Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kỉ niệm với bạn văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Hoàng Quốc Hải
Thứ năm ngày 23 tháng 5 năm 2013 7:15 PM


               Tôi nhớ vào một chiều mùa đông năm 1964, nhà văn Nguyễn Đình Thi dẫn Nguyễn Thị Ngọc Tú đến tòa soạn báo Vùng Mỏ. Đó là một cô gái có nét đẹp rất ưa nhìn, đôi mắt tròn to vẻ ngơ ngác với gương mặt hơi buồn.
               Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì tôi biết, còn Ngọc Tú đó là lần đầu chúng tôi gặp nhau. Một tiếng sau ông Thi trở về Hà Nội. Thư ký tòa soạn, anh Nguyễn Ngọc Chánh nói với tôi: “ Anh Thi đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo báo, Ngọc Tú sẽ làm việc tại báo mình. Có nhẽ Tú ở bộ phận với Hải thì hợp.
              Tôi nói luôn:
-      Nên  để  Tú ở bộ phận văn hóa xã hội tốt hơn, vì tôi viết về công nghiệp, đi cơ sở vất vả lắm.
- Anh Thi bảo Hội Nhà văn gởi Tú về đây để đi thực tế vùng mỏ. Tốt nhất là để cậu kèm cho cô Tú đi cơ sở, mình thấy Tú với cậu hợp nhau đấy. Thư ký tòa soạn Nguyễn Ngọc Chánh nói như vậy. Và đúng như vậy. Chưa được một tuần lễ chúng tôi đã thân nhau và tôi đã đọc xong cuốn truyện đầu tay của Tú.
           Huệ là tên tác phẩm. Tập sách mỏng, ngót trăm trang. Văn chương trong sáng. Viết về mối tình e ấp về một người yêu thật là lý tưởng. Tôi đoán là chuyện riêng của Tú.
          Buổi chiều, chúng tôi hay đi dạo tập thể ven bờ vịnh, thường dừng lại rất lâu tại khu vực thư viện tỉnh là nơi có cảnh quan đẹp nhất. Chúng tôi thường nói chuyện về một cuốn tiểu thuyết hoặc một bộ phim nào đấy mà chúng tôi đã đọc và đã xem. Tú thường kể về cô học trò có tên là Hậu ở Sài Sơn ( Quốc Oai Hà tây ), nơi Tú đã từng dạy học. Và cô học trò này đi với cô giáo Ngọc Tú rất nhiều năm sau khi Tú đã không còn dạy học nữa. Tú kể say sưa về vùng đất Sài Sơn, những mùa vụ, lúa chín vàng, rơm thơm phức sau khi đã phơi khô ròn và lên đống… Cũng đúng thôi, Ngọc Tú sinh ra và lớn lên từ thành phố, khi dạy học tiếp xúc với những người nông dân chân chất, các em học sinh nông thôn cũng thật thà đáng mến. Vì thế mà Tú hòa nhập gắn bó. Tình cảm đó sẽ đem theo vào các tác phẩm mà nhà văn nguyễn Thị Ngọc Tú sáng tác sau này.
          Có một điều lạ, chúng tôi sống trong vùng chiến sự trọng điểm, nhưng khi trò chuyện lại không nói về chiến tranh.
          Thấy có một nhà văn về công tác tại tòa soạn báo, lãnh đạo tỉnh hy vọng nhiều lắm. Và hy vọng đó trở thành sức ép tâm lý.
          Tôi nhớ, bữa nọ nhà văn Võ Huy Tâm đi thực tế Quảng Bình về, anh viết được vài truyện ngắn rất ngắn. Ngày đó, Võ Huy Tâm được Hội Nhà văn cắm ở vùng mỏ để viết về công nhân. Tối đó, trong lán trại sơ tán ở Khe Hùm, Võ Huy Tâm đã đọc hai truyện ngắn “Ba bà thợ cấy” và “Chiếc hạt đậu”.
          Nhà văn Võ Huy Tâm viết về chuyện bình thường trong cuộc sống đời thường ở vùng tuyến lửa. Tôi cho đó là một dụng ý đẹp, nói về sự gan góc và khả năng thích ứng với cuộc sống thời chiến của nhân dân Quảng Bình. Tiếc rằng lãnh đạo tỉnh không hiểu được ý đồ sâu xa của nhà văn, nên sau khi Võ Huy Tâm đọc xong ngửng nhìn thấy gương mặt lãnh đạo tỏ ra thất vọng.
          Võ Huy Tâm cười khờ khờ. Anh không tỏ thái độ vui hoặc buồn, lặng lẽ thu gọn những trang bản thảo gấp đút túi.
              Bỗng một lãnh đạo lên tiếng:
- Tưởng nhà văn vào tuyến lửa viết cái gì chứ mấy bà thợ cấy, vài hạt đậu thì ở đâu mà chẳng có. Viết thế sao không vào Hoành Bồ mà viết.
           Lúc này thì nhà văn Võ Huy Tâm tỏ ra thất vọng thật. Anh lại cười khờ khờ và nói thật to: “Ối giời ơi lại có chuyện khoanh vùng văn học.” Rồi đứng dậy đi vào đêm tối mà không chào ai.
           Ít lâu sau Nguyễn Thị Ngọc Tú có truyện ngắn: “Câu chuyện dưới tán lá rợp” đăng trên  “Văn nghệ quân đội”.
            Lãnh đạo vùng mỏ đọc xong than phiền:
-Tỉnh có hai nhà văn, một ông thì viết “Ba bà thợ cấy”, còn một bà viết “Dưới tán lá rợp”.
          Chuyện đến tai Ngọc Tú, chị buồn lắm, rủ tôi đi chơi tha thẩn trong rừng, Tú tâm sự:
- Anh biết không, học xong lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn, tôi trở lại nhiệm sở, người ta không nhận nữa. Bởi giáo viên thôi đứng lớp gần một năm, theo qui chế của Bộ giáo dục không có điều khoản nào được nhận lại. Mặc dù trước khi đi học tôi đã trình bày với Hội. Lãnh đạo hứa sẽ can thiệp được. Cuối cùng Hội không can thiệp nổi. Và lãnh đạo Hội thu xếp cho tôi về công tác tại Thành Hội phụ nữ Hải Phòng, và tôi được xếp vào bộ phận tuyên truyền.
      Lạ lùng, những gì tôi viết về lãnh đạo hoặc phong trào phụ nữ Hải Phòng thì không có chuyện gì. Nhưng khi viết ra ngoài địa bàn Hải Phòng liền bị gọi lên kiểm điểm: “ Hải Phòng xin cô về làm việc cho Hải Phòng, chứ không phải trả lương cho cô đi viết lung tung”. Bởi sự thiển cận đó nên tôi phải ra đi. Nay xem ra thì Quảng Ninh cũng chẳng khác Hải Phòng.
- Tôi an ủi Ngọc Tú rằng chuyện đó dễ hiểu thôi. Tú nên biết rằng cách đây vài năm Mai Phương ( nay là nhà thơ Mai Phương ) có viết bài bút ký gởi đăng báo Thống Nhất , bị tòa soạn báo Quảng Ninh kiểm điểm gay gắt và gửi công văn cho các báo, các nhà xuất bản không in tác phẩm của Mai Phương. Tú cũng nên biết, các báo đều cấm phóng viên viết các thể tài văn nghệ ( truyện ngắn, bút ký, thơ ) cho các báo khác.
              Chúng tôi bàn nhau muốn sáng tác văn nghệ, theo đuổi nghiệp văn, sớm muộn cũng phải tìm đường về Hà Nội. Nhưng phải giữ kín ý đồ, lộ ra lúc này là bị đập chết tươi.
             Trong nhóm chúng tôi thân nhau còn có Trần Mạnh Trử. Trử thông minh và khéo tay kỳ lạ. Trử thường làm cho tôi những con châu chấu ngô và những chiếc thuyền buồm bằng phim trông rất đẹp. Còn tôi thường cắt từ những tạp chí cá sấu của Liên xô lấy những bức vẽ ngộ nghĩnh về phong cảnh hoặc nhân vật hài hước, dán thành tập album rất bắt mắt . Nhìn chúng tôi chơi những trò chơi đó, Ngọc Tú thở dài:
- Các anh hồn nhiên và lãng mạn thật, chẳng bù với anh Chánh. Lúc này Ngọc Tú đã yêu Nguyễn Ngọc Chánh, họ sắp cưới nhau.
           Nguyễn Ngọc Chánh là cán bộ miền Nam tập kết, anh hơn tuổi chúng tôi nhiều và hơn Ngọc Tú cả giáp tuổi, nên anh sinh hoạt có sự khác biệt ấy là đương nhiên.
          Cuối năm 1965, Ngọc Tú làm lễ cưới tại nhà hàng Mỹ Kinh phố hàng Buồm Hà Nội. Thời gian đó ngoài khách sạn Me’tropole thì Hà Nội có hai nơi sang trọng nhất là Phú Gia và Mỹ Kinh.
                  Vào một ngày mùa thu tháng tám năm 1966, buổi sớm tinh sương tôi đi dạo trong khu rừng sơ tán. Đó là một buổi sáng yên tĩnh lạ thường, không có tiếng máy bay Mỹ, không cả tiếng quay maniven truyền tin về Tổng xã của tổ Thông tấn xã thường trú.
           Thấp thoáng đâu đó từ phía lán nhà Ngọc Tú, tôi thấy một người lờ mờ trong sương, tới gần hóa ra Ngọc Tú. Tôi hỏi:
- Bà đi đâu sớm thế. Có chửa phải thận trọng, ra rừng sớm gặp rắn thì sao.
- Ơ thế anh không biét tôi đẻ rồi à?
- Đẻ bao giờ? Bịa.
- Đẻ đêm. Con gái. Anh vào mà xem.
                 Tôi vội chạy khắp khu rừng ngắt được một bó hoa dại, đem vào nhà dúi vào tay Ngọc Tú:
- Tặng hai mẹ con. Kỳ diệu thật, bà đẻ mà như chuyện đùa ấy. Thế ông Chánh đâu rồi.
- Ông ấy đi khai báo để xin tiêu chuẩn tã lót, đường sữa cho tôi và cháu Huệ.
- Tôi vào màn nhìn ngắm gương mặt đỏ hỏn của cháu bé và bảo: “ Con nhỏ giống Tú chứ không giống anh Chánh”.
          Tú cười.
           Sau đó tôi bị chảy máu dạ dày nặng. Bệnh ổn, tôi xin về Hà Nội. Nhưng xin được ra khỏi Quảng Ninh thật là một khó khăn không nhỏ.
            Chiến tranh đến vùng mỏ ngày một ác liệt, đầu năm 1967 Ngọc Tú viết thư về Hà Nội báo cho tôi biết, tạm thời chị đưa con sơ tán về Bắc Ninh ở với bà ngoại và em gái. Tú nhờ tôi về Quảng Ninh đón mẹ con Tú, bởi anh Chánh phải trực báo không đi được.
            Tôi nhớ bữa ấy qua phà Bãi Cháy tới giữa sông Cửa Lục thì mấy tốp máy bay Mỹ ào tới. Đó là vùng cảng than, lại gần căn cứ hải quân và nhà máy điện nữa. Cùng một lúc chúng bắn phá hai nơi: Khu vực hải quân và nhà máy điện. Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú kinh hoàng. Mọi người hốt hoảng, tôi giành bế bé Thu Huệ, ôm gọn cháu ở trong lòng để che chắn và bảo Tú ngồi thấp xuống…
            Mẹ con Tú sơ tán với bà ngoại ở làng Lim huyện Từ Sơn Bắc Ninh. Thỉnh thoảng tôi có đạp xe từ Hà Nội về thăm.
           Khoảng đầu năm 1968, Tú đưa tôi tập bản thảo tiểu thuyết “Đất làng” viết tay chừng hai trăm trang. Tú bảo, buồn quá chẳng có việc gì làm, được cái con bé cũng không quấy, lại có bà ngoại và em Thạch trông đỡ, nên tôi tranh thủ viết. Anh đọc giúp tôi ngay nhé. Tôi đang thu xếp xin về báo Văn Nghệ. Ngoài Quảng Ninh chắc họ cũng chẳng giữ mình nữa đâu.
Cầm tập bản thảo trong tay, tôi rất vui. Và đọc một mạch. Đọc xong tôi thất vọng, bởi Tú thật sự chưa hiểu gì về người nông dân và nông thôn hợp tác xã hồi đó.
Tôi lập tức trở lại Từ Sơn gặp Tú và bàn cách để Tú đi thực tế trước khi về báo Văn Nghệ.
Tôi đưa Ngọc Tú về huyện Kim Thành, Hải Dương. Anh trai tôi dẫn Tú đến gặp lãnh đạo huyện ủy. Họ giới thiệu cho một hợp tác xã đang nổi trong huyện, đó là hợp tác xã Cổ Dũng. Ban ngày Ngọc Tú làm việc tại Hợp tác xã, chiều tối về nghỉ tại gia đình tôi. Nơi đó có mẹ và chị tôi chăm sóc. Phải nói chị gái tôi rất quí Ngọc Tú. Tú cũng rất quí chị. Vả lại thời gian Ngọc Tú làm việc với hợp tác xã chỉ độ vài tuần. Sau đó báo Văn Nghệ gọi. Về báo Văn Nghệ, hằng năm nghỉ sáng tác Ngọc Tú đi về Nam Ninh, Hải Hậu của tỉnh Nam Hà để tìm hiểu sản xuất hợp tác xã với qui mô lớn.
Khoảng cuối năm 1972 đầu 1973, Ngọc Tú đưa tôi đọc một số chương của “Đất làng” được viết lại. Tôi ngỡ ngàng vì nhà văn Ngọc Tú đã lột xác. Truyện khá chững chạc và không có dấu vết gì của bản thảo “Đất làng” năm 1968-1969 nữa. Tôi khuyến khích chị:- Bà cứ viết theo mạch này, chắc chắn được tác phẩm hay đấy. Mùa thu năm 1974 Nhà xuất bản Văn Học cho ra đời tiểu thuyết  “Đất làng” dày tới 500 trang, là điều rất đáng nể với giới sáng tác trong thời điểm đó. Tập sách được bạn đọc hoan nghênh, luôn có bài phê bình thiện chí trên các báo. Uy tín của nhà văn nổi trội trên văn đàn.
            Sau vài tiểu thuyết “Cái sân gạch” , “Vụ lúa chiêm” của nhà văn Đào Vũ viết về  hợp tác hóa nông nghiệp, thì “Đất làng” của Nguyễn Thị Ngọc Tú viết về đề tài nông nghiệp được đánh giá là trúng nhất, chững chạc nhất.
           Có đà, Ngọc Tú đi tiếp trong tác phẩm “Buổi sáng” dày tới 700 trang do Nhà xuất bản Thanh Niên in năm 1976.
           Tiểu thuyết “Buổi sáng” củng cố vị trí của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú trên văn đàn.
           Đại hội Nhà văn lần thứ 3 tháng 9 năm 1983, Nguyễn Thị Ngọc Tú được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội.
          Tiếp đó, năm 1984, chị lại cho in tiểu thuyết “Hạt mùa sau” trên dưới 700 trang ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Cả hai tác phẩm đồ sộ này đều do nhà văn Tùng Điển biên tập.
          Thời gian đó và tận tới hôm nay, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú vẫn là cây viết hàng đầu về đề tài nông nghiệp. Riêng về độ dài tác phẩm, có lẽ kỷ lục thuộc về chị.
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú rất đồ sộ, gần 30 tác phẩm, trải dài trên nhiều bình diện đề tài và thể loại khác nhau. Đó là một cống hiến không nhỏ của chị đối với nền văn học Việt Nam đương đại.
          Tôi có nhiều kỷ niệm có thể kể về nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Nhưng điều ấn tượng nhất trong tôi là thái độ làm việc hết sức cần mẫn, tận tụy và thận trọng trong sáng tác. Chị có tác phong làm việc kiên nhẫn đến kỳ lạ. Không chỉ riêng “Đất làng” như tôi vừa kể, mà nhiều tác phẩm chị viết, bản thảo khởi dựng với bản in hoàn toàn khác nhau.
          Mấy năm nay do những trắc trở vô hình tôi không gặp được chị. Nay chị ra đi đột ngột khiến tôi ân hận. Nguyễn Thị Ngọc Tú ơi, tôi có lời tạ lỗi với bà, chúc bà yên tâm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Bà cứ yên tâm rằng mình đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ công dân với tư cách một nhà văn.
                           
Láng Thượng 22.5.2013 
HQH