Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tranh lõa thể

Huỳnh Văn Úc
Chủ nhật ngày 23 tháng 12 năm 2012 9:09 PM

Người con gái dậy thì trong bức tranh sơn dầu lõa thể khổ lớn 1,5 m x 2m tham dự Triển lãm có mái tóc ngắn, đôi mắt chứa chan nỗi niềm, còn môi được tô màu giống son môi Naris CNC Lipstic. Nàng đứng trên một khoảng nền màu lam xen lẫn những mảng màu đỏ rực cắt ngang dữ dội. Mảng màu nền ấy nói lên điều gì? Bàng hoàng, nghi hoặc, sợ hãi, phân vân, lì lợm chăng? Khó mà đoán được ý đồ sâu xa của tác giả. Đã thế người con gái khoả thân lại đứng cạnh một cột đèn tín hiệu giao thông đang ở trạng thái đèn vàng. Sao lại là đèn vàng?  Có phải là một sự cảnh báo về những nguy hiểm đáng báo động về lối sống không? Mặc dù tác giả bức tranh là một cô gái còn rất trẻ đang theo học khoa Hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhưng những ý tưởng gửi gắm trong bức tranh tưởng như của một người già dặn thâm thuý. Còn về chất lượng nghệ thuật tạo hình thì đa số những hoạ sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi đều đánh giá tốt, hình vững, màu đẹp. Vì vậy Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhất trí đưa bức tranh vào danh sách tham gia Triển lãm, có người còn đề nghị đưa tác phẩm vào diện xét trao giải thưởng.

Dư luận xã hội đối với tranh ảnh khoả thân chia làm hai: phái cấp tiến và phái bảo thủ, hay còn gọi là phái vui tươi và phái hằm hằm. Phái cấp tiến cho rằng nghệ thuật khoả thân diễn tả và tôn vinh cái đẹp thuần khiết của Thượng Đế ban tặng cho người phụ nữ, còn phái bảo thủ cho rằng những khoảng hở trên cơ thể người phụ nữ cần phải được che đậy cho phù hợp với thuần phong mỹ tục.  Những bước chuẩn bị cho Triển lãm đã hoàn tất, bức tranh nude art được treo lên ở vị trí trang trọng, nhưng trước giờ khai mạc hai ngày, một Hội đồng của Sở Văn hoá & Thể thao Du lịch do Giám đốc Sở đứng đầu đến phòng trưng bày tranh xét duyệt lần cuối. Ông Giám đốc Sở là một người tầm thước, tuổi ngoài năm mươi một tí, rất có uy tín. Uy tín của ông được nâng lên một tầm cao mới sau khi ông lấy bằng tiến sĩ, mà là tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh xịn của Mỹ do Trường Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) cấp. Mà cái trường mới tử tế làm sao! Để có bằng tiến sĩ, trong thời gian hai năm ông chỉ phải đi Mỹ hai lần, mỗi lần một tuần để nghe giảng bài bằng tiếng Anh và tiếp thu bài qua người phiên dịch, khi bảo vệ trước Hội đồng ông cũng dùng tiếng Việt rồi người phiên dịch nói lại cho Hội đồng nghe. Tiếng Anh giao tiếp ông có thể nói được hai câu, câu trước yes, câu sau no, chỉ hai câu là hết vốn. Nụ cười nửa miệng của ông ban phát cho người đối diện đã có thể xem là một ân huệ, cái nhăn mặt hay nhíu mày của ông báo trước một cơn mưa gió sấm sét không thể nào tránh khỏi. Đối với nghệ thuật khoả thân ông thuộc phái bảo thủ, cũng có nghĩa là phái hằm hằm. Vì vậy khi ông cùng Hội đồng của Sở đứng trước bức tranh lõa thể thì ông nhíu mày. Như một căn bệnh truyền nhiễm có sức lây lan chóng mặt, cái nhíu mày của ông lập tức truyền sang khuôn mặt của các chư vị còn lại trong Hội đồng. Và khi ông cất lời: “ Trái với thuần phong mỹ tục! Mà từ coi thường thuần phong mỹ tục đến diễn biến hoà bình khoảng cách không xa là mấy! “. Chuyện đơn giản thế mà ban đầu mọi người không nhận ra, nhận ra rồi thì ngần ấy cái đầu đều gật gù tán thưởng. Và thế là bức tranh được dỡ xuống cất vào kho mặc dù tên của nó vẫn còn trong danh mục của Triển lãm.

Người hoạ sĩ già là thầy của cô họa sĩ trẻ có chân trong Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng với các thành viên khác trong Hội đồng đến tham dự Triển lãm một ngày trước giờ khai mạc. Trong lòng ông khấp khởi, những ý kiến cần phát biểu để đưa bức tranh của cô hoạ sĩ trẻ mà ông đã có dịp ngắm nghía xem xét kỹ lưỡng vào diện đề nghị trao giải thưởng được ông cân nhắc từng lời từng ý trong đầu. Thỉnh thoảng đắc ý ông lại cười, nụ cười chỉ thoáng trên môi nhưng ngân nga khá lâu trong đầu trong óc. Khi đến nơi và được biết bức tranh đã bị cất vào kho, ông phản đối kịch liệt. Lý lẽ của ông sắc bén đến độ Ban Tổ chức Triển lãm phải chịu lùi bước và đồng ý treo bức tranh trong ngày khai mạc. Treo ở vị trí nào? Ở một góc khuất gần cầu thang.