Trong văn học Việt Nam có một người phụ nữ Hà Nội đã để lại vóc dáng đài các đã mấy trăm năm. Người phụ nữ tài hoa ấy, đứng trước thiên nhiên đất nước đã nói tâm tình của một con người cô đơn nhỏ bé trước vũ trụ, nhưng dường như đã cố giấu đi cả tên tuổi của mình. Mặc dù tên của bà có ý nghĩa là mùi hương thơm nức, nhưng bà vẫn cố giấu đi, ngay cả tên gọi của mình. Người ta cũng không gọi bà bằng tên gọi của chồng bà như những phụ nữ khác. Người ta chỉ gọi bà bằng cái chức vụ của chồng bà mà thôi. Đó là Bà Huyện Thanh Quan. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh. Hinh chữ Hán có nghĩa là hương thơm ngào ngạt.
Văn chương cổ Việt Nam không có nhiều nữ thi sĩ. Nhưng đặc biệt nhất là có tới hai nữ thi sĩ tên Hương. Một Hồ Xuân Hương ngang tàng, phóng túng. Một Nguyễn Thị Hinh (Hương) đài các, phong lưu.
Hai nữ thi sĩ tên Hương ấy đã đi vào lịch sử văn chương Việt Nam với hai phong cách khác nhau. Và sức lan tỏa của những câu thơ của hai bà đã làm lay động bao thế hệ người đọc Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của một người phụ nữ ngang tàng, nhìn sự vật trong sự biến động và biến chuyển với góc nhìn đầy cá tính. Mỗi sự vật hiện lên trong thơ bà là đều ẩn chứa trong đó khát vọng mạnh mẽ về nữ quyền và về những khát vọng của tình yêu và cả tình dục nữa.
Chân dung Hồ Xuân Hương được vẽ với “yếm đào trễ xuống dưới nương long”, với khuôn mặt tươi tắn, đầy khát vọng và cả chút nhục cảm nữa! Còn Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ tên “Hương” khác thì hoàn toàn khác. Bà mang khuôn mặt đầy đặn với nét môi cắn chỉ đoan trang, kiêu sa và kiểu cách của một phụ nữ đài các.
Hiện chưa biết về năm sinh và năm mất của Bà huyện Thanh Quan. Ta chỉ biết bà sinh ra ở làng hoa Nghi Tàm bên bờ Hồ Tây. Rằng bà là người hay thơ, giỏi Nôm. Chồng bà là Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, đỗ Cử nhân năm 1828, từng làm Tri huyện Thanh Quan sau can án bị giáng chức làm việc ở bộ Hình trong kinh đô Huế. Ông huyện Thanh Quan chẳng may mất sớm, khi mới 43 tuổi, bà vẫn ở vậy nuôi con.
.
Nhắc đến bà huyện Thanh Quan không ai là không nhớ đến chuyện xảy ra lúc chồng bà là Tri huyện Thanh Quan, nhân khi chồng đi vắng, bà nhận được đơn của một thiếu phụ trong huyện xin được đi lấy chồng, thương hoàn cảnh của chị ta, bà đã phê vào tờ đơn bằng mấy câu thơ:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng “xuân bất tái lai”
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Câu chuyện bà huyện thay chồng phê đơn là một giai thoại văn học rất đẹp. Nó gợi cho ta hình ảnh một bà huyện tự tin và hóm hỉnh. Bà huyện cũng là một phụ nữ nên bà biết thương cái xuân thì của người thiếu phụ. Không biết cô Nguyễn Thị Đào đi lấy chồng, sinh con đẻ cái có đem nhau về chơi với Bà Huyện hay không? Nhưng câu chuyện cũng gợi cho đời sau tưởng tượng ra cảnh nhà bà huyện đầm ấm vui vẻ, vợ chồng cùng thưởng trà dưới nguyệt hay ngâm vịnh xem hoa vô cùng tao nhã và tâm đắc.
Đời vua Minh Mạng, bà được vời vào cung trao cho chức Cung trung giáo tập, dạy dỗ cho các cung phi và công chúa. Điều này xác nhận với chúng ta rằng bà Huyện Thanh Quan là một phụ nữ có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh” theo đúng chuẩn mực xưa, nên đã được triều đình biết tiếng, được một vị vua sáng là Minh Mạng vời vào cung và giao cho trọng trách này!
Con đường thiên lý Bắc Nam ấy đã từng lưu dấu chân của nữ sĩ tài hoa mà cả trăm năm nay, khách bộ hành, xe kiệu đi qua Đèo Ngang còn thấy dáng hình người phụ nữ lồng lộng và đơn côi trên đỉnh đèo trong một hoàng hôn lữ thứ.
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đã lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời – non – nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bài thơ thật buồn. Hình ảnh Đèo Ngang được vẽ bằng mấy nét tiêu sơ, gợi nên cả cái hoang mang của lữ khách. Xa xôi trong đó là một tâm sự về nước non nhà với niềm đau, niềm nhớ niềm thương! Bà huyện đã dừng lại giữa đỉnh đèo giữa trời mây non nước bao la, và nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn bậc tài nữ trong mấy chữ “ta với ta”. Bà đã đứng khựng lại giữa đỉnh đèo mấy trăm năm nay, bóng hình in vào nền trời Đèo Ngang lộng gió, gửi đến hậu thế muôn sau tâm sự của bà.
Có lẽ mối duyên với ông huyện Thanh Quan để lại trong bà huyện những dư vị ngọt lành của tình phu phụ, “tương kính như tân” nên thơ của bà huyện là thứ thơ cao sang, đài các và đẹp một vẻ đẹp điển nhã của thi ca cổ.
Bà Huyện Thanh Quan để lại 7 bài thơ. Bài thơ nào cũng đài các, sang trọng. Bài thơ nào cũng hoài cổ, luyến nhớ. Nhưng bà nhớ nhất là nhớ nhà, nhớ quê. Trông cảnh chiều thu bà nhớ ngẩn ngơ trong bâng khuâng hoài niệm. Mỗi bước bà đi là lại “lòng quê một bước nhường ngao ngán/ Mấy kẻ tình chung có thấu là!”.
Bảy bài thơ của Bà Huyện là bảy bài thơ Nôm, đều là thơ thất ngôn bát cú mỗi bài tám câu, mỗi câu 7 chữ. Nghiêm ngắn, trang trọng. Mỗi bài là một bức tranh thủy mặc được vẽ lên như những bức tứ bình đẹp. Mỗi bức tranh ấy gói ghém tâm trạng của bà. Buồn mà không bi lụy. Có cả những tâm sự hoài cổ của một phụ nữ trước cảnh dâu bể với những hành cung miếu điện của những triều vua đã đi qua. Và hơn hết là cái nhìn đầy thương mến với những cảnh vật tiêu sơ, nơi đèo heo hút gió, những ngư ông và bác tiều phu, những mục đồng lùa trâu về những thôn xa vắng.
Bà Huyện Thanh Quan tên là Hinh, với nghĩa là mùi hương ngào ngạt. Bà không mang tên chồng mà chỉ mang tên chức vụ của chồng. Chức vụ ấy trong đời làm quan của chồng bà cũng rất ngắn ngủi. Bà cũng chỉ để lại cho đời ngót chục bài thơ Đường luật Nôm vuông chằn chặn. Vậy mà vẻ cao sang đài các, kiêu sa từ từng con chữ trong những bài thơ đều mỗi bài 56 chữ ấy đã lan tỏa khắp thi đàn nước Việt trải đã mấy trăm năm.
Tình nước non non nước của người phụ nữ ấy như đã hòa cùng con cuốc cuốc, cái gia gia trong thơ bà cứ da diết, da diết vọng đến hôm nay và muôn sau.
Có thi sĩ đã từng viết về một loài hoa có những “bông hoa nhỏ giấu mình trong cỏ; thơm hết mình mà chẳng thấy hoa đâu”. Phải chăng bông hoa ấy là bà Huyện Thanh Quan hương thơm ngát thi đàn nước Việt mà lai lịch hành trạng thì còn đang đánh đố hậu thế.
Ai có dịp qua Đèo Ngang, hãy ngước nhìn đỉnh đèo non nước trời mây bao la, trên đó là một tượng đài bà Huyện Thanh Quan lồng lộng ở mãi với thời gian…
N.X.D