Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tan nát những giấc mơ khoai, sắn

Hoàng Quảng Uyên
Thứ tư ngày 24 tháng 10 năm 2012 5:29 AM

Thị xã Cao Bằng chính thức là Thành phố Cao Bằng! Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt và cuộc "biểu dương" lực lượng văn nghệ có tên DU LỊCH QUA CÁC MIỀN DI SẢN VIỆT BẮC được tổ chức hoành tráng tại Thành phố Cao Bằng. Sự kiện nối tiếp sự kiện, niềm vui dâng trào niềm vui nơi phố phường, đô thị!... Nhưng có một nỗi buồn trong nhiều nỗi buồn nơi vùng sâu, vùng xa, miền biên ải... bị ẩn khuất, không lối thoát được tạo ra bởi "những giấc mơ khoai, sắn" chợt đến rồi chợt tan tành mây khói! Biết nói sao đây trong những ngày vui này!?

GIẤC MƠ TỪ... CONTAINER VÀ "KHỦNG LONG"

Đã hơn một năm nay, kinh tế Cao Bằng đột nhiên khởi sắc bằng vào những đoàn xe Container và "Khủng long" (tên lóng gọi những chiếc xe to, dài như khủng long) chở hàng nối đuôi ngược lên Cao Bằng, tiến thẳng ra các cửa khẩu, xuất hàng theo đường tiểu ngạch với những ưu đãi tuyệt đỉnh về thuế xuất, nhập và nhiều "châm chước" khác! Có ngày hàng mấy trăm xe Container và khủng long chảy dài suốt đêm ngày. Miên man, miên man! Hàng gì mà xuất nhiều vậy? Vẫn là những mặt hàng truyền thống như hàng đông lạnh, nông sản, hoa quả... đặc biệt là gạo! Nghe nói là ký được hợp đồng to lắm! Có hàng bán, họ mua cho là may cho Cao Bằng lắm rồi. Có nằm mơ cũng khó thấy cơ hội ngàn vàng này!
Thời kỳ đầu các Container và khủng long còn tiến sát biên giới, nhưng chẳng được mấy nỗi, các con đường cấp huyện, cấp xã bị băm nát đến mức các tay lái cao thủ nhất cũng lắc đầu ngao ngán, chào thua. Nhưng việc xuất hàng không thể dừng, "Cái khó, ló cái khôn": Hạ hàng tại các thị trấn, các trung tâm xã, chuyển hàng từ Container và khủng long sang các xe tải nhỏ! Thị trấn Quảng Uyên "tự nhiên" hội đủ 3 tiêu chuẩn Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà để trở thành điểm trung chuyển hàng hoá tuyệt vời (có người hứng khởi nói theo ngôn ngữ kinh tế biển: Đó là nơi xây dựng những cảng nổi tuyệt vời!). Thế là những đám ruộng, đám rẫy, những đám đất hoang lô nhô đá được cấp tốc san lấp, lu lèn thành những bãi đỗ xe, chuyển hàng mà khu đất Keng Mò, nơi ngã ba đường Quảng Uyên - Trùng Khánh - Hạ Lang trở thành "Cảng nổi" to nhất. Có hộ chỉ với mấy đám ruộng, đám rẫy sát đường, mỗi năm trồng ngô, trồng lúa thu nhập vài triệu đồng, nay "chuyển đổi" thành bãi đỗ xe, ngồi không mỗi ngày cũng thu tiền triệu, chẳng mấy mà giàu! Ôi, ai đã mang đến cho ta cơ hội làm giàu tuyệt đỉnh này?

VÀ NHỮNG DỊCH VỤ ĂN THEO!

Ngoài dịch vụ cho thuê chỗ đỗ xe kéo theo nhiều dịch vụ khác. Tạm kể: Dịch vụ chuyển hàng từ Container và khủng long sang xe tải, đưa hàng ra cửa khẩu. Dịch vụ
ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi tại chỗ... Dịch vụ nào cũng kiếm tiền dễ như bỡn.
Trước hết là việc chuyển hàng từ Container và khủng long sang xe tải nhỏ. Mỗi Container, khủng long chở trung bình 50 tấn, đến "Cảng nổi", dỡ hàng sang xe nhỏ (khoảng 5 đến 7 xe, tuỳ trọng tải). Không ai ra chỉ thị, nghị quyết, không ai điều động, các xe tải loại nhỏ (trọng tải từ 5 đến 10 tấn) tự nguyện đến xin được chở hàng! Ô kê! Bao nhiêu xe đến đều nhận tất! Cứ vui đi! Thế nhưng trong một thời gian ngắn, lấy đâu ra hàng mấy trăm xe chở hàng ra cửa khẩu! Không lo, không có xe thì ta đi mua xe mới về chở hàng! Thế là các gia đình nông dân nghèo (chủ yếu là ở các xã giáp biên) bàn bạc, dò hỏi, tìm mọi cách để có được một, hai "con xe" để chở hàng! Mọi người đang đua nhau làm giàu, ta chậm trễ như thế, sốt ruột quá! Bạn đọc, đọc đến đoạn này có thể phê tôi là "nhà báo nói hay" vì dân nghèo, đến mua một xe máy loại trung bình (giá khoảng một chục triệu đồng) còn khó thì lấy đâu ra mấy trăm triệu để mua ô tô! Xin thưa, mua xe ô tô mấy trăm triệu dễ hơn mua xe máy một chục triệu! Không có tiền ư? Không khó, ta sẵn Bìa đỏ trong tay, đem ra ngân hàng thế chấp, có ngay mấy trăm triệu đồng. Nếu chưa đủ, các công ty bán xe, sẵn sàng cho vay trả sau (có khi đến 50% giá trị xe). Nếu vẫn chưa đủ, thì đi vay anh em, bè bạn (thậm chí vay nặng lãi). Ai cũng "rộng lòng" cho vay vì vay tiền đi làm ăn, "sự giàu" đã ở ngay trước mặt có phải vay tiền đi đánh bạc, cá độ đâu mà sợ!
Với cung cách "mua xe" này, trong một thời gian ngắn, mấy trăm xe tải (Phần lớn là xe Trung Quốc!) chạy ra khỏi các công ty, các đại lý bán xe ô tô, tiến ra biên giới với những giấc mơ làm giàu chính đáng! Từ chỗ quanh năm, suốt tháng gắn mình với đất, tay cầm củ sắn, củ khoai nay ngày cầm tiền trăm,  tiền triệu, thế là đổi đời, từ không đến có. Ôi, những giấc mơ khoai, sắn đã trở thành hiện thực!
Dịch vụ ăn theo thứ hai là bốc vác. Công việc này quá đơn giản, chẳng cần có chuyên môn cao siêu gì, có sức là được. Nông dân bây giờ đang khát việc làm, tự dưng người ta tạo ra việc làm cho mình. Cám ơn! Thế là, một lực lượng đông những người rỗi việc bu quanh các xe. Các tổ, nhóm bốc vác "tự động" tổ chức, ồn ào còn hơn cả ngày chợ. Đám thanh niên "bỗng chốc" có nhiều tiền từ việc bốc vác thoả chí "đập phá". Lúc "phởn chí" được rủ rê "chơi" hàng trắng, liền bập vào cho biết! Thật là trong cái may có cái rủi. Tất nhiên, những cái gọi là tệ nạn xã hội ở các cảng nổi không nhiều như ở các bãi đào, đãi vàng nơi thâm sơn, cùng cốc. Đó là hệ lụy không tránh khỏi của việc "tăng trưởng kinh tế" nhất là khi những người đang rất nghèo bỗng dưng có nhiều tiền! Không chỉ thanh niên, không chỉ những người dân trong làng, có cô giáo, lương tháng năm, sáu triệu, thấy bốc vác ngày kiếm mấy trăm, tỏ vẻ sốt ruột, cũng xỏ giầy Ba ta, mặc áo bảo hộ "lao ra chiến trường", được vài buổi bị sụn lưng, nằm bẹp. Ôi, mãnh lực đồng tiền!
Dịch vụ ăn theo thứ ba là các quán phục vụ giải khát, cơm nước và cả dịch vụ ngủ, nghỉ cho các chủ xe, chủ hàng được dịp phát triển nhất là vào những "thời đoạn" phía bên kia kéo dài thời gian nhập hàng, để các chủ hàng, chủ xe "nằm chờ" hàng tháng. Thế là các dịch vụ phục vụ này "vào cầu" lớn.
"Những giấc mơ khoai sắn" đã trở thành hiện thực bởi những gì đang diễn ra và nhất là theo tính toán của những người nông dân: Mua một con xe không mấy khó khăn, chạy một chuyến hàng được lãi 3 triệu đồng. Tháng chạy 20 chuyến lãi 60 triệu đồng, chỉ cần chạy 6, 7 tháng là đủ tiền trả nợ, "được không" một con xe - dù sau không chạy nữa, bán sắt vụn cũng được trăm triệu đồng! Tội gì không mua xe! Cái lối tính toán theo kiểu "đếm cua trong lỗ" nghe tội tội và mong manh làm sao!

"THẤY NGƯỜI ĂN KHOAI, VÁC MAI ĐI ĐÀO!"

Xin trở lại với "những giấc mơ khoai sắn"... Lúc đầu, nhu cầu "trung chuyển" hàng còn ít, chỉ có những gia đình "có khả năng tài chính" mới nghĩ đến việc đi mua xe tải về chở hàng, nhưng về sau, nhu cầu chở hàng ngày càng tăng thì cả những gia đình không có chút khả năng tài chính cũng "quyết tâm" mua xe và họ cũng đã mua được xe một cách tương đối dễ như đã nói ở trên. Cái tâm lý và kiểu cách làm ăn "Thấy người ăn khoai vác mai đi đào" đã khiến cho chỉ trong vòng một, hai tháng các hộ nông dân nghèo ở Quảng Uyên, Hạ Lang, Phục Hoà, Trùng Khánh đã "mua vào" gần một nghìn xe tải chở hàng (Nhãn mác Dong Feng, Cửu Long, Hoa Mai, Trường Hải...). Công ty thương mại Xuân Hoà, một công ty luôn đồng hành với nông dân, rất có uy tín bán ra các loại xe tải... kèm theo những định hướng và khuyến cáo rằng, trong làng đã có nhiều xe rồi thì đừng mua mà nếu mua phải tính trong vùng số xe tải thùng đã có nhiều thì nên mua xe tải Benz để nhỡ khi không còn hàng để chở thì chở gạch đá, cát sỏi... Lúc đầu, người mua xe cũng còn nghe nhưng sau tỏ ra khó chịu với những định hướng có vẻ "dạy đời" đó bèn không mua xe với Xuân Hòa nữa. Thiếu gì chỗ mua xe! Mua chỗ khác, ưu đãi hơn, lại còn được gọi là thượng đế nữa! Đó là lý do khiến cho lượng xe tải bán ra của Xuân Hoà chiếm chưa đến 20% thị phần. Nhưng bù lại, khi "những giấc mơ khoai sắn" tan tành, nhiều người đã đến Công ty Xuân Hoà cám ơn sự định hướng đúng! Và số xe Xuân Hoà phải thu nợ, bán hộ cũng chỉ trên mười xe. Thật nhẹ gánh!
Không nên trách người nông dân khi họ đua nhau đi mua xe mà trong túi không có một đồng nào vì họ là nông dân nên suy nghĩ theo kiểu nông dân: Việc mua xe cũng như việc trồng lúa, trồng khoai, sắn, cứ gieo hạt xuống ắt là có thu hoạch... Sẽ có lãi, sẽ có tiền trả nợ!
Nói chung là không nên trách một ai, mà chỉ có trách trời! Tại sao cái việc xuất, nhập hàng không diễn ra mãi mãi, để những xe tải mới mua chạy dài dài! Tại sao, việc xuất nhập khẩu chỉ rộ lên một hồi rồi tắt lịm như bao nhiêu “cuộc chơi” đều kết thúc như vậy mà không bao giờ tỉnh ra. “Cuộc chơi” này cũng vậy, “thời hoàng kim” không kéo dài mãi! Khi công cuộc xuất khẩu đạt đến đỉnh điểm, bên kia đột nhiên tuyên bố “Ngừng nhập hàng” (họ có hàng ngàn lý do để tuyên bố ngừng!). Thế là tất cả khựng lại. Các xe container, khủng long, các chủ hàng, chủ xe tải đều bị thiệt hại nhưng thiệt hại nặng nhất là các chủ xe nông dân nghèo vì các xe container, khủng long không chở hàng này thì chở hàng khác, các chủ hàng lớn không buôn hàng này thì buôn hàng khác. Đường buôn bán lên Cao Bằng bị tắc thì đi đường khác, không việc gì mà phải kêu trời.
Như vậy là, chỉ cần một tuyên bố “Ngừng nhập hàng”, mấy trăm xe tải của nông dân “mất việc”. Đắp chiếu, chờ “giấc mơ” trở lại. Biết đến bao giờ! Mà đau nhất là những hộ nông dân “chậm chân”, mua xe về chạy được vài chuyến đã “bị cho nghỉ”. Xe nằm đấy, chẳng làm ra đồng nào mà hàng tháng phải trả lãi vay hàng chục triệu đồng. Cực chẳng đã, nhiều người đem chiếc xe gần như còn mới ra Công ty nhờ bán lại, chấp nhận lỗi mỗi “con xe” từ một trăm đến một trăm năm mươi triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và anh em. Khoản lỗ hơn một trăm triệu kia đè nặng trên vai họ, không biết bao giờ mới “cất” nổi. Thế là còn may! Nhiều người muốn bán xe mà không bán được! Theo ước tính thì hiện nay ở các huyện miền Đông tỉnh Cao Bằng còn khoảng 400 xe tải “đắp chiếu” chờ đợi sự định đoạt của số phận.
Hãy lấy xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hoà làm một điểm nhìn. Triệu Ẩu giáp với xã Thị Hoa, và xã Cô Ngân của huyện Hạ Lang là 2 xã thuộc vào loại “làm ăn sôi động” nhất, lẽ dĩ nhiên Triệu Ẩu cũng bị ảnh hưởng. Dân trong xã “cấp tốc” đi mua xe chở hàng, chỉ trong một tháng 15 xe tải mới được đưa về Triệu Ẩu, gia nhập vào đội ngũ chuyên chở hàng ra cửa khẩu. Trước tình hình “cơn sốt” mua xe có thể tăng cao, lãnh đạo huyện Phục Hoà đã cảnh báo, cử cán bộ xuống thuyết phục, ngăn chặn, nhưng chỉ làm giảm bớt sự “hưng phấn” chứ không thể “hãm lại” những giấc mơ đang lên. Kết cục là khi bên kia tuyên bố ngừng nhập hàng đột ngột, hơn hai mươi xe tải (phần lớn là xe mới) không còn cơ hội lăn bánh. Phó Chủ tịch xã Nông Văn Thèn đọc tên một số chủ xe: Bế Văn Nam, Bế Văn Trần, Bế Văn Núi, Sầm Văn Khíu (ở Bản Co); Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Nhuận, Nguyễn Văn Ngát, Nguyễn Văn Hướng (ở Nà Loà)... Bí thư Đảng uỷ Nông Ngọc Vấn bảo: “Tôi cũng bị một chiếc”. Số là Nông Gia Khánh, con ông, bỏ học từ năm lớp 12 đi theo xe Hứa Văn Hiếu vừa làm phụ xe vừa học lái được gần một tháng lái xe về đòi bố mua  xe! Cuối tháng 5-2012 hai bố con đi mua một xe hiệu Hoa Mai, giá 540 triệu đồng về, Nông Gia Khánh lái được gần 10 chuyến, đến đầu tháng 7-2012 thì dừng, không có hàng chở. Tôi hỏi ông Vấn về “tương lai”, ông bảo: “Cứ phải chờ cửa khẩu mở lại. Nghe nói phía Trung Quốc ký nhập tiểu ngạch với ta 5 triệu tấn gạo nữa!”.
Phó Chủ tịch xã Triệu Ẩu Nông Văn Thèn đưa tôi về nhà Đàm Văn Luân ở Bản Co (quê hương anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn nổi tiếng thời chống Pháp). Luân đi vắng, chỉ có ông bố là Đàm Văn Bật ở nhà. Ông Bật kể: "Tháng 6-2012, gia đình đem bìa đỏ ra ngân hàng vay được 300 triệu đồng, vay ngoài gần 200 triệu, ra Thị xã Cao Bằng mua 1 xe Hoa Mai giá 485 triệu, chạy được 4 chuyến thì nghỉ hẳn. Đem xe ra công ty nhờ bán hộ, lỗ mất 130 triệu". Vợ Đàm Văn Luân tên là Nguyễn Thị Tám, từ dưới bếp đi lên, tựa cột thở hắt ra: "Bán 4 con bò to được 80 triệu đem trả nợ. Còn 50 triệu nữa không biết lấy ở đâu. Cháu đang định sang bên kia làm thuê...". Nông Văn Thèn bổ xung: "Nhiều người chịu lỗ khi trả xe như Bế Văn Thuần lỗ 50 triệu, Bế Văn Núi mất 90 triệu...". Ông Đàm Văn Bật rầu rĩ:"Không nói a! Số mình là số ăn khoai, ăn sắn. Mơ cao, ngã đau! Bây giờ ở dưới vực rồi!".

HÃY CHÍNH LÀ NỖI ĐAU

"Hình ảnh" ở Triệu Ẩu chưa phải là "Điển hình của điển hình". Còn nhiều chỗ "đậm đà bản sắc" hơn như ở Hạ Lang có bản nhỏ 29 nhà thì đã có 28 nhà mua xe. Ấy là nghe vậy, biết vậy. Xin dành để các nhà báo khác đến "khảo sát thực tế".
Và, như một hiệu ứng dây chuyền, cùng chịu hậu quả với người nông dân là các ngân hàng với món nợ lên tới mấy trăm tỷ đồng, các chủ hàng lớn nhỏ, cục dự trữ quốc gia... Ai sẽ chịu trách nhiệm trước những "giấc mơ tan nát?" Không ai chịu cả bởi vì, trong buôn bán, làm ăn, có được, có thua, có hên có xui. Số không được ăn là phải chịu! Ai sẽ cứu giúp người nông dân, cứu giúp các ngân hàng? Không ai cả! Hãy nhớ lại lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu!". Và thực tế diễn ra đúng là như vậy, phải như vậy!
"Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Nguyễn Du viết thế. Chữ Tâm đối với Cao Bằng hẳn là phải cao, nhưng chữ Tài cũng phải cao không kém, ít ra là phải bằng chữ Tâm. Cần lắm một chữ Tài nơi những người hoạch định chiến lược để không thể bị "Sập bẫy" một cách dễ dàng như vậy. (Và sẽ còn tiếp tục "sập bẫy", nếu cứ tiếp tục hành xử theo lối cũ!).
Nhà thơ Nga Ghéc Xen đã từng nói: "Nhà thơ, nhà văn không phải là Bác sĩ mà chính là nỗi đau". Noi theo câu nói đó tôi đi và viết về những nỗi đau, nỗi buồn nơi làng quê tôi không phải để phê phán, "kể xấu", "qui tội" cho một ai mà chỉ để góp một tiếng kêu (cứu), để (may ra) những người nghèo được cứu giúp, làm vội bớt nỗi đau, nỗi buồn nhân thế. Và tôi có một giấc mơ, cũng chỉ là giấc mơ khoai, sắn rằng, những người hoạch định chiến lược, những người cầm chịch hãy một lần "chính là nỗi đau" trong đợt kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) để từ đó có thể loé sáng một giải pháp cứu giúp người nghèo. Ấy là một trong những nội dung chính yếu trong đợt triển khai nghị quyết cực kỳ quan trọng này, ít ra là ở tỉnh Cao Bằng./.
 

 Cao Bằng, tháng 10 năm 2012
 Hoàng Quảng Uyên