Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trần Nhương với "Gió làng ta xanh ngát"

Mai Thanh
Thứ ba ngày 5 tháng 2 năm 2013 8:21 PM

(ĐỌC “GIÓ LÀNG TA XANH NGÁT”
– NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - 2012 )

Tựa đề “Gió làng ta xanh ngát” gợi cho bạn đọc về cảm giác về làng quê trong lành, ngào ngọt! Thì có vậy đó, nhưng không chỉ thế, tập thơ mới này của Trần Nhương khoáng độ... hơn nhiều. Do thói quen khi tiếp nhận một tập thơ, tôi không bận tâm nhiều với nghệ thuật câu chữ, dù biết rõ đó là yếu tố quan trọng của mọi tập thơ và cũng không quên khai thác yếu tố ấy, mà đặc biệt chú ý đến nội dung-ý tưởng của tập thơ. Theo đó, với “Gió làng ta xanh ngát”, tôi bắt gặp nhiều điều phù hợp với mình, mà trước hết, là sự bộn bề cuộc sống trong tập thơ mới này của Trần Nhương – dễ nhận ra là cái tốt đan xen cái xấu; và nhất là nhận ra những người tốt trong không ít người xấu lúc này. Vào thơ anh là ông Trần Văn Cho, tổ 28, phường Thuận Phước (Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng) nhặt được 45 triệu đồng đã nộp công an để trả lại người mất:

Ông Cho ngày đi bới rác
Cuộc sống của mình rác nuôi
Không ăn của dân
Không cướp của dân
Không nhân danh thánh thiện
...
Chẳng nhiều lời
Và không làm ngược lại

(Ông bới rác làm theo Cụ Hồ, tr.101)

Vào thơ anh là anh sáu Dân - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt – tuy đã chết nhưng thành bất tử, được “lòng dân dựng miếu tôn thờ”. Bài thơ có ý nghĩa biết bao, khi mà những người mệnh danh là “đầy tớ của dân” đã tước đoạt của dân mọi thứ - kể cả niềm tin -, thì Võ Văn Kiệt để lại cho dân nhiều thứ: Một mênh mang đồng đất Tây Nam Bộ cho thóc gạo xuất khẩu mùa này qua mùa khác; một đường dây 500kw trang trải điện năng cho đất nước dằng dặc chiều dài; một Dung Quất tăng giá trị dầu thô gấp nhiều lần qua chế biến chế dầu thô; một nạn đốt pháo nổ hại người, tốn của bị xóa đi theo hủ tục ngàn đời... Và, hơn tất cả là lòng thương dân, vì dân không phải trên lời nói, mà là trên mọi việc làm và trên những bài báo, bài viết kiến nghị của Ông.
Vào thơ Trần Nhương còn là những người bạn văn chương mỗi người một tính cách, nhưng là những con người thật sự đáng yêu, mà Hoàng Công Khanh là một ví dụ - một con người văn chương mà sao rất đỗi bình thường:

Một tay nuôi bốn con dại
Thợ nề, thợ mộc kiếm cơm
Vợ ốm chăm lo chẳng ngại
Vẫn giữ lòng mình ngát hương...

(Phương Mai thôi chẳng một lần, tr.113)

Dùng chữ “quan điểm” có vẻ nặng về ngôn ngữ chính trị, ít chất văn chương, nhưng không thể dùng chữ khác để nói về quan điểm nhân dân của Trần Nhương trong tập thơ này. Anh định nghĩa nhân dân: “Nhân dân là lá lành đùm lá rách/Nhân dân là chị ngã em nâng/Nhân dân là một miếng khi đói bằng một gói khi no” (Nhân dân của tôi ơi, tr.119). Dĩ nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh phẩm chất của nhân dân. Tiếp theo, nhà thơ bộc lộ lòng mình với nhân dân:

Nhân dân của tôi ơi
Cảm ơn Người đã làm ta vững dạ
Nhân dân nghìn lần cao cả
Hơn tất cả thánh thần hư vô

(Nhân dân của tôi ơi, tr.120)

Vì có quan điểm nhân dân sâu sắc, nên nhìn tấm ảnh tổng thổng Mỹ uống bia vỉa hè, Trần Nhương có thơ: “Ông Obama uống bia vỉa hè/Ngồi bên những người lao động/Một đĩa bim bim hay đậu phộng/Tổng thống cùng nhâm nhi” (Vịnh tấm ảnh Obama uống bia vỉa hè, tr. 109). Nhà thơ ca ngợi hành vi ấy của tổng thống là vĩ đại (“Có thể ông ấy mị dân/Nhưng dám mị dân giữa đồng bào là vĩ đại”, đã dẫn trên) và kết luận:

Obama Obama
Ông đi ăn quán
Ông uống bia vỉa hè
Ông mang tổng thống đến nhân dân
Ông mang nhân dân vào dinh tổng thống
(Vịnh tấm ảnh Obama uống bia vỉa hè, tr110)

Đến đây, tôi bỗng nhớ tới bài thơ “Những câu hỏi của một bạn đọc công nhân” (Die Fragan eines lesenden Arbeiter) của Bertolt Brecht – nhà thơ lớn, kịch gia lớn của nước Đức – bài thơ chứa đầy ý tưởng sáng ngời rằng: “Không phải người đứng đầu, mà là nhân dân lao động làm nên lịch sử!”.
Trong “Gió làng ta xanh ngát” có một mạch thơ ẩn chứa suy ngẫm hoặc nỗi niềm của tác gỉa – tôi tạm gọi đó là “khúc tâm tư”. Nhà thơ tự trào nói về mình vui cảnh gia viên, nghĩ về bạn âu lo quyền chức (Tự trào, tr.10); ngẫm về cái cao sang và cái thấp hèn không như người đời vẫn nghĩ, mà ngược lại: “Cỏ vẫn mướt chân đê ngày tháng mới/Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua...” (Vớ vẩn thôi mà, tr.56). Trong khi mọi người “khoái mục” và “khoái khẩu” với trò chọi trâu, thì Trần Nhương xót thương con trâu không chỉ với kiếp cầy mà còn với kiếp chọi:
 
Nào thù nào oán gì đâu
Kéo cầy là phận, dãi dầu là thân
Chia nhau vạt cỏ xanh ngần
Sớm cười toét miệng, trưa nằm cọ lưng
Kiếp trâu sỏ mũi buộc thừng
Thương nhau cùng cảnh quây quần bên nhau!
Vì đâu chẳng hiểu vì đâu?
Người ta bắt phải đối đầu tử sinh
Chiêng khua, trống thúc thình thình
Nào roi, nào gậy thất kinh vía hồn
Bạn bè sừng gẫy máu tuôn
Bên thua bên thắng cũng buồn ngang nhau
Chỉ người đắc chí sở cầu
Vui như gái góa đã lâu lấy chồng...

(Chọi trâu, tr.71)

Sẽ là thiếu sót lớn, nếu không nói đến mạch thơ hoài niệm làng quê trong“Gió làng ta xanh ngát”.
Quê Trần Nhương ở Làng Sỏi, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trong tập, anh có đến bốn bài thơ về làng quê anh. “Trên đường về quê” (tr.15), anh háo hức đến mức hai chữ về quê như một điệp khúc cho câu mở đầu bài thơ, bởi mọi hoài niệm tuổi thơ bừng dậy trong anh; trong cuộc gặp lại bạn quê: “Ngồi nhâm nhi chén rượu/Thịt chó nướng thơm lừng/Chuyện hót như chim khướu/Tay vuốt dài sống lưng”. Có lẽ, nỗi niềm day dứt là sự thay đổi của làng – sự thay đổi, nói đúng hơn là sự biến mất những kỷ niệm tuổi thơ nơi làng quê yêu dấu, khiến nhà thơ phải ngẩn ngơ:

Tôi đi hết dọc đến ngang
Ngẩn ngơ ngay giữa cái làng của tôi
(Về làng ngơ ngẩn ngày xưa, tr128)

Và để trọn vẹn hơn, không thể không nói đôi điều về tình yêu trong “Gió làng ta xanh ngát”. Không như các bài thơ về tình yêu như ta thường gặp, ở đây là dạng tình yêu dường như trong cô đơn-lẻ bạn, trong nhớ nhung - xa cách và trong man mác – u sầu (?). Đại Lải như là nơi cất giữ tình yêu, nên có đến ba bài thơ viết từ Đại Lải. Bài thơ “Mùa thu này Đại Lải một mình anh” (tr.59) với ba lần nhắc lại tựa đề bài thơ làm đậm thêm nỗi cô đơn, vắng bóng người tình; “Mưa Đại Lải” (tr.63) khiến: “Lão già đầu bạc nâng ly rượu/Uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu”; “Đêm Đại Lải” (tr.86) vẫn lại cô đơn trong không gian huyền não : “Vườn khuya chim nhỏ giật mình/Tiếng kêu gọi bạn xô vành trăng nghiêng”. Không chỉ ở Đại Lải, mà còn vào một buổi chiều ở đâu đó:

Có một nỗi buồn em không mang đi
Em bỏ lại để chiều xao xác quá
Chuyến xe vội cuộc chia tay cũng vội
Anh một mình gánh trọn cả hoàng hôn
(Chiều buồn, tr.52)

Mà còn ở một đêm nào đó trên biển:
Đêm nay anh ở một mình
Nhà xa đã vậy người tình cũng xa
Biển dường như cũng thương ta
Cho bao con sóng vỡ òa mua vui
...
Một mình ta với miên miên
Cô đơn giữa nhớ và quên...Và người!

*
* *

Với “Gió làng ta xanh ngát”, Trần Nhương có hai mạch cảm xúc, từ đó có hai cách bộc lộ cơ bản: Bức xúc, chân thành, thẳng thắn... trước con người, trước cuộc đời; và, cũng trước con người, trước cuộc đời, anh yêu thương, trân trọng, ngợi ca...Đó, chính là phản ứng tất yếu của nhà thơ trước hai mặt ngược nhau của cuộc đời - con người? Đó cũng là thông điệp mà nhà thơ gửi tới bạn đọc, nhằm góp vào nguồn quỹ giá trị Chân-Thiện-Mỹ ở mỗi con người.
Về cách thể hiện cụ thể, nhìn chung, thơ Trần Nhương cốt ở nội dung-ý tưởng, nên trong nhiều trường hợp, anh không quan tâm lắm về câu chữ, thậm chí cả về vần điệu. Truy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình thức thơ Trần Nhương cũng rất được chú ý tu từ, vần điệu mượt mà, nhất là ở những bài thơ lục bát. Đáng chú ý là những câu kết ở mỗi bài thơ thường chói sáng bởi được chuyển tứ đột ngột hoặc nâng tầm ý tưởng, ví dụ: Bài thơ “Lặng im” (tr. 7) nói về lặng im, nhưng với hai câu kết: “Lặng im là lặng im ơi/Hình như đang cất bao lời với ta... Thật bất ngờ: Lặng im mà lại cất bao lời? Hoặc: Ở bài thơ “Chọi trâu” (đã dẫn): Sau khi bộc lộ nỗi niềm về phận trâu, hai câu kết như là lời trao gửi nỗi niềm ấy tới người đọc: “Đồ Sơn trâu chọi bao lần/Có ai trắc ẩn nỗi gần niềm xa...?”. Hay: Ở bài thơ “Vịnh tấm ảnh Obama uống bia vỉa hè” (đã dẫn): Hai câu “Ông mang tổng thống đến nhân dân/Ông mang nhân dân vào dinh tổng thống”, thì bài thơ không còn là chuyện “uống bia vỉa hè” nữa, mà đã được nâng lên tầm cao xa về ý tưởng-nội dung...
Đã không ít nhà thơ có cách sử dụng đắc địa những câu thơ kết như đã nói trên, nhưng Trần Nhương sử dụng cách ấy sâu sắc và độc đáo hơn!
Ở tập thơ này, trừ một số bài thơ lục bát và thơ khổ năm, sáu chữ, còn lại hầu hết là thơ tự do. Có lẽ với thể thơ này, nhà thơ dễ dàng bộc bộ triệt để cảm xúc và cảm nhận của mình trước cuộc sống - con người bộn bề muôn vẻ hôm nay.
Cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Trần Nhương về “Gió làng ta xanh ngát” và trân trọng giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc!
Hà Nội, tháng 2-2013
M.T