Năm 2012 Campuchia là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sáng ngày 13/7/2012 tại Phnom Penh các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dự cuộc họp để thảo luận và ra Tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan thuyết phục Campuchia đưa vấn đề tranh chấp Bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc vào Tuyên bố chung nhưng ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cắt ngang phát biểu của ông và khăng khăng phản đối yêu cầu của Philippines. Vì thế đây là lần đầu tiên AMM không thể ra Tuyên bố chung. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam tuyên bố kết quả của hội nghị đã làm sứt mẻ nghiêm trọng uy tín của ASEAN. Tờ Thời báo Nữu Ước (New York Times) dẫn lời một quan chức ngoại giao ASEAN giấu tên nói rằng “ Trung Quốc đã mua nước Chủ tịch ASEAN 2012, đơn giản là vậy! ”. Trung Quốc cũng là nước có đầu tư trực tiếp (FDI) nhiều nhất vào Campuchia với kế hoạch được công bố lên tới 8 tỷ USD cho 360 dự án khác nhau trong vòng 7 tháng đầu năm 2011. Thương mại giữa hai nước cũng đang phát triển mạnh với kim ngạch lên tới 2.5 tỷ USD năm 2011 và dự kiến gấp đôi vào năm 2017.
Những lời ong tiếng ve đó làm cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen tức tối. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 4/2012 ông đã tỏ ra giận dữ vì có dư luận rằng Campuchia đang hành xử như là một con rối của Trung Quốc. Ông Hun Sen mắng các nhà báo là điên rồ, lười nhác và ngu xuẩn và cảnh cáo hơn 100 nhà báo có mặt rằng họ phải nói lên sự thật: “Cái tôi ghét cay ghét đắng là chuyện đồn thổi rằng Campuchia đang làm việc cho Trung Quốc và chắc đang chịu ảnh hưởng nào đó của nước này. Đó là chuyện hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi là một đất nước có phẩm giá. Chúng tôi không sử dụng thứ chính trị cơ hội”. Và ông khẳng định thêm “Campuchia không thể bị mua”. Ông Hun Sen nói như vậy thì ta biết vậy nhưng đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN họp tháng 11/2012 ông lại tuyên bố rằng ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về việc các thành viên của tổ chức sẽ không theo đuổi việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Người phát ngôn của đoàn Trung Quốc sau cuộc họp này đã phát biểu “Tôi phải nói rằng các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận – đã đạt được một tiếng nói chung – và điều này đã được thủ tướng Hun Sen bày tỏ thay mặt cho ASEAN”. Trước cái kiểu kẻ tung người hứng như thế, Tổng thống Philippines Benigno Aquino kịch liệt bác bỏ vì cho rằng lời tuyên bố này lặp lại quan điểm của Trung Quốc.
Chuyện chính trị ở tầm quốc gia và quốc tế nó tế nhị và phức tạp lắm. Khi đọc những dòng tin trên đây tôi tuyệt đối không dám bạo gan có lời bình luận gì. Tuy vậy tôi lại nhớ đến câu thành ngữ dân gian: “ Ông đưa chân giò bà thò chai rượu” hàm ý nói về sự có đi có lại mới toại lòng nhau và muốn lấy câu này làm câu kết cho bài viết này.