Cái tôi trữ tình là chủ thể của hành trình sáng tạo thi ca, có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ lại tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ được thể hiện bằng một giọng điệu riêng. Một cái tôi trữ tình phong phú tựa như viên nam châm luôn luôn có sức hút về phía mình sự giàu có của cuộc đời. Đặc điểm của cái tôi trữ tình phụ thuộc vào phong cách của mỗi nhà thơ, của các trào lưu, khuynh hướng. Chính vì vậy, mỗi thời đại có một kiểu cái tôi trữ tình đóng vai trò chủ đạo. Đi vào tìm hiểu cái tôi trữ tình trong thơ Ngô Minh, chúng tôi nhận thấy ở thơ ông chủ yếu ở các dạng thái: Cái tôi trữ tình ngợi ca- tự hào, Cái tôi trữ tình đời tư-thế sự, cái tôi trữ tình chiêm nghiệm-triết lí.
Ngô Minh là một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cùng thời với ông, có một đội ngũ tác giả tên tuổi như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật,… nhưng trong khi những bạn thơ đã trưởng thành, Ngô Minh lại xuất hiện khá muộn. Con đường đến với thơ của ông đầy trắc trở, nhưng bằng tài năng, niềm đam mê mãnh liệt trong sáng tạo thi ca, Ngô Minh đã đem đến cho nền văn học nước nhà những vần thơ giàu giá trị ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Trong bài viết này, chúng tôi đi vào tìm hiểu cái tôi trữ tình trong thơ Ngô Minh, nhằm chỉ ra những đặc điểm nổi bật về nội dung thơ ông, đồng thời khẳng định vị thế của nhà thơ trong tiến trình vận động và phát triển của nền thơ hiện đại Việt Nam.
Trong rất nhiều thể loại văn học như truyện, kí, kịch, thơ…thì thơ thể hiện tính chủ quan của người nghệ sĩ nhiều nhất. Cái chủ quan tồn tại quy tụ mọi yếu tố khác nhau như tư tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu, cảm hứng,…cái chủ quan được biểu hiện bằng cái tôi trữ tình trong thơ. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều thi sĩ “gắn liền với đời thơ như hình với bóng. Nhà thơ là nhân vật chính, là hình bóng trung tâm, là cái tôi bao quát trong toàn bộ sáng tác” [2, tr.295]. Cũng có khi nhân vật trữ tình không phải là nhà thơ. Cái tôi trữ tình lúc này là “cái tôi của tác giả được nghệ thuật hóa” [2, tr.307]. Chính cái tôi trữ tình đã góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Tìm hiểu về cái tôi trữ tình trong thơ Ngô Minh đã có không ít tác giả như: Mai Văn Hoan, Hồ Thế Hà, Nguyễn Trọng tạo…Ở mỗi bài viết, các tác giả đều dành tình cảm yêu mến và những lời ngợi ca chân thành nhất đối với nhà thơ Ngô Minh. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu về cái tôi trữ tình trong thơ Ngô Minh một cách chuyên sâu.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu kỹ những tác phẩm tiêu biểu qua các tập thơ: Phía nắng lên (1995), Đứa con của cát (1998), Thơ tặng (2007) thể hiện rõ nét đặc trưng nghệ thuật thơ Ngô Minh - nhìn từ hình tượng cái tôi trữ tình, góp phần khẳng định phong cách thơ độc đáo và sáng tạo trong dòng thơ hiện đại Việt Nam.
Cái tôi trữ tình ngợi ca - tự hào
Khi những quả bom đầu tiên của không quân Mỹ dội xuống miền Bắc, một thời kỳ khốc liệt, dữ dội nhất của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Cũng từ ngày ấy, hàng triệu người dân Việt Nam phải sống dưới bom đạn. Trong chiến tranh, mỗi người dân Việt Nam chân chính đều là một chiến sĩ yêu nước, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ý thức được trách nhiệm của người cầm bút trước thời đại, Ngô Minh đã viết nên những vần thơ phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta trên mọi miền Tổ quốc. Cuộc sống, chiến đấu của nhân dân, hình ảnh những người lính ra trận, hình ảnh quê hương tươi đẹp, những dòng sông, bãi bờ, ngọn núi đã đi vào thơ Ngô Minh như một niềm tự hào của người con yêu nước, thương dân sâu sắc. Ngô Minh yêu và gắn bó sâu nặng với quê hương. Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, từ mảnh đất này, nhà thơ đã cất lên tiếng thơ ngợi ca, suy nghiệm sâu sắc về con người, về mảnh đất Quảng Bình anh hùng trong chiến đấu và miệt mài trong lao động. Giữa cuộc đời đầy gian khổ, khó khăn, người dân Ngư Thủy, Quảng Bình vẫn rạng ngời lên một vẻ đẹp cần cù, chịu thương, chịu khó, một tâm hồn hiền hậu, trong sáng: “Lòng tôi yêu tha thiết/ Những khổ đau hạnh phúc quê tôi/ Tôi yêu những người trồng khoai đánh cá/ Chai sạn bàn tay da săn nắng gió” (Đứa con của cát). Chiến tranh làm cho con người cá nhân không ít thì nhiều cũng không thể tách rời con người cộng đồng. Ở đây, trong thơ Ngô Minh, con người cá thể và con người công dân có sự gặp gỡ thật tự nhiên: “Anh không có tuổi chơi tuổi ngủ/ Nhận khẩu súng núi xa gần lại/ Mỗi ụ mối, gốc cây cũng Tổ quốc mất còn” (Ba mươi sáu dây đàn). Trong lớp lớp những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu), Ngô Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những người chiến sĩ, người lính cụ Hồ. Rời quê hương, gia đình, bạn bè,…họ lên đường với tất cả nhiệt huyết của tuổi thơ một lòng nhắm thẳng quân thù: “Xa xôi gì mà chẳng nhớ/ Những ngày đường đỏ hố bom/ Có một màu xanh Xuân Dục/ trong mắt chiến sĩ lên đường” (Đêm qua cầu Long Đại). Tác giả yêu và càng thêm tự hào vì vẻ đẹp của những con người anh hùng bất khuất, vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tổ quốc: “Đêm nay qua cầu Long Đại/ Thêm yêu Đất nước, con đường Trập trùng quân lên biên giới/ Chiếc cầu-vương cánh tay nâng” (Đêm qua cầu Long Đại). Đến với Quảng Trị, nhà thơ không chỉ ngợi ca mảnh đất này, mà hình ảnh những con người nơi đây cũng được nhà thơ nhắc đến. Người Quảng Trị đầu tiên được nhà thơ nhắc đến đó là hình ảnh “mạ”, người đã chịu nhiều vất vả “kiếm gạo nuôi tôi” dẫu cho “tóc mẹ dần ngả màu cát lạnh”, nuôi con, dõi theo con đến lúc“Ngực chạm gió Trường Sơn biết mình đã lớn” (Gió tuổi hai mươi). Lúc này đây, nhà thơ nhận thức ra người mẹ thứ hai trong cuộc đời mình, người mẹ ấy lớn hơn và rất đỗi thiêng liêng, cao quý: Đó là mẹ Tổ quốc. Ý thức được nỗi khổ của chiến tranh, nhân dân ta quyết một lòng đoàn kết đấu tranh để giải phóng đất nước đem lại độc lập tự do cho dân tộc. “30 tháng tư ấy” là bài thơ thể hiện niềm reo vui và lòng tự hào, ngợi ca về chiến thắng của nhân dân ta. Hình ảnh cờ hoa hòa lẫn trong nước mắt vui sướng, đôi dép cao su, mũ tai bèo giản dị của các anh bộ đội hiện lên rõ nét hơn trong ngày vui thắng lợi của nước nhà: “30 tháng tư ấy/ Cờ hoa và nước mắt/ Dép cao su lấm đất đỏ miền Đông/ Mũ tai bèo cơm vắt/ Đơn vị con vào Dinh Độc Lập” (30 tháng tư ấy). Cái tôi trữ tình ngợi ca, tự hào về quê hương, đất nước trong thơ Ngô Minh không chỉ có trong thời chiến, mà trong thời bình cũng luôn tỏa sáng.
Không cất giọng cao để ngợi ca, tự hào như bao nhà thơ khác viết về quê hương, đất nước. Nhà thơ Ngô Minh với giọng thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng đã đem đến cho người đọc tình cảm yêu mến và lòng kính phục về một con người giàu lòng yêu nước thương dân. Trong không khí ngút trời của những ngày đất nước chiến đấu chống giặc, dễ hiểu khi cái tôi trữ tình nhà thơ ít nhiều cũng hòa nhập vào cái ta chung của cộng đồng để ngợi ca về công cuộc đấu tranh và bảo về Tổ quốc của quân và dân ta. Cùng với cái tôi ngợi ca, tự hào về quê hương, đất nước, thơ Ngô Minh luôn suy tư về cuộc đời, về con người, hình thành nên cái tôi trữ tình đời tư - thế sự hòa cùng cuộc sống.
Cái tôi trữ tình đời tư - thế sự
Sự thay đổi của lịch sử kéo theo sự thay đổi cảm hứng trữ tình. Giờ đây, cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào, ngợi ca xuống lắng đọng, suy tư. Vấn đề thế sự, đời tư dần dần được chú ý đến. Các nhà thơ khao khát được bộc bạch, được giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều. Đâu đó, trong dòng chảy cuộc đời, Ngô Minh tìm được cho mình một thế giới tĩnh lặng, một “ốc đảo” để ngẫm ngợi, suy tư. Khi trở về với cõi riêng tư, con người thường đối diện với cung bậc của nỗi buồn, cô đơn “Mảnh buồn ai rơi đầu phố bụi/ Ta nhặt lên như nhặt lại đời mình”. Trong chốn phồn hoa, đô hội lắm bạn bè và người quen, nhưng nhà thơ luôn trăn trở, suy tư “Ta trốn vào đâu phố phường đông đúc/ Ta là đêm ẩm ướt mơ hồ” (Tự Họa). Giữa đạn bom đầy máu lửa, Ngô Minh đã viết nhiều câu thơ đẹp về tình yêu lứa đôi hài hòa trong tình yêu tạo vật, thiên nhiên “Quen em từ giữa quãng đời lửa bom” (Nón bài thơ và hương đất Cao Nguyên). Nhà thơ không lí tưởng hóa, không mĩ lệ hóa tình yêu mà chấp nhận những nghiệt ngã của nó: “Ngày tình yêu chớm nở/ Những bông hồng ngát hương/ Bây giờ hoa, em hỡi/ Cánh rã rơi lạnh lùng” (Xác hồng). Khác với thơ tình, âm hưởng chủ đạo là sự đằm thắm, thiết tha nhưng cũng không kém phần nghiệt ngã, cô đơn, Ngô Minh có những vần thơ “tặng” chân thành và xúc động về tình bạn, đồng nghiệp. Ông dành cho nhà văn Nguyễn Tuân cả sự mến phục và tình cảm thắm thiết: “Không ai trùm che nổi ông/ Ông cũng không trùm che ai/ Bóng mát văn ông chim về xây tổ”(Nhớ ông Nguyễn Tuân). Cũng như thơ viết về đồng nghiệp, thơ viết về đồng đội, bạn bè của Ngô Minh cũng rất đỗi chân thực. Không bao giờ mất đi trong anh những năm tháng bạn bè: “Ta như sóng ấy dễ tan đi/ Bạn là ghềnh đá dấu ta ghi/ Những gì sâu thẳm ngoài vô tận/ Đều có cho ta giữa bạn bè” (Năm tháng bạn bè)…Với bạn bè, ông trìu mến, đồng cảm, có chút trăn trở thì với gia đình, ông thể hiện tình cảm đau xót tận đáy lòng mình. Đó là tình yêu với người cha, người mẹ, tình cảm thủy chung với vợ, tình yêu tha thiết với con, cháu,... Mỗi lần ông viết về cha là mỗi lần ông đau đớn tột cùng vì những kí ức thương tâm của ngày xưa lại hiện về: “Ba ơi!/ Từ tuổi ba mang uất hận xuống mồ/ Con mang vết đạn xoáy tìm ba/ Đi tìm giặc đến ngày bạc tóc!,…(Khuya bên mộ ba). Cùng với tình yêu dành cho cha, Ngô Minh luôn nhớ về mẹ bằng một tình yêu thương tha thiết. Thơ ông viết về mẹ gần như chiếm phần lớn trong những trang thơ. Viết về mẹ, Ngô Minh ngoài niềm kính yêu, lòng biết ơn và niềm thương vô hạn, ông còn thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi với mẹ. Dù mẹ đã không còn nữa, nhưng trong lòng thi nhân, hình ảnh mẹ vẫn sống mãi để dõi theo bước đi của nhà thơ. Nơi bắt đầu cuộc đời của thi nhân là trên cát bỏng, hình ảnh mẹ với bao khổ đau như cũng hòa lẫn trong hạt cát của quê hương “Bạn ơi, nơi ấy tôi sinh/ Nơi ấy mẹ bọc tôi trong vạt áo đẫm mồ hôi và dính đầy bụi cát” (Đứa con của cát). Có lẽ, những trang thơ viết về mẹ của Ngô Minh là những trang thơ xúc động nhất. Mẹ một đời lam lũ, vất vả để lo cho con hiện lên trong thơ ông, khiến người đọc cũng day dứt trong lòng: “Mẹ sinh ra con trên hai bàn tay/ manh áo rách ủ làm chăn đắp/ đêm tối trời nổi cơn bão cát/ cuốn mịt mù bốn phía không gian” (Cát xanh),…Đâu chỉ có vậy, Ngô Minh còn luôn hướng tâm hồn mình đến những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội: em bé bán vé số, chị bán phở, người bán chè,…để bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ với những con người kém may mắn trong cuộc đời.
Cái tôi chiêm nghiệm - triết lí
Dù không được đào tạo qua một trường lớp văn chương nào trên ghế nhà trường, nhưng thơ Ngô Minh vẫn nặng ở chiều sâu ý nghĩa. Cái tôi trữ tình nhà thơ luôn hòa nhập cùng cuộc sống, cái tôi ấy không bao giờ là một cá nhân cách biệt mà nằm trong cấu trúc cuộc sống, để tìm sự đồng cảm, san sẻ những nghĩ suy, chiêm nghiệm. Vì thế, ta bắt gặp trang thơ Ngô Minh bàng bạc chất triết lí - chiêm nghiệm. Thơ ông không dừng lại ở cảm quan bề ngoài mà luôn đi sâu vào bên trong đối tượng để khám phá, phát hiện bản chất của vấn đề, biểu lộ một hồn thơ giàu suy tưởng và đa cảm. Chiến tranh đã lùi xa, những tháng ngày hòa bình yên ổn đã trở về bên mỗi gia đình. Nhưng đằng sau tiếng cười vui là những kí ức vẫn đeo bám trĩu nặng trong cõi lòng nhà thơ. Thi nhân chợt buồn đau, cô đơn, xót xa về sự đổi thay của lòng người sau chiến tranh để rồi đúc kết thành những triết lí: “Xin anh đừng buồn giận/ Sông vẫn trong ngày mắt em nhìn/ Chỉ thưa dần câu hò khoan chân thật/ Và lòng người như vẫn đục nhiều hơn/ Và nhiều hơn xăng xe bia bọt/ Và ít dần người biết khóc vì sông” (Đêm Kiến Giang thức với người thương binh hỏng mắt). Nhà thơ có những trải nghiệm về cuộc đời, nên khi chạm vào vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, ông luôn day dứt và lo âu, với bao câu hỏi lớn về cuộc sống. Cuộc sống có biết bao nỗi niềm khó sẻ chia, thế thái nhân tình với lắm điều đau đớn, những ung nhọt của xã hội, phức tạp của lòng người,…trở thành nỗi day dứt ưu tư trĩu nặng trong tâm hồn thi sĩ. Minh triết và lặng lẽ tự kiểm đời mình, Ngô Minh tìm cho bản thân một lối ứng xử riêng: “Căn phòng bé nhỏ/ Mỗi ngày tôi khóa nỗi buồn tôi/ Để ra với thế giới/ Nói cười” (Mở Cửa). Trang thơ Ngô Minh luôn trăn trở với những day dứt về nỗi buồn, nhưng cũng tràn đầy niềm tin và khát vọng: “Phút buồn đau cô quạnh/ trong lá còn tiếng chim/ Còn ngôi sao bé bỏng/ thức hoài tới bình minh” (Trong lá). Nếu cái tôi trữ tình đời tư- thế sự đem đến cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ với nhà thơ nỗi niềm và sự ngẫm ngợi, xót xa trước thế thái nhân tình thì cái tôi chiêm nghiệm- triết lí giúp người đọc thẩm thấu một cách trọn vẹn về thơ Ngô Minh. Ý thức được sự trôi chảy của thời gian, nhà thơ cảm thấy đời người quá ngắn ngủi trong vũ trụ miên man, bất tận. Dưới sự tác động của thời hiện đại, con người ý thức về thời gian một cách mãnh liệt như một cuộc chạy đua để tồn tại, để sống có ích. Thời gian luôn trôi qua như gió thoảng, mây bay, đến và đi không bao giờ có thể níu giữ lại được. Thơ Ngô Minh thường hoài niệm về quá khứ, nhà thơ nhận ra cái hữu hạn của đời người và cái vô cùng của đất trời, từ cái “tuổi cứ rơi dần vào xa ngái- dấu tích nào còn lại dưới trời kia”. Ngô Minh có những cảm nhận về hạnh phúc“Hạnh phúc hiếm hoi/ Chân trời xa thẳm” (Thơ không cùng tuổi). Nhận thức về hạnh phúc, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có lần viết“Hạnh phúc mong manh hương ổi bay”. Mong manh là vậy, nhưng con người vẫn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, cố gắng xây đắp hạnh phúc để cuộc đời được vang ngân những tiếng cười. Thời gian luôn cứ “vội vã” giữa những bí ẩn trong tâm hồn con người, phức tạp, khó hiểu, nhà thơ luôn day dứt, băn khoăn: “Ôi hồn người bí ẩn mênh mông/ Lướt qua ta những thời gian vội vã/ Những sâu xa chân thành mới mẻ/ Cứ lướt qua như thế mỗi ngày” (Trên đường). Chất chiêm nghiệm, triết lí, cứ thế hiện lên qua trang thơ Ngô Minh. Tập thơ tặng của Ngô Minh có nhiều bài như nén tâm nhang dành cho bạn bè cùng nghiệp. Viết về sự ra đi của các nhà thơ, nhà văn ông không chỉ tiếc thương mà còn thể hiện những chiêm nghiệm về lẽ mất còn, về sự vĩnh hằng hiện tồn trong giới hạn khiêm tốn của tuổi đời. Viết về Trịnh Công Sơn: “Ngày ơi ngày ngày mong manh quá/ Người bỏ ta đi hạ trắng rồi/ Xin níu sợi chiều giăng Bến Ngự” (Chiều Huế nhớ Trịnh Công Sơn), Ngô Minh còn có những dòng thơ tưởng niệm Văn Cao, Thu Bồn,….
Từ những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh, nhà thơ Ngô Minh đã thể hiện cái tôi trữ tình ngợi ca, tự hào về quê hương, đất nước, con người. Khi hòa bình lặp lại, cái tôi trữ tình lúc bấy giờ đi sâu vào đời tư, thế sự, để khám phá những miền sâu xa trong cõi tâm linh, sâu thẳm của con người. Cái tôi ấy thể hiện nỗi buồn đau nhân thế, chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Ngô Minh mong muốn được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu hơn với tình đời, tình người. Đó cũng là nỗi trăn trở, suy tư của nhà thơ về tha nhân, từ đó, rút ra những triết lý sâu sắc về cuộc đời. Cái tôi triết lý đã được đúc kết từ sự trải nhiệm của bản thân, từ những chiêm nghiệm, nghĩ suy; do đó rất mực chân thành và cảm hóa tâm hồn bao người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.
[2] Hà Minh Đức, Tuyển tập tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004.
[3] Nhiều tác giả, Chân dung văn học Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1989.
[4] Ngô Minh, Phía nắng lên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1985.
[5] Ngô Minh, Đứa con của cát, Nxb Sở Văn hóa thể thao Quảng Bình, 1998.
[6] Ngô Minh, Thơ tặng, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2007.
[7] Ngô Minh, Chuyện làng thơ, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001.
(Bài đã đăng trong Tạp chí Khoa học của Đại học Đà Nẵng )