Sáng ngày 8/12/2012, Hội Văn học- Nghệ thuật Tuyên Quang đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng báo Tân Trào. Tới dự hội thảo có Nhà báo Phùng Thị Lan- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng biên tập báo Tuyên Quan; Nhà văn Sương Nguyệt Minh- Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam; Họa sỹ Nguyễn Xuân Hải- Tạp chí Văn nghệ quân đội và hơn năm chục hội viên Hội VHNT Tuyên Quang.
Dưới sự chủ trì của Họa sỹ Mai Hùng- Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang, có 10 ý kiến tham luận đã được trình bày tại hội thảo, bàn về nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, củng cố đội ngũ biên tập, cải tiến cách trình bày, minh họa và măng-sét báo…
(Trích tham luận của nhà văn Vũ Xuân Tửu)
Trong thời gian qua, Báo Tân Trào đã xuất bản mỗi tháng 2 kỳ và số nào cũng đăng truyện ngắn, ít là 1 truyện, nhiều thì 3 đến 4 truyện, trung bình mỗi số 2 truyện. Như vậy, mỗi tháng cần ít nhất 4 truyện. Nguồn nào cung cấp đầu vào? Qua đọc báo, tôi nhận thấy, đó chính là các tác giả truyện ngắn xứ Tuyên.
Phân hội văn học có hơn năm chục hội viên, chiếm một nửa số hội viên của Hội Văn học-Nghệ thuật Tuyên Quang; trong đó, khoảng hơn hai chục người viết văn xuôi. Có thể kể tên những cây bút viết truyện ngắn có nghề, như: Phù Ninh, Đinh công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Đình Lãm, Hồng Giang (Doãn Quang Sửu), Trần Huy Vân (Trần Cừ), Hồng Hà (Nguyễn Thị Hồng), Quang Khánh (Bùi Quang Khánh), Hoàng Kim Yến và gần đây xuất hiện thêm các tác giả: Đỗ Anh Mỹ, Xuân Đặng… Truyện ngắn và tên tuổi của các tác giả này, thường xuyên xuất hiện trên Tân Trào. Phần lớn, truyện đứng được, nhiều truyện hay đã được chọn đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ quân đội và các tác giả cũng đưa vào làm bản thảo trong các tập truyện ngắn của mình. Ngược lại, nhiều truyện đã được in trên sách, báo trung ương lại được chọn đăng trên Tân Trào. Nói như vậy để thấy, truyện ngắn trên Tân Trào không phải là khoảng trời riêng, mà có sự giao thoa trong giới văn chương cả nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian qua, 12 tác giả đã xuất bản 24 tập truyện ngắn. Cụ thể: Phù Ninh- 2 tập, Đinh Công Diệp- 1 tập, Trịnh Thanh Phong- 3 tập, Phạm Đức Hùng- 1 tập, Trần Huy Vân- 1 tập, Lương Ky- 2 tập, Nguyễn Đình Lãm- 1 tập, Hoàng Kim Yến- 2 tập, Đỗ Anh Mỹ- 2 tập, Huy Hảo- 2 tập, Thúy Mơ- 1 tập, Vũ Xuân Tửu- 6 tập; (phụ lục 1, kèm theo). Mỗi tập thường có từ 9- 12 truyện, ước chừng có 250 truyện ngắn từ nguồn này đã đăng báo Tân Trào.
Cố nhà văn Đinh Công Diệp từng nói, ai mà được đăng truyện ngắn trên Văn nghệ, thì coi như đỗ tú tài. Trong 40 năm qua, chúng ta có 12 tác giả đã đăng 41 truyện ngắn trên Tuần báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội: Đinh Công Diệp- 3 truyện, Phù Ninh- 5 truyện, Trọng Hùng- 6 truyện, Trịnh Thanh Phong- 7 truyện, Quang Khánh- 3 truyện, Hồng Giang- 2 truyện, Nguyễn Đình Lãm- 3 truyện, Hoàng Kim Yến- 1 truyện, Hồng Hà- 1 truyện, Vũ Xuân Tửu- 11 truyện, Đỗ Anh Mỹ- 2 truyện, Dương Đình Lộc- 1 truyện; (phụ lục 2, kèm theo).
Nhiều tác giả chưa ra tập truyện, nhưng đã có nhiều truyện đăng Tân Trào, như: Trọng Hùng (Nguyễn Trọng Hùng), Nguyễn Hữu Bình, Ma Thị Hồng Tươi, Đinh Công Huỳnh…
Nội dung các truyện ngắn thường phản ánh về thân phận con người miền núi, nơi tác giả sinh sống, hoặc đã từng tiếp xúc trên đường đời, nên nó mang hơi thở quê hương Tuyên Quang. Nhân vật thường là bộ đội thời kháng chiến và giáo viên dạy văn hóa, nông dân miền núi, công nhân lâm nghiệp… Thể loại thường là phản ánh hiện thực xã hội và những truyện về lịch sử, hoặc huyền thoại hư ảo…
Lứa tuổi tác giả thường từ trung niên trở lên, phần lớn đã nghỉ hưu, từng trải và đam mê sáng tác văn chương. Nhiều người lo về lớp kế tục, nhưng gần đây, xuất hiện những cây bút trẻ, lứa trên dưới ba mươi, như: Đinh Công Huỳnh, Dương Đình Lộc… Dương Đình Lộc là một hiện tượng đáng mừng, xuất hiện một cái là có truyện ngắn đầu tay Người Đại Lý và bông hoa hướng dương in trên Tuần báo Văn nghệ và tiểu thuyết đầu tay Trong vòng tay chúa, được Nhà xuất bản văn hóa thông tin phát hành.
Tuy việc thống kê phân tích chưa thật đầy đủ, nhưng đã có thể khảng định rằng, lực lượng viết tiểu thuyết và truyện ngắn của Tuyên Quang hiện nay là khá hùng hậu, vạm vỡ, không những làm nòng cốt ở địa phương, là đội quân chủ lực trên báo Tân Trào, mà còn vươn ra được với văn đàn trong nước và khu vực. Nhà văn Tùng Điển- Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2011, tại Nhà Sáng tác Đại Lải đã nhận xét, văn xuôi Tuyên Quang nổi trội trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong mấy năm qua, phân hội Văn học đã chủ động tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về các chủ đề: Nghệ thuật viết truyện ngắn, Công việc bếp núc của người viết tiểu thuyết, Sáng tác ký văn học và Viết truyện thiếu nhi. Vừa qua, lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang đã tổ chức trại sáng tác truyện ngắn và thu được thành quả rất đáng khích lệ.
Ngoài ra, Tân Trào còn đăng truyện ngắn của các tác giả tỉnh ngoài, góp phần tăng cường giao lưu giữa các địa phương. Nhưng đề nghị Tân Trào chỉ chọn đăng những truyện xuất sắc của các tác giả tỉnh ngoài, để tác giả địa phương học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao tay bút của mình. Truyện ngắn có văn, có chi tiết sinh động, có hồn cốt, tư tưởng của các tác giả, đăng trên TânTrào đã góp phần làm nên tờ Tân Trào và ngày càng được bạn đọc đón nhận rộng rãi.
(…)
***
Phụ lục 1:
24 tập truyện ngắn của 12 tác giả:
- Phù Ninh (Nguyễn văn Mạch): 2 tập
Chiều biên giới, Hội văn nghệ Tuyên Quang, xb năm 1988;
Trước làng có soi Rù Rì, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999.
- Đinh Công Diệp: 1 tập
Truyện ngắn Đinh Công Diệp, Nxb Hội Nhà văn, 2009.
- Trịnh Thanh Phong: 3 tập
Gặp lại, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998;
Lời ru ban mai, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000;
Vết thương thời bình, Nxb Văn hóa dân tộc, 2006.
- Phạm Đức Hùng: 1 tập
Chiếc nhẫn dòng họ, Nxb…, 2007
- Trần Huy Vân (Trần Cừ): 1 tập
Tiếng vỹ cầm trong đêm, 2009.
- Lương Ky (Lương Việt Hùng): 2 tập
Bông sen bằng sắt, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002;
Lột xác, Nxb Hội Nhà văn, 2007.
(Tác giả đã chuyển Hà Nội).
- Nguyễn Đình Lãm: 1 tập
Vịt ống, Nxb Hội Nhà văn, 2006.
- Hoàng Kim Yến: 2 tập
Nắng không vàng nhạt, Nxb…, 2007;
Khi không còn mùa thu, Nxb Lao động, 2008.
- Đỗ Anh Mỹ: 2 tập
Cây đa ngoài cõi thế, (truyện ký), Nxb Quân đội, 2007;
Chuyện ở Khe Hu, Nxb Hội Nhà văn, 2009.
- Huy Hảo (Nguyễn Huy Hảo): 2 tập
Chuyện làng tôi, T1, Nxb Hội Nhà văn, 2004;
Chuyện làng tôi, T2, Nxb Hội Nhà văn, 2010.
- Thúy Mơ (Nguyễn Thúy Mơ): 1 tập
Mối tình đầu trên con đường huyền thoại, truyện ký, Nxb Hội Nhà văn, 2009.
- Vũ Xuân Tửu: 6 tập
Tầm phào, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998;
Yếm thắm, Nxb Văn nghệ, 2003;
Bí mật cuốn gia phả, Nxb Văn nghệ, 2005;
Con chim lửa, Nxb Thanh niên, 2006;
Mồ hôi của đá, Nxb Hội Nhà văn, 2007;
Chuyện ở bản Piát, Nxb Văn nghệ, 2007.
Người thống kê
Vũ Xuân Tửu
***
Phụ lục 2:
Truyện ngắn đã được in trên Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam)
và Tạp chí Văn nghệ quân đội, từ 1972 đến nay, có 12 tác giả=41 truyện:
- Đinh Công Diệp= 3 truyện: Hương bạch đàn (Vn, 1972), Gió vào cửa bầu (Vn), Lùng tù (Vn).
- Phù Ninh (Nguyễn Văn Mạch)= 5 truyện: Tết cữ gió (Vn), Ở mốc không số (Vn), Dưới chân Tây Côn Lĩnh (Vn), Người đo đỉnh lũ (Vnqđ), Sau ba mùa lê (Vn).
- Trọng Hùng (Nguyễn Trọng Hùng)= 6 truyện: Bức ảnh không chú thích 9Vn), Đâu mùa nấm hương (Vn), Bãi cuối sông (Vnqđ), Không quên nổi những điều chưa kịp nhớ (Vnqđ), Gió núi lao xao (Vnqđ), Mai vàng thuở ấy (Vnqđ).
- Trịnh Thanh Phong= 7 truyện: Kẽo kẹt tre làng (Vn), Chuyện tình ở xóm mâm rùa (Vn), quê hương là chùm khế ngọt (Vn), Vết thương thời bình (Vn), Nấm ông trăng (Vnqđ), Miền sáng (Vn), Nhà vẫn dựa lưng vào núi (Vn).
- Quang Khánh (Bùi Quang Khánh)= 3 truyện: Yêu muộn (Vn), Chuyện tình không kể (Vn), Hốc lõm (Vn).
- Hồng Giang (Doãn Quang Sửu)= 2 truyện: Nốt ruồi định mệnh mệnh (Vn), Miên Miên (Vn).
- Nguyễn Đình Lãm= 3 truyện: Ăn riêng (Vn), Cực bắc Sủng Máng (Vn), Biệt thự Siêu Na Viên (Vn).
- Hoàng Kim Yến= 1 truyện: Mưa đầu lũ (Vn).
- Hồng Hà (Nguyễn Thị Hồng)= 1 truyện: Phía trăng lên (Vn).
- Vũ Xuân Tửu=11 truyện: Cánh chân sào (Vn), Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng (Vn), Trăng sáng đồi chè (Vn), Thợ khâu giày (Vn), Thợ cắt tóc truyền đời (Vnqđ), Người sông nước (Vnqđ), Chuyện ở bản Piát (Vnqđ), Bí mật cuốn gia phả (Vnqđ), Cỏng Hò (Vnqđ), Cuối đồng xa (Vn), Hoa cải ngồng (Vn).
- Đỗ Anh Mỹ=2 truyện: Mời cưới (Vn), Xóm ba nhà (Vn).
- Dương Đình Lộc=1 truyện: Người Đại Lý và bông hoa hướng dương (Vn, 2012).
Người thống kê
Vũ Xuân Tửu