Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mậu Thân

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ hai ngày 4 tháng 2 năm 2013 9:27 PM

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Mậu Thân (1968-2013)          
  
Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 càng được khẳng định. Là một chiến sỹ có may mắn được vượt Trường Sơn kịp tham gia ngay từ trận đầu đánh vào thành phố Sài Gòn. Đây là một chiến dịch đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, rất rộng lớn về không gian và kéo dài về thời gian nhưng qua trải nghiệm thực tế và những tư liệu ngày càng phong phú, tác giả khái quát tổng thể và giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết sử thi THỜI BI TRÁNG (NXB HỘI NHÀ VĂN 2012).

Người đàn ông qúa tuổi trung niên, nước da sạm, gầy gò nhỏ bé nhưng rắn chắc và nhanh nhẹn, nói giọng Nam đến ở nhà ông giáo.
Căn cứ cử hai người vào để cùng ông làm một số việc quan trọng. Ông phân vân vì ngay với người trong nhà cũng chưa biết giải thích mối quan hệ ấy là sao. Nhà báo Tường Minh nói thẳng :
- Đây là những cán bộ tầm cỡ được cử vào điều nghiên những mục tiêu chủ chốt để chuẩn bị cho kế hoạch đặc biệt sắp tới đây. Nhà bác bề ngoài nhìn tưởng như phức tạp nhưng nội tình lại dễ, có thể là tấm bình phong an toàn cho cán bộ ta hoạt động…
Anh còn động viên :
- Ta nói trường kỳ kháng chiến nhưng cuộc chiến tranh nào cũng phải kết thúc. Và hồi kết ấy đang đến rất gần.
Ông giáo cảm nhận một điều gì hệ trọng lắm và trong lòng cũng thấy xôn xao. Đã đến lúc không thể giấu được vợ nữa rồi. Ông nói thật với bà:
- Lâu nay mình có hiểu ngoài nghề gõ đầu trẻ ra tôi còn làm những việc gì khác nữa không?
Điều bà nói làm ông giật mình:
- Đàn ông người nào cũng coi thường vợ, nhất là vợ càng hết lòng với mình! Các ông không biết rằng người đàn bà ngoại tình còn dấu được chồng nhưng người đàn ông ngoại tình không giấu nổi vợ đâu. Có điều người ta làm ngơ đi. Chứ một hơi thở của chồng khác thường người vợ nào không biết. Chẳng qua thấy chồng làm việc nhân việc nghĩa thì mình phải có bổn phận che chắn cho thôi.
Lòng cảm phục khiến ông nói thật hết ra. Bà bảo:
- Một người thì dễ. Miễn là có giấy tờ tùy thân đầy đủ, tôi sẽ nhận là bạn hàng dưới lục tỉnh lên tìm mối. Còn người kia trẻ, đang trong tuổi quân dịch, khó lòng dấu ai ngay cả với con cháu trong nhà.
Bế tắc, ông quyết định nói thẳng ra với Trung tá Chu vì ông nghĩ anh ta thừa biết việc ông làm và lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ.
- Anh Chu! Có bao giờ anh đặt câu hỏi về những yêu cầu của tôi với anh không?
- Cháu rất kính trọng bác cả về kiến thức và nhân cách và cháu luôn nghĩ bác như cha chú cháu.
- Tôi cũng tin như thế và luôn tránh những việc làm nguy hiểm cho anh. Nhưng đến lúc này tôi bí qúa.
- Được làm việc gì giúp bác mà có lợi cho đại sự thì cháu sẽ cố gắng hết sức mình.
Ông nêu ra yêu cầu nhờ anh bảo lãnh một người đặc biệt. Chu suy nghĩ rồi hỏi:
- Cháu có thể giải quyết được. Nhưng có điều ngại qúa.
Ông giáo nhìn cháu thăm dò. Chu dè dặt:
- Cháu sẽ mang anh ta về nhà, coi như mượn một anh lính giúp việc vặt ít hôm. Nếu anh ta biết lái xe thì tốt qúa… Nhưng cháu thấy hơi khó xử.
Ông giáo hỏi ý ông Năm Tấn. Ông cười khà khà:  
- Đã hiến thân cho đại nghiệp còn câu nệ chi việc lớn nhỏ. Chúng tôi làm nghề gì cũng được. Đừng coi Việt cộng quen ở rừng, không biết lái xe đâu ha!   Anh Ba Phát ở lứa tuổi băm, nhanh nhẹn, tháo vát, dáng người hợp với lái xe. Anh Chu nói với vợ vì có nhiều công việc phải đi đó đi đây, mượn tạm một anh lính lái xe về nhà ít ngày. Anh nói riêng vơi anh Ba Phát:
- Mong anh thông cảm. Chúng tôi quen sống quan ra quan, lính ra lính.
Anh Ba Phát cười hiền :
- Tôi đã từng trong vai thằng nhỏ ngon lành lắm!
Anh Tiểu đoàn trưởng trinh sát Quân giải phóng nhập vai rất đạt, thường lái xe chở ngài Trung tá đi bất cứ nơi nào anh ta muốn, đặc biệt ra vào khu vực Bộ Tổng Tham mưu nhiều lần. Khi rảnh rỗi, anh xăng xái mọi việc trong nhà ngoài sân cần mẫn lắm. Đến ngày chia tay, hai người đã như bạn của nhau mà bà vợ Yến Vân người Huế của ngài Trung tá bận buôn bán cũng không hay biết gì.

Ông Năm Tấn như người bạn hàng được vợ ông giáo mời lưu lại ở nhà. Chủ khách tâm đầu ý hợp lắm, thường rủ rỉ với nhau. Mỗi ngày ông lại lấy xe đưa bạn đi rong chơi phố phường, quan hệ đó đây và vào những nhà hàng sang trọng. Chu và Nhân Tín về nhà, ông khách giao tiếp lịch thiệp đàng hoàng. Ông nhờ bà chủ thửa cho những bông mai vàng thiệt tặng các cậu sỹ quan đeo trong những ngày lễ hội cho sang. Ông nói:
- Thương nhân chúng tôi quan tâm tới thế cuộc cũng là để nghe ngóng cơ hội làm ăn thôi. Quân đội đồng minh càng đổ người vào nhiều thì của cải cũng theo họ vào nhiều. Mấy nhà công kỹ nghệ gia ngán ngẩm nhưng giới thương gia chúng tôi càng dễ làm ăn. Vốn ít lời nhiều!
Nhân Tín trừng mắt lên:
- Thế ông có buôn bán các thứ hàng viện trợ quân sự không?
Ông khách cười khà:
- Nếu làm được thì tôi bỏ luôn nghề này. Ngay ở Mỹ quốc, những nhà đại tư bản đều nắm nền công nghiệp quốc phòng. Làm lái súng mới giàu lên kếch sù chớ làm như tụi tui so với họ chỉ như thằng lái trâu thôi.
Ông rót ly rượu giơ cao lên:
- Thật qúy hóa và hân hạnh cho tôi nếu qua Đại úy mà được các tướng tá cao cấp quân đội Đồng minh ở đây đỡ đầu… Tui sẽ không bao giờ quên ơn!
Ông đặt ly xuống giọng nhỏ đi:
- Ta nói chuyện trong nhà thân tình chơi chớ ai dám giật miếng ăn trên tay của mấy ông tướng chóp bu quân lực Việt Nam Cộng hòa? Chỉ có thằng cùi mới không sợ lở thôi!
Chàng Đại úy xịu mặt xuống liền.
Yêu cầu của ông Năm Tấn muốn biết về sân bay Tân Sơn Nhất. Bằng nhiều nguồn, ông giáo thu thập cũng nhanh.
Sân bay là căn cứ không quân chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, nằm giữa hai quận Tân Bình–Gò Vấp, rộng tới 1290 hecta, có thể chứa 400–500 máy bay chiến đấu và vận tải các loại cùng một lúc. Trong phạm vi sân bay có nhiều kho chứa bom đạn, xăng dầu. Khu phía nam là trụ sở bộ máy tối cao điều hành cuộc chiến của quân lực Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Bao quanh sân bay có 22 lớp hàng rào kẽm gai đủ loại có treo các lon bơ báo động. Giữa các hàng rào là lớp cỏ gai rậm rạp được cài dày đặc các loại mìn nổ và mìn chiếu sáng. Từ ngoại vi vào có bốn tuyến chiến hào sâu hai mét, rộng ba mét với hệ thống chằng chịt những bót gác, lô cốt, công sự dã chiến, đèn pha. Trong cùng là hệ thống đường nhựa thường xuyên có xe cơ giới đi lại tuần phòng và đảm bảo sự ứng cứu kịp thời khi có biến. Ba đường băng cho máy bay lên xuống, cách 25mét lại có một đèn pha cực mạnh thường xuyên chiếu sáng. Lực lượng bảo vệ gồm một tiểu đoàn quân cảnh Mỹ được tăng cường một bầy cảnh khuyển berger, một tiểu đoàn an ninh phi trường và một tiểu đoàn vệ binh bảo đảm sự an toàn cho Bộ chỉ huy liên quân Mỹ–Sài Gòn. Gần đó là nơi đồn trú của các đơn vị cơ giới, bộ binh sẵn sàng tăng cường khi cần thiết. Chung quanh sân bay còn có mạng lưới thám báo, gián điệp và tổ chức Phòng vệ dân sự lẫn trong khối giáo dân di cư tin cẩn dễ phát hiện mọi động tĩnh bất thường.
Tuy nhiên ông Năm Tấn vẫn chưa thỏa mãn và yêu cầu được trực tiếp vào trong sân bay quan sát. Ông giáo đau đầu. Nhân có đoàn nghị sỹ quốc hội một nước đồng minh qua thăm thú xã giao, bà giáo mách nước:
- Thế nào mấy ông nghị đi chơi chẳng tiện thể không dẫn vợ lớn thì cũng dẫn vợ bé đi khoe thiên hạ. Tôi cũng chưa đến nỗi xấu xí qúa để cùng đi với ông vào chào đón người ta. Tiện thể mình dẫn luôn ông bạn vào đón người quen cùng đi một chuyến bay.
Ông giáo tròn mắt nhìn vợ:
- Tôi thật sự nể phục bà! Người ta nói Đàn ông nông nổi giếng thơi – Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu lẽ ra phải đổi ngược lại mới đúng.
Hai ông bàn bổ xung: Chuyến máy bay tới lúc 15 giờ nhưng mình nghe lộn 12 giờ nên tới sớm, đành nán lại tà tà trong sân bay để có nhiều thì giờ quan sát.
11 giờ, họ đã có mặt trong ga bay. Họ cứ loanh quanh luẩn quẩn về cũng dở, ở cũng phiền. Bà giáo nhớ ra cậu em bên An ninh quân đội có bạn đang làm ở đây. Vị sỹ quan bạn cậu em vồn vã:
- Kính chào bà chị, ông anh! Đứng làm chi đây cho mệt?
Trung tá mời các anh chị lên phòng khách trên lầu. Ông Năm Tấn gợi ý:
- Đợi chờ là một sự hành xác tự nguyện!
Ông chỉ tay ra phía căng tin :
- Có chỗ giúp ta giải thoát đây sao lại bỏ qua ? 
Những ly rượu tây mau làm mấy ông hưng phấn. Ông Năm Tấn vui vẻ, hài hước, đón đưa kiểu thương nhân lịch lãm. Ông giáo bổ sung bằng những chuyện lịch sử, địa lý khiến vị sỹ quan nghe không biết chán cùng thêm vào những câu pha trò thú vị kiểu nhà binh. Bà chị giữ ý lảng đi để mấy ông chuyện trò thoải mái. Ông Năm ngồi mãi chồn chân không chịu được chốc chốc đứng lên đi lại loanh quanh luẩn quẩn. Trung tá sáng ý mời bà chị ngồi chờ và đưa hai ông anh lên xe đi rảo một vòng sân bay xả bớt hơi men.
Cuộc điều nghiên gần một tháng trời trong nội đô của vị sư trưởng một sư đoàn Quân giải phóng lừng danh coi như đã hoàn thành. Trước ngày ông Năm về cứ, ông giáo phân vân nói ra ý mình:
- Như anh thấy, nó có mạnh không?
Ông Năm suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:
- Tôi không dám đánh trống qua cửa nhà sấm vì anh là người dạy Sử. Tôi được biết, thời quân Pháp mới qua đây, vua quan nhà Nguyễn đều sợ run lên trước những súng hỏa mai, giáo mác chọi với tàu đồng, đại bác mà nghĩ rằng không ai có thể chống lại người Phú lang sa. Như Phan Thanh Giản được giao trọng trách giữ gìn bờ cõi biên cương mà hèn nhát kêu gọi tướng sỹ hãy bẻ hết giáo gươm và giao thành trì cho giặc để được sống yên, đặng ôm vào nỗi quốc nhục không bao giờ gột sạch. Cùng lúc đó có những sỹ phu ngay trên mảnh đất phương Nam này đã khảng khái gởi thư cho viên tư lệnh quân chiếm đóng: Chúng tôi biết các ông mạnh, nhưng chúng tôi sợ mệnh Trời hơn sức mạnh của các ông. Trong mỗi trận chiến hai bên đều có người bị chết, bị thương. Chúng tôi thề sẽ chiến đấu mãi mãi và không ngơi nghỉ. Chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước của mình bằng mọi thứ có trong tay, với ý chí Không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng ta mạnh dần lên!
- Mà chúng ta vẫn phải chịu hàng trăm năm mất nước?
- Nhưng nhân dân ta không ngừng chiến đấu. Và bây giờ là lúc vận nước đã đến rồi! 
Ông nắm chặt tay người bạn mới, chân tình:      
- Sức mạnh của một đội quân không đơn thuần chỉ dựa vào vũ khí. Sức mạnh chính là tinh thần của người lính tin vào sự nghiệp chính nghĩa của mình và luôn được tiếp sức bởi nguồn lực vô tận là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Bất cứ đội quân viễn chinh nào cũng không có được điều đó. Quân Mỹ tuy có vũ khí tối tân hiện đại nhưng ở nước họ nhân dân đang nổi giận phản đối chiến tranh, đòi gọi con em về và ở đây họ luôn trơ trọi bơ vơ giữa biển người lạ lẫm! 
Ông nhìn bà chủ:
- Trong khi ta có những người mẹ, người vợ, người chị bình dị, hiền hậu mà gan góc và mưu mẹo. Chúng ta được chở che, đùm bọc bằng những tấm lòng cao cả của số đông thầm lặng nhưng một lúc nào sẽ nổi lên thành bão tố. Số phận của những đội quân xâm lược từng đặt chân lên đất nước này sẽ là số phận của quân Mỹ nay mai. Chúng ta nhất định thắng !
Cô con gái lớn tuổi, trang sức sang trọng đánh chiếc Peugeot tới đón. Cô chào gia đình và kín đáo nép sau cha, lễ phép cúi đầu chắp hai tay trước ngực. Thủy Tiên hết nhìn cô gái lại nhìn bác giáo. Hai người đàn ông một to lớn như hộ pháp, một gầy gò nhỏ bé rắn chắc ôm choàng lấy nhau chẳng muốn rời. Hai cha con khách tươi cười bước ra. Chiếc xe rồ máy lao đi đến lúc khuất rồi mà ông bà giáo vẫn đứng nhìn theo.

Một ngày rằm, ông giáo rủ vợ cùng đi chùa Ngọc Phương dưới Gò Vấp. Bà chiều lòng chồng cũng như ông vẫn chiều bà cùng đi nhà thờ vào những ngày lễ trọng. Người đi lễ chùa đông chen sát vào nhau. Bà cầm thẻ hương bọc trong tờ nhật báo. Ông tay cầm chiếc mũ hợp màu với bộ đồ lớn, tay dắt bà dạo quanh lư hương trước nhà đại lễ nghi ngút khói. Một ni cô cầm nén nhang bước tới. Ông giáo nghiêng mình lịch thiệp:
- Xin lỗi! Tôi đi lễ chùa và mong được bái kiến ni trưởng Huỳnh Liên.
- Thưa… Tôi là đệ tử Diệu Hương theo hầu ni trưởng!
- Phải ni cô dưới chùa Từ Quang lên?    
Ni cô chắp hai tay trước ngực :    
- Mô Phật! Kính mời chư vị Phật tử vào nhà lễ dâng hương Phật tổ! – Và quay đi dảo bước .
Nhận đúng ám hiệu, ông giáo giao lại chiếc mũ, dặn vợ đứng chờ, mang theo mấy thẻ nhang bọc trong tờ báo sải bước theo sau. Ông trao cho ni cô bó nhang của mình và nhận lại mấy nén nhang. Ông bước ra trước Phật đài, nén nhang rung rung giữa hai bàn tay dâng cao, cúi đầu làm lễ giữa tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng người lầm rầm xuýt xoa cầu khấn… trong khi ni cô cầm thẻ nhang đi vào nhà hậu.    Bản báo cáo viết bằng mực hóa học ngay trang trong tờ báo về một cán bộ cấp tỉnh bị mua chuộc đang làm nội gián mà ông mới khai thác được từ đám chiêu hồi.

Những tháng cuối năm 1967, tiếng súng bỗng rộ lên ở mặt trận tây nam gần vĩ tuyến 17 – giới tuyến hai miền.
Án ngữ khu vực ngã ba đường Chín với con đường chi viện huyết mạch Trường sơn – Hồ Chí Minh, là cứ điểm quan trọng Khe sanh. Bao quanh là các căn cứ Làng Vây - Hướng Hóa - Tân Sở - Tà Cơn …
Con đường quốc lộ Đông Dương số Chín từ Đông sang Tây xuyên ngang hai nước Việt-Lào, có gần 100kilômet nằm trong địa phận tỉnh Quảng Trị. Trên đường từ cảng Cửa Việt qua Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo giờ đây rầm rập những xe Mỹ chuyển quân. Suốt 20kilômet theo dải rừng già trở ra phía Bắc đến con sông Bến Hải khởi nguồn ở dãy Trường sơn chảy ra biển Đông song song với con đường này là “hàng rào điện tử Mac Namara” nổi tiếng với những máy móc tối tân gọi là “máy thông minh” phát hiện kim khí, tiếng động, hơi người… rải đầy trên cây, dưới đất theo dõi sát mọi cuộc chuyển quân và những bãi rộng rải đặc bom mìn đủ loại có khả năng gây sát thương đối phương rất lớn. Các nguồn tin tình báo cho biết lực lượng đối phương ở khu phi quân sự tăng lên đột biến: Có hai sư đoàn thiện chiến quân Bắc Việt đang ở quanh đây cùng với tần xuất xe vận tải phát hiện được trên đường Trường Sơn tăng gấp mấy  lần.   
Khe Sanh là một thung lũng mỗi bề chừng 10kilômét, nằm trên cao nguyên phía tây Quảng Trị, gần với đường biên giới. Tướng Oét xây dựng ở đó một cứ điểm lý tưởng như cái rọ thu hút quân chủ lực Bắc Việt để nghiền nát bằng hỏa lực. Trấn giữ thường xuyên ở đây có sáu ngàn lính Thủy quân lục chiến do một viên tướng chỉ huy và hai mươi ngàn quân rải dọc tuyến đường Chín sẵn sàng đón lõng. Để đề phòng sự cố một Điện Biên Phủ tái diễn, ngoài hàng rào điện tử Mc Namara vô cùng hiện đại, nó còn được bảo vệ bằng một hệ thống máy móc tối tân thăm dò địa chấn phát hiện kịp thời đối phương đào hầm lấn tới.
Những ngày cuối năm cũng là khởi đầu một mùa khô, có dấu hiệu báo trước một trận đánh lớn diễn ra ở điểm nút này. Ai cũng nghĩ Việt cộng giỏi tác chiến ở trên rừng chứ vùng đồng bằng và nhất là thành phố thì còn lâu họ mới có chỗ đứng chân.
Một năm mới với bao chờ mong, hy vọng đang nhích đến gần. Ai cũng muốn tạm quên đi cảnh chiến chinh tàn phá với bao nỗi lo toan chật vật kiếm ăn thường nhật để được mấy ngày thảnh thơi đoàn tụ gia đình. Dù không cùng đạo giáo và lòng tín ngưỡng nhưng người Việt nào cũng đều cảm thấy thiêng liêng rất trân trọng mấy ngày đầu năm mới.
Người ta bàn tán lệnh hưu chiến năm nay bất cập. Tướng Thiệu ăn mừng vừa đắc cử Tổng Thống Việt Nam cộng hòa ra lệnh ngừng bắn 48 giờ kể từ đêm 30 Tết và gây ấn tượng bằng việc hủy bỏ lệnh cấm đốt pháo trong những ngày tết đã thành thông lệ từ mấy năm nay, trong khi Bộ chỉ huy liên quân ra lệnh cấm trại toàn bộ binh lính đồng minh. Người ta hỉ hả vì  trong lòng người Việt, pháo như thứ quốc hồn. Cả một đời người từ tuổi ấu thơ tới lúc mãn đời, tiếng pháo làm rộn rã niềm vui hạnh phúc, làm tiêu tan cả nỗi buồn chết chóc. Người phương tây đón năm mới vào thời điểm khác người phương đông nên họ cấm trại trong những ngày này giống như lệnh báo động cảnh giác tăng cường cho 50% số quân người bản xứ được xuất trại sẽ ham vui quá trớn – Coi như không có điều gì hệ trọng. Bởi diễn biến bất thường, hai bên bàn thảo lại, vào giờ phút chót, Tổng Thống rút lệnh chỉ còn ngừng bắn 36 giờ. Riêng các đơn vị thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa đóng quân ở Vùng Một chiến thuật chỉ được hưu chiến tại chỗ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trung tá Phát Lộc đi công cán Trung phần mới về. Anh tỏ vẻ lạc quan. Những người ở Sài Gòn kể cả sỹ quan nếu không có phận sự cũng ít ai để ý tới vùng rừng núi biên cương xa xôi hẻo lánh có thể bỏ quên đi ấy. Trung tá cười tươi như hoa:
- Chỉ chậm vài ngày là tôi bị cái lệnh ấy trói chặt ở miền thùy dương gió cát! Việt cộng nổ súng đúng vào dịp ông Táo lên chầu Trời. Lần đầu tiên xe tăng T54 của Nga xô xuất hiện ở cứ điểm tiền tiêu Hương Hóa, Làng Vây chỉ cách Khe sanh vài kilômét. Bộ tư lệnh quân Đồng minh hy vọng được ăn mừng sẽ đánh dập đầu quân chủ lực Bắc Việt ở đây. Quân Mỹ dồn lên miền tây Quảng Trị tính ra tới gần hai trăm ngàn, nghĩa là non nửa số quân chiến đấu hiện diện ở miền Nam. Lầu Năm Góc rất mong có những trận đánh lớn để họ phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực không sức người nào chịu nổi. Tòa Bạch Ốc reo vui: Việt cộng đã bị đánh qụy! Chiến thắng đang ở trong tầm tay! Tuy nhiên Tổng Thống Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi cú Dienbienphuer là nỗi đau nhớ đời của người Pháp nên ông bắt dựng mô hình trận địa Khe Sanh–Đường Chín ngay dưới hầm toà Bạch Ốc để trực tiếp theo dõi diễn biến chiến sự từng ngày. Ông còn bắt các nhà chỉ huy quân sự của Lầu Năm góc ký bản cam kết bằng máu không để xảy ra thảm họa như Điện Biên Phủ ở Khe Sanh. Giả định tình hình cực xấu thì Khe Sanh cũng không thể thành Điện Biên Phủ – một thung lũng nằm lọt thỏm giữa vùng rừng núi mênh mông xa cách hậu cứ tới nửa ngàn kilômét được, chỉ trông chờ vào sự tiếp viện nghèo nàn của mấy chục chiếc máy bay cổ lỗ thả dù hú họa. Khác hẳn một thung lũng tuy cũng nằm giữa rừng già trùng điệp nhưng chỉ cách bờ biển chừng 50Kilômét, có hậu cứ Hải-Lục-Không quân hùng mạnh, có đường bộ láng nhựa thênh thang được bảo vệ thông thương, có lực lượng trực thăng vận hùng hậu cơ động rất nhanh lại được sự yểm trợ không hạn chế của hoả lực phi-pháo thì chắc chắn sẽ không thể tái diễn một Điện Biên Phủ ở đây. Để coi Việt cộng no đòn!
Người ta quay qua bàn chuyện ngày Tết: Năm nay Hà Nội tuyên bố lịch Tàu chênh với lịch Việt ta một ngày. Nghĩa là mùa xuân đến Bắc Kinh hôm trước, hôm sau mới qua Hà Nội. Trong này mình vẫn theo lịch Tàu nghĩa là mùa xuân sẽ đi ngược từ Nam ra Bắc.  Sài Gòn đón giao thừa trước Hà Nội một ngày.
Xuân đến, xuân đi là chuyện muôn đời của Trời của Đất. Ngày xuân sớm muộn 24 tiếng đồng hồ cũng chẳng là gì so với thời gian vô hạn vô biên. Hơn nhau một tuổi, một giáp cũng chẳng là gì huống chi hơn nhau chỉ có một ngày. Người Việt vốn dễ dãi xuề xòa bỏ qua chuyện nhỏ. Miễn là trong khói bom lửa đạn mà mỗi người thân được ở bên nhau một phút yên bình, một ngày yên ổn, một tháng an toàn, một năm không hoạn nạn đã là qúy hóa qúa rồi.
Những ngày tận cùng của tháng cuối năm trôi đi trong sự hối hả đợi chờ. Phố phường càng đông đúc, náo nhiệt người ta đi sắm Tết. Nghèo giàu ai cũng phải có một ngày đầu năm sang hơn đã thành nếp sống quen rồi. Những ngày Tết thanh bình ấm đậm tình thân tộc xóm giềng ở miền quê yên ả đâu đó vẫn là nỗi hoài niệm khát khao trong lòng những người con tha hương lưu lạc giữa chốn phồn hoa đô hội nhốn nháo này. 

 Trong khi ngoài Bắc đang là ngày tất niên năm cũ Đinh Mùi thì trong Nam đã bước vào ngày đầu năm mới Mậu Thân. Nghe pháo nổ rộn ràng thấy vui tai và lòng hớn hở chứ không sợ hãi lo âu như nghe tiếng đạn rít trên đầu. Đầy đường xác pháo hồng tươi gợi nhớ cảnh thanh bình thuở trước.
Tuy nhiên tình hình ở miền Trung chộn rộn không yên. Giữa ngày đầu năm, Tổng Thống tuyên bố bãi bỏ lệnh ngừng bắn trên khắp lãnh thổ Việt Nam cộng hòa đề phòng đối phương lợi dụng thời cơ tiến đánh bất ngờ.
Thời điểm dứt ngày 30 chuyển qua ngày 31 tháng 01 năm 1968, ngoài Bắc đón giao thừa. Không ít người Sài Gòn lén mở đài Hà Nội nghe Cụ Hồ đọc thơ chúc Tết. Giọng Cụ không sang sảng như mọi năm nhưng lời thơ thôi thúc, giục dã phơi phới như thắng lợi đang đến gần :
   Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
   Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
   Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Suốt ngày đầu năm mới, ông giáo không bước chân ra khỏi nhà, chỉ bồn chồn nghe mọi động tĩnh từ phố phường dội vào. Và chiều nay ký giả Tường Minh mật báo cho ông sẵn sàng tư thế khi các đơn vị đặc công mũi nhọn đánh các yếu khu, quân ta ào ạt theo các ngả tấn công vào, Đài phát thanh bị đánh chiếm và kêu gọi toàn dân nổi dậy, cùng lúc binh lính làm binh biến, nhân dân đồng khởi hưởng ứng, ngụy quyền sẽ hoang mang tan rã, binh lính ngoại bang bị động bó tay, ông phải kịp thời có mặt tại công sở để phối hợp với anh em ta trấn an mọi người, tiếp thu và điều hành công việc.
Coi như hai đêm không ngủ mà ông giáo quên mệt trong khi mọi người trong nhà tản đi nghỉ. Đây đó rẹt lên tràng pháo tép xen vào mấy tiếng pháo đùng. Ông giáo vẫn quần áo chỉnh tề ngồi trên đi văng lim dim mơ màng trước chiếc TiVi. Những hình ảnh lướt qua loang loáng, tai nghe câu được câu chăng… 
Bỗng dội lên những tiếng nổ lớn làm ông giáo giật mình bật dậy, cửa nhà còn rung rinh trong những tiếng nổ ầm ì, những ánh sáng loé lên như chớp. Tiếng súng lớn nhỏ dội lên khắp bốn phía không còn định hướng được ở đâu. Vợ ông và ba đứa con cháu chạy xuống dồn tới quanh ông ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Bé Bích Liên rối rít:
- Lại đảo chính hà ?
Thủy Tiên reo lên:
- Không phải đâu. Đằng mình đánh vô rồi !
Bà giáo nhìn ông thăm dò:
- Ba nó nghe tiếng súng biết của đằng nào không?
Vừa lúc ngoài đường nghe tiếng người la, tiếng súng nổ rẹt rẹt, tiếng xe máy, xe ô tô rú lên rồi biến đi ngay. Bà giáo líu ríu kéo con cháu chạy vào núp dưới chân cầu thang. Nhài bồn chồn:
- Mô Phật! Liệu có ai làm sao không?
Ông giáo nhìn lên đồng hồ lẩm bẩm :
- Hai giờ mười phút ngày mồng hai Tết… Đúng vào giờ Sửu của năm con Khỉ!
Ông đi đi lại lại quẩn quanh vẻ sốt ruột lắm mà không biết làm gì. Ông bước tới cửa định hé nhìn ra bà liền chạy xô tới kéo ông vào:
- Trong lúc tên bay đạn lạc thế này mình không làm gì được đâu!   Ông ngồi phịch xuống ghế. Chợt nhìn lên TiVi tối đen. Ông chạy tới bật radio lên rà đi rà lại chỉ nghe tiếng rè rè như mất sóng. Ông hét to lên:
- Đài phát thanh câm họng rồi !    
Tiếng súng vẫn rộ lên cả ba bề bốn bên. Nghe rền vang rát nhất ở phía tây-bắc thành phố, đúng là phía sân bay. Ông quay máy điện thoại gọi Chu. Giọng anh bình tĩnh lắm:
- Bên giải phóng đánh vào khắp thành phố. Chưa hiểu tình hình cụ thể ra sao. Phía Bộ tư lệnh Hải quân ngoài bến Bạch Đằng nghe súng nổ dữ dội. Bộ Tổng Tham mưu đang bị tấn công không liên lạc được !
Ông gọi tới cậu em vợ. Trung tá Phát Lộc hổn hển nói như quát lên trong máy: - Súng nổ khắp nơi. Chiến sự ác liệt lắm. Đặc công Việt cộng đã lọt vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Một toán xông vào Phủ Tổng Thống nhưng bị chặn lại hiện đang cố thủ chung quanh… Nhiều thành phố cũng đang bị tấn công! Từ chiều qua Tổng Thống về Mỹ Tho ăn Tết bên nhà vợ! Tổng Tham mưu trưởng ăn Tết trên Đà Lạt! Phó Tổng râu kẽm đang mắc kẹt trong sân bay. Quá nửa quân số chiến đấu về nhà ăn Tết… Số còn lại như rắn không đầu! Chưa thấy quân lực Mỹ động tĩnh gì!
Đại úy Nhân Tín điện về:
- Mọi người cẩn trọng. Việt cộng tràn ngập khắp nơi. Kho xăng đạn ở Long Bình nổ và bốc cháy. Bộ chỉ huy liên quân bất bình với phía Việt Nam từ chóp bu tới lính chủ quan lơ là nên giờ bị động. Lúc này chạy đi đâu cũng không yên ổn. Tốt nhất mọi người cứ ở trong nhà, khóa chặt và chèn cửa lại, nhất quyết không cho ai lọt vào.
Ông giáo ngồi xuống đứng lên chờ đợi một sự cố gì còn lớn lao hơn. Ngoài đường lâu lâu mới nghe tràng súng AK nổ ròn tan, tiếng người chạy và tiếng la ơi ới vội chìm ngay xuống, tiếng xe phóng lướt qua.        Trời sáng dần. Ở phía trung tâm thành phố còn nghe tiếng súng nhỏ. Đó đây chốc chốc rộ lên tiếng lựu đạn hoặc một tràng liên thanh. Ở phía sân bay nghe chừng quyết liệt, súng lớn nhỏ nổ liên hồi lẫn trong ầm ầm của tiếng trực thăng.
Khi trời sáng rõ. Ông điện hỏi Nhân Tín. Nghe giọng nó như đã trấn tĩnh lại rồi: 
- Hàng trăm điểm từ miền Trung vào tới miền Nam bị đồng loạt tấn công. Việt cộng đã vào thành phố Huế và đang giao tranh dữ dội. Tuy nhiên những trọng điểm ở Sài Gòn đang được giải tỏa. Quân dù Mỹ từ trực thăng đổ xuống nóc Tòa Đại sứ phối hợp với quân cảnh bắn đạn lửa, đạn cay xông vào cổng chính. Trực thăng chiến đấu đã làm chủ sân bay. Sức chống trả của cộng quân yếu dần… Trước mắt quân lực Mỹ quyết chiếm lại Tòa Đại sứ và tập trung bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất và khu liên hợp quân sự Long Bình–Biên Hòa. Quân Đồng minh đang lấy lại thế chủ động. Cả nhà có thể yên tâm!
Ông giáo thở dài, gieo mình trên ghế.
Thủy Tiên định lao đi. Bà giáo nhất quyết kéo lại:
- Súng còn nổ! Hơn nữa cháu là con gái ra phố lúc này nhiều sự bất an.
Ông giáo nói:
- Để bác đi sẽ biết được nhiều điều.
Bà giáo khóa trái cửa lại mang chìa khóa giấu đi:
- Tôi không cho ai ra khỏi nhà lúc này!
Buổi trưa, Đài Hà Nội reo lên: Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên kỳ đài trong thành nội Huế như ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong lòng ông giáo nôn nao vừa phân vân vừa hy vọng.
Sang ngày mồng ba Tết.     
Đài Hà Nội suốt ngày nói đi nói lại nhiều lần về cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa diễn ra đồng loạt ở khắp các thành phố, đô thị và nông thôn miền Nam làm cho quân địch bất ngờ, hoang mang, bị động. Thắng lợi cực kỳ to lớn và cuộc tiến công còn đang tiếp diễn. Đài Sài Gòn phát sóng trở lại với lời hô hào của Tổng Thống Việt Nam cộng hòa kêu gọi quân đội và lực lượng cảnh sát phối hợp với quân Đồng minh nhanh chóng đẩy Việt cộng ra ngoài thành phố và dọn sạch nội đô. Giới truyền thông Mỹ nhận định: Chưa bao giờ rõ như lúc này về chuyện địch có thể tấn công bất cứ đâu, đánh bất cứ lúc nào họ muốn. Và kết luận: Cuộc chiến tranh không thể thắng của Mỹ nay đã bị xem là cuộc chiến tranh có thể thua! Nhà Trắng hoang mang. Dư luận Mỹ sôi lên về những báo cáo giả dối của Lầu Năm Góc trước đây và đòi nhà cầm quyền phải tìm cách rút nhanh ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của này.
Ông giáo đi về phía trung tâm thành phố. Từng đám người già, đàn bà, con nít từ các phía ven đô lếch thếch lôi thôi dắt nhau di tản ngơ ngác chưa biết tìm đâu ra chỗ trú, ngoài ra không thấy bóng dáng viên cảnh sát hoặc người lính nào. Tuy nhiên chiến sự tại các nơi trọng điểm đang lắng xuống. Chỉ còn tiếng súng đơn lẻ ở những khu bãi lầy hoang trống thông với kênh rạch ruộng đồng, những góc phố nhỏ và các hẻm sâu. Ở các phố Tàu Chợ Lớn lác đác có nhà hàng, cửa hiệu vẫn mở cửa. Nhà nào cũng treo cờ Tàu Tưởng Thống chế Quốc dân Đảng. Phía ven đô còn dội lên tiếng bom, pháo và những tiếng súng qua lại của cả hai bên. Quân đội Mỹ với xe tăng, thiết giáp đã bít tất cả các ngả đường có thể tiến vào hoặc rút ra ngoài thành phố. Một vài chiếc xe tải nhà binh đi gom xác người chết rải khắp đó đây và phóng đi tìm một khoảng đất trống vắng đào huyệt chôn chung.
Ở sở làm, thấp thoáng bóng người, gặp nhau chỉ kín đáo giơ tay hoặc gật đầu chào, không ai dám có một lời bình luận. Ông giáo đi dạo quanh thăm dò rồi mau chóng trở về nhà trong tâm trạng bâng khuâng hụt hẫng buồn thương vô hạn. Ông thoáng thấy chiếc xe quen thuộc của ký giả Tường Minh chạy phăng phăng giữa đường phố bộn bề nhốn nháo.

Ra rằm tháng giêng, trong nội đô mọi sinh hoạt đã được vãn hồi. Nhưng các cuộc tảo thanh rầm rộ của quân đội và cảnh sát lùng sục tới các kiệt cùng ngõ hẻm tìm bắt hàng ngàn các chiến binh giải phóng bị thất lạc hoặc bị giữ chân không thể rút ra đang ẩn náu trong thành phố. Đa phần họ chiến đấu quyết liệt tới viên đạn cuối cùng rồi tự sát hoặc lấy mạng đổi mạng chứ không chịu đầu hàng. Trong số đó có không ít phụ nữ. Họ cũng chống cự tới cùng. Khi bị bắt vẫn không ngớt lời vạch tội quân Mỹ cướp nước và lũ tay sai bán nước. Nhiều người bị hành hạ, bắn giết rất tàn nhẫn ngay tại chỗ trước đám đông người, tuy khủng khiếp nhưng để lại sự tiếc thương và cảm phục trong lòng đồng bào. Nhiều người được bà con che dấu, nuôi dưỡng rồi tìm cách liên hệ chỉ dẫn đường đi nước bước trở ra căn cứ.
Thủy Tiên dù trong lòng đã chắc tin rồi nhưng vẫn phân vân. Cô ướm hỏi bác giáo:
- Bác ơi! Giả dụ gặp một đối phương bị thương thì bác xử trí thế nào?
- Công ước Genève qui định đối xử với thương binh, tù binh trong chiến tranh phải theo tinh thần nhân đạo. Cộng đồng quốc tế đều thoả thuận.
- Giả dụ như cháu là người của phía bên kia bị thương thì bác có giao cho chính quyền không?
Ông giáo nhéo tai cháu :
- Nếu đúng là cháu thì bác sẽ giao cho cô cháu xử!
- Nếu là một người bạn cháu, bác có chứa không?
Ông nhìn cháu thăm dò. Lâu nay ông biết nó giấu cả nhà làm việc gì đó. Ông đoán được nhưng cũng không tò mò. Tuy nhiên ông vẫn phải giữ kín việc mình làm. Nhưng tại sao nó không thể đoán ra việc làm của ông cũng như ông từng nghĩ bà không thể biết ông làm những việc gì. Dù sao vẫn cần thận trọng:
- Cháu có ý định gì sao không nói thẳng ra?
Thủy Tiên ngả vào vai bác như dựa vào người cha. Cô nói thật:
- Bác ơi! Có một chị Biệt động bị thương đang nằm bệnh viện. Bọn mật thám dường như đánh hơi được đang tìm cách bắt. Bây giờ bác có thể cứu người ta không?
Đây là việc cần làm nhưng ông phải biết giữ mình:
- Cháu nói cụ thể ra để bác xem sao đã?
- Cơ sở bệnh viện có thể tìm cách cho chị ấy trốn ra. Nhưng trước mắt chưa biết đưa chị ấy về đâu?
- Cháu định đem về nhà mình?
- Cháu đang bí nên mới nói ra với bác!   
- Cháu làm thế nào cho khỏi bị lộ kẻo người mình muốn cứu cũng không thoát được mà rồi sẽ liên quan tới cả nhà!
- Miễn bác gật đầu là được rồi. Mọi việc cháu lo?
- Thế cháu đưa người ta đến đây bằng cách nào?
- Chị ấy đi lẫn vào những nhân viên trong giờ tan tầm. Cháu mượn xe của bác đưa chị ấy về đây.
Ông giáo suy nghĩ một chút rồi lắc đầu :
- Nhỡ nó theo dõi sát sẽ phát hiện ra số xe của mình là mọi sự hỏng hết.
Cháu ngồi thừ lắc đầu bế tắc. Bác tìm cách gỡ ra:
- Thế này… Cháu từ một chỗ đông nào đó thuê taxi tới bệnh viện đón người nhà. Xe quay về chỗ cũ. Cháu giả vờ đưa cô ta vào một cửa hàng cửa hiệu quanh đó, quan sát xem có ai theo dõi mình không. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, hai người chia ra đi hai ngả, tới một điểm ở đâu đó chờ nhau. Rồi tùy cơ ứng biến. Nếu xuôi sẻ, hai người kêu xe tới ngã tư… (bác nói nhỏ) chờ. Bác từ sở làm về ghé đón.
Thủy Tiên ôm chầm lấy bác :
- Bác tài quá! Cứ như thám tử .
- Ngày xưa bác mê ông Phạm Cao Củng lắm!
Người chiến sỹ Biệt động âý chính là ni cô Diệu Hương. Cô là giao liên cho cơ sở nội đô, cũng là đầu mối liên hệ của tổ chức Học sinh – Sinh viên kháng chiến. Cô đã đóng vai con gái đến đón cha là nhà buôn Năm Tấn hôm nào. Cô gái không giấu nổi  xúc động, gục vào vai ông khóc nấc lên :
- Chú Năm đã… hy sinh trong trận đánh sân bay!
Ông giáo chết lặng đứng như trời trồng. Cô gái dụi vào vai ông thổn thức:
- Anh Ba Phát đánh vô Bộ Tổng Tham mưu… bị thương… rồi bị bắt!
Ông chợt nhớ tới chiếc xe của ký giả Tường Minh giữa đường phố đầy những sắc lính và cảnh sát nổi chìm hùng hổ săm soi. Ông vội gạt phắt đi những ý nghĩ luẩn quẩn vẩn vơ ám ảnh.
Cô gái được giấu trong buồng Nhài và hai người chóng thân nhau. Người con gái Bến Tre trước cơn vong biến của quê hương, sớm dấn thân vào vòng nguy hiểm. Cô xuất thế không vì muốn lánh sự đời mà vì sự đời lắm cảnh trái ngang phải làm việc lớn hơn sức của một người con gái. Tuổi xuân của đời con gái trôi qua nhanh chóng và bóng chiều đang ngả dài trên sóng tóc dáng đi nhưng hình ảnh một người con trai vẫn tươi trẻ mãi và niềm hy vọng không hình dung nổi dù ngày càng mong manh vẫn nhen nhóm trong lòng, đôi khi lại trào lên trong những giấc mơ.
Diệu Hương đã đem lại niềm vui và tiếp sức cho mấy chị em gái trong nhà kể cả bé Bích Liên mới lớn. Mỗi người đều nghĩ mình có thể làm được những việc gì đó thiết thực hữu ích cho đời. Tình cảm giữa họ càng thân thiết.
Thành phố biến động đầy bất ổn. Những sự bất ngờ xảy ra mọi lúc mọi nơi. Ngày Diệu Hương chia tay về căn cứ mọi người bịn rịn mà lòng đầy lo lắng. Cô dặn lại ông giáo: 
- Bác nhắn anh Chu nghe ngóng xem có dấu hiệu bất thường thì phải rút ngay ra căn cứ. Chị Nhài sẽ báo để cháu đón ra.

Thủy Tiên đưa Diệu Hương đi mấy ngày không thấy trở về.
Cả nhà lo cuống cuồng. Ông giáo phân vân chưa biết xử trí làm sao thì vào một buổi chiều, chiếc xe bít bùng xịch đỗ trước cửa, mấy viên cảnh sát lôi xềnh xệch Thủy Tiên vào nhà, ấn ngồi xuống ghế. Quần áo tả tơi, mặt mũi xưng vù, tóc tai bê bết nhưng Thủy Tiên khinh khỉnh chẳng thèm nhìn ai. Bà giáo cuống quýt làm dấu thánh, miệng run lập cập không nói nên lời. Ông giáo đứng chắn trước mặt mấy viên cảnh sát dõng dạc:
- Nó là cháu tôi!
Bỗng Thủy Tiên nhảy dựng lên, nhổ toẹt trước mặt bãi nước bọt lờ lờ máu đỏ, tay chỉ thẳng vào mặt ông bác thét lên :
- Tôi không bác cháu gì với hạng người này!
Ông giáo choáng váng trong khi bà ngất xỉu đi.
Lập tức viên cảnh sát trưởng tức khí thay cho khổ chủ tóm tóc cô gái kéo lê ra hè ném thẳng lên xe, thét lên :
- Loại nhãi ranh cứng cổ đua đòi này, gia đình không trị được thì chúng tôi sẽ trị… Xem gan nó lớn cỡ nào?
Xe phóng vù đi trong tiếng khóc thét của Nhài và bé Bích Liên.
Ông giáo chồm tới gọi điện thoại báo tin cho Trung tá Phát Lộc, Trung tá Chu và Đại úy Nhân Tín tìm cách gỡ.
Bà giáo đuối sức không ngồi dậy được. Ông giáo loanh quanh lê đôi chân đất. Hai chị em gái mỗi người một góc sụt xà sụt sùi…       Tiếng thắng xe rít lên cùng lúc cánh cửa bị xô bật tung ra. Ba vị sỹ quan đùng đùng bước vào nét mặt hầm hầm. Ông chú Phát Lộc không kìm được cơn giận dữ đập bàn thét lên:
- Theo cộng sản là đứa nào cũng mất dạy, phản cha, phản chú, phản cả Đức Chúa Lời!
Chu ngồi khoanh tay, cúi đầu buồn bã.
Nhân Tín đi đi lại lại cười mỉa mai:
- Cái ngữ con gái quen ăn trắng mặc trơn ấy cộng sản nào ưa  mà cũng học đòi gan lỳ kiên cường ra phết. Nó nhổ phì phì và chỉ tay vào mặt chúng tôi mà chửi:… Tôi không có họ hàng chú-cháu-anh-em gì với những hạng người này! Chỉ có Chúa bỏ tôi chứ tôi không bao giờ phản Chúa!
Trung tá Phát Lộc chưa nguôi giận:
- Tôi định giáng cho nó một cái tát bật hết răng ra. Nhưng nhìn nó tàn tạ thiểu não quá mà kìm lại được.
Dường như nói ra hả bớt cơn giận, ông ngồi xuống, cúi đầu, tóc rối rũ rượi.
Nhân Tín nhăn mũi bảo:
- Đã thế cứ để xem cộng sản có vào cứu nó được không?!
Bà giáo khóc hu hu:
- Thế này thì con bé chết mất!
Ba người sỹ quan ra về. Ông dìu bà lên gác. Bà rũ người ra than thở:
- Ông bà cha mẹ anh chị Cả ơi! Bây giờ không hiểu con cháu ra làm sao nữa? Ai dạy chúng nó thế này?!
Tay bà lảy bảy làm dấu thánh. Ông giáo ghé sát tai vợ nói nhỏ:
- Em bình tĩnh lại đi. Nó cứu mình, cứu mọi người ở nhà này. Sẽ không có ai bị nghi can liên lụy vì nó cả. Người ta dạy nó khôn ngoan cứng cỏi lên như thế đấy! Liệu mình có được bằng con cháu hay không?

Tại cơ quan An ninh quân đội Mỹ (DIA) ở Sài Gòn, trong một căn phòng kín đáo, viên Thiếu tá Mỹ và Đại úy Nhân Tín ngồi sau hai cái bàn. Đối diện là người tù binh Quân giải phóng ngồi trên cái ghế xoay giữa phòng, mặt mày hốc hác bầm tím, một chân đăng bột duỗi ra thẳng đuỗn, một tay dựa trên chiếc tó. Tuy nhiên anh ta ráng ngồi thẳng người lên, nét mặt lạnh lùng, bình tĩnh, dù giọng nói lẫn trong hơi thở nhưng vẫn cố nói cho to lên để những người kia nghe rõ. Viên sỹ quan Mỹ nói tiếng Việt khá sõi và hai người thay nhau tìm hiểu đối phương :
- Anh tên là gì ?
- Nguyễn Việt Nam ?
- Anh có vợ rồi ?
Gật đầu.
- Có con chưa?
Gật đầu.
- Trai hay gái?
- Chưa biết !
- Vậy là cha chưa biết tên con ?
- Trai gái gì cũng đặt tên là Thống Nhất !
Hai viên sỹ quan Việt, Mỹ nhìn nhau. Người tù binh tỏ vẻ không quan tâm gì tới họ. Viên sỹ quan Mỹ chỉ vào cái chân đau của anh :
- Anh bị thương trong khi chiến đấu ?
Người tù binh ngẩng đầu kiêu hãnh :
- Vì thế tôi mới bị bắt… 
Và anh chỉ tay lên mặt và vòng quanh khắp người:
- Còn những chỗ này thì bị đánh !
Hai viên sỹ quan lờ đi, hỏi qua chuyện khác :
- Anh cấp hàm gì ?
- Chiến sỹ !
- Thuộc đơn vị nào ?
- Quân giải phóng !
- Anh chỉ huy ở cấp nào ?
- Cấp trên giao cho việc gì thì làm việc ấy.
- Cụ thể khi đánh vào thành phố ?
- Tôi chỉ huy một cánh.
- Một cánh có bao nhiêu quân số ?
- Gọi là một cánh nhưng có nhiều đơn vị phối hợp cùng đánh.
- Cánh quân đánh vào sân bay và Bộ Tổng Tham mưu có bao nhiêu đơn vị?
- Tôi chỉ biết phần việc của mình .
- Nghĩa là chỉ huy đánh vào Bộ Tổng Tham mưu?
- Không phải chỉ một mình tôi.
- Nhiệm vụ của anh có hoàn thành không?
- Tất nhiên là có.
- Cụ thể là mục tiêu chiến đấu của anh có bị tiêu diệt không ?
- Sao không ?
Người tù binh ngẩng cao đầu lên.
Nhân Tín nhếch mép trong khi viên sỹ quan Mỹ cười hô hố vỗ tay lên bàn:
- Anh có mắc chứng hoang tưởng hay không? Trong khi đồng đội của anh phơi xác ngổn ngang trong thành phố, ngoài ven đô hoặc nằm đầy trong các trại giam trong đất liền, ngoài hải đảo, bản thân anh thì què quặt ngồi tù và mục tiêu của các anh vẫn còn nguyên đó… Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn do chúng tôi kiểm soát và hoạt động suốt ngày đêm, các công sở vẫn làm việc bình thường… Chỉ có các doanh trại là vắng bóng người vì binh lính của chúng tôi đang hành binh truy quét… Các anh bị đánh bật ra xa các đô thị… Thành phố Sài Gòn này xe chạy đầy đường, trai gái vẫn vui chơi tưng bừng thỏa thích, các chợ lớn nhỏ vẫn đầy hàng hóa và người mua sắm nhộn nhịp…
Y nhìn anh châm biếm:
- Tôi nhìn rất kỹ trên đầu anh không thấy có vết thương nào?!
- Mục tiêu của chúng tôi là làm cho lũ giặc xâm lược tỉnh ngộ ra rằng chúng không thể ở yên trên đất nước này !
Viên sỹ quan Mỹ cụt hứng há hốc cái miệng ra và Nhân Tín tái mặt đi.
- Anh tập kết ra Bắc ?
- Đúng!... Khi tôi tập kết ra Bắc thì anh này – tay chỉ vào Nhân Tín:… chắc là tập kết ngược chiều với tôi?
- Rồi anh theo quân đội Bắc Việt xâm nhập lãnh thổ Việt Nam cộng hòa ?
- Chính ông Ngô Đình Diệm đã nghe theo người Mỹ, nhân danh chính quyền miền Nam này xé toạc cái Hiệp ước đó đi rồi! Ai cấm được tôi trở về chiến đấu trên quê hương của mình trong khi hàng vạn quân lính ngoại bang giày xéo lên đồng ruộng xóm làng, giết hại đồng bào của tôi? Ngày trước, để chống lại âm mưu chia cắt lãnh thổ liên bang, ai cấm được người Mỹ từ phía Bắc xuống phía Nam chiến đấu cho sự toàn vẹn và thống nhất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ?
- Trước khi mở cuộc tấn công, các anh có tính đến tương quan lực lượng hai bên và khả năng phản ứng của đối phương không ?
- Theo binh pháp, muốn đánh địch là phải biết ta, biết địch, phải tính đến việc tiến lui, thắng thủ… Nhưng ở cấp của tôi là thực hiện ý đồ chiến dịch nên chỉ biết thực thi nhiệm vụ.
- Các anh nhận định cuộc Tổng tiến công vừa rồi là thắng hay thua ?
- Trong chiến đấu có trận thắng lớn, thắng nhỏ, thậm chí thất bại là chuyện thường tình… Nhưng nhìn tổng thể thì cuộc chiến tranh giải phóng của chúng tôi ngày càng phát triển, càng đánh lớn và thắng lớn…
- Có thật thế không ?
- Không thắng thì tại sao nước Mỹ cứ ngày một lún sâu mãi ở miền Nam này? Tới nay cả nửa triệu quân Mỹ giơ lưng ra để bị đánh mà vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra chiến thắng hoặc một lối thoát nào?
 - Liệu các anh còn sức chống nổi quân đội Đồng minh nữa hay không?
- Chúng tôi có chỗ dựa là cả một dân tộc quyết tâm chiến đấu đòi độc lập tự do. Người sau tiếp người trước, nhất định lũ xâm lược sẽ bị tống cổ khỏi Việt Nam và số phận đám người đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc cũng sẽ bị dìm sâu xuống bùn đen lịch sử.
   - Là người chỉ huy, anh phải là đảng viên cộng sản?
 - Tôi tự hào về điều ấy!
 - Anh hy vọng sẽ áp đặt chủ thuyết cộng sản tại quốc gia Việt Nam cộng hòa này và trên toàn thế giới?!
 - Chỉ có một nước Việt Nam tạm chia làm hai miền! Nguyện vọng tha thiết của người cộng sản Việt Nam là thống nhất non sông và độc lập dân tộc. Không ai có thể cưỡng bức một dân tộc, một quốc gia theo chủ thuyết nào. Đó là ý nguyện của nhân dân mỗi nước.
 - Anh có muốn nhìn mặt con không ? – Viên sỹ quan Mỹ cười khẩy.
 - Chiến tranh làm cho nhân dân cả nước tôi ly tán đau thương. Chỉ khi nào không còn bóng quân xâm lược thì mọi người mới có hòa bình hạnh phúc.
Viên sỹ quan Mỹ thấy rằng không thể khai thác điều gì ở người tù binh này nữa, y hất đầu với người cộng sự và đứng dậy :
- Trả người này về bên Đại tá Phát Lộc thì rồi sẽ bể chuyện ra…
Y giơ cao tay lên búng ngón ý cho chấm dứt.
 Trong khi viên hạ sỹ dẫn người tù ra xe, viên Thiếu tá nói với viên Đại úy : 
- Chúng ta gặp một đối thủ rất đặc biệt, không dễ thắng đâu! Quân đội Mỹ có khả năng sẽ rút khỏi đây… Nhưng liệu quân lực Việt Nam cộng hòa có chọi được với họ không?
Y trao cho Nhân Tín tấm card riêng :
- Đây là địa chỉ của gia đình tôi ở Mỹ, sẽ có lúc bạn cần đến nó và tôi sẵn sàng làm tất cả vì tình bạn. Ta bye nhau được rồi!
 - OK ! – Nhân Tín vui vẻ cho tấm card vào túi.
Viên sỹ quan Mỹ xải đi những bước dài. Nhân Tín quay vào đứng giữa phòng, gõ nhẹ tay lên trán… rồi anh nhấc điện thoại lên gọi đi đâu nói điều gì đấy.
Anh bước ra, làm hiệu cho viên hạ sỹ giải tù ở lại và anh lên xe, rồ máy… Chiếc xe jeep vọt đi. Người tù ngồi khuất ở mui sau.
 Dường như cả hai người đều nhận ra nhau nhưng cố giấu kín trong lòng.
- Anh có sợ bị thủ tiêu không? – Cứ nhìn ra phía trước, Nhân Tín hỏi vọng ra sau.
- Tôi không có thì giờ nghĩ tới cái chết vì với người lính chiến chúng tôi sống mới là sự lạ. Hôm nay thoát chết, ngày mai cái chết vẫn không chừa mình ra.
- Triền miên vậy mà các anh chịu được ?!
- Chúng tôi chấp nhận vì cái chết ấy không phải là vô nghĩa bởi mục tiêu độc lập thống nhất Tổ quốc nhất định thành công.
- Anh sẽ tận mắt nhìn thấy hậu hồi…  – Nhân Tín nói vu vơ.
Xe chạy băng băng mà người này như nghe được tiếng đập của trái tim người kia… Xe xịch đỗ trước cửa một ngôi nhà người tù đã nhận ngay ra nó… Cánh cổng vừa mở ra, xe chạy thẳng vào sân. Nhân Tín đi nhanh vào nhà, mọi người đang chờ, anh ra hiệu cho người ra đón…
Bà giáo, Nhài và Bích Liên chạy ra xe, cập rập đỡ người mặc chiếc áo tù chống tó đi những bước nặng nề. Khi người tù vừa bước qua cửa, cả nhà đều sững sờ, hoảng hốt vì nhận ra chính là anh Ba Phát – người lái xe của Trung tá Chu một dạo... Nhưng tại sao lại có chuyện Nhân Tín đưa anh về đây? Anh Chu ngồi lặng nhìn chăm chăm xuống bàn. Bác giáo không giữ được bình tĩnh nữa, hết nhìn người tù lại nhìn đứa cháu dù tính nó ngang bướng mà ông vẫn yêu thương. Trước những cặp mắt nhìn mình dò hỏi, nghi ngờ, Nhân Tín vẫn đứng trơ trọi giữa nhà, anh nói để mọi người đủ nghe:
- Tôi muốn đem người này đi thủ tiêu mà chưa biết cách làm sao?   Bà giáo và Nhài cuống lên líu ríu. Anh Chu nhìn em trân trân. Ông giáo nhạy cảm mau trấn tĩnh lại, hiểu ra ý cháu, giọng run run cảm động :    
- Việc ấy bác giúp được! Mấy đứa chiêu hồi đang muốn lập công.
Trước vẻ ngơ ngác của cả nhà, Nhân Tín không chào ai cả, đi vội ra xe. Mọi người lại dồn nhìn vào ông giáo không hiểu nổi.
 Anh Chu nhìn anh Ba Phát lại nhìn bác giáo:
- Cháu chưa hiểu Nhân Tín thế nào? Vậy là nó đã ngả lòng? Hay là nó muốn cảnh cáo hoặc gài bẫy mình đây?
- Tôi nghĩ nó không dễ ngả lòng đâu. Nhưng nên mừng vì nó vẫn là người tốt, có thiện tâm và nghĩa hiệp. Nó sẽ không làm điều gì hại tới ai trong gia đình đâu.
Ông nhìn anh Ba Phát :
- Trước mắt là phải lo ngay chuyện này, kẻo lỡ có điều không hay cho nó.

Mấy tháng nay nhà ông giáo mới có cuộc gặp mặt anh em đông đủ. Cậu cháu Phát Lộc và Nhân Tín mỗi người thêm một bông mai. Dù trong nhà có chuyện khuấy lên nỗi buồn nhưng suy cho cùng ai có phận nấy, dù có thương nhau, lo cho nhau nhưng gặp đứa ương ngạnh ngay con mình rứt ruột đẻ ra cũng đành bó tay thôi. Nhất là con cháu không còn ở lứa tuổi ngây thơ khờ dại nữa, có học hành đến nơi đến chốn, gây dựng lo toan như thế là qúa tròn nghĩa vụ của bậc chú bác rồi. Mỗi người nhìn đời mỗi khác. Mỗi người một con đường tiến thân. Khôn nhờ dại chịu chớ biết làm sao. Mấy người đàn ông thăm hỏi vài câu khi chợt nhớ đến Thủy Tiên. Chỉ có mấy người đàn bà, con gái đi thăm nuôi đứa cháu, người chị, người em côi cút.
Thiếu tá Nhân Tín vừa đi công cán từ miền Trung về:
- Thành phố Huế bây giờ như hoang địa sau gần một tháng xảy ra chiến sự. Cầu Tràng Tiền và cầu Bạch Hổ bị cộng quân đánh sập tạm đi bằng cầu phao và công binh Mỹ đang gấp rút phục hồi. Phần lớn thành nội và nhà cửa bên bờ nam sông Hương bị tàn phá do bom B52 và pháo lớn, kể cả pháo vua chiến trường 175ly từ các chiến hạm ngoài khơi bắn vào hủy diệt. Nhiều đền đài miếu mạo bỗng chốc biến thành phế tích. Người Huế di tản đang lục tục trở về thở dài nhìn những nền nhà đổ nát tan hoang giữa cảnh khăn tang trắng phố phường đau đớn. Mấy tháng rồi mà vẫn nghe rền rĩ những tiếng khóc đi tìm thân nhân mất tích. Nhiều huyệt chôn chung vội vã lẫn lộn cả thường dân, Việt cộng, lính Cộng hòa và lính Đồng minh. Tướng chỉ huy Quân đoàn Một nổi lên như một anh hùng không chịu để mất căn cứ đóng quân ở đồn Mang Cá trong khi tất cả các căn cứ quân dân sự đều bị Cộng quân đánh bật đi. Bên nào cũng khoe tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng con số chính xác chỉ có Đức Chúa Trời mới biết. Hơn nửa triệu dân di tản dồn vào các thị xã, thành phố từ miền Trung cho đến Sài Gòn, trước hết làm rối loạn dân sinh, sau là mối nguy tiềm ẩn cho việc trị an. Dù sao đây cũng là thảm họa với cả hai bên.
Đại tá Phước Lộc thì phấn khởi :
- Trong rủi lại nảy ra sự may. Việt cộng bộc lộ ra hết lực lượng của họ và gần như đã trắng tay! Lúc đầu Quốc gia và Đồng minh đều bị bất ngờ nên lúng túng chớ thật ra với lực lượng như vậy thì họ liều lĩnh thật, chứ ăn nhằm gì? Năm trọng điểm giữa thành phố bị tấn công, mỗi nơi chừng vài chục tay súng đặc công đột kích, chỉ có thể gây nên những thiệt hại lúc đầu do ta sơ hở chớ làm sao chịu nổi sự bố phòng tầng lớp liên hoàn vững chắc của những đơn vị tinh nhuệ và tin cẩn. Riêng khu vực sân bay có chừng mấy trăm Việt cộng với vài đợt súng phóng lựu 60 tới 80 ly và bộc phá mở đường. Khi thâm nhập tới bên trong chỉ còn mấy khẩu B40–41 với thủ pháo và súng AK, giao chiến một hồi thì hết đạn. Đến khi trực thăng và xe tăng Đồng minh xuất trận, trên mặt bằng trống trải, rockette, pháo, đại liên 12ly8 nã như bắn tập trên bia. Muốn đánh chiếm được sân bay phải có hàng sư đoàn quân phối hợp với xe pháo đủ cỡ chưa chắc ăn huống chi là chỉ có bấy nhiêu thôi!
Trung tá Chu giải trình:     
- Người ta đánh có sự tổ chức hợp đồng chỉ huy chu đáo đấy. Họ chia đặc khu Sài Gòn–Chợ Lớn–Gia Định ra thành sáu phân khu: Phân khu nội đô và năm Phân khu cánh, dùng chiến thuật gọi là nở hoa trong lòng địch trong đánh ra, ngoài đánh vào từ các hướng Bắc, Nam, Đông bắc, Tây bắc, Tây Nam… Chỉ có điều hợp đồng không khớp, trung tâm nổ súng rồi mà quân các cánh còn mắc kẹt ở vòng ngoài. Nhìn tổng thể họ nghi binh giỏi. Dù tướng Oét có đề phòng thận trọng rút một số đơn vị đang hành quân ở biên giới Campuchia về đóng quanh Sài Gòn nhưng vẫn đặt trọng tâm vào hướng Khe Sanh và bờ Nam vĩ tuyến 17. Khi họ nổ súng vào đêm trước ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì lại càng tin vào phán đoán của mình. Suy cho cùng dù là thánh tướng cũng không thể ngờ rằng với một đối phương như vậy lại có thể đồng loạt đánh thẳng vào hơn bốn chục thành phố, đô thị lớn, nhỏ trên một chiến tuyến dài 800kilômét. Lịch sử quân sự thế giới chưa từng có tiền lệ nào như vậy.
Đại tá chưa chịu:
- Mỗi cánh cao lắm chừng trung đoàn quân. Dù lọt vào nội đô được tới sư đoàn cũng sẽ bị thành phố này nuốt chửng ngay thôi. Điều khó hiểu là khi ta lấy lại thế chủ động rồi mà họ vẫn như thiêu thân lao vào đèn? Hình như chủ lực Việt cộng chưa chuẩn bị tốt để vào cuộc? Một số phân tán ra tăng cường cho các địa phương nên mất sức cường tập. Quân tiếp vụ không đáp ứng nổi nhu cầu cho trận đánh lớn nên sớm hụt hơi. Tóm lại, quân chính quy Bắc Việt chưa đủ sức đương đầu chính diện với quân đội Đồng minh ở đồng bằng và thành phố. Ngay như ở Huế địa hình có phần thuận lợi vì giáp với Tây nguyên mà họ cũng không đủ sức đánh dài hơi. Giờ chủ lực của họ lại phải quay ra đánh vây hãm Khe Sanh vốn là sở trường của họ.
Thiếu tá Nhân Tín lắc đầu tỏ ra không hiểu nổi:
- Tôi vẫn nghĩ chẳng lẽ những nhà chỉ huy du kích hàng đầu thế giới lại chấp nhận dốc túi vào một trận ăn thua đủ hay sao? Tình báo của họ giỏi lắm mà không biết những lá chắn và tuyến vành đai phòng thủ Sài Gòn này mạnh tới mức độ nào sao? Ngoài ra quanh đây chỉ vài chục kilômét còn có các căn cứ quân sự lớn ở Biên Hòa, Long Bình, Dĩ An, Bến Cát, Lái Thiêu, Lai Khê, Đồng Dù, Bình Đức… thường trực hàng trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn với khả năng cơ động cao bằng trực thăng, xe cơ giới thì dù chiếm được một hai quận giữa đô thành này liệu sẽ giữ được bao lâu? Họ kêu gào Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa là tất thảy dân miền Nam này sẵn sàng vỗ tay theo họ hết hay sao? Chẳng lẽ với 280 ngàn quân chủ lực và địa phương cùng việc trang bị, vận chuyển của họ đều thua kém mà hơn 700 ngàn quân lính Cộng hòa này đều giương mắt vứt súng đầu hàng? Và hạm đội Bảy Mỹ ở ngoài khơi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đứng đợi gần 600 ngàn quân sỹ Đồng minh kéo nhau tháo chạy xuống tàu hay sao? Dù là người thông minh tài giỏi mà đầu óc hoang tưởng cũng hành động như một người điên, không khác gì tự sát!
Đại tá Phát Lộc lý giải:
- Họ quá ỷ vào sức mạnh tinh thần của cán binh cộng sản. Là người lính, tôi ngả mũ kính phục họ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi tháo tung súng ném đi, còn một trái lựu đạn chia đôi khi đối phương xông tới. Tại sân bay, có người lính chết rồi vẫn đứng dựa vào tường, tay không rời cây súng như đang đứng bắn. Là sỹ quan chỉ huy, tôi ao ước binh lính dưới quyền chỉ cần có được một phần tinh thần của họ, tôi sẽ chẳng ngại gì. Đức cha Hoàng Quỳnh dưới giáo xứ Bình An là người suốt đời quyết liệt chống Việt Minh–Cộng sản, ví mỗi chiến binh của họ là một con sư tử. Đúng như thế, khi xông lên, đàn ông con trai như hùm thiêng bị chọc giận, đàn bà con gái như hổ cái mất con. Khi bị bắt thà chết chứ nhất định không khai nửa lời.
Trung tá Chu giận dữ cắt ngang:
- Cảnh tướng Loan gí súng vào mang tai bắn chết một tù binh bị trói thúc ké ngay giữa đường phố Sài Gòn, bị ghi hình, quay phim tung ra khắp thế giới làm nhơ nhuốc hình ảnh quân lực Việt Nam cộng hòa vốn đã chẳng đẹp đẽ gì!
Viên Đại tá vẫn chưa dứt mạch:
- Nhưng dù là mãnh hổ cũng không chịu nổi trước súng đạn Mỹ đâu. Mấy tháng nay số cán binh ra hồi chánh càng nhiều. Đặc biệt không ít người từng đeo đuổi từ thời chống Pháp. Sĩ quan từ cấp Đại đội, Tiểu đoàn, thậm chí cả cấp Trung đoàn, Sư đoàn. Dân sự từ cấp Xã, Huyện đến cấp Tỉnh, cấp Khu… là điều xưa nay chưa từng có. Họ nản chí ngã lòng rõ lắm.
Cậu em nhìn ông anh rể như để xác minh:       
- Điều này chắc anh Tham biết hơn chúng em nhiều! Người Mỹ không tiếc của, tập trung giúp ta thực hiện Kế hoạch bình định cấp tốc. Quân lực Đồng minh tăng cường hành quân chà xát, xóa sạch những căn cứ lõm, xôi đậu, đánh trốc cán binh cộng sản ra khỏi những nơi ẩn náu, đẩy chúng về với núi rừng hoang vu đói rét. Trong khi ta phục hồi nhanh các ấp chiến lược với đội quân áo đen Bình định nông thôn vừa cô lập số nội gián nằm vùng, vừa quản chặt dân để có nguồn bổ xung quân số. Kết hợp với những Đội Phụng hoàng, luồn sâu vào các khu căn cứ của Việt cộng, dùng mỹ nhân, tiền bạc, tỷ tê lôi kéo, làm họ rã tinh thần. Liệu Việt cộng sẽ chịu được bao lâu nữa?
Ông giáo ngồi lặng thinh lắng nghe. Ông nhớ tới ông Năm Tấn. Là người chỉ huy tầm cỡ và từng trải, hẳn ông tự liệu sức mình khi dẫn quân đánh vào cái sân bay mênh mông mà ông đã trực tiếp điều nghiên trinh sát tất hiểu được sức đề kháng của nó thế nào. Tại sao ông vẫn xông lên? Niềm tin không thể dựa vào điều may rủi! Con người kín đáo cẩn trọng như ký giả Tường Minh sao dễ xuất đầu lộ diện giữa hai làn đạn? Người như ni cô Diệu Hương có dễ nản chí ngã lòng không? Như con bé Thủy Tiên, có ai ngờ bỗng chốc nó thành người khác thế? Ngay cả con Nhài, tưởng nó an phận quá thì lỡ lứa, tu tại gia, chẳng biết làm gì khác ngoài việc trông cái sạp hàng và gửi hồn vào tiếng mõ câu kinh mà cũng sẵn sàng vào cuộc. Ý chí con người khi đã nhận ra điều thiện, sẽ vượt qua mọi ý nghĩ thông thường. Ông đứng lên, hai tay đưa ra như lúc giảng bài:
- Một thực tế là những bộ óc lớn của nước Mỹ như Mc Namara, Cabot Lodge, Wetmoreland đã bị người ta biến thành bã đậu và mở mắt cho người Mỹ thấy đang bị giới cầm quyền lừa dối!
Tổng kết cuối năm 1967, Lầu Năm góc rất lạc quan nhận định rằng: Theo đúng kế sách của chính quyền thì cuộc chiến tranh có thể thắng lợi, làm vui lòng Tổng Thống Johnson. Nhưng những gì diễn ra trong Tết Mậu Thân đã làm cho ông ta từ ngạc nhiên đến choáng váng rồi tức điên lên…
Và nhận thức của Nhà Trắng đã thay đổi!

Gần hết một năm đầy căng thẳng. Nhiều tổ chức nội tuyến bị vỡ, nhiều cán bộ bị lộ, người hy sinh, người bị bắt, người mất tích, người phải rút về căn cứ. Thủy Tiên bị bắt do xuất hiện ở một điểm bị theo dõi nhưng cô khôn ngoan không để ai bị liên lụy vì mình. Dù sao mối liên hệ giữa ông giáo với ký giả Tường Minh không còn nữa. Trung tâm mời ông ra căn cứ.
Theo lời dặn của Nhài, ông giáo mặc bộ đồ lớn màu xám, đội mũ phớt cùng màu đi dạy học. Hết giờ giảng, ông đi taxi thẳng tới ngã tư Bảy Hiền. Tay trái ôm cặp, tay phải cầm tờ báo ngoại đi lững thững ra phía cầu Tham Lương. Một chiếc xe nhà binh trờ tới bấm ba tiếng còi pin… pin… pin… Ông giật mình nhận ra anh Chu… và chột dạ thấy có viên sỹ quan Mỹ ngồi sau. Nhưng không thể chần chờ, ông bước tới, như người không quen biết, rút ra tấm danh thiếp, xin quá giang về Tòa thánh Tây Ninh cho kịp giờ. Ông nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Ngồi bên viên sỹ quan Mỹ, ông giở tờ báo tiếng Anh News time ra đọc và cùng bình luận vui vẻ. Qua bao nhiêu trạm gác, xe chỉ cần giảm tốc độ để lính và cảnh sát kịp nhận ra hai ngài sỹ quan cấp tá Việt-Mỹ vội đứng nghiêm chào rồi xe lại phóng đi vù vù. Tới một ngã ba gần tỉnh lỵ, ông cảm ơn và xin xuống xe… Vẫn tay cặp tay báo, mới đi được dăm thước đường ông đã nghe tiếng gọi:
- Ba!… Ba!
Một chiếc xe Honda dừng sát bên ông. Người phụ nữ mừng rỡ giục:
- Ba ngồi lên con chở về nhà…
Ông chỉ biết thực thi mệnh lệnh thật nhanh. Người ngồi trước đội chiếc nón vải rộng vành sùm sụp, đeo kính mát to, lại choàng thêm chiếc khăn chống nắng bụi che kín mặt và phóng xe băng băng để ông chỉ cảm nhận được cô ta là người tháo vát trẻ trung. Xe đi lòng vòng rồi lọt nhanh vào một con hẻm ngoại ô và dừng lại trong sân sâu của một căn nhà… Có người ra đỡ ông vào… Một ông già phong thái đĩnh đạc, trang phục như một vị chức sắc đạo Cao Đài niềm nở tiếp ông. Còn đang bỡ ngỡ trước sự lạ lẫm này thì cô gái chở ông trên xe hồi nãy bước tới, ông không kìm được cảm xúc nhận ra đó chính là ni cô Diệu Hương. Cô cười chào vui vẻ:
- Bác cứ coi như nhà mình đây! Chiều sẽ có người tới đón…
Thái độ mọi người trong nhà tuy vui nhưng ý tứ coi như không ai để ý đến việc làm của ai khiến ông cũng phải giữ gìn thận trọng trong từng cử chỉ và lời nói. Cô gái dặn nhỏ ông trước khi ra đi:
- Bác đừng làm lộ mình ra, hạn chế tiếp xúc với người không cần thiết…
Chiều, khi có người tới rước đi, ông được vận vào bộ bà ba đen, khăn rằn, nón lá, chân trần… Khi bước trên những bờ ruộng quanh co, chân ông đau nhói mà phải cắn răng lại chịu đựng cố bước cho kịp người đi trước thoăn thoắt xa xa… Lúc tới bờ sông thì trời vừa tối, có chiếc ghe máy chờ sẵn đưa đi… Sông mênh mông man mác, từng mảng lục bình đen ngòm trùi trũi trôi ngược chiều làm ông rờn rợn… Tới vàm sông, chiếc ghe dừng lại, ông được chuyển sang chiếc ghe tam bản đi vào con kênh nhỏ… Đêm tối mung lung, tiếng mái chèo khua nước nhẹ êm. Ông thấy cảm giác huyền bí vừa lâng lâng vừa hồi hộp. Chiếc ghe lủi vào một bụi cây, có mấy người chờ sẵn kéo ông lên bờ. Một người trai trẻ nói:  
- Ráng đi mau qua Khu tam giác sắt này… Giặc thì mình chủ động đề phòng được nhưng bom pháo thì không chừng…
Anh ta tháo ra đôi dép râu cao su đưa cho ông, chỉ cách xỏ vào chân và dặn thêm:
- Tụi con lội bộ quen rồi. Lúc nào mệt quá thì bác cứ nói để tụi con chờ.
Cái mệt qua rồi dễ quên nhưng mấy trận bom pháo dội bất tử thì suốt đời không quên được. Ông không phải là người nhát gan nhưng khi tai điếc đặc vì những tiếng nổ quá gần, ngồi rung rinh đưa đẩy đến tức ngực trong trảng xê dưới những lùm cây lè tè trơ trọi hoặc trong một cánh rừng rậm rịt, có lúc ông thầm mong nếu lỡ sao thì được chết ngay không hay biết gì hết chớ đừng có bị thương, ông chịu đau không nổi chứ chưa nói tới bao nhiêu điều rối rắm.
Lần đầu tiên gặp người phụ trách cấp cao mà ông từng loáng thoáng nghe được từ chính bộ máy an ninh tình báo của giặc đồn đại ra như một huyền thoại, ông bị hấp dẫn ngay bởi trí thông minh sắc sảo, niềm tin mạnh mẽ, lập luận thuyết phục, thái độ chân tình mà sâu sắc trong từng lời nói. Giọng ông Mười nhỏ nhẹ nghe xa xăm mà đọng mãi trong ông từng lời:
- Vừa qua, bởi nhận thức đây là trận quyết chiến cuối cùng nên ta tập trung hết sức và bộc lộ nhiều nguồn lực quí. Đấy là bài học cay đắng. Tầm nhìn của ta chưa vượt tầm khuôn khổ cuộc chiến tranh giải phóng đơn thuần. Con đường tranh đấu cho một quốc gia độc lập, phát triển không đơn giản được. Trừ khi vạn bất đắc dĩ thôi, những cơ sở tạo được vỏ bọc vững chắc lẽ ra phải biết để dành cho chặng đường tiếp còn dài.
Cả hai người đều nghĩ tới ký giả Tường Minh nhưng không ai dám nói ra. Thấy vẻ mặt u uất của ông giáo, ông Mười không giữ im mãi được:
- Trong đấu tranh với địch, sai lầm nào cũng phải trả giá bằng sinh mệnh. Nhưng với công việc của chúng ta, dù mất một người cũng không dễ thay thế được. Để thành một tình báo viên tầm cỡ, anh ấy đã phải chịu đựng biết bao nhiêu mới vượt qua được sự miệt thị của đồng đội, đồng bào và sự nghi ngờ thẩm tra nghiệt ngã của đối phương. Nghi mình bị lộ, anh chạy ra ẩn náu ở giáo xứ Long Khánh nghe động tĩnh nhưng bị địch phát hiện ra. CIA ra lệnh ngầm thủ tiêu phi tang chứ không dám công khai bắt bớ vì anh có hai quốc tịch, quen biết rộng và là cộng tác viên uy tín của nhiều hãng truyền thông lớn. Tổn thất của chúng ta không chỉ thế thôi đâu!
Nhìn vẻ mệt mỏi của người phụ trách, người nghe cảm nhận được tổn thất vừa qua lớn qúa. Ông giáo nghẹn ngào:        
- Tôi thật không dám nhìn phụ thân anh ấy mặc dù là tình bạn cố cựu rất muốn an ủi chia sẻ với nhau. Ông ấy như người thất thần lúc nào cũng nói thầm thì: Nó đã không đem chôn mình thì thà rằng mình đem chôn nó, dù có đau lòng nhưng đời người ta ai cũng đến ngày phải trở về với đất! Bây giờ không biết nó bỏ xác ở đâu? Ai giết nó? Và biết  thanh minh cho nó thế nào?
Ông Mười không ngần ngại nói ra sự thật trước những người hàng ngày phải đơn phương đối diện với quân thù :
- Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Câu triết lý muôn thuở ấy ai cũng nói được nhưng biết thế nào không dễ. Biết người đã khó. Biết mình còn khó hơn nhiều! Đây là cái giá chúng ta phải trả về cách vận dụng thích hợp quan điểm Bạo lực vũ trang và Bạo lực chính trị. Để có cái nhìn thấu triệt vô tư cần có thời gian suy ngẫm. Thực tế chúng ta đang ở thế đối mặt với kẻ thù. Không thể vì những mất mát đau thương mà nản lòng bỏ cuộc.  
- Lúc mới nghe súng nổ lòng tôi như mở cờ. Nhưng với diễn biến tiếp theo tôi nghĩ ngay đại sự khó thành! – Ông giáo chen ngang.
Ông Mười buồn bã:
- Chính ta chưa biết hết ta nên mới coi thường địch. Mỗi cơ sở đều phóng đại lên thực lực của mình. Thậm chí còn quả quyết rằng phong trào nổi dậy của nhân dân đô thị đang như đồng khô, chỉ cần châm một mồi lửa là bùng cháy lên không gì dập nổi! Cứ như thế thành một dây chuyền tạo nên cái nhìn thiên lệch, làm tiền đề cho những nhận định chủ quan. Tưởng rằng khi tiếng súng Tổng công kích đồng loạt như pháo lệnh nổi lên là hàng triệu dân chúng từ thành thị đến nông thôn ào lên như nước vỡ bờ làm cuộc Tổng khởi nghĩa bất ngờ khiến kẻ địch thất thủ bó tay! Thực tế là đối phương có bị động về chiến lược nhưng vẫn nắm sức mạnh quân sự trong tay. Trong khi tiềm lực ta chưa đủ mạnh mà lực lượng tiến công của ta có hạn và sớm bị tổn thất nhiều, không đủ sức làm đòn bẩy cho lực lượng tại chỗ chuyển động, thành ra cô lập. Kẻ địch nhân đấy phát hiện ra chỗ hở của ta trong khi chúng chưa mất sức, đã tập trung phản kích có bài bản lớp lang.
Ông nhìn người đối diện, chia sẻ nỗi lo của mình:  
- Sự nghiệp ta mới được nửa chừng mà đã sinh ra tâm lý công thần. Ai cũng sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ, theo nhau tạo nên những thành tích ảo. Đấy là dấu hiệu của chứng tiền ung thư mới nhiễm, coi chừng nó phát triển thành khối u độc hại. Trong chiến đấu là những mất mát không tính nổi bằng mạng sống của bao nhiêu đồng đội. Trong xây dựng làm đổ vỡ những mục tiêu quốc kế dân sinh. Ngày giặc Mỹ mới cho máy bay ra đánh phá ngoài miền Bắc, ta có hạ được một số máy bay nhưng thổi phồng lên. Bác Hồ gọi những người có trách nhiệm lên căn dặn: “Ở Hàm Rồng, Mỹ thừa nhận bị mất 5 chiếc máy bay mà các chú bốc lên bắn rơi những 47 chiếc, có sợ nó cười cho không?”. Một chiếc máy bay rơi mà anh nào cầm khẩu súng bắn một phát lên trời cũng nhận là mình có công lao trong đó. Giống như ta đây, chỉ mới gây được một cơ sở nội tuyến, chưa biết chất lượng thế nào mà Binh vận, Trí vận, Thanh vận, Phụ vận, Nghiệp đoàn, Nông hội… ai cũng đưa vào báo cáo, nên một thành mười. Thậm chí những anh bể bạc, tình nguyện xin về nhà làm nội tuyến, coi như xin phép chiêu hồi công khai mà ta cũng vơ vào, báo cáo là cơ sở nằm vùng, coi như là ruột của mình rồi. Đến khi khởi sự, anh nọ nhìn anh kia, thấy chắc ăn mới xáp vô, còn lửng lơ thì lỉnh! Ham thành tích đưa tới dối trá, luôn là điều xa lạ với những người cách mạng!
Ông nói nhỏ và chậm như nhớ lại một điều gì:
- Chỉ khi nào mỗi người cách mạng gắn bó chặt chẽ với nhân dân vì sự nghiệp chung thì ta sẽ có những chủ trương sáng suốt. Như hồi sau khi Diệm đổ, cách mạng có những bước tiến dài tưởng như thắng lợi đã nằm trong tay, có người xin với Trung ương cho đồng thời tiến hành Cải cách ruộng đất như hồi ta đang đánh lớn ở Điện Biên Phủ. May là cán bộ ta rất sát phong trào, hiểu rõ thực tiễn, nhận ra rằng ở nông thôn miền Nam thực chất địa chủ không còn thế lực gì nữa, trái lại thành phần trung nông trong đó không ít là trung nông lớp trên đang là động lực quan trọng của cách mạng. Đó là từ lòng dân nảy ra ý Đảng. Nhờ có những cán bộ trung thành và trung thực như thế mà ta đã đẩy lên được phong trào toàn dân đoàn kết đánh Mỹ làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt, buộc Mỹ phải trực tiếp nhảy vào chuyển thành cuộc chiến tranh cục bộ. Ta có khó khăn hơn nhưng đó là thế cùng của Mỹ. Thắng không kiêu - Bại không nản. Phải nhìn toàn cục mới thấy rõ thắng lợi của ta. Trên bước đường đi lên, cách mạng Việt Nam không chỉ một lần vấp ngã .
Nét mặt tươi lên, ông đọc to mấy câu thơ Tố Hữu:
   Một lần ngã là một lần bớt dại
   Ai nên khôn mà chẳng dại bao giờ!       
Ông giáo dè dặt:
- Tóm lại Tổng công kích thì có nhưng Tổng khởi nghĩa thì chưa! Quần chúng chỉ có thể nổi dậy khi lực lượng ta áp đảo, quân địch không còn chỗ bấu víu, tinh thần tan rã. Không thể có sự trùng lặp lịch sử như Cách mạng tháng Tám thành công chớp nhoáng trên cả nước, cũng như cuộc đồng khởi Bến Tre chỉ ở mức độ phá thế kìm kẹp ở vùng nông thôn hẻo lánh mà thôi. Thế địch, thế ta mỗi thời mỗi nơi một khác. Cả hai thời điểm ấy tôi đều may mắn được là chứng nhân.
- Đúng là ta chưa hội đủ các yếu tố tạo nên cơ hội âý! Giá như xác định đây chỉ là cuộc tập kích chiến lược bất ngờ làm cho kẻ địch hoang mang, bị động, không biết thực lực của ta, không thể có kế sách ứng phó hữu hiệu. Từ đó ta tùy tình thế phát huy thắng lợi, sẽ luôn giữ được thế vừa chủ động tiến công vừa chủ động đối phó với kẻ địch sau khi bị một đòn đau, ta sẽ không sớm bị hụt hơi mất sức! Nhưng thôi, những lời nói sau bao giờ cũng hay. Hãy bàn chuyện ta bây giờ phải làm gì? 
Ông giáo còn khắc khoải trong nỗi đau mất mát nói thẳng ra khúc mắc của mình :  
- Lẽ ra không nên có những đợt hai, đợt ba trong khi kẻ địch đã củng cố lực lượng, không bị bất ngờ nữa, biết rõ về ta và chủ động quay sang phản kích.
Ông nhớ tới ông Năm Tấn, mắt rơm rớm nước:
- Kẻ địch phải khâm phục chiến sỹ giải phóng ta như những con sư tử. Hơn nữa, họ là thánh tử! Tuy nhiên trong rừng không chỉ có chúa sơn lâm. Chưa bao giờ số chiêu hồi nhiều như lúc này. Có chỗ chiêu hồi tập thể. Không phải chỉ là những kẻ yếu bóng vía chưa qua thử thách hoặc phạm kỷ luật. Thậm chí có không ít người phụ trách, chỉ huy từng trải, bây giờ ngao ngán. Họ tỏ ra bi quan và không tin vào khả năng hồi phục.
Ông Mười trầm ngâm:
- Đánh bất ngờ mới làm cho kẻ địch giật mình hốt hoảng, hoang mang là đủ. Rồi ta vẫn tiếp đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục cho một mùa xuân đại thắng nên mới ra cơ sự! Cả một chặng đường dài tranh đấu bao khúc chông gai. Nói không có lúc bi quan là không thật bụng. Vấn đề là phải tỉnh táo nhìn nhận cho ra sự việc. Kẻ địch phóng đại lên chiến tích là để lên giây cót tinh thần cho chúng. Mc Namara – Bộ óc điện tử của nước Mỹ hiện đại, kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến tranh cục bộ đã thốt lên rằng: “Chúng ta không thể đạt được thắng lợi ở Việt Nam bằng biện pháp quân sự nào. Vì thế chúng ta phải tìm một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán…” Tính đến thời điểm ấy, số thương vong của Mỹ tại Việt Nam gần tròn con số 140 ngàn người, vượt qua hơn nửa chục ngàn người trong chiến tranh ở Triều tiên! Đau nhất là ta mất đồng thời nhiều cán bộ và lực lượng nòng cốt từng qua nhiều thử thách, gây dựng lại không dễ chút nào. Quần chúng mất chỗ dựa tinh thần, nhiều cơ sở gian nan lắm. Tuy nhiên mất mát lớn chưa hẳn là sự nghiệp bất thành. Từ thế chủ động lùng và diệt, quân Mỹ phải co về phòng ngự. Tưởng Khe Sanh bẫy được đối phương mà chính mình mắc bẫy, Mỹ buộc phải  đưa quân về trấn an thành thị! Chiến tranh đang vào lúc leo thang cao điểm gay go nhất mà kẻ địch phải nghĩ tới việc phi Mỹ hóa, nghĩa là đẩy trách nhiệm thành bại của cuộc chiến cho kẻ khác! Ý đồ tăng thêm hai mươi vạn viện binh cho hơn nửa triệu quân đang bế tắc ở chiến trường bị bãi bỏ! Đương kim Tổng Thống Mỹ không thể đại diện cho Đảng Dân chủ của mình đang cầm quyền ra ứng cử nhiệm kỳ kế tiếp! Lực lượng địa phương của ta tuy bị tổn thất lớn nhưng vẫn nhận được sự chi viện toàn diện của hậu phương mà kẻ địch không làm gì được. Đó là thất bại nặng nề của địch không giấu nổi ai. 
Ông giáo rất khâm phục người cán bộ lãnh đạo tình báo dày dạn này từng nhiều lần thắng địch trong thế chủ động tiến công cũng như trong thế bị động giữa ngục tù. Ông chia sẻ với nhà cách mạng: 
- Coi như ta được quả thắng lớn trong một trận thua đau! – Miệng ông cười méo mó.
Ông Mười vỗ mạnh lên vai người trí thức yêu nước thân tình như bạn, cười thật lớn – một cử chỉ ít thấy ở ông :
- Trong chiến đấu, có chút lãng mạn cũng không phải là thừa… Đó là nghịch lý nhưng lại là sự thật!
Ông xướng lên mấy câu thơ hùng khí:
  Ai dám bảo ta là chiến bại
Khi kẻ thù nhìn ta sợ hãi ?
Ai dám bảo ta là xác chết
Khi chiến công ta vang dội lẫy lừng ?
Ta dù hy sinh sẽ thành bất tử
Khi Tổ quốc ta về lại một nhà!
Đấy là niềm tin tất thắng của những người yêu nước trong nhà tù Mỹ-ngụy khi mà trước mắt họ chỉ một màu tăm tối… Cái chết sẽ đến sau một trận đòn khảo cung tàn bạo hoặc là một âm mưu thủ tiêu độc ác.
Giọng ông Mười quả quyết:
- Thắng hay bại là tùy theo cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người. Nhưng một thực tế là ta vẫn hiên ngang tồn tại, trưởng thành hơn, tư thế hơn trước mặt kẻ thù. Ngày càng đông công chúng Mỹ không ủng hộ cuộc chiến tranh này. Một phần ba số nghị sỹ Hạ nghị viện đã thông qua nghị quyết yêu cầu Quốc hội xem xét lại chính sách chiến tranh của chính phủ Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Ngay cả số Diều hâu trong chính giới Mỹ cũng nhận ra rằng nước Mỹ cần sớm thoát ra khỏi cuộc chiến vì không thể có chiến thắng ở đây!      
Chắc lúc này ông nghĩ tới sau những trận đòn thù thập tử nhất sinh mà người tù thân thể nát nhừ vẫn giữ vững tinh thần bất khuất bò lê về ngục thất trong khi kẻ thù mệt nhoài nhìn theo khuất phục:
- Chẳng lẽ ta đang thảm bại mà Johnson lại tự đi bước trước đơn phương xuống thang và sẵn sàng cử đại diện “đi tới bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào” để thương lượng về một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột? Hội nghị hai bên rồi. Sẽ có hội nghị bốn bên. Uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng càng vững chắc. Lòng yêu nước của nhân dân ta không vì thế mà bị nhấn chìm đi. Trái lại nó trỗi dậy với một sức sống mới. Không ai ngờ nhiều bậc nhân sỹ trí thức tên tuổi như luật sư Trịnh Đình Thảo, kỹ sư Lâm Văn Tết, giáo sư Lê Văn Giáp… là những người quốc gia thuần túy, tưởng như thờ ơ với thời cuộc mà lại ra chiến khu thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, bàn chuyện xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, trung lập, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Đấy là tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo.
Ông giáo nhìn xa xăm :
- Phi Mỹ hóa có nghĩa là tái diễn cái chiêu bài dùng người Việt đánh người Việt của kẻ xâm lược khi nhận ra mình bất lực! Tuy nhiên anh em con cháu Lạc Hồng nhà ta lại quần nhau phen nữa! – Ông thở dài:… Nhưng lần này sẽ quyết liệt hơn nhiều! Anh có biết không, con cháu nhà tôi (ông nghĩ tới bé Bích Liên), học Tú Tài rồi mà nó ghé tai tôi thù thì ngơ ngác hỏi: Bác ơi! Việt cộng có đuôi hà? Giết người ta ghê lắm hà? trong khi cha nó là cộng sản! Hẳn là bạn bè con cháu của tôi ở ngoài kia cũng luôn nghĩ chúng tôi toàn là tay sai đế quốc, quên cả đất nước, tổ tiên, chỉ ham bơ sữa, dâng vợ hiến con, bưng bợ người ta! Chà! Tôi hình dung ra cái ngày giang sơn ta quy về một mối mà vợ chồng, anh em, con cháu ngơ ngáo nhìn nhau: hận thù, trách oán, nghi hoặc, giận hờn…  Đến bao giờ mới thở chung một nhịp?!
Ông Mười muốn xua tan nỗi buồn cho bạn :
- Anh Ba Nghĩa (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) có lần tâm sự: “Người ta ai cũng có một gia đình để yêu thương, một quê hương để luyến nhớ, một tổ quốc để phụng thờ, một dân tộc để phục vụ và một niềm tin hướng thiện. Người trí thức càng thấm sâu điều ấy”. Đó cũng là tâm tư của những người trí thức Việt Nam tâm huyết. Mỗi thế hệ có đủ thời gian hoàn thành sứ mạng của mình là qúi hóa lắm rồi. – Ông thân tình vịn vai người đồng đội:… Cuộc chạy đường dài, mỗi lần vấp ngã ta lại nhìn ra điều sơ xuất. Như người trèo núi, càng  gần tới đỉnh càng thấm mệt. Lúc rã rời đôi chân là tới đích! Mỗi người ráng làm tròn phần việc của mình. Không sợ hết người kế tục đâu. Những người như cháu Thủy Tiên là nguồn tiếp sức vô tận bởi sự nghiệp ta là chính nghĩa. Lẽ phải vốn có sức hút tự nhiên như trái táo Newton ấy! –  Ông nói chậm lại như nhấn vào từng ý:… Cùng một lúc ta càng phải mở rộng cả hai mặt trận: trong nước và quốc tế. Mà trong nước là quan trọng. Tuy nhiên mặt trận quân sự vẫn là chủ yếu. Mỗi ngành, mỗi người phải gắng hết sức lo tròn phận sự của mình dù khó khăn đến mấy. – Ông kéo bạn sát vào mình:… Vai trò của anh lúc này càng quan trọng. Mỹ đã rút bài học từ Diệm, sẽ không thay ngựa giữa dòng. Nhưng phải tạo sức ép bắt Thiệu ngồi vào bàn hội nghị, đành rằng mọi chuyện đều quyết định ở chiến trường. Đồng thời xây dựng lực lượng thứ ba, chuẩn bị đáp ứng trong tình thế mới và tìm hiểu kế hoạch hậu chiến khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên cần cảnh giác và tạo vỏ bọc cho chắc. Anh làm việc đơn tuyến. Trung tâm sẽ liên lạc với anh qua một đường dây mới.
Đêm trước khi chia tay tại khu căn cứ, trên hai cánh võng sóng đôi trong căn hầm âm sâu dưới đất với ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu tự tạo, ông Mười nói vui với bạn:
- Cuộc chiến tranh này ví như trận đấu bóng đá đặc biệt giữa hai đối thủ không cùng đẳng cấp lại không có trọng tài! Một bên đá chân giầy siêu hạng với những hảo thủ nhà nghề, tuy có kỹ thuật cao, tốc độ nhanh nhưng đòi hỏi phải có đầy đủ các yếu tố tốt như sân bãi và đãi ngộ trong khi các fan thì chia rẽ, số đông chán nản! Một bên đá chân đất với những cầu thủ yêu nghề tự luyện, chẳng đòi hỏi gì, cứ có banh là đá, lại được đá trên sân nhà với những fan máu lửa sẵn sàng lao vào thế chân khi có một cầu thủ bị trọng thương! Địa hình của ta và lòng dân ta là sân bãi tuyệt vời mà đối phương không sao hợp được nên bị động lúng túng như gà mắc tóc. Họ không phát huy được sở trường là kỹ thuật và tốc độ, không thể đưa bóng vào vòng cấm địa mà chỉ có thể sút bóng từ xa, tuy có hiểm nhưng ta biết miếng của họ rồi, banh khó mà lọt lưới. Bị mất sức lại nản lòng mà không biết kềm khóa chân ai nên họ lơ là cảnh giác và ta thừa dịp chớp nhoáng phản công làm cho khung thành đối phương đôi phen xính vính. Tương quan hai bên như thế, chỉ cần trận đấu hòa không tỷ số đã là đại thắng lợi của ta và bẽ bàng cho họ. Phải thế không nào?
Ông giáo thích thú cười lên thành tiếng và tâm đắc mãi với cách ví von dí dỏm sinh động ấy.
Trở về thành phố, nhớ lại những ngày qua, ông thấy như người được tiếp sức khi trong mình qúa là mệt mỏi. Được gặp lại một số bạn bè, người quen trong thành phố mới ra căn cứ tham gia vào Mặt trận liên minh, có cả ông bạn từ ngày còn ở Hà thành rồi cùng theo dòng thời cuộc đưa đẩy vào đây, dạy Pháp ngữ trường tây lâu năm nổi tiếng và từng làm Chủ tịch Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc mà vì công việc ông không thể đứng chung nhưng vẫn lặng thầm đi bên họ. Nhiều sự thật bất ngờ cho ông thấy việc làm của mình không lẻ loi đơn độc. Người có lòng với nước còn tiềm ẩn rất nhiều, người nọ bên người kia, lớp sau tiếp lớp trước không bao giờ hết được. Tuy nhiên trước mạng lưới an ninh giăng giăng dày đặc và lực lượng quân sự của giặc phô trương hùng hổ, ông giáo nghĩ thầm: Người ở trong rừng sâu âm u mà có cái nhìn thật sáng để có một niềm tin vững chắc trong khi người ở chốn đô thành không thiếu gì ánh sáng và đủ các nguồn tin  mà chỉ thấy tối tăm dao động… Dù sao thì con đường tới ngày đó còn dài và gian truân lắm. Nếu chẳng may mình có làm sao thì cũng mong như được lãnh trọn một trái pháo đại giữa chiến trường sẽ không ân hận hoặc lo lắng gì… 

      Trích tiểu thuyết THỜI BI TRÁNG
          (Chung khảo cuộc thi tiểu thuyết
                 Hội NVVN 2006 – 2010     
         NXB Hội Nhà văn – 2012)