(nhân nhà thơ đang bước vào tuổi đại lão chín mươi 1923-2013)
Trước hết, Hải Như là một nhà thơ chuyên viết về đề tài Bác Hồ (trên 40 bài – hầu hết đăng trên báo Nhân Dân). Mặc dù như nhà thơ bộc bạch, tác giả chưa một lần gặp Bác, nhưng những gì viết về Bác của ông từ bài đầu tiên “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” (viết ngay sau thời điểm Bác mất), đến “Một con người hội tụ mọi tinh hoa” và “Bác Hồ có những hạn chế - tại sao không?”, đều được đông đảo độc giả đón nhận với tấm lòng trân trọng hiếm có. Cái giúp thơ Hải Như đi vào lòng bạn đọc, có lẽ do cái “lý” này “Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi, người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình”(*). Ông nói thêm: “Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa… ”. Ý tưởng này của Hải Như còn được ông nói rõ hơn trong lần nhà thơ gặp lãnh tụ Trường Chinh (mà ông gọi là “nhà văn hóa”). Khi Trường Ching hỏi: “Anh nghĩ thế nào về sự lãnh đạo của Đảng đối với Văn nghệ sĩ cũng như Văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?”, Hải Như trả lời: “… Nhà văn chúng tôi được phép nghĩ với Đảng - (nguyên văn bằng tiếng Pháp: Re’flechir avec notre Partie)” và ông Trường Chinh đã đứng dậy bắt tay nhà thơ: “Anh nói rất đúng, nhà văn phải nghĩ với Đảng, chúng tôi mong được các anh đóng góp ý kiến”(*).
Và đây là một lần “nghĩ với Đảng” của Hải Như qua bài viết “BÁC HỒ CÓ NHỮNG HẠN CHẾ - TẠI SAO KHÔNG?”(**):
Tôi xin phép được trả lời câu hỏi tôi tự đặt ra này.
Như chúng ta đều biết, trong lịch sử cổ kim đông tây không có nhân vật vĩ đại nào lại không bị những hạn chế của thời đại. Nhân loại khi thừa nhận họ đồng thời cũng thừa nhận những hạn chế đương nhiên của họ mà không chối bỏ những hạn chế mang tính lịch sử ấy.
Tôi thành thật mong đợi một ngày gần, tôi sẽ được đọc những trang viết mang tính phát hiện khách quan của một nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh với một tinh thần đầy trách nhiệm, một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đề cập đến một khía cạnh rất “người” ở Bác. Ngày còn sinh thời, theo tôi biết, chủ tịch Hồ Chí Minh thường khích lệ chúng ta chỉ ra cho thấy những sai sót.
Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Hồ Chí Minh, tôi đề ra cho mình phương châm không “thần thánh hóa” mà “người hóa” Bác Hồ. Về phía nghiên cứu lịch sử, tôi mong đợi sẽ có những tác giả “giải mã” trung thực vĩ nhân với tất cả những hạn chế, không né tránh. Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, tôi xin gửi đến bạn đọc một bài thơ tác giả sáng tác cách đây 10 năm, nay mới công bố.
Hà Nội, tháng 5 năm 1990
KỸ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY
HẢI NHƯ
Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy
Nếu tôi nhớ không lầm
Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên
Thân tình góp ý:
“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui) Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ.
Bác mệt”
Cũng vậy – khi trao đổi với mọi người Hồ Chí Minh không bao giờ
Tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
Có lẽ nào các chú lại không
Cho Bác có quyền sai!
(Tháng 5 năm 1980)
***
Hải Như quan niệm “… Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ và quyền uy thi sĩ”(*). Cái khí chất ấy của nhà thơ không chỉ dừng ở lời nói mà đã được ông thể nghiệm bằng hành động. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
“Năm 1988 từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như qua báo chí thấy công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khi đào móng, dàn búa máy đã làm nghiêng có nguy cơ đổ chùa Một Cột. Báo chí đã lên tiếng nhưng vô vọng. Nhà thơ đã viết một bản kiến nghị gửi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quốc hội, đề nghị ngừng công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh do “không hợp với tâm nguyện của Người”, dành số tiền xây dựng bảo tàng cho một công trình phúc lợi toàn dân như mạng máy nước thành phố Hà Nội năm đó đang bị hư hỏng nặng. Kiến nghị của Nhà thơ Hải Như kèm theo bài thơ có tựa đề “Bài thơ chưa in báo” (hai câu đề dẫn ghi dưới tiêu đề bài thơ như sau: “Chúng ta đã lỡ làm lăng Bác…”).
Ba tháng sau, trong chuyến ra Hà Nội nhà thơ Hải Như đã được đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách tìm gặp. Đồng chí Trần Xuân Bách nhận được bài thơ đã không trả lời nhà thơ qua Văn phòng Trung ương Đảng mà trực tiếp “vi hành” vào ngõ Hòa Bình 5 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội khi nhà thơ vừa từ Sài Gòn ra, bởi – ông nói vui khi gặp Hải Như ở nhà con trai nhà thơ – nhà báo Vũ Kỳ Anh: “Tôi muốn trực tiếp gặp một “cái đầu”của xã Bái Dương. Tôi muốn diện kiến người cùng huyện làm thơ”. (Nhà thơ Hải Như và chính khách Trần Xuân Bách đều quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhưng chưa gặp nhau bao giờ). Đồng chí Trần Xuân Bách thông báo với Hải Như là Bộ Chính trị hoan nghênh ý kiến đóng góp của nhà thơ Hải Như, nhưng không thể ngừng công trình vì đã vào kế hoạch được Nhà nước phê duyệt. Trong suốt một giờ đồng hồ gặp gỡ trao đổi cởi mở, ông Trần Xuân Bách tỏ ra rất vui và bảo là ông đã gặp được một nhà thơ có tính trung thực thẳng thắn đòi hỏi cần có ở người cầm bút chân chính mọi thời (***).
Vâng! Đó chính là Hải Như, như tôi biết
TRẦN HUY THUẬN
------------------------
(*) “THƠ CA VÀ NHỮNG ĐỀ TÀI LỚN” – Báo Văn Nghệ số 39 (21/7/2012)
(**) “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG”. Hải Như. NXB Trẻ. 2009.
(***)Theo: Trần Mỹ Giống http://blog.yahoo.com/_2K7YD6IMMO2MEB7LKBBJ4XNMQ4/articles/794917/index