Chuyện đã lâu. Rất lâu rồi. Tôi bỗng dưng nhớ lại khi trong buổi tang lễ nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, sau khi nghe anh Nguyễn Trí Huân đọc điếu văn, rồi đến lời tự sự của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói với mẹ trước lúc tiễn đưa bà về cõi vĩnh hằng, chấp nhận một cuộc chia ly sinh tử, không còn có ngày gặp lại. Tâm tư đang ắp ngập chuyện đau buồn của tôi chợt lùi về một khoảng rộng, tít tắp xa… Đấy là vào năm 1957 hay 1958 gì đó. Tôi đang học năm thứ nhất khoa Xây Dựng trường Đại Học Bách Khoa, còn Ngọc Tú thì vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Hà Nội, trở thành cô giáo. Và cô giáo trẻ con ấy được phân công lên dạy trường phổ thông cấp I xã……. Huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây ( bây giờ Sơn Tây đã trở thành Hà Nội rồi ). Nhưng ngày ấy, nói đến Sơn Tây là thấy xa lắm, đi cả ngày đường, vì với phương tiện chỉ là xe đap, loại tòng tọc, còn đường xá thì toàn là đường đá, đường đất.
… Buổi sáng hôm ấy tôi xin nghỉ học ở nhà chỉnh trang lại chiếc xe đạp, căng lại xích, bơm thêm hơi cho lốp. Mẹ đã nấu cho 2 anh em một nắm cơm to ( ngày ấy trông thấy nắm cơm to là thích rồi. Mẹ tôi dặn phải đưa Tú đi cẩn thận, xem chỗ ăn ở của cho chu đáo, rồi mới được về.
Đường tỉnh lộ vắng vẻ, thênh thang, thi thoảng mới gặp một chiếc ô tô tải đi ngược lại, xe đạp cũng lác đác, chỉ người đi bộ thì nhiều, thủng thẳng theo bờ cỏ. Tôi đã chuẩn bị một cái rút lốp bằng que tre mỏng chẻ đôi ( đề phòng quai dép cao su có tụt ra khỏi dép thì có cái mà xâu ), một que tre nữa dày hơn để nạo đất giắt vào gác- đờ- bu ( garde boue) – gọi nôm na là cái chắn bùn -. Để bùn đất dính nhiều vào lốp, bùn sẽ giắt vào chắn bùn, làm dày cộm lên, sát vào lốp, nặng không đi được! Những thứ gọi tạm là dụng cụ này, bây giờ có tra tự điển cũng không tìm thấy, nhưng ngày ấy thì cần lắm.
Đến trưa, tấp vào quán nước dọc đường giở cơm nắm muối vừng ra ăn, hỏi thăm làng bà bán quán rồi lại đi. Thấy đường xá xa xôi quá, đi lại nhiêu khê, tôi cứ cằn nhằn mãi, xa ngái thế này chỉ có tết nhất mới về thăm nhà được thôi. Ngọc Tú giở tờ quyết định ra đọc đi đọc lại rồi nói, một tháng em được hai mươi lăm đồng phụ cấp sinh hoạt, cũng xênh xang rồi. Vừa rồi đi học Sư Phạm, học bổng có mười lăm đồng thôi. Em cùng với một con bạn, hai đứa báo một xuất cơm tập thể mà ăn vẫn tiềm tiệm! Suất cơm tập thể ngày ấy, mỗi học sinh nộp mười đồng cho một tháng ăn. Vậy là còn dư năm đồng!
Thời trẻ ngày đó, thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn vui, vì cuộc đời vẫn còn đầy ắp ở phía trước.
Nhẩn nha đi. Mãi rồi cũng đến nơi. Còn nhớ, đã vá săm xe một lần, bơm xe hai lần, còn lắp lại xích thì không kể. Vào đến làng thì trời đã ngả chiều. Trường cũng nhà tranh vách đất, nhưng sạch sẽ. Ngọc Tú được văn phòng nhà trường giới thiệu đến ở nhà một người đàn bà ở gần trường, một bà mẹ nuôi ba đứa con bé lít nhít trứng gà trứng vịt. Tự nhiên thấy cám cảnh quá. Vậy mà Tú vẫn vui vẻ, cười nói với bà chủ, chia cho trẻ con mấy chiếc kẹo bột mua ở quán nước dọc đường.
Bà chủ nhà ái ngại nhìn cô giáo giải thích ở nông thôn vùng này, ngày hai bữa, bữa sáng ăn lúc còn tối đất, rồi ra đồng làm. Đến khoảng hai giờ chiều về nhà thổi ăn bữa trưa và cũng là bữa chiều luôn. Tối đi ngủ cùng mặt trời, đèn đóm thắp làm gì, tốn dầu lắm, lại kéo muỗi bay vào nhà. Bà chủ nhà con cà con kê kể thế rồi phân vân mãi, giải thích vì đã qua bữa chiều, nếu cô giáo có đói thì để đi thủi ( thổi ) cơm. Tất nhiên là cô giáo Ngọc Tú vội nói vừa ăn ở ngoài quán hãy còn no lắm. Thực ra trên đường đi nào có quán xá gì, cùng lắm chỉ mấy quả chuối, bát nước chè xanh và vài cái bánh tẻ bánh khoai chơ chỏng. Tôi chào bà chủ nhà để ra về, đường thì xa mà xe cộ thì cọc cạch. Ngọc Tú tiễn tôi ra đầu ngõ. Mở trong túi vải thấy còn đúng hai tờ giấy bạc một đồng, Tú đưa tôi một tờ, vì sợ anh đi đường xe cộ dễ hỏng hóc lắm. Tôi tần ngần cầm cho Tú vui lòng. Nhìn vào trong sân, chị chủ nhà áo nâu, váy đụp đang quét chiếc sân đất nện bằng chiếc chổi mo cau, quanh người đàn bà là ba đứa con chị, đứa con trai chỉ mặc mỗi chiếc áo nâu cộc. Đứa lớn hơn chắc là chị đang dỗ dành nó, hứa hẹn sẽ dẫn em đi ra đồng hun chuột vì mới tìm ra một cái hang chuột đồng.
Bỗng dưng. Không biết từ đâu, một hình ảnh trong đầu tôi thoáng hiện thật tình cờ, và tôi buột nói: - Mấy năm sau khi tôi về đây thăm cô, biết đâu gặp, cô chẳng đang quét sân như bà kia, và cùng đứa con ùa ra đón ông bác mới ở tỉnh về thăm…
Ngọc Tú trầm ngâm nhin bà chủ nhà:
- Lúc đó… chắc anh đã tốt nghiệp bách khoa rồi, ông kỹ sư đâu còn đi chiếc xe đạp cà là khổ này nữa..
Tú nói rồi cười buồn, lặng im. Tôi biết mình đã có một câu nói đùa không phải lúc và không phải chỗ.
Tiễn tôi ra cổng, Tú đứng nhìn theo tôi nghiêng vai rụt cổ phóng xe trên con đường làng khấp khểnh, vắng teo.
Câu nói đùa vô duyên ấy của tôi, tất cả rồi cũng nhòa quên đi theo thời gian, theo công việc hàng ngày đang bề bộn. Thời gian thay đổi, nhiều năm sau, Ngọc Tú đã đi lên từ cô giáo trường làng thành một nhà văn tên tuổi với những tác phẩm lừng lẫy viết về nông thôn.
Rồi mãi sau, khi đã thành danh trong nghề viết, trong một câu chuyện tình cờ, Ngọc Tú bỗng nhắc lại câu nói trước đây của tôi, ngày xưa ấy. Và kết luận bằng câu: Cứ mỗi lần gặp thất bại trong công việc, Tú lại nhớ đến câu nói ấy của anh, như một lới động viên khích lệ…
Vậy là Tú vẫn không quên câu nói đùa của tôi ngày ấy.
Không hiểu, ngày nhận quyết định về ngôi trường làng xa xôi hẻo lánh ấy để dạy trẻ con học, Ngọc Tú đã nghĩ tới bước đường theo đuổi nghiệp văn chương của mình sau này hay chưa. Hay là…từ một câu nói đùa đó của tôi…
Nhưng, giờ này đây, câu hỏi đó đã không thể có lời giải nữa rồi…