người trong cộng đồng dân tộc Việt. Như Khổng Tử đã dạy: Tiên học lễ, hậu học văn; phải học đạo lý làm người trước rồi mới học kiến thức. Văn hóa là nền tảng của sự phát triển cũng chính là ở đây.
Không có nền văn hóa nào tự "bế quan tỏa cảng", văn hóa luôn có sự giao lưu, giao thoa. Thời đại hội nhập hôm nay, sự giao lưu giao thoa càng diễn ra mạnh mẽ hơn, thậm chí còn có lúc là sự xâm thực, hòa tan hoặc thôn tính. Kinh tế có thể là sự phát triển đồng đều, nhưng thước đo giá trị và tính độc lập của mỗi dân tộc đó chính là văn hóa.Văn hóa là tinh thần của dân tộc. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định: lịch sử văn hóa, văn học, nghệ thuật của một dân tộc chính là lịch sử tâm hồn của dân tộc ấy. Tinh thần và bản sắc dân tộc Việt Nam được hun đúc trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mà ông cha chúng ta đã tạo nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Tinh thần dân tộc được thể hiện trong chiều sâu tư tưởng và tình cảm của con người; được kết tinh trong khát vọng xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong lối sống, ứng xử và trong hành động của mỗi người.
Thực tiễn, văn hóa Việt Nam sau hơn hai mươi năm đổi mới đã có những bước chuyển hóa và phát triển đáng kể; đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tinh thần dân tộc thông qua các họat động chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa...được nâng cao. Nhiều giá trị tinh thần được khẳng định. Đời sống văn hóa tinh thần cởi mở và phong phú. Trí tuệ và sức sáng tạo được kích thích.... Song, văn hóa Việt Nam cũng đã bộc lộ những sự lúng túng, non yếu, trì trệ và chậm chạp. Nhiều giá trị truyền thống, giá trị đạo đức bị đảo lộn; một số lĩnh vực trong cuộc sống được khuyếch trương, ngụy tạo không đúng với giá trị và bản chất thực vốn có. Nền kinh tế thị trường bị lạm dụng nhiều khi dẫn đến tranh giành, chụp giật lẫn nhau. Tiêu chí để đánh giá một con người nhiều khi không dựa trên tri thức, năng lực và phẩm cách. Một bộ phận trí thức, cán bộ, đảng viên chạy theo cơn lốc quyền lực dẫn tới tham ô, hối lộ, chạy chức quyền, mua bằng cấp, danh vọng, học vị, học hàm...Trí tuệ và tài năng nhiều khi sử dụng chưa tương xứng, dẫn đến tình trạng đáng báo động hiện nay: các công ty nước ngoài, công ty tư nhân đang hút được người tài, hút chất xám. Nhiều hoạt động, ứng xử cộng đồng sa sút; thầy chưa ra thầy, trò không ra trò; tôn ti trật tự trong xã hội hầu như không được quan tâm; nhân cách , tính tự trọng của con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Một số người mang mặc cảm tự ti trước sự hào nhoáng, giàu có của nước ngoài dẫn đến coi nhẹ, hạ thấp tinh thần, văn hóa dân tộc...
Văn hóa nghệ thuật thuần túy tỏ ra lúng túng, lép vế, thụ động trước cơn lốc của văn hóa, truyền thông nước ngoài. Đã có những ngành, bộ môn nghệ thuật chạy theo thị trường, thị hiếu khán giả trở nên tầm thường trong mắt công chúng. Văn hóa, nghệ thuật truyền thống, dân gian tồn tại trong sự lắt lay; nếu có sống được cũng phải nhờ vào biểu diễn thương mại, du lịch... Điểm qua một số lĩnh vực: Văn học: chưa theo kịp thời đại, chưa có những tác phẩm lớn, chưa có những khám phá, sáng tạo mang tính đột phá( trong khi đó Trung Quốc luôn có những tác phẩm gây chấn động xã hội, bởi tính thời đại, sự phản ánh hiện thực cuộc sống sâu sắc cùng bản lĩnh người lãnh đạo, bản lĩnh người viết...). Sân khấu: kịch nói- lọai hình tiên phong của sân khấu gần như vắng bóng; các lọai hình sân khấu truyền thống Tuồng, Chèo, Cải lương... không diễn nổi bởi không có nguời xem. Âm nhạc: mấy chục năm qua chưa thấy xuất hiện tác phẩm âm nhạc nào tương xứng; các nhạc sĩ phần lớn sáng tác loại hình ca khúc; đời sống âm nhạc gần như mất hướng đi, thả nổi cho sự xô bồ, tạp lai, dễ dãi, tầm thường; nhạc dân tộc chưa được chú trọng đúng mức; đầu tư thích đáng. Điện ảnh: tồn tại khó khăn trong sự tung hoành, ngập tràn của phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc; cũng bởi sự đầu tư ít ỏi, sự làm ăn quá cẩu thả...
Tính kế thừa trong một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay đang là điều báo động, đặc biệt trong văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đội ngũ các nhà văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng, giỏi nghề cứ mỗi ngày mai một; mà lực lượng kế cận thì chưa đủ sức hoặc không tâm huyết hoặc mải lo kiếm tiền.. Vấn đề đào tạo cũng vào hồi báo động bởi sự không liên tục, cập nhật với thế giới bên ngòai cùng chất lượng đào tạo... Đã thiếu tính kế thừa lại đào tạo chưa chất lượng thì khó có thể phát huy được trong thời hội nhập hôm nay.
Lịch sử hào hùng mấy nghìn năm đã chứng minh dân tộc Việt Nam không bao giờ thiếu trí tuệ, phẩm chất và bản lĩnh. Trong thời đại hôm nay, tạo nên sức mạnh nội lực của văn hóa Việt Nam,vấn đề này không chỉ của một ngành, mà là vấn đề của quốc gia liên quan đến sự hưng thịnh của dân tộc. Sự tích hợp văn hóa dân tộc với văn hóa nhân loại tất yếu sẽ nâng tầm văn hóa Việt Nam.
Hà Nội, 3 – 2007
KỲ THÚ SA PA
Ai đã đến và chưa đến Sa Pa đều mong có thêm một lần được đi trong mây trời ở độ cao trên 2.000m nơi đây.
Sa Pa kỳ thú. Sa Pa quyến rũ. Chẳng thế mà tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai, với những toa tầu sang nhất hiện nay luôn luôn thiếu chỗ cho du khách lên với Sa Pa. Cũng có thể khẳng định Sa Pa là điểm đến đông nhất của du khách nước ngoài tới Việt Nam.
Ở nơi cực Bắc của tổ quốc, thuộc tỉnh Lào Cai, với độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển; Sa Pa được người Pháp phát hiện ra từ năm 1901, đến năm 1903 họ xây dựng ở đây một thị trấn nhỏ mục đích thành nơi an dưỡng. Tới năm 1914, người Pháp và chính quyền địa phương mới chủ trương xây dựng Sa Pa thành một " kinh đô nghỉ hè" trên núi ở Bắc kỳ.
Lên Sa Pa mới cảm nhận hết được những gì là huyền ảo, lâng lâng, thư thái... của cảnh sắc thiên nhiên đã tạo nên những sắc thái tâm trạng. Ai từng đến với Sa Pa nhiều lần đều cảm nhận vẻ đẹp của Sa Pa cho dù bất cứ mùa nào: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Sa Pa đều có những vẻ đẹp riêng chỉ Sa Pa mới có, mới gây hứng thú, ngỡ ngàng đến vậy. Mùa xuân hoa đào, mùa đông hoa tuyết, mùa thu mây bay, mùa hè mát mẻ; phải chăng không có xứ sở nào như Sa Pa!
Nhà thờ Sa Pa được xây dựng năm 1934, nằm ở trung tâm thị xã Sa Pa là tầm hút mà bất cứ ai đến đây cũng không thể không lưu mắt, Ngôi nhà thờ xinh xinh, cổ kính lúc chìm trong sương, lúc lại như sừng sững là chứng nhân của thời gian và không gian Sa Pa. Những con phố nhỏ uốn lượn khi cao khi thấp theo địa hình, phô bày kiến trúc những ngôi nhà theo kiểu Pháp hoặc xây mới. Trong lòng phố là khách du lịch nước ngoài, trong nước xen lẫn nhiều bóng dáng các cô gái dân tộc. Điều đặc biệt ở đây, từ trẻ em tới các bà già người dân tộc nói tiếng Anh khá lưu loát và khá chuẩn. Chợ Sa Pa họp hầu như suốt ngày và tối, trong chợ cả một dãy dài các bà, các cô gái dân tộc H.Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy... ngồi thêu, dệt và bán các đồ dùng bằng thổ cẩm. Ở Sa Pa bất cứ mùa nào cũng có mây. Mây lơ lửng trên đầu, mây quấn quyện, giăng giăng lưng núi, mây sà xuống đường, mây vào cửa sổ mỗi căn phòng... Có thể nói mây là thứ đặc sản không nơi nào có được ngoài Sa Pa và mây cứ mỗi lúc mỗi mùa khác nhau đến ngỡ ngàng. Chúng tôi đã từng được lội trong mây, đi trong mây hay bơi trong mây; vâng, đi trên đường mà không thấy đường chỉ có mây nhè nhẹ, lững lờ quấn quýt xung quanh; mây vờn trên má, lành lạnh và ướt ướt sau gáy, bước đi mà không thấy chân mình; quả thật là một cảm giác khó tả.
Đến Sa Pa mà chưa lên núi Hàm Rồng thì cũng coi như mới tận hưởng đựơc một nửa Sa Pa mà thôi. Núi Hàm Rồng nằm ngay trung tâm thị xã, đường lên phía sau nhà thờ. Một dãy núi chạy dài hình dáng một con Rồng mà hàm của nó ngưng đậu ngay nơi thị xã, đuôi quẫy trời xanh phía xa xa hòa muôn vàn ngọn núi của dãy Hoàng Liên Sơn. Ai đã từng lên núi Hàm Rồng đều phải sững sờ trước cảnh sắc kỳ thú nơi đây. Theo các bậc đá ẩm ướt đi dần lên, thiên tạo cộng với bàn tay và công sức con người đã biến nơi đây thành như một chốn thiên đường nơi mặt đất. Hoa, muôn vàn các loại hoa đua nhau khoe sắc. Đá, muôn vàn hình dáng đá tạo những cảm xúc thật bất ngờ. Đá và hoa mờ tỏ trong sương, khi mở ra một không gian tưởng như với được tới trời xanh, khi khép lại bí hiểm, cao siêu như lên tới cổng trời. Tất cả khi rõ ràng, khúc triết tới từng chi tiết nhỏ; khi lại chập chờn, bảng lảng trong sương. Và, bóng các thiếu nữ Thái trắng, HMông lưng ong thon thả, lanh lảnh và trong vắt tiếng cười tỏa lan tận trời cao... Nhiều người đã từng đặt chân hết các địa danh, thắng cảnh trên núi ở đất nước ta đã không đồng tình và thỏa mãn với tên gọi Hàm Rồng; họ cho rằng đây là nơi đẹp nhất và xứng đáng với tên gọi: Vườn trời.
Sa Pa cũng là điểm xuất phát đầu tiên của những đoàn khách nước ngoài và trong nước ưa thích phiêu lưu, mạo hiểm khám phá và leo lên dãy Hoàng Liên Sơn, tới " nóc nhà Đông Dương"; đó là đỉnh PhanSiPhang, cao 3.143m. Đến Sa Pa cũng không thể không đến bãi đá cổ, cách trung tâm thị xã gần 10 km. Bãi đá cổ Sa Pa trải rộng trên diện tích khoảng 8 km2 , gồm hơn 200 khối đá tự nhiên lớn nhỏ chạy quanh suối Mường Hoa ( thung lũng Mường Hoa ). Bãi đá cổ Sa Pa được nhà Đông Dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga-GS Vichtor Goloubev thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp phát hiện vào năm 1925. Bãi đá cổ đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã với các hình chạm khắc trên mặt đá. Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã giao cho trường đại học Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Viện Mỹ thuật Umea- Thụy Điển tổ chức triển lãm " Bãi đá cổ Sa Pa" tại Bảo tàng Vasterrbo từ 27-9 đến 8-11-2009.
Sa Pa kỳ thú là nơi xen lẫn giữa ảo và thực, là nơi đến đây tâm hồn mỗi người như được siêu thoát... Chính vậy nên, Sa Pa khiến con người ta thêm giàu có hơn lên....
Hiện nay, bài toán đặt ra cho ngành du lịch và tỉnh Lào Cai là phát triển du lịch nhưng không phá vỡ cảnh quan, môi trường xã hội và sinh thái đặc trưng mà thiên nhiên, địa lý đã ban tặng. Bài học về xếp hạng bãi biển Nha Trang vừa qua là một kinh nghiệm phải tránh đối với Sa Pa.
Hà Nội, 10-2009
SỚM XUÂN HÀ THÀNH
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Một góc không gian Hà Nội xưa hiện lên trong tâm tưởng. Không gian ấy, cái không gian huyền thoại đầy chất thơ của hồ Tây buổi sớm lan tỏa dịu nhẹ, man mác; còn như nghe đâu đây tiếng chuông chùa Trấn Vũ, tiếng giã giấy dó làng ven hồ quyện trong sương khói Tây Hồ...
Mỗi thành phố có một nhịp sống khác nhau và phong thái, cốt cách con người cũng vì thế mà định hình. Huế trầm buồn, nhẹ nhàng mà chầm chậm; Sài Gòn hối hả không ngưng nghỉ ngay cả về đêm; còn đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay thong thả, thư thái ngay cả khi vội nhất; trong cái động của cuộc sống bộn bề có cái tĩnh nhàn của tâm hồn, trong cái tĩnh nhàn tự tâm, có cái chuyển động của mạch sống... " Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà", câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh phải chăng đã nói được sự chuyển vận của tiết trời, của thời gian, không gian, của ý thức con người.
Một sớm xuân Hà Nội có thể là bình dị, có thể sẽ không lưu đọng với ai bàng quan với cuộc sống hay hối hả vòng mưu sinh... Trong nhịp luân chuyển bốn mừa Xuân, Hạ, Thu , Đông; mùa xuân là mùa đặc biệt của Hà Nội, dù hạt mưa phùn làm lép nhép mọi thứ; làm ẩm sì không gian, cảnh vật, đồ dùng đến con người. Nếu như mùa thu Hà Nội mang vẻ đẹp rỡ ràng, trong trẻo thì mùa xuân Hà Nội lại có nét đẹp luôn thay đổi đến khó diễn tả, nắm bắt... Nhưng, những sớm xuân đất Kinh thành có lẽ tự ngàn xưa không đổi, có chăng chỉ con người, cảnh vật mà thôi.
Khi đêm còn giăng màn trên mái phố, những ngọn đèn cao áp uể oải thức thâu đêm tỏa thứ ánh sáng đùng đục vào những con đường, hàng cây trống vắng; lác đác những ánh điện hắt ra từ những khuôn cửa nhà ai cùng những tiếng va chạm nhẹ nhàng vào đêm; những bác xích lô đã trở dậy chuẩn bị ra ga, bến xe đón hàng, đón người sớm; những nhà làm hàng ăn, hàng quà đang chuẩn bị cho một ngày mới. Đâu đấy vang lên tiếng rít điếu cày níu vào không gian tịch mịch cuối đêm thật sảng khoái...
Sớm nhất là chợ rau ngã tư chợ Mơ, chợ họp từ 3-4 giờ sáng, rau xanh các loại từ ngoại thành đổ về đây, người nông dân bán rau cho người mua buôn trong phố để sớm tinh mơ rau xanh đã ngập tràn các chợ lớn, chợ nhỏ. Phía bắc thành phố, nơi đất hoa, cái chợ đã được một nhà văn đặt tên " chợ hoa trong sương" nhóm họp từ 1-2 giờ sáng, nhưng tấp nập là độ 4-5 giờ sáng, thế nên hoa tỏ mờ trong sương và sương bao trùm, quyện quấn với hoa. Ấy là chợ hoa Quảng Bá. Hoa các loại của vùng hoa Nhật Tân, Nghi Tàm Quảng Bá, Ngọc Hà; hoa vượt sông Hồng từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên sang; hoa từ mai Động, Vĩnh Tuy, Đình Công, Hoàng Mai và tận Nam Hà... cũng về hội tụ tại chợ hoa trong sương rồi tỏa lan đi mọi phố phường, ngõ ngách của Hà Nội. Giữa trung tâm thành phố, chợ báo Hà Nội cũng nhóm họp vào quãng bốn giờ sáng. Các loại báo vừa dời nhà in còn thơm mùi mực về đây để đi tiếp chặng đường đến tay người đọc sớm nhất của một ngày...
Hà Nội hôm nay không còn tiếng leng keng tàu điện một thuở đi vào lòng người mỗi sớm ban mai. Nếu lắng nghe mỗi sớm mùa xuân, ta có thể nhận thấy rất nhiều tiếng chim hót trong thành phố. Có gì lạ đâu, một thành phố đầy cây xanh, công viên, hồ nước; thành phố những năm gần đây rộ lên thú chơi chim thì tiếng chim hót ríu ran buổi sớm ban mai vừa khiến lòng người lâng lâng, sảng khoái, vừa thêm yêu hơn cái thành phố khó mà xa được này.
Trời xuân Hà Nội cũng thật lạ. Hôm qua vừa áo đơn áo kép, rét co ro trong cái giá buốt của mưa phùn; hôm nay đã sơ mi hoặc thêm cái áo khoác ngoài; bầu trời luôn luôn màu chì nhẹ, thi thoảng những sớm hôm mặt trời đỏ đục muốn xé màn mây mà xòa nắng vào xuân, mà đành bất lực bởi sương, bởi mây của mùa xuân. Vâng! Chính mây và sương tạo nên một vẻ kỳ ảo không nơi nào có được của thủ đô mỗi sớm xuân. Hồ Gươm chìm trong sương lúc mờ lúc tỏ, mọi thứ rườm rà của cảnh vật sương đã xóa đi chỉ còn lại mờ ảo một thung lũng sương; xa xa bóng Tháp Rùa, bóng hàng cây, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn nhạt nhòa như hư ảnh. Hồ Tây lùi vào quá khứ với tên Dâm Đàm ( mù sương ), một biển sương không bờ, không có ranh giới giao nhau giữa đất trời. Chùa Trấn Quốc chỉ còn là một mảng sẫm mờ, gần lắm mới thấy đôi hàng cau dẫn vào chùa hiện lên như tranh thủy mạc. Thành phố được bao phủ trong sương, lờ mờ nhiều bóng nhà cao tầng đang vút lên như muốn " thi gan cùng tuế nguyệt"... Thăng Long là đây. Những huyền thoại, truyền thuyết phải chăng đang bước ra từ trong sương và rồi lại tan loãng vào sương để có một Hà Nội trong tâm linh, bên cạnh một Hà Nội đang phát triển với nhịp sống hàng ngày không thể thiếu được.
Mỗi sớm xuân, người Hà Nội ngồi trên xe máy, ô tô hoặc thong thả đạp xe xuôi dòng sông phố đến công sở, đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi từng ngày của cảnh quan, cây lá. Mới hôm qua thôi cây ấy còn khẳng khiu, trơ trụi; hôm nay đã đầy cây chồi nhú, sương đọng long lanh. Xanh đến nõn nà tương phản với sù sì thâm mốc của cây bàng là ngàn vạn chồi nhú, lá non. Hanh vàng cả một vùng thâm u tịch mịch của đền Quán Thánh là hoa muỗn bung ra từ mấy chục cây muỗn cổ thụ quanh đền tỏa hương thơm chua dịu... Chợt sửng sốt giữa trùng điệp vùng lá non chồi biếc là những đám mây trắng bong, tinh khiết của hoa sưa nơi vườn hoa tượng đài Lê Nin- đối diện bên kia đường là bảo tàng Lịch sử quân sự; và dăm cây hoa sưa trên đường Hoàng Hoa Thám, trục đường Bách Thảo cũ. Đường Thanh Niên, Cổ Ngư xưa mờ một nét đường giữa hai hồ đầy sương. Chao liệng trong sương những cánh cò trắng vài năm trở lại đây đã về đậu trên những lùm cây của đảo đền Cẩu Nhi. Chỉ những cây sấu già, bạch đàn là chưa chịu thay áo vào mùa xuân, loại cây này phải đợi cuối xuân đầu hè mới thay áo mới...
Sớm xuân Hà Nội thật nhẹ nhàng, bảng lảng và tinh khiết quá. Nhưng cũng chỉ non tiếng nữa thôi là hối hả dòng xe xuôi ngược, tất bật công việc của ngày mới cùng mớ âm thanh của một đô thị đang phát triển.
Ai ơi, hãy nên một lần thưởng ngoạn cái sớm xuân Hà Thành.../.
Hà Nội, 8-1998
GIAO THỪA HỒ GƯƠM
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của một năm. Giao thừa báo hiệu một năm cũ vừa qua đi, năm mới bắt đầu. Trong tâm thức, ý thức người Việt Nam mỗi khi giao thừa đến, người ta thường hay nhớ những gì tốt đẹp đã qua, và mong ước may mắn sẽ đến. Mỗi độ xuân về, thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người đều hướng về chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm, đó là Hồ Hoàn Kiếm hay thường gọi là Hồ Gươm. Không chỉ người Hà Nội mà người ở mọi miền của Tổ quốc, người đang ở bốn phương ngoài biên giới đều chung nỗi khắc khoải hướng về Hồ Gươm, về Hà Nội.
Mùa xuân đang đến và đang hiện diện với hình hài cụ thể bằng sự chuyển giao thời tiết, bằng từng nhịp nhích của kim đồng hồ tới dần O giờ đêm 30 Tết. Người Hà Nội cùng cả nước hồi hộp chờ đón thời khắc giao thừa.
Sự phân định của thiên nhiên, địa lý cho miền Bắc cái rét về mùa đông với những cánh đào thắm; cái nắng nồng ở miền Nam với mai vàng khoe sắc. Cũng bởi thiên tạo mà giao thừa ở Hà Nội, giao thừa ở Hồ Gươm mang một sắc thái, phong vị đặc biệt không giống bất cứ nơi đâu.
Hồ Gươm ngày nay qua bao thăng trầm của lịch sử, biến thiên của trời đất, con người còn lại rất nhỏ so với thời vua Lê trả kiếm (chu vi chỉ còn chưa đầy 2km). Hồ Gươm thành trung tâm, trái tim của Hà Nội tự bao giờ không ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng nói đến trung tâm của trung tâm là nói đến Hồ Gươm; là một vùng không gian mở đi vào khu phố cổ Hà Nội. Cũng bởi là trung tâm mà mọi người, ngả đường của đất nước, của Hà Nội cũng đều đổ về đây và từ đây tỏa đi bốn phương. Thật đúng như trong "Thiên đô chiếu" của vua Lý Thái Tổ - người khai sinh ra kinh thành Thăng Long xưa: " ... Là nơi trung tâm của trời đất...". Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức - một người vô cùng tâm huyết với Hồ Gươm, được mệnh danh là "nhà Hồ Gươm học" năm vừa rồi đã có sáng kiến rất hay: lấy Hồ Gươm làm KM số O. Nhiều ngả phố của Hà Nội hôm nay cũng được đánh số nhà bắt đầu từ Hồ Gươm mà lớn dần, vươn xa.... Bao quanh Hồ Gươm có gần 20 đường phố đổ về và từ đây tỏa đi, với những phố: Tràng Tiền, Hàng Bài, Bà Triệu, Tràng Thi, Lê Thạch, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Lò Sũ, Hồ Gươm, Đinh Lễ, Hàng Đào, Lương Văn Can, Hàng Gai, Bảo Khánh, Hàng Trống, Lê Thái Tổ...
Cũng bởi vậy, đêm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa rất thiêng liêng, nhuốm màu tâm linh, lễ hội với mọi người dân Hà Nội. Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa đồng nghĩa với đến Hồ Gươm.
Những ngày áp Tết, Hồ Gươm đã được khoác chiếc áo muôn sắc. Khi màn đêm bắt đầu buông bóng, cả không gian Hồ Gươm hiện lên rực rỡ, huyền ảo. Tháp Rùa lộng lẫy mà tao nhã như trong mơ, xa xa hướng Bắc rực rỡ một quầng ánh sáng là đảo Ngọc Sơn với đình Trấn Ba và đền Ngọc Sơn. Vắt như dải lụa bay, như vành trăng khuyết, như chiếc lược mềm chải vào mái tóc- nước hồ là dáng đỏ đến thổn thức, lay động của cầu Thê Húc... Cả một không gian huyền ảo như mơ mà có thực, mà náo nức vẫy gọi người Hà Nội đến với giao thừa Hồ Gươm.
Cái giá rét của mùa đông không làm vợi đi lòng người đến với Hồ Gươm vào thời khắc trời đất giao hòa; lại như một chút men say khiến lòng người rộn rã, bâng khâng. Sau bữa cơm tất niên chiều 30 Tết của đại gia đình với nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu... Sau mọi lo toan của công việc, làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm những ngày giáp Tết; người Hà Nội thảnh thơi, ung dung đi đón giao thừa, chơi giao thừa, ngắm giao thừa. X? Bắc thời điểm này, cái rét mang theo cả mùa xuân ẩm ướt vào dịp chớm xuân; khiến thời khắc của đêm giao thừa Hồ Gươm mỗi năm mỗi khác: năm thì khô ráo, se se lạnh; năm lại mưa phùn và rét đến cắt da cắt thịt. Nhưng cho dù thời tiết thế nào, đã trở thành một phong tục, người Hà Nội đều đến với Hồ Gươm đêm giao thừa. Người Hà Nội diện những bộ trang phục đẹp, lịch sự, sang trọng nhất từ mọi nơi, mọi nẻo phố như những dòng sông người chảy về Hồ Gươm. Đông nhất trong những dòng sông người vẫn là lớp trai gái trẻ tuổi. Trên các trục vỉa hè không thiếu các cụ ông, cụ bà ăn vận trang trọng, lững thững dạo bộ đến với Hồ Gươm đêm giao thừa để "Ôn cố tri tân", để được sống trong không khí lễ hội tưng bừng, được cảm nhận sự thiêng liêng mà đất trời đã ban tặng riêng cho Hồ Gươm mỗi năm chỉ có một lần.
Năm nào Hà Nội cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội...xung quanh Hồ Gươm trong đêm giao thừa và những ngày Tết. Nhiều năm nay, mỗi độ giao thừa, Hồ Gươm là biểu tượng, là đầu cầu truyền hình về Hà Nội-Thủ đô đón giao thừa. Khoảng 10 giờ đêm, xung quanh Hồ Gươm người đã đông như nêm. Gương mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi và phơi phới nét xuân. Người Hà Nội ung dung thả bộ ngắm nhìn, hít thở thật sâu, cảm nhận thật đầy đủ cái không khí, cái hơi thở của đất trời của lòng người ở chốn linh thiêng tích tụ hồn khí núi sông.... Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa mỗi năm một lịch sự, tao nhã hơn; ít dần đi những cảnh thiếu văn hóa, quậy phá của một số bạn trẻ mới bước vào đời....
Kim đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện thành phố đang nhích dần, thời khắc năm mới đang đến. Không giờ đã điểm. Cả không gian quanh Hồ Gươm như lặng đi giây lát rồi bừng lên sống động hơn, nhộn nhịp hơn, náo nức hơn... Ai cũng muốn hít thật sâu hơn vào lồng ngực cái không khí hữu hình và vô hình đầy huyền hoặc của giao thừa Hồ Gươm. Mưa, nếu có, mặc mưa. Rét, mặc rét. Sức ấm từ con người, từ chiều sâu lịch sử-văn hóa, từ không khí hòa nhập cộng đồng được tỏa lan và trào lên sức xuân một năm mới... Cả một biển người xung quanh Hồ Gươm, mỗi người một cung bậc tình cảm, đều phấn chấn ngẩng cao đầu chiêm ngưỡng bầu trời Hồ Gươm lung linh, diệu huyền bởi những chùm pháo hoa rực rỡ nở bùng, tỏa lan trong không gian mênh mông đầy sống động...
Hồ Gươm đêm giao thừa. Nếu chưa một lần được tận hưởng e rằng trong cõi tâm linh, tâm hồn vẫn còn trống, thiếu....
Hà Nội, 12-2006
NGÀY ẤY, THÁNG TƯ
Từ sau mốc son lịch sử của dân tộc 30-4-1975, hàng năm vào tháng tư chúng tôi lại thấy xao xuyến nỗi nhớ khó tả...
Vâng, như một cuốn phim, ký ức được khơi thức và những hình ảnh sống động như mới xảy ra hôm qua thôi về cuộc chiến tranh, về những lát cắt của chiến tranh mà góc độ mỗi người - là người trong cuộc cảm nhận bằng chính xương máu, sinh mệnh của mình.
Những ngày tháng tư của hơn ba mươi ba năm về trước, tôi là lính của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đơn vị tôi, từ tháng 3-1975 đã đánh giặc từ Quảng Trị, giải phóng Huế, Đà Nẵng và hành tiến dần về Sài Gòn.
Những ngày tháng tư, từng địa danh, vùng đất của miền Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ cứ lần lượt ùa ập đến với chúng tôi qua từng trận đánh, từng cuộc hành quân bằng xe cơ giới hay hành quân bộ... Ngoài ký ức về tiếng súng, bom, pháo khi giao tranh; hay hình ảnh từng đoàn lính ngụy vừa chạy thục mạng trên đường quốc lộ 1A vừa vứt súng, cởi bỏ áo quần... là hình ảnh những xóm dừa, rừng dừa ngút ngàn của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; hay lúc lỉu nhiều và sai vô kể của trái xoài, cây xoài tháng tư ở vùng Nha Trang, Khánh Hòa...Đến độ xe hành quân của chúng tôi phải đi qua vườn xoài, xoài vướng vào thành xe rụng thành đống một góc xe.
Trận chiến đấu ở Phan Rang ngày 16-4, tôi thoát chết bởi một loạt đạn 20 ly từ máy bay địch bắn xuống, tiếng đạn rít đến giừo vẫn cảm thấy rợn người. Nhưng sau đó, bù lại tiểu đội tôi được một gia đình ở Phan Rang cho ăn một bữa cơm ngon chưa từng thấy. Đến nay tôi cũng không hiểu vì sao bữa cơm của bà má hôm ấy lại ngon đến thế! Chiến tranh kể cũng lạ, người ngoài cuộc thấy run sợ, người trong cuộc thì thanh thản và vô tư. Đấy là tôi nói về lớp chúng tôi, ở thời điểm ấy. Nhưng sau này có dịp kiểm chứng qua các chiến trường Lào, Campuchia, biên giới phía Bắc, tôi cảm nhận một điều, đánh giặc là sự tất yếu của người lính ( từ cán bộ đến chiến sĩ ); người lính không có sự toan tính, sợ hãi, và họ luôn luôn lạc quan cho dù hiểm nguy, gian khổ họ đã, đang và sắp phải trải ... Đó là phẩm chất của người lính cách mạng, phẩm chất của con người, dân tộc ta để làm nên chiến thắng. Nhưng cũng trong cuộc chiến tranh chúng tôi đã từng chứng kiến sự cơ hội, sợ hãi và hèn nhát đến thảm hại của một số cá nhân trong hàng ngũ chúng tôi. Vâng, chỉ có thể cắt nghĩa rằng chúng ta đều là con người. Con người với những đặc tính mà tạo hóa đã tạo nên...
Trung đoàn tôi vinh dự được nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 26-4. Chiều ấy, trong rừng cao su ngoại vi huyện lỵ Long Thành, đơn vị tôi đã phải chịu tổn thất, máy bay địch ném bom và bắn phá khu vực ém quân. Bạn cùng phố, cùng nhập ngũ với tôi- trai Hà Thành hào hoa và lắm tài, Căn, đã ngã xuống trước giờ khai cuộc chiến dịch cuối cùng của chiến tranh. Cũng nhá nhem chiều ấy, chúng tôi chạy pháo của địch thở ra đằng tai. Cuộc chiến đấu ở Long Thành đã ra rất ác liệt. Một nhóm quân địch chiếm giữ tháp nước án ngữ ngã ba hướng tấn công chính của quân ta. Xe tăng ta bị bắn cháy, bộ binh bị tổn thất nặng. Cuối cùng một chiếc xe tăng của ta phải ủi rúc vào một ngôi nhà để ngụy trang và dùng pháo tăng tiêu diệt ổ kháng cự trên tháp nước.
Ở mũi tấn công khác, Sư đoàn 304 cùng đại bộ phận Lữ đoàn xe tăng 203 thọc vào đánh chiếm trường huấn luyện sĩ quan bộ binh, trường huấn luyện biệt kích rồi tiến thẳng ra trục đường Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đường phối hợp đánh khu căn cứ tổng kho Long Bình, rồi theo xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, tiêu diệt địch chốt giữ cầu Bình Triệu đánh thốc vào trung tâm đầu não của địch - Dinh Độc Lập. Họa sĩ Lê Duy Ứng, theo xe tăng đã bị thương hỏng mắt trong trận đánh trường Bộ Binh, anh đã lấy máu từ mắt mình vẽ ngay bức tranh Bác Hồ kính yêu.
Sư đoàn chúng tôi được lệnh áp Sài Gòn theo hướng Nhơn Trạch - Cát Lái - Thành Tuy Hạ rồi thọc vào Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn đánh trực tiếp vào Quận 1...Đánh xong Long Thành, đơn vị ào hướng Nhơn Trạch như lốc cuốn. Ở Nhơn Trạch pháo cao xạ dàn trận địa giữa cánh đồng, trực thăng địch ra quần đảo, cao xạ 37, 57 ly bắn rụng tơi tả, bà con sướng quá reo hò chưa bao giờ thấy máy bay rơi "ngon", rơi nhiều đến thế...
Ngày 29-4, đơn vị tôi đã ở huyện Thủ Thiêm, áp sát sào huyệt cuối cùng của địch, chuẩn bị cho ngày mai tổng công kích vào sài Gòn. Tôi được điều lên Ban tuyên huấn trung đoàn, sau khi cùng hai đồng chí áp giải hơn 30 tù binh trong trận Long Thành, băng qua bạt ngàn những cánh rừng cao su vào sập xoạng tối trao cho lực lượng quân sự địa phương an toàn. Sáng 29-4, thiếu úy Thiện - trợ lý tuyên huấn Trung đoàn giao cho tôi chiếc máy ảnh tự động bảng hiệu Konica và cuộn phim, bảo chụp ( Chẳng là tôi có nghề chụp ảnh của gia đình trước khi vào bộ đội ). Cánh quân phía Đông của chúng tôi sau khi tiêu diệt và làm chủ cụm căn cứ Cát Lái, Thành Tuy Hạ, sức đề kháng còn lại nói chung không đáng kể so với sức mạnh trời long đất lở, với khí thế hừng hực chiến thắng của bộ đội giải phóng. Với khẩu AK47, hai khẩu côn quay thu được cùng lỉnh kỉnh đạn, lựu đạn; giờ lại tòng teng chiếc máy ảnh trước ngực và thêm nhiệm vụ mới, tôi được phép " lang thang " rộng hơn trong đội hình hành quân hành tiến. Tôi cũng nghe lỏm được cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn trao đổi về mũi tấn công của Sư đoàn 304 và xe tăng lữ 203. Sự phản kháng của địch dữ dội và quyết liệt, một đơn vị đặc công của ta mấy hôm trước đã đánh và chiếm cầu Bình Triệu, chốt chặn ngoan cường giữ cầu cho xe tăng và bộ binh ta tiến vào trung tâm Sài Gòn.
Sáng 30-4, sau khi tiêu diệt một ổ đề kháng của địch, đơn vị chúng tôi chuẩn bị vượt sông Sài Gòn bằng phà Thủ Thiêm. Tinh thần bộ đội lúc này phấn chấn lạ thường. Sài Gòn đã ở ngay trước mặt, đã ở trong tầm tay. Những ngôi nhà cao tầng ở trung tâm Sài Gòn hiện rõ mồn một. Trên sông Sài Gòn tàu, thuyền bị bắn cháy đang bốc khói cuồn cuộn. Tôi và anh Thiện đều ghi được những hình ảnh hiếm có ấy. Vượt sông, chúng tôi lập tức đi đánh chiếm Bộ chỉ huy Hải quân của Ngụy trên đường Bạch Đằng, chiếm Tổng nha chiến tranh tâm lý...rồi khách sạn Majestic... Lúc này trên nhiều đường phố Sài Gòn xe tăng và bộ đội giải phóng đã ung dung đi lại. Các cánh quân lớn đều đã hội tụ ở Sài Gòn-sào huyệt đầu não của chính quyền ngụy. Trong lúc chờ đợi các chiến sĩ ta cắm cờ ở bộ chỉ huy Hải quân ngụy, chiếc máy ảnh của tôi bấm đến kiểu cuối cùng. Hết phim, gay quá. Vừa may lúc đó tôi thấy trên đường Bạch Đằng hai người nước ngoài, một nam, một nữ trên nguời đeo lủng lẳng đầy máy ảnh; tôi chạy đến ngăn họ lại và ra hiệu chỉ vào chiếc máy ảnh của mình, miệng nói: Phim, phim... Họ hiểu ra, vui vẻ mỗi người đưa cho tôi một cuộn phim, rồi còn đứng chụp ảnh chung cùng tôi và mấy anh em gần đấy.
Thật là những giờ phút không bao giờ quên trong đời đối với mỗi người lính chúng tôi. Mới hôm qua thôi còn gối đất nằm sương, hướng họng súng và căng đôi mắt về phía quân thù, hôm nay ngẩng cao đầu đi trong thành phố đầy nắng đầy gió, cái thành phố mà trước đây có mơ ngày chiến thắng cũng chẳng hình dung ra được hình thù nó như thế nào, và người dân nơi đây ra sao...
Một chiếc xe Jeep xịch tới, thượng úy Đặng Trường Sơn - trưởng ban tuyên huấn trung đoàn vẫy tôi lên xe, trên xe đã có mấy cán bộ trung đoàn và anh Thiện. Xe thẳng hướng chạy tới dinh Độc Lập, lúc này là hơn 12giờ trưa ngày 30-4-1975. Xung quanh dinh Độc Lập đầy xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân và tràn ngập màu xanh quân giải phóng. Những chiếc xe tăng của bộ đội đang đậu trong sân dinh Độc Lập trông thật hiền lành, dễ thương. Thật khác hình ảnh lúc nó xung trận lao thẳng về phía quân thù, là nỗi kinh hoàng của quân thù... Bà con Sài Gòn sau những phút do dự ban đầu ùa tới vây lấy bộ đội giải phóng hỏi han đủ thứ chuyện, rồi nắn chân nắn tay, sờ quần áo, mũ...Nhiều người thốt lên: " Ủa, Việt Cộng mà trông hiền khô, trắng trẻo, có chú còn mập nữa chớ. Vậy mà, nghe tụi nó nói tầm bậy tầm bạ bẩy người đu lên cọng đu đủ không gãy...".
Các chàng trai, cô gái Sài Gòn áo chẽn, quần loe tranh nhau đến chụp ảnh kỷ niệm bên những chiếc xe tăng bám đầy bụi đất. Nhiều cô gái tinh nghịch còn leo hẳn lên tháp pháo...
Đêm 30-4-1975 và ba ngày sau đó , tôi cùng hai đồng đội được lệnh trông giữ, bảo vệ khách sạn Mazettic. Khách sạn Mazettic là khách sạn sang trọng bậc nhất thời ấy của chế độ ngụy. Trên tầng chót của khách sạn bị sạt mấy phòng do trúng đạn pháo của ta bắn từ Nhơn Trạch vào hôm 28-4. Khách sạn nằm bên bờ sông Sài Gòn lộng gió. Đêm. Đường phố sáng trưng, người dân đi lại tự do, cảm giác thật thanh bình. Khác hẳn với những tuyên truyền về một cuộc tắm máu trên đường phố Sài Gòn khi quân ta chiến thắng của những kẻ thua trận. Chúng tôi thức trọn đêm đó bởi niềm vui chiến thắng quá lớn, bởi tâm trạng mỗi người lính chúng tôi thật khó có thể diễn đạt thành lời. Cho đến hôm nay, hơn 30 năm đã trôi qua, mỗi dịp tháng tư tôi cảm ơn số phận đã cho tôi được sống, được tự hào đã tham dự giờ phút đầy hào hùng và linh thiêng của dân tộc, những ngày ấy, những kỷ niệm ấy không bao giờ quên.
Hà Nội, 4 - 2006
NHỮNG GÓC KHUẤT
LÊ VĂN TRƯƠNG
Lê Văn Trương sinh năm Bính Ngọ, 1906 (cùng tuối với nhà văn Hoàng Đạo, em nhà văn Nhất Linh, anh nhà văn Thạch Lam), ở làng Đồng Nhân nay là phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cuộc đời và sự nghiệp viết văn của ông đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn và tranh cãi của nhiều nhà nghiên cứu. Cho đến nay chưa ai xác định được chính xác số lượng tác phẩm ông đã viết. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ông đã viết gần 200 tác phẩm. Theo bản thống kê của gia đình ông thì còn lưu giữ được 125 tác phẩm, 96 cuốn đã in và 29 cuốn chưa in. Một điều được thừa nhận chắc chắn ở Lê Văn Trương, ông là nhà văn có số lượng tác phẩm nhiều nhất Việt Nam ( đến nay chưa có người viết nào phá được kỷ lục này).
Ông nội và cụ thân sinh Lê Văn Trương có trang trại rất rộng ở Bắc Giang ( nay là phố Nghĩa Long, thành phố Bắc Giang). Thuở nhỏ Lê Văn Trương học tiểu học ở Bắc Giang, năm 1921 theo bố về Hà Nội thi vào học tại trường Bưởi. Học Thành Chung tới năm thứ 3 thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa. Không học trường Bưởi nữa, Lê Văn Trương đi học thêm rồi thi đậu vào Sở Dây thép Đông Dương (Bưu điện Đông Dương) năm 1926. Do có "vết" tham gia bãi khóa, ông bị điều đi làm việc ở Cao Miên(Campuchia), tại tỉnh Battambang. Cũng ở Battambang, Lê Văn Trương đã gặp và yêu cô nữ sinh trường Battambang Ngô Thị Huơng con một gia đình người Việt sinh sống tại đây. Họ nên duyên vợ chồng, bà Hương là con cả trong nhà. Chán nghề công chức, Lê Văn Trương bỏ đi khai khẩn đồn điền ở huyện Môngcoboray, tỉnh Lovea, giáp biên giới Thái Lan.
Trong cuộc đời, ông Lê Văn Trương chính thức có hai bà vợ. Bà cả- Ngô Thị Hương sinhvới ông được năm người con. Ba người con trai đầu đều sinh ở Lovea; mỗi đận sinh ông đều điện về hỏi ý kiến bố, để bố đặt tên; đó là các ông Lân( Mạc Lân, con cả, sinh năm 1928), Liễn và Bổng. Hai người con sau được sinh ở Hà Nội, khi ông đã về Hà Nội làm báo, viết văn. hai người này ông đều lấy tên nhân vật trong truyện của mình đặt tên con, đó là Lê Văn Linh và Lê Thị Giáng Vân( tên nhân vật chính trong tác phẩm "Cánh sen trong bùn"). Bà Ngô Thị Hương sinh trong một gia đình mở tiệm Cao Lâu ở Battambang, sau khi lấy ông Trương thì ở nhà lo gia đình và chăm sóc con cái. Ngoài tài nấu nướng bà còn là người phụ nữ rất giỏi nữ công gia chánh, khoảng những năm 1943-1945 bà từng mở lớp dạy nữ công. bà Hương nết người thuần hậu, hiền thục; cả cuộc đời chỉ lo phục vụ chồng và nuôi con.
Bà hai là Nguyễn Thị Đào, kém ông gần hai chục tuổi, mới mất khoảng vào năm 2000. Bà Đào chỉ nhỉnh hơn con trai cả ông chừng bảy tám tuổi, xuất thân là cô gái nông thôn có nhan sắc, quê ở Lạc Quần, Nam Định. Bà Đào bị ép duyên ở quê, bỏ làng lên Hà Nội rồi bị sa chân đi làm gái nhảy( gái nhảy thời ấy là một nghề kiếm tiền, không như bây giờ), lấy một ông chồng làm đốc tờ thú y( bác sĩ thú y). Được một thời gian họ bỏ nhau. Ông Trương gặp bà Đào khi ông đã rất nổi tiếng trong làng văn. Trai tài gái sắc gặp nhau, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác khá lớn, bà theo ông Trương về làm vợ lẽ. Dù đã từng làm gái nhảy, tiếp xúc và quan hệ với giới trí thức, thượng lưu ăn chơi thời ấy, bà Đào vẫn giữ được tâm hồn, tính nết của một người phụ nữ nông thôn. Bà là người tốt tính, nhường nhịn và rất chung tình với ông Trương, mặc dù ông sau khi lấy bà còn có rất nhiều quan hệ với những người đàn bà khác. Lấy bà Đào làm hai, ông Trương không ép buộc các con mình gọi bà là mẹ kế, cho phép xưng hô kiểu chị em. Nhưng bà Hương( bà cả) không đồng ý, bắt các con phải gọi là mẹ vì là vợ của bố. Điều đặc biệt, bà Hương và bà Đào sống với nhau rất hòa thuận, thân ái. Bà Đào khi lấy ông Trương không biết chữ, bà biết chữ là nhờ con trai cả ông Trương dạy. Cách dạy cũng rất đặc biệt, khác thói thường, thông qua học Truyện Kiều.
Từ trước tới nay, trong một số tài liệu đã công bố hoặc giai thoại hay sự đồn thổi để cắt nghĩa sức viết nhanh, khỏe của Lê Văn Trương; người ta cho rằng nhiều khi ông sáng tác bằng cách đọc cho hai bà vợ viết cùng lúc. Hoặc hơn thế nữa, có những sáng tác của ông do hai bà vợ vi?t, còn ông chỉ phác cho hai bà cái ý tưởng, cái cốt truyện...Những điều đó hoàn toàn không có thực, bởi lẽ:bà Hương dù đã qua học hành nhưng từ khi lấy ông Trương, mục đích cao nhất của đời bà là phụng sự chồng và nuôi con. Còn bà Đào thì "cái sự" biết chữ của bà cũng chưa chắc đã đủ cho bà dùng còn nói gì đến viết sách.
Theo nguồn tư liệu của gia đình khẳng định, Lê văn Trương thường viết văn ngay tại các xóm cô đầu( nhiều nhà văn nổi tiếng của nước ta giai đoạn 1930-1945 thường hay lui tới các xóm cô đầu), và ở trại viết riêng của ông ở xóm Ao Giảng thuộc vùng Láng(giờ là Láng Hạ, phía gần cầu Mọc). Trại viết này gần nhà của nhà văn Vũ Trọng Phụng ở làng Nhân Chính. Thỉnh thoảng ông mới viết tại nhà riêng. Có lần ông tâm sự với người trong gia đình, bút danh duy nhất ông dùng: Cô Lý, không phải là tên một người con gái cụ thể nào mà là sự cô đơn, cô liêu... với cái lý của mình...Ngày nay chúng ta gọi là quan điểm riêng.
Mỗi khi về viết tại nhà, Lê Văn Trương ngồi lì trong bưồng riêng suốt ngày đêm. Người duy nhất được phép vào là bà Hương, bà vào để hầu việc ăn uống cho ông. Buồng viết riêng của ông gồm một bộ đi-văng, một bàn viết, một tủ sách, ngoài ra không có thứ gì khác. Ông Trương ăn uống rất cầu kỳ và cũng hiếm có bà vợ nào cần mẫn, kỹ càng, chu đáo làm các món ăn cho ông như bà. Theo người trong gia đình kể lại, sở dĩ ông về viết tại nhà là do muốn được ăn các món do bà vợ làm mà ông đi hết các tiệm Cao Lâu không có được như ý. Ví dụ như món cháo gà, bà phải để cả con hầm nhỏ lửa cho thật nhừ rút xương ra. Ông Trương đặc biệt ưa thich món giò ốc nhồi. Để làm món này bà Hương phải lặn lội xuống tận chợ Mơ chọn mua từng hàng, nhặt những con ốc béo, tươi mang về ngâm nước gạo đủ hai ngày hai đêm cho ốc nhả hết mọi tạp chất ra. Sau đó lau kỹ từng con bỏ vào chiếc chậu đồng sạch, bao nhiêu ốc thì đập bấy nhiêu trứng gà cho ốc ăn hết trứng gà rồi mới khêu lấy thịt ốc mang bó giò. Bà Hương kể, ông viết nhanh và khỏe lắm, có cuốn ông chỉ viết trong có ba ngày đã xong, gần hai trăm trang.
Nguười ta thường nói Lê Văn Trương là nhà văn mơ mộng, lãng mạn... Thực ra không phải thế. Một trong những nguyên nhân giúp bút lực ông dồi dào chính do ông có một vốn sống phong phú, sự từng trải từ chính cuộc đời sôi nổi, đầy nhiệt huyết của ông. Lê Văn Trương đã từng đi buôn lậu trên địa bàn rất rộng của thời ấy: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapo... Rồi ông làm thầu khoán, làm đồn điền, buôn bò, buôn ngọc...Ông là người biết võ, giỏi ném phi tiêu, thích phiêu lưu mạo hiểm. Rất nhiều tiểu thuyết được ông viết ra mang trong đó một phần đời của ông. Chẳng hạn cuốn " Trận đời" viết về thất bại của ông khi mở đồn điền, cuốn "Trường đời" nói về việc thầu khoán, cuốn "Cánh sen trong bùn" viết về bà vợ hai- bà Đào, cuốn "Tôi là mẹ" viết về vợ cả- bà Hương... Đề tài trong tiểu thuyết của Lê văn Trương rất đa dạng, theo Nguyễn Huệ Chi ( Từ Điển văn học 1985): " Một là loại truyện phiêu lưu, ly kỳ của tầng lớp dân nghèo lang bạt như các cuốn "Cô Tư Thung", "Cánh sen trong bùn", "Trường đời", " Tôi thầu khoán", "Những đồng tiền xiết máu". Hai là loại truyện đề cao tình cảm gia đình với tấm gương mẫu mực của các bậc phụ huynh như: "Người anh cả", "Một người cha", "Người vợ lý tưởng", "Người vợ hoàn toàn", "Một đứa bé mồ côi", "Con đường hạnh phúc", "Đứa con hạnh phúc". Ba là loại truyện phê phán, đả kích thói hư tật xấu của tầng lớp thượng lưu như: "Trong ao tù trưởng giả", "Một lương tâm trong gió lốc", "Đứa cháu đồng bạc", "Một cô gái mới", "Chồng chúng ta"...".
Nói đến Lê Văn Trương, lứa thanh niên 17, 18 tuổi lúc bấy giờ vẫn nhớ và hâm mộ truyện của ông, bởi, ông đã xây dựng nên mẫu người anh hùng cá nhân giàu nhiệt huyết phù hợp với tinh thần, mong muốn tự lập tự cường của dân tộc ta thời ấy. Cho nên, có thể nói rằng Lê Văn Trương có công góp phần khích lệ tinh thần của lớp thanh niên đương thời. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, như gia đình ông nhận xét: " Văn chương của ông dễ dãi cho nên ông viết rất nhiều nhưng tác phẩm đọng lại được quá ít". Hay như đánh giá của nhóm biên soạn bộ sách " Tác gia văn học Thăng Long- Hà Nội": Truyện của Lê Văn Trương nói chung đều đề cao một loại mẫu người Anh hùng thời đại vừa oanh liệt phiêu lưu mạo hiểm vừa gương mẫu trong đời sống gia đình, vừa có lương tâm cao thượng, lại vừa tài năng. Những nhân vật của ông xây dựng thường giả tạo, gượng ép, cho nên dù tác giả muốn đề cao đạo đức nhưng thiếu sức thuyết phục, vì vậy giá trị nghệ thuật của tác phẩm bị giảm đi khá nhiều. Tác phẩm của Lê Văn Trương vào thời kỳ ấy tuy hấp dẫn được độc giả thị thành, nhưng không mấy tác phẩm đứng lại được với thời gian... Dù sao tác phẩmcủa Lê Văn Trương cũng đã góp phần làm phong phú nền văn học quốc ngữ nửa đầu thế kỷ 20.
Theo gia đình Lê văn Trương kể lại, ông cho rằng con người ta sống ở trên đời phải tự lực tự cường, phải hùng... quan điểm ấy in đậm dấu vết trong các tác phẩm của ông. Ông dậy con cũng vậy. Lê Văn Trương thường nói với các con phải tránh 3 điều: không ngậm dọc tẩu( hút thuốc phiện), không ăn cắp, không để ai đánh mình mà mình không đánh lại. Câu chuyện sau kể về cách dạy con của ông. Một lần, con trai cả ông cùng gia đình về Bắc Giang ( nơi bố ông đang ở) ăn Tết. Bố ông phong kiến và giữ nếp sống rất nghiêm cẩn; con gái, con dâu không có việc sai bảo cấm được lên nhà trên; sinh hoạt, ăn uống đều ở dưới nhà ngang. Nhà bóc bánh chưng(khi ấy xắt bánh chưng ở Bắc Giang không xắt lạt chéo như Hà Nội mà xắt lạt dọc ngang quân cờ), cậu bé anh họ con trai cả ông, chưa được phép định thò tay bốc ăn trước; con trai ông chộp tay ngăn lại thế là hai cậu bé đánh nhau. Bố ông cầm roi xuống đánh bắt cháu phải chui vào cũi nhốt chó; vừa lúc ấy ông Trương đi về, hỏi , biết đầu đuôi câu chuyện, ông bảo con trai: "Mày làm đúng" và không cho con chui vào cũi chó. Bố ông tức lắm, hầm hầm cầm roi lên nhà.
Một lần khác , muốn cho con biết đi xe đạp, ông Trương mang về chiếc xe đạp rồi bảo con: " Tập đi, tuần sau phải biết đi". Mặc cho con muốn tập thế nào nhưng hết thời hạn phải biết đi xe đạp. Lại một lần ông mua vé bơi ở Ấu Trĩ Viên(công viên dành cho trẻ em) mang về bảo con: "15 ngày nữa phải biết bơi". Cách dạycủa ông là như vậy, không ủy mị, dỗ dành mà đề ra mục đích phải hướng tới để con cái thực hiện theo cách của mình. Tiếc rằng ba điều ông thường răn dạy con thì chính ông lại phạm vào một điều, đó là ngậm dọc tẩu.
Đương thời Lê Văn Trương sống khoáng đạt, quảng giao, bạn bè văn chương, ngoài văn chương rất đông. Theo gia đình kể lại trong số đó có ông Trần Huy Liệu- người sau Cách mạng Tháng tám 1945 thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, và ông Đặng Kim Giang, Chủ tịch Khu II. Khi Cách mạng tháng Tám giành được chính quyền, con trai cả ông vào bộ đội và sau đó tham gia đoàn quân Nam Tiến; bản thân ông Trương đến năm 1950 cũng vào bộ đội. Ông ở tiểu ban Văn nghệ của ban Tuyên huấn thuộc phòng Chính trị Liên khu III. Nhà văn Lê Văn Trương tham gia hai chiến dịch đánh Pháp ở Hòa Bình và Lê Xá( Nam Định). Sau chiến dịch, ông viết cuốn tiểu thuyết "Tôi là quân nhân". Đáng tiếc cuốn tiểu thuyết của ông lúc đó đã bị phê phán tơi bời, bị cho là đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, không đúng với bản chất anh bộ đội cụ Hồ. Buồn chán vì thất bại khi chuyển hướng viết mới, bệnh gan của ông tái phát, ông tâm sự cùng con trai cả-Mạc Lân: " Thày phải vào thành vì bệnh tật nhưng thày không làm điều gì xấu". Sau đó ông đến Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu III, lúc ấy đóng ở Xích Thổ, tỉnh Ninh Bình xin được giấy vào thành( Hà Nội). Vào thành ông không mang theo người con nào( thời điểm ấy gia đình ông đang ở khu kháng chiến).
Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết sách, viết báo, tái bản sách. Nhưng ở Sài Gòn sách của ông không có độc giả, công việc thầu khoán, đi buôn cũng suy sụp; ông bị vỡ nợ và sống trong nghèo túng đến năm 1963 thì mất.
Những chuyện trên tôi được biết qua những buổi trò chuyện cùng nhà văn Mạc Lân- con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương, nhà văn Mạc Lân từng là Chuyên viên của Hội Văn Nghệ Hà Nội khi sáng lập, gia đình hiện ở khu tập thể Liên Cơ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Lân mất khoảng cuối năm 2004. Bên cạnh đó là nguồn tư liệu riêng của nhà văn Lê Bầu- bạn thân của con trai cả ông Lê Văn Trương và nhà văn Hoàng Quốc Hải- người duy nhất cho đến nay đã hoàn thành hai bộ tiểu thuyết đồ sộ về vương triều nhà Trần và nhà Lý.
Hà Nội, 2001-2009
CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI
CỦA MỘT VÕ SƯ TÀI BA
Với một người bình thường, có trái tim khỏe mạnh, để làm được từng ấy công việc và tới đỉnh của vinh quang nghề nghiệp âu cũng là chuyện khó. Võ sư Đoàn Đình Long mang trong mình một trái tim "ọp ẹp, tật nguyền" mà vẫn sống, làm việc và liên tiếp mang vinh quang về cho Tổ quốc, quả là chuyện phi thường.
Sáng ngày 2-10-2001, tại Hà Nội, trong lễ tuyên dương khen thưởng Đoàn Thể thao Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 21, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt nhà nước long trọng trao Huân chương Lao động hạng II cho võ sư Đoàn Đình Long - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Karatedo quốc gia. Bạn bè, đồng nghiệp và học trò có mặt trong buổi lễ đều rưng rưng nước mắt. Nước mắt của niềm vui, thì đã hẳn; nhưng ai cũng biết phía sau đó là nỗi buồn vời vợi. Bởi, khó có thể biết trước được trái tim tật nguyền của Đoàn Đình Long liệu có đủ sức tiếp tục lên bàn mổ sắp tới. Một con người ưu tú suốt cuộc đời tranh đấu với chính bản thân mình, liệu còn mang lại nụ cười chan hòa và chiến thắng đến với mọi người...
Truân chuyên tuổi thơ
Đoàn Đình Long sinh năm Hợi (1947 ), theo người ta nói là tuổi sướng, "hưởng" nhiều hơn làm. Nhưng trò chơi của số phận ai mà biết trước được. Đoàn Đình Long là điển hình của một con người vật lộn với số phận và chiến thắng số phận. Sự vận động của tính cách đã làm nên số phận một Đoàn Đình Long trong đất trời mênh mông, vần vũ.
Cậu bé Long cất tiếng khóc chào đời ở 80 phố Quán Thánh, Hà Nội. Được sinh ra và hít thở không khí của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm tuổi, nhưng long không quên gốc gác, quê quán mình ở xã Tiên Lữ, huyện Hải Yến, tỉnh Hưng Yên. Đó là sau này khi lớn lên Long được bố mẹ cho biết vậy, chứ từ thời ông nội đã bôn ba lên đất Hà Nội làm ăn và sinh sống. Long sinh trong một gia đình quá đông con và phức tạp, tới 13 người con. Bố Long có hai vợ, bà cả sinh được 6 người, bà hai sinh 7. Long kà con đầu của bà hai, là con thứ tư trong cái đại gia đình đông đúc ấy. Bố Long là bộ đội thời chống Pháp, khoảng 1958 thì phục viên sau đó chuyển sang nghề lái xe. năm 1964, ông bỏ Hà Nội đi lái xe cho Ty Văn hóa tỉnh Lai Châu cho mãi tới năm 1972 ông mới về ở hẳn Hà Nội. Mẹ Long là con gái một chánh tổng ở vùng Đồ Sơn, Hải Phòng. bà đẹp có tiếng nhưng số phận cũng long đong, trắc trở và, âu cũng là duyên số bà về làm hai và sinh ra Đoàn Đình Long. Cậu bé Long sớm bộc lộ sự nhanh nhẹn và thông minh, được mẹ cho đi học lớp một lúc mới có 6 tuổi ở trường tư thục Phạm Hồng Thái, phố Châu Long. Đến lớp 3-4, cậu được chuyển sang học ở trường Mạc Đĩnh Chi, phố Phó Đức Chính. Lên cấp II lại học ở trường Nguyễn Trường Tộ gần phố Hàng Than. Cuối cấp II (lớp 7) chuyển đến học ở trường Chu Văn An. Lúc này gia đình Long có nhiều biến động do hoàn cảnh xã hội miền Bắc lúc ấy, bố Long có nhiều ẩn ức, không hài lòng... đã đưa cả gia đình đi kinh tế miền núi, lên xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ sinh sống; còn ông bỏ đi lái xe cho Ty văn hóa tỉnh Lai Châu. Người thành phố nào biết chuyện đồng áng ra sao! Mấy mẹ con Long phải tự mình bươn chải với cuộc sống nơi đất khách quê người, nơi miền trung du heo hút cằn cỗi sỏi đá...và làm quen dần với công việc nhà nông để có miếng ăn và tồn tại. Bố mẹ không muốn cho Long học tiếp bởi cậu là con lớn, là lao động chính của gia đình quần quật với đồng ruộng cùng mẹ nuôi các em. Nếu theo ý của bố mẹ, nếu cậu thiếu niên Đoàn Đình Long hiền lành, nhu nhược thì chúng ta không có một con người ưu tú của ngày hôm nay. Bướng bỉnh và gan lì, sau hơn hai năm phải bỏ học, Long nhất quyết không theo ý bố mẹ đã tự xin đi học tiếp, qua hết cấp II tại trường cấp III của huyện Hạ Hòa. Từ một cậu bé thông minh được đi học sớm trước tuổi, đến khi xong cấp III, Đoàn Đình Long lại ra người học muộn. Mơ ước tuổi thơ của long muốn được học lên cao , và cậu đã không chùn bước trước những khó khăn, hoàn cảnh gia đình. Cho đến nay, ấn tượng tuổi thơ ghi đậm trong tâm trí người võ sư lừng danh, ấy là thèm có được một bữa ăn no, thèm được thấy cảnh nhà đầm ấm. Bởi từ nhỏ đến lớn Long luôn là người phải hứng chịu tất cả sự tức giận vô cớ, nỗi ẩn ức bất đắc chí của ông bố cả một đời không thỏa chí bình sinh; còn nữa là những mâu thuẫn triền miên giữa bố và mẹ. Có lẽ vì thế, ngay những lúc võ sư Đoàn Đình Long vui nhất người ta vẫn thấy trong mắt ông một nỗi buồn vương vất.
Đầu năm 1969, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc chấm dứt; cả nhà Long kéo nhau về Hà Nội. Thời kỳ ấy những gia đình đi kinh tế mới ở các tỉnh miền núi mà quay trở về Hà Nội bị coi như bất hợp pháp; không nhà cửa, không hộ khẩu, không tem phiếu... Chỉ duy nhất bố Long có hộ khẩu, còn mấy mẹ con chỉ duy nhất có đôi tay trắng và từ : không có gì, trong cuộc mưu sinh trở về nơi đất cũ ( thời ấy quyển sổ mua lương thực còn quý hơn cả vàng ). Về Hà Nội nhà cũ thì đã mất, không chỗ ở đành phải dựng lều ngay tại mảnh sân của ngôi nhà cũ lấy chỗ chui ra chui vào. Căn lều 16m2 trở thành nơi quần tụ của gần chục con người. Để có cái ăn mẹ Long phải đan len thuê suốt cả ngày đêm, các em tùy khả năng xin được việc gì kiếm chút tiền còm cõi cũng đi làm. Chàng thanh niên Đoàn Đình Long lúc này tuổi đã ngoài hai mươi, nhưng do những năm tháng làm quần quật mà vẫn không đủ ăn nên người gầy nhẳng và nhỏ thó. Long xin được chân bốc gạo ở bến Phà Đen bên sông Hồng. Công việc quá nặng nhọc đối với cậu trai còi Đoàn Đình Long, nhưng có việc là may mắn lắm rồi. Cái gia đình tội nghiệp ấy, cũng như không ít các gia đình ở Hà Nội thời ấy đi kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước, không chịu nổi đã phải bỏ về thành phố; cứ thế mà sống lay lắt, sống bên rìa cuộc sống Hà Nội.
Đã từng nhảy xuống vực tự tử
Nhỏ con, yếu sức, chàng thanh niên Đoàn Đình Long tìm đến với võ nhằm nâng cao thể lực. Do vậy, ban ngày đi bốc vác, đi quay mì sợi; tối tối học võ rồi học ôn để thi vào đại học. Con đường đến với nghiệp võ của Đoàn Đình Long bắt đầu như thế. Căn lều 16m2 của gia đình quá chật chội nên giường ngủ hàng đêm của Long là sàn tập võ của hàng xóm. Quanh năm, hè cũng như đông, chỉ manh chiếu trải xuống sàn đất, thế là đi vào giấc ngủ. Cũng chính thời gian này tim của Long có vấn đề mà anh hoàn toàn không hay biết. Những lúc bốc từng bao gạo đi phăng phăng ở bến phà Đen, thỉnh thoảng Long thấy choáng váng, khó thở phải nghỉ một lúc để thở, anh chỉ cho rằng có lẽ do làm việc quá sức. Cuối năm 1969, Long xin được vào học dự bị trường đại học Thương Nghiệp. Đi học nhưng vẫn đi làm, lại thêm nghề cắt tóc trong trường nhằm thêm thu nhập sinh sống cho gia đình. Học tới năm thứ ba khoa Hóa thực phẩm thì Đoàn Đình Long bị nhà trường buộc thôi học do phát hiện ra anh bị bệnh tim. Rời khỏi trường Thương Nghiệp Long lại ôn và thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Thi đỗ, học được hơn hai tháng lại bị đuổi vì phát hiện dùng giấy khám sức khỏe giả. Không nơi nào chấp nhận một con người có bệnh tim vào học. Quá chán nản, Đoàn Đình Long bỏ nhà lên mỏ Apatit Lào Cai học lái xe ở mỏ. Một thời gian sau anh lại bị buộc thôi việc vì phát hiện anh ra có bệnh tim. Rời khỏi đoàn xe, Long bị điều về làm nhân viên thư viện của mỏ.
Mơ ước học hành, đỗ đạt không thành, chí trai không thỏa; mới hai mấy tuổi đầu Đoàn Đình Long đã như một phế nhân, tưởng không thể làm được bất cứ việc gì. Quá chán nản và tuyệt vọng, vào một chiều ảm đạm của núi rừng Tây Bắc, Long đã quyết định chấm dứt cuộc đời của mình bằng cách nhảy xuống vực sâu tự tử. Số phận không dễ buông tha một con người mà còn tiếp tục đầy ải thêm nữa bằng cách để cho Đoàn Đình Long được sống. Long chỉ bị xây xước đầy mình vào phần mền và ngất đi, có người bạn phát hiện, kịp chạy xuống vực vác về. Lo sợ Đoàn Đình Long vì quẫn quá lại tìm đến cái chết, bạn bè anh ở mỏ đã xích chân anh lại và trông giữ Long cẩn thận. Đồng thời cơ quan phái người về báo gia đình lên đón Long về Hà Nội.
Quyết tâm sống hữu ích
Tự tử không chết, một ý chí sống mãnh liệt trối dậy. Đoàn Đình Long quyết tâm chiến thắng quả tim bệnh tật. Nhiều đêm mất ngủ anh trăn trở với suy nghĩ: chẳng lẽ mình cam chịu là một phế nhân sống ngày nào biết ngày ấy trong sự thương hại của mọi người? Phải sống thế nào cho có ích. Nhờ người quen, Đoàn Đình Long xin được vào làm tại Xí nghiệp Silicat 2, thuộc Viện Silicat, với chân kỹ thuật viên tại phòng kỹ thuật. Công việc nghiên cứu và tạo mẫu một số sản phẩm phần nào đã giúp Long thấy có ích và gắn bó với cuộc sống, nguôi ngoai dần những mặc cảm tự ti về trái tim mình. Trong buổi trò chuyện cùng anh tại nhà riêng, Đoàn Đình Long hứng chí lôi tập ảnh cũ ra khoe một số sản phẩm Silicat thủa nào của anh. Cũng hôm đó, ba người bạn làm cùng xí nghiệp Silicat nghe tin Đoàn Đình Long sắp phải mổ tim lần thứ 3 đã tìm đến thăm và động viên. Ở xí nghiệp Silicat Đoàn Đình Long làm việc rất chăm chỉ, tích cực, luôn luôn được bình bầu là Lao động tiên tiến. Cảm động và trân trọng chàng trai có nghị lực sống và tinh thần làm việc hăng say, giám đốc lúc đó là ông Đoàn Hồng Phi đã đứng ra đảm bảo về con người anh và quyết định cho anh vào biên chế nhà nước.
Đang phấn chấn làm việc thì quả tim bất ổn của anh giở chứng. KHông cưỡng được thêm nữa giữa cái sống và cái chết, Đoàn Đình Long phải đến bệnh viện để mổ tim.
Lần mổ thứ nhất ấy là năm 1974, khi anh mới 27 tuổi đời. Giáo sư Tôn Thất Bách sau này kể: " Tôi mổ tách van tim cho Long ( một van động mạch chủ, một van hai lá...)". Trong lần mổ tim đầu tiên này, không may cho Long vết mổ bị nhiễm trùng, sau đó lại xuất hiện hiện tượng viêm thành mạch máu hai cánh tay. Đoàn Đình Long phải nằm viện mất gần sáu tháng trời. Người ta thường nói trong cái rủi có cái may, chính quãng thời gian này duyên phận đã đến với chàng trai trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. Đoàn Đình Long gặp được người phụ nữ của đời mình trong " tư thế" của một người bệnh.
Cô sinh viên trường Y Hà Nội Lê Thị Ái, sinh năm 1952, khi ấy đang là thực tập sinh tại bệnh viện Việt - Đức. Trong các buổi sinh hoạt của bệnh nhân, Đoàn Đình Long vốn tính sởi lởi, hóm hỉnh, hay kể chuyện phim mà anh lẻn đi xem cho các mọi người nghe. Một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, có mái tóc dài, đen mượt, hay bẽn lẽn ngồi phía xa xa nghe "hóng". Cô gái ấy là Lê Thị Ái. Chàng trai bệnh nhân và cô gái thực tập sinh nhanh chóng quen, thân nhau rồi họ yêu nhau tự lúc nào không biết. Khi biết chuyện, gia đình, bạn bè, người thân cô gái hết sức phản đối bởi một lẽ hiển nhiên: Một người đang bị bệnh tim trầm trọng, không biết sống được bao lâu mà tính chuyện lứa đôi...! Bố mẹ chị Ái đều là cán bộ nhà nước có vai vế trong xã hội, nên họ muốn hướng con gái mình đến cuộc hôn nhân khác, chứ không phải cái anh chàng Silicat với trái tim bệnh tật. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng mà người ngoài không hiểu nổi. Đoàn Đình Long hỏi thẳng người yêu: " Lấy một người như anh, biết rõ bệnh tật thế này em có sợ không?". Chị Ái trả lời: " Được sống thời gian ngắn mà hạnh phúc còn hơn sống với nhau dài lâu mà không có hạnh phúc".
Ra viện được ba tháng thì Đoàn Đình Long tổ chức đám cưới. Họ phải tự lo liệu về tiền bạc. Đến bay giờ nhiều người thân của Đoàn Đình Long còn nhớ câu ghi chú của chú rể trên thiếp mời: " Xin mừng tiền, đừng mừng hiện vật". Võ sư Đoàn Đình Long cười buồn: " Cái hoàn cảnh lúc ấy túng thiếu đủ thứ, bắt tôi phải ghi thế; chứ trong lòng cũng xấu hổ lắm".
Khi nhận quyết định về mất sức tinh thần, sức khỏe của Đoàn Đình Long thật sự suy sụp. Nhìn vợ trẻ, con dại ( đứa bé mới dăm bảy tháng tuổi) trong lòng Long quặn lên từng cơn nỗi đau. Cám cảnh cho mình, mới có 32 tuổi lại trở thành người vô dụng, người thừa nữa sao! Không chấp nhận buông xuôi, ý chí phải vượt lên trên số phận để làm chủ cuộc đời mình lại được Long hâm nóng trong quả tim ọp ẹp. Cầm cục tiền "mất sức" trong tay, Đoàn Đình Long nhảy tàu vào Sài Gòn lùng mua một máy dệt len. Mang máy về nhà, Long dỡ tung ra nghiên cứu, sau đó lắp lại như cũ. Thế là cả gia đình lại trông vào cái máy dệt len và nghề sửa chữa máy của Long. Được hơn một năm, chán, Long bỏ đi buôn đồ giả da, thuộc tây, sợi thuốc lá. Những năm ấy, cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, khách đi tàu Thống Nhất thường gặp một người đàn ông nhỏ nhắn, khắc khổ đi lại thường xuyên trên những chuyến tàu Bắc-Nam.
Cái duyên với nghiệp võ
Ở Huế có ông thầy võ người Nhật sang từ năm 1940, tên là Choji Suzuki, ông sáng lập ra hệ phái Suzucho ( đến lúc đó hầu như cả nước ta đều theo hệ phái đó ). Đi buôn để lấy tiền nuôi vợ con và nuôi ý chí học võ; Đoàn Đình Long không quản ngại xa xôi cách trở, đều đặn vào Huế học võ Nhật. Tập như điên dại, mang hết tinh thần và sức lực dồn vào võ; đã nhiều lần Đoàn Đình Long phải đi cấp cứu vì quá sức chịu đựng với quả tim, nhưng anh không lùi bước. Nhiều người nghĩ hay đó là sự điên rồ của một cây nến sắp tắt, và chỉ còn biết chép miệng thở dài... Long biết cả, anh nghiến răng nén mọi nỗi đau để sống, để tập. Long nghĩ một cáh cực đoan: " Nếu tim mình không chịu nổi thì cứ việc vỡ, còn sống mà đi nhẹ, nói khẽ, ăn kiêng... thì thà ra đi còn hơn". Sự cố gắng phi thường của một người mang trái tim tật bệnh, có thể ngã xuống vĩnh viễn bất cứ lúc nào trên sàn tập khiến ông thầy và bạn bè cảm phục.
Học võ ở Huế với Đoàn Đình Long như sự sắp đặt của cuộc đời thì cũng đúng; bởi không có giai đoạn học võ này cũng không có một võ sư nổi tiếng - một huấn luyện viên trưởng karate quốc gia sau này. Đoàn Đình Long tâm sự: " Tôi học võ ở Huế chỉ để thỏa chí trai, ý thích và để sống, thế thôi, chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ làm thầy, và càng không nghĩ sẽ có được như hôm nay".
Đoàn Đình Long chuến hẳn sang nghiệp võ năm 1983. Cũng từ thời điểm này cho đến nay, vinh quang lần lượt đến với một con người có ý chí thép, một bản lĩnh sống mãnh liệt, một con người lao động võ kiên trì, bền bỉ, đầy tâm huyết và công tâm... Cuối năm ấy, nghe tin ở khu thêt thao Quần Ngựa có lớp dạy Karate, Đoàn Đình Long đến xin học, dù lúc đó anh đã đeo đai nhất đẳng. Học được hai tuần thì ông Xuân Thi, huấn luyện viên trưởng Wusu Việt Nam, lúc ấy phụ trách dạy vovinam và Karate biết Long đã được học chính gốc, bèn gia cho Long đứng lớp. Anh làm thầy chính thức từ đó. Ông Hoàng Vĩnh Giang khi ấy là Phó Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội đến xem Đoàn Đình Long dạy rồi yêu cầu Long mở lớp cho Hà Nội. Khi Hà Nội thành lập đội thuyển Karate vào năm 1986, Đoàn Đình Long được cử làm HLV trưởng. Năm 1989, anh được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Karate Hà Nội. Đến năm 1991, anh sang dạy cho đội tuyển Công An nhân dân, thuộc Bộ Công An. Tuy vậy, anh vẫn dạy cho Hà Nội tới năm1997.
Mang danh là HLV trưởng, là thầy; nhưng những năm này Đoàn Đình Long vẫn " cơm nhà vác ngà voi", không có một thứ tiêu chuẩn hay chế độ gì với anh. Như bây giờ người ta hay nói: "Đất nước mình nó thế", có những điều nhiều khi không thể hiểu nổi; bởi từ cơ chế sẽ đẻ ra những cách nhìn lệch lạc, méo mó, thậm chí thật bất công với một vấn đề hay con người cụ thể... Đoàn Đình Long không hề kêu ca hay phàn nàn, anh vẫn mang hết tâm lực ra để đào tạo học trò. Khi về với đội Công An nhân dân anh được hưởng bồi dương 3 tháng/năm. Từ năm 1998 lại đây anh mới đựơc ký hợp đồng từng năm với chức danh HLV trưởng đội tuyển Karate CAND và hưởng 52.000đ/tháng.
Qua nhiều giải Karate toàn quốc, tuyển Karate Hà Nội dưới sự dẫn dắt của Đoàn Đình Long liên tiếp giành được nhiều huy chương. Năm 1992, Tổng cục Thể dục Thể thao nay là Ủy ban Thể dục Thể thao quốc gia chuẩn bị cho Sea Games 17 đã mời anh làm HLV trưởng đội tuyển Karate quốc gia. Tại Sea Games 17, hai học trò của Đoàn Đình Long là Trần Văn Thông và Nguyễn Anh Tuấn đã giành 2 chiếc huy chương vàng quý báu, đưa đoàn thể thao Việt Nam lên vị trị thứ 6, đẩy đoàn Myanmar xuống hàng thứ 7. Tại ASIAD 94, tổ chức tại Hirosima, Nhật Bản, Đoàn Đình Long dẫn 5 vận động viên tham dự và đã mang về 2 huy chương bạc. Đây là 2 HCB đầu tiên của Việt Nam giành được trong đại hội thể thao mà người Nhật thống soái ở môn này. Cũng từ những thành tích này mà Karate Việt nam càng thêm tin tưởng và vững lòng ở thầy Long và các học trò của ông.
Tâm huyết với đất nước, Đoàn Đình Long từ chối dạy cho người nước ngoài dù được trả 12 USD/giờ. Chúng ta nên nhớ là năm 1998, chuẩn bị cho ASIAD 13, UBTDTT đã mời chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho đội tuyển với mức lương 3.000 USD/tháng. Nhưng chỉ mang lại 1 HCB, 7 HCĐ.
Võ sư Đoàn Đình Long đang tung hoành, chạy nhảy, đấm đá... thì trái tim lại bất tuân sự " duy ý chí " của chủ. Tim bắt đầu loạn nhịp, nghẹt thở, khó thở đến mức phải vào viện mổ lần thứ 2, năm 1994. Lần này vẫn GS Tôn Thất Bách mổ tim cho anh. Đó là ca mổ mà GS Bách cắt xén, khâu vá trái tim của Đoàn Đình Long trên một chiếc đĩa ở ngoài bàn. Ca mổ kéo dài 8 tiếng. GS Bách hoàn toàn không biết anh là võ sư, chỉ bất ngờ khi cưa xương ức để phanh lồng ngực thì bị mẻ mất hai lưỡi cưa. Giáo sư bách nói: " Mổ xong tôi mới biết anh là võ sư Đoàn Đình Long". Một lần nữa ý chí thép của Đoàn Đình Long và tài nghệ của giáo sư Tôn Thất bách lại chiến thắng. lần mổ thứ hai này, tim Long được thay hai chiếc van tim đã hỏng bằng van sinh học ( van tim của động vật).
Ra viện một thời gian, Đoàn Đình Long lại lao ngay đến võ đường, tới với các học trò thân yêu để thầy trò cùng nhau tập luyện, hò hét... Từ trong thẳm sâu suy nghĩ, anh vẫn luôn thèm khát và mong muốn là một người khỏe mạnh, không bệnh tật... Nhiều lúc anh không dám ngồi chơi với con, nhìn con chơi mà bố nước mắt nuốt vào trong, bởi nghĩ không biết mình sẽ ra đi lúc nào, con mình mồ côi sớm... Nhưng rồi nghị lực sống lại trỗi dậy, anh gắng sức lao vào võ để quên đi những tổn thương, nỗi buồn. Có nhiều điều trong cuộc sống buộc anh phải tự dằn mình xuống mà quên. Thế nên, đến với bạn bè là cách tốt nhất để giải tỏa những nỗi buồn cuộc đời, nhân tình thế thái.
Thói đời xưa nay vẫn vậy. Khi anh không bằng người ta thì người ta thương hại, vỗ về, thậm chí chở che, nâng đỡ... Nhưng khi anh hơn người ta thì là bắt đầu sinh chuyện đấy.
Sự nghiệp của Đoàn Đình Long càng nổi, thành tích càng nhiều thì anh cũng không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ. Đã có đồng nghiệp khuyên anh nên bỏ nghề...
Năm 1997, Đoàn Đình Long tiếp tục dẫn quân đi " đánh" giải vô địch thế giới tại Nhật, với 140 nước cùng 1.800 VĐV tham dự. Đoàn Việt Nam giành 1 HCV, một hạng đứng thứ 5, tổng sắp đứng thứ tư thế giới. Năm 1998 tiếp tục làm HLV trưởng quốc gia. Trong năm này đi tranh giải Úc mở rộng được 6 HCV, 1 HCB. Sea Games 20 tại Brunây, HLV Đoàn Đình long cùng học trò mang về cho tổ quốc 4 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ. Tiếp đó, tháng 12 -1999, tại giải vô địch châu Á ở Singapore có 26 quốc gia tham dự, đoàn Việt Nam giành được 1 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ xếp thứ ba sau Nhật và I Ran. Đây là thành tích rất lớn của Karate Việt Nam, bởi giành được huy chương với các cường quốc quá mạnh về Karate như Nhật, I Ran, Pháp là điều vô cùng khó. Tại Sea Games 21 vừ rồi tổ chức ở Malaysia, Đoàn Đình Long trên cương vị huấn luyện viên trưởng mang về cho Việt Nam 4 HCV, 5 bạc, 6 đồng.
Học trò của võ sư Đoàn Đình Long hiện có tới vài nghìn người. Trong số họ, làm nên tên tuổi và mang về cho đất nước các HCV quốc tế phải kể đến: Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà, Vũ Quốc Huy, Phạm Minh Hường, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Đình Lân, Trần Hải Hà, Nguyễn Hoàng Ngân.
Vinh quang và số phận của một HLV trưởng quốc gia
Giành giật sự sống từ tay tử thần, cố gắng hết mình cho Karate Việt Nam, võ sư Đoàn Đình Long là HLV trưởng duy nhất được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II. Anh cũng là HLV trưởng quốc gia duy nhất không có biên chế. Khi nào cần thì UBTDTT gọi giao chức, vào tập trung huấn luyện tại Trung tâm Thể thao quốc gia 1, tại Nhổn, Hà Nội; hưởng tiêu chuẩn và chế độ như mọi người. Mỗi tháng- không thể tin được, ông HLV trưởng mang bao vinh quang về cho đất nước được lĩnh những....42.000đ, tiền trách nhiệm.
Vinh quang nghề nghiệp của võ sư Đoàn Đình Long kể như cũng tột đỉnh cùng một mái nhà đầm ấm. Hai con trai anh đều theo học võ, đều đeo tam đẳng Karate. Đình Lân, 26 tuổi, học xong Cao đẳng Ngân hàng đang học tiếp đại học Thể dục Thể thao(năm thứ 2). Ngọc Lân, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Quản trị kinh doanh, khoa Thương Mại, hiện đang làm tại Công ty Xuất khẩu lao động Hà Nội. Anh chị cũng đã dựng được ngôi nhà 3 tầng khang trang ở Trung Kính, Quận Cầu Giấy.
Vậy nhưng, quả tim của Đoàn Đình Long lại lần thứ 3 đòi lên bàn mổ. Ngồi trò chuyện cùng anh ở tòa soạn mới cách đây hơn tuần cứ thấy anh ôm lồng ngực đau đớn, mặt tái xanh, thở nặng nhọc. Giáo sư Tôn Thất Bách cho biết, lần mổ này sự sống-chết là 50-50. Nếu như được mổ tại Singapore thì điều khiện mổ đồng bộ hơn; nhưng phải mất khoảng trên 300 triệu( thời điểm năm 2001). Còn mổ ở Việt Nam, vẫn là ông mổ cũng khoảng 150 triệu. Số tiền ấy là nhỏ, thậm chí quá nhỏ đối với một tổ chức hay một cơ quan; nhưng là quá lớn với một gia đình, cá nhân. Bạn bè, đồng nghiệp hay tin xúm vào giúp đỡ nhằm cứu sống một con người ưu tú đã có những cống hiến xuất sắc cho đất nước. Tuy nhiên, nghĩa cử và tấm lòng vẫn cứ là chính, bởi đã mấy ai có đời sống sung túc lắm đâu!
Chị Ái rầu rĩ nói với tôi: " Đến nước cùng có lẽ phải bán nhà để lấy tiền cứu sống anh ấy". Đã gần một tháng nay, võ sư Đoàn Đình Long phải chịu đựng những cơn đau, cơn khó thở; và tử thần có thể đến bất cứ lúc nào, nếu không được mổ sớm.
Số phận võ sư- HLV trưởng đội tuyển quốc gia Karate Việt Nam Đoàn Đình Long thật vinh quang nhưng cũng đầy truân chuyên. Cuộc đời ông là một câu chuyện cảm động giữa thời nay.
Hà Nội, 9-2001.