Ứng, Vũ Công Ứng bạn đồng niên với mình năm nay đều tròn 70 tuổi các cụ cho, gọi là tuổi ta, tính theo âm lịch.
Trưa nay, 18/11, tạt từ Vôi vào nhà Ứng chơi thăm Vườn Bụt. Ứng tự gọi nơi ở của anh như thế, còn tôi thích gọi là Vườn tượng. Đơn giản vì khắp nơi trong ngôi nhà vườn của anh có rất, rất nhiều tượng do anh nặn, anh dựng, anh sáng tác sáng tạo chất chồng bao nhiêu năm nay rồi…
Cũng nói thêm cái tên ngôi làng anh ở, nó có tên vừa nôm vừa nho, đó là Tân Mới. Đã Tân lại còn Mới. Lạ không?
Nhà văn Nguyễn Đình Chính gọi Ứng là Ứng "sứt". Những người biết Ứng đều công nhận một điều là Vũ Công Ứng là một con người rất quý bạn hữu. Đây mới đúng là con người típ bầu rượu túi thơ nghĩa cổ, vì Ứng cũng là người sống nghiêng về thời đã qua, ít để ý đến đời sống hiện đại, nhất là các phương tiện mang tính công nghệ của thời đại chúng ta đang sống. Chẳng sao, vì Ứng thích thế, và sống thoải mái khi chẳng có tiện nghi…
Mình thích danh xưng với ông bạn đồng niên này là Ứng, chứ tên nghệ danh của ông có, là Anh Vũ. Và đó là một cái tên đáng yêu và nổi tiếng không những giới hội họa điêu khắc mà còn là giới thi nhân tầm quốc gia.
Riêng nói về "nghề" điêu khắc, Ứng dư sức ở cấp thượng thừa. Đẳng cấp anh mang có chất lượng cả "cao" cả "quý" vì chính ở "tính dân gian" hết sức đằm thắm và đậm đà nét đẹp đồng quê, rất truyền thống và dân tộc... Nhà ông từ lâu nay chất đầy tượng nung, tượng gỗ... Và chúng tràn ra mảnh vườn khá rộng rãi. Nếu tính cả những pho tượng lớn nhỏ đã bị "khuân" ra khỏi nhà vườn này rồi có lẽ chẳng ít hơn một nghìn. Vì kế sinh nhai, một gia đình nặng gánh như gia đình Ứng thì làm nghệ thuật yêu thích đến mấy cũng chẳng thể đùa với những thử thách của áo cơm đời thường thúc ép. Nên tranh tượng dù đẹp dù thích cũng phải cho chúng "đội nón ra đi"...
Trở lại Vườn bụt, tức căn nhà của Ứng.
Căn nhà của ông nằm giữa đồng quê Bắc Giang này cũng nổi tiếng là chốn vui tụ tập của dân văn nghệ đất Kinh Bắc,... và cả Hà Nội nữa. Chỉ tội cái nơi thú vị này hơi xa xôi cách trở chút (gần 80 km). Chứ không thì mình chắc chắn luôn tấp nập khách văn chương nghệ sĩ... Trước đây mình đã có vài bài viết về ông bạn nên hôm nay cũng chẳng thấy cần viết gì dài hơn về Ứng nữa. Tạt vào chơi sau khi cùng nhau dự tiệc cưới đưa cháu ruột gọi Ứng bằng bác, vợ chồng Ứng tiếp đón bọn chúng tôi rất hào hứng nhiệt tình. Anh con rể còn rất trẻ hát tặng chúng tôi mấy bài Quan họ. Cháu có giọng hát nền nã nét quê chân chất vì cháu lớn lên tại chính một trong 49 làng quan họ gốc của Bắc Ninh Kinh Bắc xưa. Cháu hát chay, không nhạc đệm không micro tăng âm gì, nên có thể nghe được chất rất thật của làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ nổi tiếng lâu nay qua mọi thời đại này. Giọng hát Quan họ hay phải là Vang Rền Nền Nẩy. Thiếu một trong các yếu tố này là các cụ xưa chưa có chấm điểm khuyên tròn cho đâu!
Cùng đi có vợ chồng nhà thơ Vũ Từ Trang, cũng là anh em thúc bá với Ứng. Có bậc đàn anh Vũ Công Mạnh và chú em Vũ Công Nội. Trong lúc anh em chuyện trò, Ứng lấy sách mới in tặng cho bọn chúng tôi. Đó là một trường ca "mini" dày 41 trang, khoảng 800 câu thơ (tôi chưa đếm từng dòng cho chính xác được). Tên sách "Tình chợ tình", viết về chợ tình Khau Vai trên Đồng Văn, Hà Giang.
Cái hay của trường ca là câu chuyện chợ tình miền núi cao sơn cước đã được tác giả Anh Vũ gắn với tình cảm nồng ấm và chân tình của người trai Quan họ Bắc Ninh nhìn nhận và lắng nghe về số kiếp con người với bao số phận trên Khau Vai xa xôi. Những phiên chợ tình, những câu chuyện tình yêu đã đi vào tình sử bất hủ ở trên vùng núi non đất đá cây rừng Khau Vai.... Một trường ca gọn mà hay.
Cũng đến giờ Giã bạn. Chia tay Ứng hẹn một ngày đẹp trời sau này.
Thật là một buổi đi chơi và thăm thú ngày Cuối tuần vô cùng thú vị và nhiều điếu gợi nhớ về tình bạn và nghệ thuật liên hệ dằng dịt với nhau giữa chúng tôi một thời.
NGUYỄN VĨNH