(Về bài thơ MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN Của Nguyễn Du )
Phiên âm:
Ngũ thủ
I
Khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đình / Hồ thủy hà xung dung / Thủy trung hữu nhân ảnh.
II
Thái thái Tây hồ liên / Hoa thực câu thưởng thuyền / Hoa dĩ tặng sở úy / Thục dĩ tặng sở liên.
III
Kim thần khứ thái liên / Nãi ước đông lân nữ / Bất tri lai bất lai / Cách hoa văn tiếu ngữ.
IV
Cộng tri liên liên hoa / Thùy giả liên liên cán / Kỳ trung hữu lân ti / Thiên liên bất khả đoạn.
V
Liên điệp hà thanh thanh / Liên hoa kiều doanh doanh / Thái chi vật thương ngẫu / Minh niên bất phục sinh.
Dịch nghĩa:
CHIÊM BAO THẤY HÁI SEN
(Năm bài)
I
Xắn gọn quần cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ đầy lai láng / Dưới nước có bóng người.
II
Hái, hái sen hồ Tây / Cả hoa và gương đều bỏ lên thuyền / Hoa để tặng người mình sợ / Gương để tặng người mình thương.
III
Sáng sớm nay đi hái sen / Có hẹn với cô hàng xóm / Không biết có đến không / Sau khóm hoa nghe tiếng cười nói.
IV
Ai cũng biết thích hoa sen / Nhưng mấy ai thích thân cây sen / Trong thân cây sen có những sợi tơ bền / Vấn vương không dứt được.
V
Lá sen xanh biết bao / Hoa sen đẹp mơn mởn / Hái chớ làm hỏng ngó / Năm sau sẽ không mọc.
Dịch thơ:
I
Xắn gọn quần cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ đầy lai láng / Dưới nước bóng người in.
II
Tây hồ hái hái sen / Hoa gương bỏ lên thuyền / Hoa tặng người mình sợ / Gương tặng người mình quen.
III
Sáng nay đi hái sen / Hẹn cô kia đi với / Chẳng biết có đến không / Cách hoa nghe cười nói.
IV
Hoa sen ai cũng ưa / Cuống sen chẳng ai thích / Trong cuống có tơ mành / Vấn vương không thể dứt.
V
Lá sen màu xanh xanh / Hoa sen dáng xinh xinh / Hái sen chớ đụng ngó / Năm sau hoa chẳng sinh.
PHẠM KHẮC KHOAN VÀ LÊ THƯỚC
Bài thơ này Nguyễn Du viết khi đã ra làm quan với nhà Nguyễn, in trong tập thơ chữ Hán Nam trung tạp ngâm, khoảng 27 bài. Như thế là tác giả viết vào thời điểm từ sau năm 1802, đời vua Gia Long. Một bài thơ liên hoàn, tả một giấc mơ được hái sen ở hồ Tây (Mộng đắc thái liên). Chỉ là một giấc chiêm bao thôi, có lẽ là hình ảnh từ những năm tháng tươi đẹp của tác giả khi còn trẻ, được thừa hưởng vinh hoa phú quý ở một thế gia quyền quý, rồi một đi không trở lại, kể từ khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc Hà tiêu diệt tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh đã suy tàn, năm 1786.
Quả là một giấc mơ tươi trong, rất hiếm thấy ở các tác phẩm thơ của Nguyễn Du, kể cả chữ Hán và chữ Nôm. Bài thứ nhất tả cảnh chung, khái quát, về cảnh hái sen ở Tây hồ.
Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền con hái sen.
(khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đình)
Đấy là tả người đi hái sen, chèo chiếc thuyền nhỏ mà lướt nhẹ trên mặt hồ, luồn qua những hoa sen và lá sen. Nhưng ai là người Xắn gọn quần cánh bướm ở đây? Chắc là những cô gái trẻ, con nhà tử tế quanh hồ mà tác giả quan sát thấy. Có nữ tú, ắt có cả nam thanh, trong đó có thi sĩ đa tình đa cảm Tố Như…Hai câu tiếp theo tả nước hồ đầy lai láng và xanh trong, in rõ bóng người hái sen. Mấy nét chấm phá về cảnh và người hái sen Tây hồ trong một ngày đẹp trời, bình yên, thơ mộng. Có cảnh và có người trong cảnh, nhưng tả người mới chỉ ở vài điểm nhấn, ví như Giáp điệp quần, tức quần lụa mỏng, tựa như cánh bướm phất phơ và hình người hái sen in dưới mặt nước hồ trong, thanh thoát.
Bài II, tả cụ thể công việc hái sen, đương nhiên có cả mục đích của việc hái sen nữa. Hái hoa sen, và cả gương sen, cả hoa và gương đều bỏ lên thuyền. Thế thôi, chưa có gì đặc biệt. Những người dân ven hồ Tây, nhiều gia đình lấy việc hái sen (cả hoa và gương) làm kế sinh nhai. Nhưng cũng có những người khá giả, lại lấy việc hái sen chủ yếu để tiêu khiển, như một thú chơi tao nhã. Với tác giả bài thơ này, thì Hoa để tặng người mình sợ / Gương để tặng người mình thương (Hoa dĩ tặng sở úy / Thục dĩ tặng sở liên). Hai câu sau thấy chứa nhiều uẩn khúc trong tình ý. Hoa sen trắng hay hoa sen hồng, đều đẹp. Hương sen thơm nhẹ, tinh khiết. Đó là một loài hoa quý xưa nay, còn có cái tên rất đẹp là hoa phù dung. Hoa ấy hái về dùng để tặng người mình yêu quý, trân trọng, còn để cắm vào bình hoa trong nhà mình để thưởng lãm, hoặc dâng lên bàn thờ tiên tổ, ấy là lẽ thường. Nếu như hoa sen với sắc hoa và hương quyến rũ, làm biểu tượng cho cái đẹp trang nhã và quý phái, tức biểu tượng của giá trị thẩm mĩ, thì gương sen, trong có hạt sen rất quý, phần nhiều chỉ nghiêng về giá trị vật chất. Nhưng với Tố Như thì hoa để tặng người mình sợ, còn gương để tặng người mình thương, thì đã là một sự khác thường rồi! Cũng có người bình giải bài thơ này, đến đây thì bế tắc, không sao đoán định được tình ý sâu kín của tác giả. Một tính cách cang cường như Cao Bá Quát, khi tả hoa sen Tây Hồ, hay hoa sen trong bồn quý của một ông bạn thân, đều gửi gắm ý chí thanh cao ngạo nghễ của mình, rõ ràng, quyết liệt. Còn Nguyễn Du trong trường hợp này thì sao? Ẩn số này, phải chăng có thể liên tưởng đến tính cách của tác giả, thông qua những cứ liệu ở tiểu sử, và đặc biệt là cả ở văn chương nữa?
Tiểu sử cho hay, Nguyễn Du là một trong số 21 người con, cả trai lẫn gái của cụ Nguyễn Nghiễm, một vị quan to ở phủ chúa Trịnh, có tới tám bà vợ. Mẹ Nguyễn Du quê Bắc Ninh, kém chồng tới 32 tuổi. Cha chết, rồi mẹ chết khi Nguyễn còn trẻ, phải nương tựa vào một người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Triều Lê-Trịnh bị Tây Sơn lật đổ năm 1786, ba anh em Nguyễn Du chạy trốn theo Lê Chiêu Thống sang Tàu, nhưng không kịp, phải quay về. Nguyễn Du chạy về Thái Bình, lẩn trốn ở nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn, bấy giờ đã ra làm quan với Tây Sơn, từ năm 1786. Có thể Nguyễn Du dựa vào vị trí của anh vợ, nên được an toàn chăng? Tuy nhiên, không thể nói là ông không phải lo sợ gì nữa trong hoàn cảnh Tây Sơn có thể truy xét, bởi ông là quan lại cũ của triều Lê, lại chống Tây sơn quyết liệt, kể cả mưu toan khởi binh nhằm “phục Lê” nhưng không thành. Mười năm gió bụi, ăn nhờ ở đậu, thấp thỏm lo âu, buồn bã trong đói nghèo, bệnh tật nơi góc biển bờ sông. Tây sơn đổ, Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn (1802), thăng dần lên đến chức Cai bạ Quảng Bình (1809-1812), rồi lại được thăng tới chức Tham tri bộ Lễ, nhưng hình như không mấy khi được vui vẻ, chủ yếu là do bị quan trên chèn ép. Một số quan lại đương thời, xưa cộng tác với Tây Sơn, hoặc từng làm quan với nhà Lê, thường bị phái công thần ghanh ghét, tìm cách triệt tiêu, thế nên Nguyễn Du không thể không lo sợ, cố kín đáo giữ mình, thành ra có lúc bị Gia Long quở trách: “Nhà nước dùng người tài giỏi thì cất lên, không hề phân biệt người Bắc người Nam. Khanh với Ngô Vị (con Ngô Thì sĩ) đã được trẫm biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức Tham tri, biết điều gì cứ nói, để làm hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi?”. Sự đố kị, ganh ghét trong nội bộ quan lại thời ấy, khiến bao kẻ phải chết tức tưởi, như Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát, Vũ Quý Đỉnh…chẳng phải đáng sợ lắm sao? Đến như chính một người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ, từng làm quan cho Tây Sơn, sau lại làm quan với nhà Nguyễn, chỉ do xích mích gì đó với tri phủ Nguyễn Văn Chiêu, bị hắn truy bức, tức quá mà chết (theo gia phả). Những sự thật đau lòng như thế, thử hỏi một người như Nguyễn Du, dẫu cho có khí phách cang cường chăng nữa, cũng không biết sợ hay sao? Thơ văn Nguyễn Du, ngay trong tập Nam trung tạp ngâm này, cũng không ít bài thể hiện tâm sự buồn chán và lo sợ trước cảnh “Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc” (Những con oanh đẹp trong vườn thượng uyển hay ghen ghét nhau). Ngay như ở Thanh Hiên thi tập viết trước đó, tác giả cũng từng viết: Gặp đời loạn vì muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta (Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân)…Thế nên Hoa để tặng người mình sợ ở bài Mộng đắc thái liên, hẳn có nguyên cớ chi đây! Phải chăng, người mình sợ ấy là những kẻ có thế lực đương thời? Tặng hoa, có thể chỉ như một hành vi có tính chất ngoại giao, nhất thời, nôm na chỉ là cái “mẹo” giao đãi, cao hơn một chút là cái “mẹo làm quan”, trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, như một sự nhún mình, khôn khéo, nhưng mà không phải thực lòng. Danh tướng nhà Hán như Hàn Tín, lúc bĩ cực, cũng còn phải tạm thời chấp nhận chui qua háng kẻ mạnh, chỉ để được tồn tại mà tính kế lâu dài. Người quân tử biết cứng biết mềm, cốt để giữ cái mục tiêu lớn, thế mới thật đáng nể trọng. Nguyễn Du là người có bản lĩnh, biết trong cương ngoại nhu chăng? Cũng không ngoại trừ khả năng này nữa: Với những bậc trí giả, chỉ biết sợ những kẻ tài giỏi, anh hùng trong thiên hạ mà thôi! “Sợ” ở đây không hẳn là sợ hãi, mà phải hiểu theo nghĩa tôn trọng, kính sợ người có tài và nhân cách cao cả hơn đời và hơn mình. Với Nguyễn Du, trong trường hợp này, liệu còn có những ý tưởng sâu kín nào khác nữa chăng? Còn như gương sen để tặng người mình thương, cũng không mấy khó hiểu. Gương sen, trong có hạt sen quý, nhiều giá trị sử dụng, để tặng người thân thương, vừa chân tình, vừa gần gũi…
Bài III, cũng tả cảnh hái sen, nhưng mà ở một chi tiết khác. Thi sĩ sáng nay đi hái sen, vốn đã có hẹn với một cô nàng hàng xóm nào đó, chắc là xinh đẹp trẻ trung. Hẹn rồi đấy, nhưng mà không biết bóng giai nhân ấy đã đến chưa (bất tri lai bất tri)? Chưa thấy người đẹp hiển hiện trước mắt, nhưng cách hoa nghe cười nói (cách hoa văn tiếu ngữ), thì hình như đã thấy xốn xang trong dạ rồi. Sen tốt tươi, bạt ngàn bông thắm lá xanh, chưa nhìn thấy người hái sen, nhưng tiếng cười nói vui vẻ của người hái sen lẫn trong những bông thắm lá xanh, thật tuyệt. Chỉ tả tiếng cười nói của những người hái sen thôi, đã thấy rõ cái đẹp hòa trong cái đẹp, thiên nhiên và con người đằm thắm trữ tình, sinh động, thanh thoát…
Hai bài thơ còn lại của liên khúc hái sen, dành cho việc triết luận của tác giả. Hoa sen ai cũng ưa / Cuống sen chẳng ai thích (Cộng tri liên liên hoa / Thùy giả liên liên cấn), cũng là sự thường tình ở đời. Hoa sen để thưởng lãm, còn như thân cây sen, mấy ai dùng làm gì, thường bỏ đi. Nhưng có một sự thật là thân cây sen có những sợi tơ bền / Vấn vương không dứt được. Nghĩa là thân cây sen vẫn có giá trị sử dụng riêng, người đời ít biết, nên thường coi rẻ. Nghĩa là hoa có giá trị của hoa, gương sen có giá trị của gương, lá sen có giá trị của lá, còn thân cây sen vẫn có giá trị của thân…Ví như ở đời, cao thấp khác nhau, nhưng ai cũng có giá trị của riêng mình, đóng góp của riêng mình, chớ nên xem thường, chớ nên có thái độ “Hạ mục vô nhân”. Phải chăng, Nguyễn Du muốn mượn ý này, để bàn về quan niệm nhân sinh, để cảnh tỉnh người đời? Bài cuối cùng, lại nêu một ý tưởng khác, cũng xoay quanh hình ảnh sen và công việc hái sen. Lá sen màu xanh xanh / Hoa sen dáng xinh xinh, điều ấy ai cũng biết cả rồi. Nhưng mà Hái sen chớ đụng ngó / Năm sau hoa chẳng sinh (Thái chi vật thương ngẫu / Minh niên bất phục sinh), thì đó lại là lời nhắc nhở ân cần của tác giả. Ngó sen là biểu tượng của sự sinh sôi, biểu tượng của tương lai, phải biết trân trọng, giữ gìn. Đấy chính là minh triết của vũ trụ, đồng thời cũng thể hiện tinh thần nhân văn của bậc trí giả và tâm hồn nhân hậu của thi nhân…
Chiêm bao thấy hái sen của Tố Như quả là một bài thơ đẹp, một giấc mơ đẹp. Ở đấy, thấy hiện lên cảnh hái sen rất thơ mộng, trong trẻo Tây hồ. Những hàm ẩn ý tình trong hương hoa, sắc hoa, cả gương sen và thân sen nữa, phong phú, đằm thắm trữ tình và ngổn ngang những triết lý nhân sinh sâu thẳm…
Hà Nội-Mùa hạ năm 2012