Wystan Hugh Auden (1907-1973) là nhà thơ người Mỹ gốc Anh. Ông là nhà thơ có ảnh hưởng lớn đến văn học của nước Anh và Mỹ. Năm 1930 ông in tập thơ đầu tay Poems. Sau đó ông sang Đức sống ở Berlin dạy học và sáng tác. Từ năm 1939 ông sống ở Mỹ, dạy ở nhiều trường đại học và tiếp tục làm thơ. Năm 1948 ông được trao giải Pulitzer, năm 1954 được tặng giải Bollinger và năm 1967 được tặng huân chương văn học. Năm 1939 ông viết bài thơ nổi tiếng “Bi ký cho một bạo chúa” theo lời ông là bài thơ viết tặng Stalin. Sau đây là bản dịch của Vũ Hoàng Linh.
Hoàn thiện, theo cách nào đấy, là điều hắn khát khao
Thứ thi ca hắn tạo ra dễ hiểu làm sao
Hắn biết sự ngu ngốc con người như lòng bàn tay
Và rất quan tâm tới những binh đoàn và hạm đội,
Khi hắn cười, các nguyên lão đáng kính phá giọng cười to
Và khi hắn khóc, lũ trẻ con gục chết trên đường phố.
Vào lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939 nước Đức với ưu thế vượt trội về quân số, trang bị vũ khí và chiến thuật tấn công chớp nhoáng chính thức tấn công Ba Lan mở màn cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai. Ngày 27/9/1939 thủ đô Warszawa của Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng. Mười sáu ngày sau khi người Đức bất ngờ xâm lược Ba Lan, ngày 17/9/1939 Liên Xô tấn công Ba Lan từ mặt trận phía đông. Hơn sáu nghìn lính Ba Lan tử thương, khoảng 230.000 binh lính và sĩ quan Ba Lan bị Hồng Quân bắt làm tù binh. Sự chống đối của dân Ba Lan được đáp trả bằng các cuộc bắt giữ và hành quyết. Trong giai đoạn 1939-1941 người Nga đã đưa hàng trăm nghìn dân Ba Lan đi lưu đày ở Siberia và những nơi xa xôi khác thuộc Liên Xô. Vào tháng 4 và tháng 5/1940 ước tính có 22.000 sĩ quan và cảnh sát Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm của Liên Xô đã bị thảm sát tại khu rừng Katyn ở nước Nga. Cho đến ngày nay vụ thảm sát ở rừng Katyn đã để lại trong lịch sử như một vết nhơ không thể nào rửa sạch.
Ngày 1 tháng 9/1939 được nhà thơ Wystan Hugh Auden lấy làm tựa đề cho một bài thơ của mình “ September 1, 1939”. Bài thơ dài 460 từ, sau đây tôi trích một đoạn do Phạm Vũ Lửa Hạ dịch:
I and the public know
What all schoolchildren learn,
Those to whom evil is done
Do evil in return.
Tôi và công chúng đều biết
Điều mà học sinh đã thuộc lòng
Những ai bị gieo oán lên đầu
Sẽ lấy oán đền oán.
Những sự kiện bắt đầu từ ngày mồng một tháng 9/1939 đánh dấu một khúc quanh đau thương và nghiệt ngã trong lịch sử nhân loại. Sáu mươi hai triệu người chết, trong đó Liên Xô 23 triệu, Trung Quốc 10 triệu, Ba Lan 5,6 triệu tương đương 16% dân số thời đó.
Những ai bị gieo oán lên đầu/ Sẽ lấy oán đền oán. Những câu thơ của Wystan Hugh Auden như một lời tiên tri về cái chết nhục nhã của trùm phát xít Hitler trong boong-ke cố thủ ở Berlin trong tiếng gầm đại bác của Hồng Quân Liên Xô.