Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thơ Hồng Đà, giản dị nhưng không kém phần đắm thắm, sâu sắc

Nguyễn Hưng Hải
Chủ nhật ngày 23 tháng 6 năm 2013 8:31 PM

 

 Sau tập thơ “Thoáng xưa” (NXB Hội Nhà văn, 2010), tác giả Hồng Đà vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Thơ ngày ấy ... đâu rồi”. Tập thơ gồm 50 bài được chọn lọc, biên tập kỹ và trình bày trang nhã khá ấn tượng. Ý thức công dân của tác giả Hồng Đà, được thể hiện rõ ngay từ bài thơ mở đầu, những câu thơ mở đầu của tập thơ này. Đặt ra câu hỏi “Thơ ngày ấy .... đâu rồi?” đã là một sự tự trọng ,đầy trách nhiệm. Không chỉ để hỏi mình, hỏi chỉ để mà hỏi, ở đây dường như còn là sự thức tỉnh của Hồng Đà đối với tất cả chúng ta, và riêng đối với những người cầm bút thì đây còn có thể coi là một nhắc nhở, một xoáy sâu của tâm trạng, đánh thức cho nhiều “mê ngủ” ở đâu đó, đừng quên bổn phận và trách nhiệm của người cầm bút trước thời thế và nhân thế. Có thể nói, hầu hết những bài thơ viết về tình mẫu tử, về những người thân yêu ruột thịt, bạn bè và những hồi ức về tuổi thơ, về ngày khôn lớn, những kỉ niệm đẹp và buồn trong tập thơ này đều nhất quán một giọng điệu , một cái nhìn, mang vẻ đẹp kín đáo và cũng đầy trải nghiệm. Có những câu thơ đọc lên thấy thăm thẳm cô đơn, trùng điệp những nỗi niềm thật khó mà tâm sự cùng ai. Nhưng cũng lại có rất nhiều những câu thơ thấm đẫm tình nhân ái, nỗi yêu thương, trân trọng con người. Đôi khi còn gặp cả những câu thơ, bài thơ can dự sâu sắc vào tâm thế thời cuộc. Và ở tập thơ này cũng không hiếm những câu thơ nghiêng bút chủ âm về sự cảnh tỉnh, dự báo, thức tỉnh về nhân cách, đạo lý và những sự băng hoại về nhân tính ở đâu đó hôm nay. Nếu chỉ đọc lướt qua , rất dễ cho rằng, ở tập thơ này, tác giả Hồng Đà mới chỉ dừng lại như là những dòng nhật kí bằng thơ. Tôi đã đọc “Thơ ngày ấy .... đâu rồi?” của tác giả Hồng Đà với một tâm trạng khác, đó là tâm trạng của một người đồng hành, có lúc phải dừng lại khá lâu ở từng câu, từng chữ, phải đặt mình vào tâm trạng của tác giả khi viết những câu, những chữ đó, để cố mong hiểu thêm được ý này, nghĩa khác; để thấu hiểu được những vỉa tầng ý tưởng và tư tưởng mà tác giả đã gửi gắm. Và tôi đã gặp một Hồng Đà đầy cá tính, tự trọng với một tâm thế mà chúng ta không thể không ghi nhận.
 Trước hết nói về mảng thơ viết về những người thương yêu ruột thịt, điển hình như các bài “Viết cho Phan Huy Ngọc”, “Viết cho Tố Nga”, “Với các con dâu”, “Cha tôi”, “Anh tôi”, “Bầm lại ăn sau”.... Tôi đã xúc động trước một tấm lòng Hồng Đà đứt ruột thương yêu, quí trọng cha mẹ, chồng con. Những bài thơ ở mảng đề tài này, ngoài nỗi niềm tâm trạng chung như mọi người phụ nữ khác, chúng ta như hiểu được gia cảnh, truyền thống và nhiều nét rất khác biệt ở gia đình bà: “Mẹ từ sỏi đá vươn lên/ cây xanh tìm nắng mà quên nhọc nhằn/ nỗi riêng bạc đắng đường trần/ nổi chìm sau những vũ vần đan xen...”. Viết cho con trai Phan Huy Ngọc, bà đã dành 2 câu kết của bài thơ như một lời nhắc nhở: “Cây đắng rễ - cha mẹ trồng/ mong sao gốc vững - hoa hồng - quả ngon”. Nỗi lòng ấy của bà là nỗi lòng của tất cả các bà mẹ Việt Nam, nhưng đọc lên vẫn cảm được sự chăm chút, lo lắng và chu đáo của một người mẹ điển hình, khiến cho chẳng riêng Phan Huy Ngọc mà tất cả chúng ta cũng phải nhìn nhận lại mình ở bổn phận làm con, ở trách nhiệm làm cha làm mẹ. Càng cảm động hơn khi đọc bài thơ “ Với các con dâu” của bà, ở đây dường như chẳng có sự phân biệt nào, chẳng có bên nào nặng, bên nào nhẹ, bởi bà luôn coi con dâu cũng như con gái mà mình từng mang nặng đẻ đau. Sự phân biệt đối xử trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bây giờ đã khác ngày xưa, nhưng đâu đó vẫn còn đầy rẫy những cảnh tượng coi nhau như người dưng nước lã, chỉ bởi quan niệm “khác máu tanh lòng” cổ hủ và lệch lạc từ xưa còn rơi rớt lại. Chính vì vậy đọc “Với các con dâu” của tác giả Hồng Đà, chúng ta không chỉ có thêm đồng cảm trân trọng mà dường như còn có cả sự ngưỡng mộ ở nơi bà, nhất là đối với những ai không có được may mắn như những “nàng dâu” của bà: “Con đẻ thương quý mười mươi/ con dâu xem cũng như người mẹ sinh/ ngọn lửa sưởi ấm gia đình/ con gắng chăm chút nghĩa tình dài lâu”... Câu chữ còn thô mộc, nhưng đọc lên thấy được cả tấm lòng. Đó chẳng phải là cái đích mà thơ cần đạt đến sao?!
 Còn với Việt Trì, mảnh đất cố đô, nơi sinh thành và cả đời gắn bó, tác giả Hồng Đà cũng đã luôn dành cho nơi này những tình cảm đầy yêu thương, ơn nghĩa sâu nặng. Dường như mỗi xóm phố, con đường đã từng in dấu chân bà đều có mặt trong thơ và thơ bà cũng đã in dấu vào miền đất Tổ này, với rất nhiều cung bậc tình cảm, có khi đến thương cảm: “Lạc trong câu hát quê nghèo/ lời ru của mẹ mái chèo khua sương”. Với Bạch Hạc, nơi “chôn rau cắt rốn” trong bài thơ “Bơi chải” chỉ bằng vào 4 câu thơ tứ tuyệt bà đã dựng lại cả khung cảnh của một lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của một vùng kinh đô, mà Bạch Hạc bao giờ và lúc nào cũng là một điểm sáng của văn hóa: “Trống chiêng cổ động rung trời đất/ trên sông, nhịp mõ cất đều tay/ xuân này chắc hẳn là thắng cuộc/ xuân trước thua vì tập chưa say”. Thắng thua cũng chỉ là sự phân định nhất thời trong một “cuộc đua”, còn cái được ở đây, là được một lời nhắc nhở của Hồng Đà.
 Cũng với một mạch tư duy và cảm xúc như thế, trong những bài thơ viết về các anh hùng hào kiệt, viết về Nguyễn Du, Bác Hồ, viết về cha mình, nữ tác giả Hồng Đà đã có những câu thơ tri ân nhiều cảm động.
 Qua tự sự của tâm trạng, Hồng Đà đã có chung đồng cảm với nhiều tâm trạng khi viết về Bác Hồ kính yêu. Và bà đã thành công trong sự giản dị: “Trên đời Bác của chúng ta/ là người sống cần kiệm nhất/ Bác có cả trời, cả đất/ áo quần cũng rất giản đơn/ Bác có tất cả giang sơn/ bữa cơm tương cà dưa muối/ Bác từng leo đèo lội suối/ chân mang đôi dép cao su/ Bác ôm hôn trọn mùa thu/ khai sinh hòa bình đất nước/ mà sao vẫn cần và kiệm/ cho muôn đời vạn kiếp tấm gương trong”.
 Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, với Hồng Đà, những câu thơ trên chính là sự biểu hiện của niềm tôn kính, đầy soi chiếu. Tôi coi đó như là một nhắc nhở của Hồng Đà, đối với tất cả những ai chỉ nói theo mà chẳng bao giờ làm theo Bác?!
 Vẫn một lối tự sự như thế, khi đến với Quảng Trị, đến với Cát Bà, đến với Vịnh Hạ Long ... Hồng Đà đã gieo được cái tình trong những câu thơ, nhóm được ngọn lửa để sưởi ấm cho nhiều nỗi lòng còn “băng giá”
 Tôi không có ý định phẩm bình, tán dương thơ Hồng Đà, bởi bà mới xuất hiện ở 2 tập thơ và cũng chưa có độ lùi của thời gian để sàng lọc. Nhưng những gì mà tôi đọc được, gặp được trong “Thơ ngày ấy ... đâu rồi” là cái tình chân thật, là tâm trạng thật của một người phụ nữ nhiều truân chuyên, trải nghiệm, rất có ý thức về mình và luôn biết lo cho người khác. Còn vụng về trong những phép tu từ nhưng vì cái tình chân thật, vì biết trân trọng đời, trân trọng cả quá khứ, hiện tại và có nhiều kỳ vọng ở tương lai nên bà đã có những câu thơ dễ mến, dễ đồng cảm, thuyết phục được người đọc. Tôi đã gặp nhận định này của nhiều người trong những bài thơ như “Tâm sự với cò”, “Từ thiện”, “Nửa đời”, “Từ tâm”, “Bó tăm” của bà. Đây là một ví dụ: “Chao ôi ! đất thấp trời cao/ ngàn đời nội, ngoại cò nào ăn đêm? / chém cha cái bụng nhỏ nhen/ mẹ con nhà Vạc nó quen đặt nhời/ tranh công đổ lỗi cho người/ lời ru, võng đẩy thương ơi phận cò/ thế mà Vạc vẫn nhỏ to/ xui người mang vặt lông cò xáo măng/  đến như mấy cọng rau răm/ cũng nghe lời Vạc rắp tâm hại cò”. Tâm trạng và tâm sự này của Hồng Đà cho tôi nhiều liên tưởng, bởi có lúc, tôi cũng đã như tác giả của câu thơ trên, từng không ít lần rơi vào cái cảnh “Đến như mấy cọng rau răm/ cũng nghe lời Vạc rắp tâm hại cò”?!. Thơ bà có nhiều đồng cảm còn ở sự chân thành, ở lòng nhân ái: “Mấy đồng bạc lẻ em dành dụm/ nhiều nhặn gì đâu chút bạc này/ lá rách, em xin đùm lá rách/ người ơi! đừng nghĩ nhẹ bàn tay?”
 Đọc những câu thơ trên, ta không khỏi day dứt. Thơ như thế là thơ của đổi mới, bởi cái lõi của đổi mới thơ vẫn là tư tưởng, là những vấn đề đặt ra, những điều mà tác giả gửi gắm, chứ đâu có đơn thuần ở cái vỏ hình thức. Dù chưa đạt đến chuyên nghiệp nhưng bằng vào “Thơ ngày ấy ...đâu rồi”, Hồng Đà cũng đã có một mùa thơ bội thu, và qua tập thơ này đã hiện dần một gương mặt, một giọng điệu, giản dị nhưng không kém phần đằm thắm, sâu sắc.
Việt Trì, ngày 10/ 5/ 2013
                                                                      N.H.H

Địa chỉ : Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ
               Số nhà 176 - Mai Sơn - Tiên Cát- Việt Trì - Phú Thọ
ĐT       : 0168 4949 459