Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đi giữa đường thơ

Nguyễn Duy Liễm
Thứ hai ngày 10 tháng 12 năm 2012 3:26 PM

Nguyễn Duy Liễm

Làm thơ từ năm 1959,với cái mốc này hiện Phạm Cẩm Nguyên-Phạm Hùng đang là một “lão sĩ ”đạt kỉ lục thâm niên trong những tác giả Thơ của hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh
Đọc lại cả quá trình thơ ông được chọn in trong tập Một thời như thế
(Nhà xuất bản văn hóa tháng 10/2009) ta nhận ra một phong cách thơ thật nhẹ nhàng mà ngọt ngào cảm xúc với nhân cách của một con người có một cuộc đời khá đặc biệt
          Điều đặc biệt thứ nhất  ở Phạm Nguyên : Ông là một trong hai trường hợp hãn hữu được kết nạp Đảng khi đang còn là học sinh phổ thông Cấp 2+3 Cẩm Phả niên học 1962-1063.
         Điều đặc biệt thứ hai là mùa hè năm 1966,ông đã chùng đồng đội tàu phóng lôi Hải quân thuộc phân đội 3 đoàn 135 anh hùng giáp chiến với hải quân, không quân Mỹ khi chúng xâm phạm hải phận Tổ quốc.Cuộc chiến đấu quyết liệt không cân sức này đã khiến một nửa phân đội hy sinh và hạm đội tàu của ông bị trọng thương.Ông và đồng đội đành phải hủy hoại cả con tầu rồi nhảy xuống biển với hy vọng mong manh sẽ thoát hiểm để trở về với đất liền,bằng không cũng sẵn sàng hy sinh để bảo toàn bí mật cho quân chủng .Nhưng rồi một điều không may xẩy ra khi sức cùng lực kiệt ông và 18 đồng đội đã bị địch bắt và bị cầm tù tại nhà giam của Mỹ ở Quảng Nam-Đà Nẵng trong suốt 2 năm (từ 01/07/19966 – 21/10/1968).Cho đến phút chót được trao trả, lúc nào ông và đồng đội cũng được người đại diện cho nhà nước Hoa Kỳ “quan tâm”.Họ luôn gợi ý sẵn sàng đón nhận khi Ông và đồng đội yêu cầu được tỵ nạn ở bất kỳ cuốc gia nào thuộc đồng minh của họ.Nhưng ông cùng đồng đội kiên quyết từ chối để trở về với nhân dân,với đồng chí của mình.
       Tháng 10/1968,ông và 18 chiến sỹ hải quân bị bắt được đem ra trao trả để đổi lấy 3 phi công con em của gia đình tư bản Mỹ- chúng là những giặc lái bị bắn rơi trong mấy năm đánh phá miền Bắc nước ta.Lúc ấy,Phạm Cẩm Nguyên vẫn chưa lập gia đình .
      Điều đặc biệt thứ ba : Khi trở về miền Bắc,sau gần 5 năm tiếp tục ở lại trong quân chủng hải quân vừa để công tác vừa để rút kinh nghiệm,ông đã được khôi phục sinh hoạt Đảng và tính tuổi Đảng liên tục.Đến tháng 3/1973, Phạm Cẩm Nguyên xin được chuyển ngành và được nhận về công tác tại đài phát thanh Quảng Ninh ( lúc ấy chưa có truyền hình ).Là một học sinh từng đoạt giải nhất Văn cấp tỉnh vào đầu thập niên 60 (1960) ông đã trở thành nhà báo.Nhưng,thật khó cho ông muốn sống muốn thể hiện hết mình mà vẫn luôn bị nhiều nỗi ám ảnh vu vơ…ông đành lòng phải hòa với dòng thời gian để nhờ nó hộ giải lòng tận trung bằng sự thể hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao và tiếp tục khơi nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật.Thời gian chuyển làm thi đua tuyên truyền ở ngành thủy sản,thơ ông như có thêm sức bay bổng bởi lại được thỏa sức vùng vẫy trên sóng nước như ngày nào còn trong quân ngũ.
       Cuộc đời Phạm Cẩm Nguyên phong ba là vậy mà thơ ông mấy chục năm trời vẫn tươi sáng không hề uẩn khúc ai oán. Phẩm giá ấy cùng với bản lĩnh được trải nghiệm của ông há chẳng phải trân trọng lắm sao!

Thời gian thử lửa anh hùng
Mới hay ai đã thủy chung vẹn toàn
Cho tôi bái vọng hương hồn
Những người đã khuất vì non nước này…
(Một thời Vạn Hoa)

       Thơ Pham Cẩm Nguyên không gặp những ngôn từ hoa mỹ.Đọc lên thấy nó mộc mạc chân chất dung dị như cuộc đời ông vậy:

Đồng đội của tôi là lứa bạn cùng trường
Từ thuở ấu thơ đã biết chăm chỉ việc nhà và siêng năng học hỏi
Lời thầy dậy không ăn gian nói dối
Ngay thẳng nghĩa tình như lời ru quê …
(Đồng đội)

      Một cuộc đời có lúc bị tách rời ra khỏi đội ngũ,phải đứng lặng nhìn dòng chảy của thời gian như ông,nhưng vẫn son sắt niềm tin,hướng vào nhịp điệu chungcuar cuộc sống,vẫn lạc quan say sưa sống cống hiến,hòa mình với từng bước đi của đồng bào đồng chí :

…Con đường giải phóng thênh thang
Quân đi rung chuyển đất trời trăm quê
Và trong im lặng lắng nghe
Tôi như thấy cả bước đi của mình…
(Tôi như thấy)

Phạm Cẩm Nguyên có một sáng tác để tặng người lính đặc công biển ở vùng Cửa Việt .Trong đó có đoạn đặc tả như thế này:

…Chiến thắng trở về tất cả nhẹ tênh
Chỉ cái quần đùi đẫm nước
Anh thấy niềm vui không sao ghìm được
Khi trở lại về những bến sông quen
Ngọn đèn cửa sông nhấp nháy suối đêm
Làm con mắt người rất tinh
Tầu giặc chìm rồi lại nghe yên tĩnh
Mặt trời sẽ lại mọc lên
Lại bắt đầu Ngày,lại bắt đầu Đêm
Ta tìm nhận nhau khắp cùng bến bãi..
(Ngày và đêm )

        Thơ Phạm Cẩm Nguyên dẫu nhẹ nhàng dung dị nhưng tha thiết trữ tình.Tình trong thơ ông không chỉ bó hẹp trong cái tôi nhỏ bé mà nó là tình yêu non nước bao la,yêu dân tộc,yêu bầu bạn,yêu lý tưởng mà mình đã lựa chọn tôn thờ. Tình yêu ấy còn được thể hiện ở cả những điều tưởng như rất rất đơn giản quanh mình :Ông yêu quý cả bầy cá bám theo tầu đón hạt cơm rơi vãi,yêu bóng núi che phủ,cây lá ngụy trang nơi con tầu mai phục,yêu từng hòn đảo xa khơi của Tổ quốc yêu miền đất bỏng lửa than “mấy đời làm thợ”. Tình yêu trong thơ ông có lúc như muốn òa lên thành những cung bậc vút cao:

…Tôi đi nắng gió reo vui
Lắng từng đợt sóng xa khơi mặn nồng
Đâu là tiếng vọng non sông
Tầng cao xe chạy  ruộng đồng lúa reo…
(Tôi như thấy)

Đọc tập thơ “Một thời như thế”của Cẩm Nguyên,có một bài thơ làm tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần.Đó là bài “Linh cảm mùa màng”.Bài thơ đề cập đến một quyết định rất cách mạng để làm chủ quyền, làm chủ ruộng đất của nông dân-Đó là chỉ thị thực hiện khoán 10 trong nông nghiệp.Cái được của khoán 10 thì đến nay đã được kiểm chứng không cần bàn luận nữa.Nhưng muốn hiểu hết ý tứ của bài thơ này thì buộc ta phải lần ngược về quá khứ.Cẩm Nguyên nói rằng: “…Ta còn nghèo nên ta giành dụm, ghép lại từng chân sào để làm một bình nguyên…”
     Vậy mà một thời ta chỉ thấy một bình nguyên choáng ngợp mà không thấy từng chân sào sinh động với bao số phận rủi may. Tác giả mách bảo chúng ta thế này :
…Đừng đổ lỗi cho nhau khi mùa màng thất bát
Hãy nhìn vào sự thật cho cây lá lên xanh nghén nặng hạt vàng
Đã qua rồi cái thuở làm ăn
Theo những hậu lệnh khô khan đến nhẵn mòn mặt trống
Ta đã hiểu về đất đai lao động
Không chỉ giản đơn bằng phép cộng trừ
Mối riêng chung trong quan hệ bây giờ
Đâu chỉ vén thu bằng những phần trăm chật hẹp
Linh cảm mùa màng cho ta nhận biết
Phải khai hoang cách nhìn rồi mới nghĩ thâm canh…
(Linh cảm mùa màng)

    Với hai câu kết: “Hãy trả lại cho ta để  ta thành xứ sở,của đất đai và bất tận mùa màng”.Ai trả ? và ai đòi ? Không,chính ta tự ràng buộc,tự trói mình vào cái cột vô hình bởi thiếu kiến thức và giáo điều sao chép…Những câu thơ ấy không cố tình nhưng nó lại là sức nặng tải nỗi khát khao tiềm ẩn của người nông dân.Nó đụng đến bức thành trì được xem là vững chãi một thời  - một vùng thiêng cấm kỵ Tác giả không hề gay gắt khi geo vần chọn ý nhưng bài thơ đã nói được nhiều điều muốn  nói – nhờ có khoán mười mà nông nghiệp nước ta đã vươn lên hàng đầu thế giới về sản xuất lúa gạo,đời sống nông dân không ngừng được cải thiện so với trước đây .Và tác giả Cẩm Nguyên đã thành công trong vai trò ghi nhận và khắc họa sắc sảo .Bài thơ này,có lẽ là một sáng tác tiêu biểu trong tập thơ của tác giả để ta hiểu thêm về Phạm Cẩm Nguyên – Phạm Hùng và cùng trân trọng những cảm xúc của ông về : Một thời như thế ./.

Thành Phố Cẩm Phả

N.D.L