Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi học văn

Trịnh Kim Thuấn
Thứ hai ngày 19 tháng 11 năm 2012 3:21 PM

 

       Niên học 1967-1968, thầy Võ-vĩnh-Khiêm, Hiệu trưởng trường Trung học công lập THOẠI NGỌC HẦU – Long Xuyên cho mở lớp Đệ Tam C (lớp 10 ngày nay ), theo phân ban môn chánh là Văn – ngoại ngữ . Mấy năm trước không có lớp nầy vì số học sinh đăng ký học không đủ số. Lớp học nầy chỉ có 22 trò, trong số nầy lại chia ra 12 trò sinh ngữ chính là Pháp văn, 10 trò là Anh văn, vì thế đến giờ học sinh ngữ, lớp phải chia ra học riêng.
        Thầy phụ trách môn Văn là Lã Phượng, người ở Sài gòn, vì lý do gì, tháng đầu tiên tựu trường thầy chưa đến lớp được. Trường bố trí thầy Nhẫn dạy thế. Vì là ban C, môn chính là môn Văn, thầy Nhẫn căn cứ theo chương trình mà dạy ( cũng có thể thầy nghĩ các trò chọn ban nầy học, chắc văn chương đầy mình ) nào là : 4 điểm
chính để làm 1 bài văn nghị luận,        

 Đến khi thầy Phượng nhận lớp, thầy xem lại các bài học mà lớp vừa học, thầy lắc đầu, tôi còn nhớ lại bài học đầu tiên thầy cho cả lớp là : “ Cách làm l câu văn “ . Trơì ạ ! đây là bài học của lớp tư, lớp ba bậc tiểu học, nghĩa là thầy cho chúng tôi học Văn  với chương trình vỡ lòng (cái nầy hoàn toàn không có trong chương trình của Bộ, còn với ngày nay là cháy giáo án ), tự ái ghê chưa ?
            Thế mà vẫn có người trật, trong lần trả bài Luận văn, có một  chị viết “ sở vỉ cái vì “ , thầy giận và mắng cho một buổi, vì tội không chịu trau dồi tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ , nói viết tiếng Việt chưa thông mà lại ham nói tiếng Tây ( chị nầy Pháp văn rất giỏi ).
             Thời đó, học sinh  chúng tôi thường hay cúp cua những môn phụ mà mình không thích, nhưng đến giờ Văn, tất cả đều có mặt dù thầy nổi tiếng là một trong những thầy khó tính nhất trường .
                       Khi giảng truyện Nhị Thập Tứ Hiếu, thầy phân tích kỹ càng, không phải truyện nào cũng đúng cả, hiếu để là việc tốt, việc phải làm như Trọng Do ( Tử Lộ ) đội gạo đường xa nuôi mẹ, Mẫn Tử Khiên lòng hiếu thảo cảm hóa được cả người mẹ ghẻ , Vương Hương liều mình đánh cọp cứu cha …., còn như Mạnh Tông khóc măng : cha mẹ biết rằng mùa hè đất khô cằn làm sao bụi tre trổ măng được, lại thèm ăn, đòi cho được, Mạnh Tông phải ra bụi tre khóc cầu cho măng mọc. Vương Tường vào mùa Đông , sông ngòi đóng băng cả, phải ngồi khóc cầu cho cá chép nhảy lên cho cha mẹ đang thèm ăn hay như truyện Quách Cự chôn con : nhà nghèo, thấy mẹ già của mình thường hay chia sớt thức ăn cho cháu nội , hai vợ chồng bèn đem con chôn sống, hầu để cho mẹ mình được ăn uống đầy đủ hơn, nhưng thử hỏi sau khi đứa cháu không còn nữa, đến bửa cơm bà thương nhớ cháu , thì liệu bà có nuốt trôi cơm hay không ? May thay khi đào lổ chôn con thì trúng ngay hủ vàng ….
                     Thầy còn bảo các trò trong lớp, về nhà sưu tầm từ mẹ, chị, hàng xóm các câu ca dao , hát ru em chép lại cho thầy, cả lớp hưởng ứng sôi nổi … Sau đó, thầy chọn lọc đọc lại cho cả lớp nghe, mặc dù không ghi lại , nhưng có câu ca dao (theo tôi là rất hay ) tôi còn thuộc đến giờ :
                      “ Giấy tây bán mấy, anh mua lấy một tờ .
                          Anh đề thơ quốc ngữ, anh dán lên trái bưởi,
                          Anh thả xuống sông giang hà
                           Cả tiếng kêu người nghĩa trên nhà,
                            Xuống sông vớt bưởi, đặng mà xem thơ “.
                      Sách giáo khoa để học, thầy chỉ cho mua 1 bộ Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên  của Phạm thế Ngũ , còn lại là tiểu thuyết đọc thêm như : Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, Đêm Dài Một Đời của Lê tất Điều , Người Việt Cao Quí của A.PAZZI …
                       Cuối giờ học, khi còn dư 10, 15 phút tranh thủ chúng tôi hỏi thầy về các nhà văn đương thời như : Lê Xuyên, Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn thị Hoàng … ( được biết lúc ấy thầy cùng nhà văn Vũ Hạnh đang bút chiến với các nhà văn vừa nêu trên báo Tin Văn ) thầy sẳn sàng phân tích cái đúng, cái sai, cái tai hại của các loại tiểu thuyết rất kỹ càng, cặn kẽ cho chúng tôi nghe.
 Vừa qua, tình cờ mượn được của người bạn củ quyển Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương ( tức là thầy Lã Phượng ), về xem lại, suy nghĩ và nhớ đến thầy, nhớ gương mặt, nhớ giọng giảng bài của thầy như mới hôm qua …
                  Nhớ có buổi học, khi ngồi vào bàn, thầy không giảng bài như thường lệ, thầy mở quyển nguyệt san Đất Nước số 2, thầy đọc nguyên văn bài  “ Nói với những con vật hai chân “ của giáo sư Lý chánh Trung, viết về lúc không quân Mỹ đang dội bom ác liệt ở miền Bắc, đồng thời Rockefeller hùng hồn tuyên bố với các phi công Mỹ : hãy dội bom xuống miền Bắc mạnh bạo, không cần chính xác các mục tiêu nữa, vì nơi đó không còn con người nữa, mà chỉ có những con vật hai chân mà thôi .
                    Hôm đó, thầy không có giảng bài, đọc xong, không bình luận gì cả, cả lớp chúng tôi ngồi im … tự suy nghĩ. Hết giờ ra về.
                     Tết Mậu Thân 1968, khi đi học lại ( tại thành phố Long xuyên không bị ảnh hưởng gì của chiến cuộc ), thầy chưa đến lớp, hỏi thăm thầy Thụy, thầy Long ( bạn thân của thầy ), thì được cho biết thầy đang bị bệnh viêm xoang, cả lớp họp và bàn việc góp tiền cử đại diện đi Sài Gòn thăm thầy, công việc tiến hành … Vài  hôm  sau có bạn trong lớp báo tin : đêm rồi nghe đài Giải Phóng, mấy ông Việt Cộng thành lập  ‘ Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam  Việt Nam“ do Huỳnh Tấn Phát làm Chủ Tịch, trong thành phần Chính Phủ có tên thầy. Vậy là chuyến đi Sài Gòn đành hủy bỏ.
                       Ngày xưa chúng tôi học VĂN như thế đó các bạn ạ

TRỊNH KIM THUẤN
 
Email : galangtu52@gmail.com