Truyện ngắn:
Trước lúc chia tay để ra Hà Nội, tôi gọi đùa ông là nhà báo nhân dân, ông cười tủm, tớ chỉ muốn đạt được danh hiệu người chồng nhân dân cho oách và có hiệu quả, thu nhập cao. Tôi cười theo nghiêng ngả, thấy ông xuề xòa vui tính, nhưng hóm hỉnh, ai ông cũng nói chuyện được, bất kể là thành phần nào trong xã hội, khác với những ngày đầu mới gặp ông. Nhưng đó là chuyện mười năm trước tôi còn là sinh viên thực tập báo chí ở báo của ông, chuyện ấy nói sau, còn mới hôm qua đây tình cờ gặp lại trong một tình huống bất ngờ. Trong chuyến đi công tác ở xứ Nghệ, sáng sớm đi thể dục trên đường phố, nghe ai đó gọi tên mình. Ai thế nhỉ? Cứ nhìn quanh quất, đường vắng tanh chỉ thấy một ông già có mái tóc trắng tinh đang hỏi mua tờ báo của cậu bé bán rong. Dừng bước nghiêng ngó một chốc, tôi không quen ông già này, mà có phải mình nghe nhầm không nhỉ? Đang dợm bước chân, lại nghe tiếng gọi, lần này ông già tóc trắng đang nheo mắt cười tủm với tôi. Thôi chết rồi, cái điệu cười chết người ấy là ông, tôi nhận diện được ngay, có điều chỉ hơi gầy đen hơn, tóc trắng hơn, chưa kịp reo lên ôi à thì ông đã xưng danh trước:
- Anh Nam nhà báo nhân dân đây, quên rồi à?
Ông nói, rồi lại cười tủm, làm sao tôi quên được những ngày đầu đi thực tập ở miền Trung đầy nắng và gió Lào cát trắng. Ngày ấy tôi được phân công về tờ báo ngành do ông phụ trách. Thực tình lúc ấy tôi chưa có cảm tình với tờ báo và người phụ trách. Tổng Biên tập gì mà nhìn giống người nông dân, dáng người thấp đậm, da đen, tóc muối tiêu, mắt đeo kính cận hất lên hất xuống, đã thế trong phòng làm việc của ông còn có điếu cày, thi thoảng lại rít lên sòng sọc, mặc dầu trong túi ông không thiếu thuốc lá ngoại của người cộng tác viên cho. Những lúc ông nói chuyện nom gương mặt rạng rỡ và trẻ trung, lúc ông ngồi một mình suy nghĩ thật già nua và khắc khổ. Bài đầu tiên của tôi với nghề làm báo ông xem đi, xem lại rồi lắc đầu nói thẳng thắn rằng viết bài này để tính điểm số lượng bài vở thì được, chứ không phải để in báo. In làm sao được, bài vở mà chẳng có hồn vía gì cả, chẳng phát hiện được điều gì mới. Bài viết về cuộc sống của người dân tộc không có gì là sai, nhưng cũng chỉ xoay quanh dữ liệu: diện tích, dân số, tệ nạn xã hội, những khó khăn... Điều ấy báo chí đưa tin nhiều rồi, nói nhiều chỉ làm rối thêm mà chẳng giải quyết được gì. Những điều cần giải quyết được cho dân thì Ban, Ngành chức năng đã giải quyết, vả lại không phải muốn là được, phải có cả một quá trình lâu dài và bền bỉ mới có sự thay đổi, ví như phong tục tập quán, lối sống... Nghe ông nói, tôi nóng mặt, phải vất vả trèo đèo lội suối đến ba ngày mới có bài viết về người dân tộc đang thời kỳ khó khăn, ông thẩm định thế nào mà lại "phán" thế nhỉ? Là người mới quen nên sự thân tình cũng phải có chừng mực, ăn nói cũng phải có chừng mực, vả lại đang là sinh viên thực tập nên tôi vâng vâng dạ dạ nhưng trong lòng muốn dùng chữ "giáo điều" để "phán" lại ông. Ông vẫn vui vẻ hồn nhiên với những gì vừa nói với tôi, không để ý đến phản ứng của người nghe. Uống nước, hút thuốc rồi ông rủ tôi đi cơm bụi. Thực tình tôi không muốn, nhưng không hiểu sao vẫn cun cút bước theo ông. Quán cơm đông chật người ăn trưa, ông hồ hởi gọi thức ăn, xắn tay áo vào nhà bếp lấy rau, thấy người xe ôm đứng lơ ngơ chờ khách nơi cửa quán ông gọi vào ăn cơm luôn. Nhìn ông vào lúc này tôi càng thấy ông chẳng có gì là nhà báo cả. Mặc dầu là tổng biên tập một tờ báo của ngành lớn, đã có danh, có vai vế trong xã hội ở đâu mọi người đều biết, bây giờ thấy ông đang chuyện trò vui vẻ với xe ôm nghe ra thân thiết lắm, cũng quàng tay qua vai, chén rượu, chai nút lá chuối, đĩa lòng lợn đang bốc khói, ăn to nói lớn, hút thuốc lào, xỉa răng tanh tách. Tôi ghé vào tai ông hỏi nhỏ có phải anh muốn viết về xe ôm hay sao mà có vẻ thâm nhập thực tế sâu sát thế. Ông cười tủm tỉm, viết gì, chúng nó là bạn rượu, bạn cơm bụi của tớ đấy, chúng nó khổ quá, vợ dây đến ma túy bị tóm rồi, một đoàn con nheo nhóc đang ăn theo chiếc xe máy sắp tàn. Tớ đã nói trường hợp này với đứa bạn làm bên Ngân hàng chính sách cho nó vay một ít làm vốn để nuôi dê, thằng này máu nuôi dê làm giàu lắm. Trước đây nó có cả đàn dê ở Thanh Chương rồi đấy chứ, nhưng con vợ cờ bạc đề đóm sa đà cả ma túy nên bị trắng tay, may chưa phải dựa cột, còn mỗi xe máy rách kiếm cơm chim cho con qua ngày đoạn tháng, thằng cha đang cú đời đấy. Tôi đưa đà, anh viết về nhân vật này cũng có giá, hấp dẫn nữa chứ, sao không viết. Ông tròn mắt nhìn tôi, thế cái gì cũng đưa lên báo à, thằng xe ôm có gì đâu mà viết, chuyện gia đình nó nát như tương, nguyên nhân thì đã rõ ràng như mặt trời rồi, nghèo khổ do nó gây ra, chỉ mỗi việc cần vốn làm ăn "xóa đói giảm nghèo" tớ đã nói với Ngân hàng chính sách, đưa thân tớ ra để thế chấp, họ đồng ý cho vay, tuần sau xong thủ tục nhận tiền nó về quê chuẩn bị chăn nuôi dê, tạm biệt xe ôm.
Ông nói lại cười, mọi chuyện nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra. Bữa ăn trưa kết thúc, tôi và xe ôm tranh nhau trả tiền. Ông cười dí dỏm, để đấy, tớ không trả tiền sẽ có sự bất công khi so sánh thu nhập giữa các thành phần lao động. Nói thế, tất nhiên là ông tự cho mình có quyền chi bữa ăn trưa để bảo đảm tính công bằng trong ba người. Ai cũng đều cười vui vẻ.
Những ngày sau, đã thân quen tôi biết nhiều điều về ông. Ví như ông có rất nhiều bạn bè ở mọi tầng lớp trong xã hội, ai ông cũng đối xử như nhau, không phân biệt địa vị trong xã hội. Có người nhờ cậy việc này việc nọ ông thường làm đến nơi đến chốn. Nhất là những người dân quê, người lao động chân tay thường vây quanh ông như người thân quen lâu lắm rồi để nhờ cậy. Có những việc giúp được thì ông trả lời kết quả, không giúp được cũng trả lời không phải chờ đợi lâu. Thực tình những việc ông giúp đỡ dân nghèo không có gì liên quan đến nghề báo, chẳng qua đều do quen biết mà giúp thôi. Có lần tôi được ngồi uống cà phê sáng với ông và mấy tay xích lô, hứng lên ông đọc thơ:
Nực cười mấy vị chính quyền
Có duyên đi đứng trên miền quê hương
Dân thì một nắng hai sương
Đào cua đổi muối sớm hôm tảo tần
Còn như các vị vô cùng
Bán đất bán biển dành phần cho nhau
Dân nghèo lặn lội trước sau
Ai ăn, ai bớt, ai giàu, ai sang
Các anh trong cánh ủy ban
Tiền vơ nặng túi làm gian công trình
Ông đọc xong có tiếng cười, tiếng vỗ tay lẹt đẹt, ông giao hẹn, tớ chỉ lên án mấy vị chính quyền thôi, nếu tất cả đều như thế thì làm gì còn chính quyền. Uống cà phê đang vui, đúng lúc ấy, có chiếc xe của một vị đầu ngành xịch tới, ông mang túi vào vai chào, cảm ơn chú em đã đúng hẹn. Ông dặn tôi ở tòa soạn viết cho xong bài về sốt xuất huyết đi nhé, tớ đi nhờ xe dự lễ khởi công nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung.
Chuyện của mười năm trước tôi đi thực tập ở miền Trung có kỷ niệm vui buồn về Tổng biên tập như vậy. Rồi cuộc sống cuốn tôi trôi vào vòng quay kiếp mưu sinh. Và nói cho cùng, những ngày đi thực tập, tiếp xúc với Tổng biên tập tóc trắng là bài học quý giá cho nghề nghiệp mà dần dà theo thời gian tôi mới nhận ra. Tuổi trẻ hồn nhiên, cuộc sống quay cuồng nhiều lúc khiến tôi giống như là kẻ vô ơn. Bây giờ đây ông già tóc trắng đang hỏi han về cuộc sống, nghề nghiệp của tôi đến đâu rồi, có gì cần tớ giúp nữa không? Ông hỏi tôi rồi đi, lúc ấy tôi mới nhận ra một điều rằng giúp đỡ người khác cũng là thói quen của một người, cả một đời làm báo. Tại sao chỉ có ông giúp đỡ mà không có hành động nào ngược lại từ tôi với ông?
Đ. Q. N