Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn kì thinh bất kiến kì hình

Trịnh Kim Thuấn
Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 10:06 PM

Ghi lại vài kỷ niệm với anh Vũ Ngọc Tiến.

Lang mang trên mạng, thấy tin tập truyện ngắn RỒNG ĐÁ của Lê Mai và Vũ Ngọc Tiến – Nhà xuất bản Đà Nẳng vừa phát hành lại có lệnh thu hồi ngay.

Tìm đọc được 3 truyện ngắn : Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực và Chù Mìn Phủ và Tôi của Vũ Ngọc Tiến. Hay quá ! Từ lâu đọc truyên chiến tranh, chỉ đọc toàn là các truyện dương bản, nay được đọc truyện âm bản, nhất là truyện Chù Mìn Phủ và Tôi viết về trận chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, buồn quá, buồn cho số phận những người tốt bị guồng máy chiến tranh cuốn hút vào.

Đem thông tin mới nầy trao đổi với các bạn già uống cà phê, may có anh Trương Vĩnh Khánh (người Bình Định đến định cư Vàm Cống – Lấp Vò  - Đồng Tháp khoãng 3,4 năm nay) anh cho biết có quen thân với anh Tiến, có thể mời anh về Vàm Cống chơi vài ba hôm được.

Khoãng giữa tháng 6/2011, thì anh Vũ Ngọc Tiến đến Vàm Cống, hôm đó cùng gặp nhau tại quán Sao Mai (Vàm Cống), cùng ít người bạn Long Xuyên đến,  lai rai, nhâm nhi gỏi bông điên điển, uống rượu chuối hột hiệu Từ Quang trao đổi các vấn đề văn gừng, văn nghệ … Anh Tiến rất giản dị, dễ hòa đồng, tất cả chúng tôi đều cảm mến. Hôm đó anh là người lớn tuổi nhất.

Những ngày ở Vàm Cống, anh có viết bài Lá thư Sài Gòn 3, trong nầy có 1 vấn đề đối với dân địa phương chúng tôi rất là nhạy cảm và cấm kỵ, đó là cái chết của ông Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ giáo phái Hòa Hảo, hiện nay Nhà nước và Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH Trung Ương đều biết và né tránh không đề cập đến, bài viết của anh – theo lời kể của ông Ba Diên 87 tuổi, 1 tín đồ PGHH xã Định Yên – Lấp Vò – Đồng Tháp : Các bậc vua sáng và tôi hiền phải có 4 cái hạnh : Tin dân, Yêu dân, Thân dân và Dưỡng dân, trong 4 cái hạnh ấy cốt lõi là TIN DÂN.

Sau đó, tôi tìm đọc thêm các tác phẩm của anh, nhiều… nhưng có 2 truyện ngắn tôi thích nhất là Hà Chính và Đạo sĩ và Rắn độc.

Kế đó xảy ra vụ Tiên Lãng-Hải Phòng Tiếng súng ĐOÀN VĂN VƯƠN chấn động trong và ngoài nước, đích thân Thủ Tướng Chính Phủ trực tiếp giải quyết đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Vừa xảy ra việc nầy, tôi liên tưởng ngay truyện Chù Mìn Phủ của Vũ Ngọc Tiến, 2 việc ở 2 nơi sao mà giống nhau quá, số phận của Chù Mìn Phủ thì mất vợ, lạc con (tưởng con đã chết), nát rượu, gần như điên loạn, số phận của Đoàn văn Vươn thì chưa kết thúc, nhưng cả hai đều quá đau lòng, quá chua xót cho số phận của 2 con người nầy.

Những ngày giáp Tết, có dịp đến Sài Gòn, nhân dịp anh Tiến cũng vừa vào Sài Gòn, chiều ngày 14/01/2012 tôi và anh 2 người lang thang phố chợ, anh Tiến cho biết ngày mai có dịp nhà văn Nguyễn Minh có ra mắt Đặc san Quán Văn số 004 (Số Xuân) và nhà văn Trương Văn Dân (Việt kiều Ý)  ra mắt quyển tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa , anh rũ tôi cùng đi cho vui. Lần đầu tiên được tham dự 1 buổi họp mặt văn nghệ sỹ lớn như thế nầy, quí hóa hóa rồi, tôi nhận ngay (giống như Tư Ếch đi Sài Gòn quá)

Ngày hôm sau 15/01/2012 buổi sáng trong không khí ấm áp và thân mật, cũng là lấn đầu tiên tôi gặp được những người mình ngưỡng mộ từ lâu như Bác sỹ Trương Thìn, Bác sỹ Đổ Hồng Ngọc, nhà văn Nguyễn Minh, nhà văn Nguyễn Nam (Văn chương Việt) …. Rất đông và vui.

Trong dịp ở Sài Gòn, được anh Tiến cho biết là anh vừa có chuyến đi thực địa tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa – Long An, để biết và viết về Trung đoàn 207 (E 207) đa số hy sinh tại đây.

Chia tay về quê ăn Tết, anh Tiến hẹn có dịp sẽ trở về Miền Tây chuyến nữa.

Sau đó ít hôm trên các mạng đọc được bài Ngôi miếu thờ những thành hoàng đội mũ cối của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, mốt câu chuyện có thật 100%, thật cảm động, cả Trung đoàn 207 có 291 người chết đa phần là sinh viên trẻ măng của trường Đại học Xây Dựng , số khác đến từ Đại học Bách Khoa, Thủy Lợi, Sư Phạm … có lẽ khi chết vẫn chưa biết vì sao mình chết ? vì không có kinh nghiệm chiến trường, không biết cách ngụy trang khi đóng quân trong rừng tràm ? ? ? và những cái chết quá bi thảm, các thi thể được bỏ tạm vào các bọc ny lông túm lại, buộc dây vào các cây tràm, dự tính nước cạn rồi mới chôn cất, nhưng rồi dây bị đứt, thây trôi lang thang, rồi chiến cuộc có lẽ càng khốc liệt nên việc chôn cất không thực hiện được … Ôi cỗ máy chiến tranh quá ư vô tình và tàn khốc.

Sự việc xảy ra các nông dân địa phương biết, các quan chức địa phương : xã, huyện, tỉnh đều biết, 1 số người sống sót của Trung đoàn 207 biết, nhưng có lẽ vì nhiều lý do … gì đó, số phận của 291 chiến sĩ của Trung đoàn nầy nằm lại tại cái ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước nầy bị lãng quên đến 39 năm nay mới được nhà văn Vũ Ngọc Tiến đánh thức qua bài viết đầy cảm động : Ngôi miếu thờ những thành hoàng đội mũ cối .

Hôm nay đọc được bài Cám ơn chủ web Trần Nhương của nhà văn Vũ Ngọc Tiến thì bài viết trên đã đạt được kết quả tốt đẹp, vào ngày 22/10/2012 nhằm ngày mùng 8/9 âm lịch thì từ cái miếu lợp mấy tấm tôn thô sơ của bác nông dân Tư Tờ các anh được chuyển sang ngôi miếu mới khang trang (chưa dám nói là hoành tráng), ấm cúng, khói hương nghi ngút … Kể từ nay

 các anh chiến sỹ Trung đoàn 207 đã có nơi ở mới, ấm áp nghĩa tình, cũng mong các anh phù hộ cho các bà con nông dân địa phương được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt … các anh nhé !

Đọc các bài viết của anh Vũ Ngọc Tiến, tôi học thêm được nhiều điều hay trong cuộc sông hiện nay . Viết văn thời nay rất khó, rất khó, vì : PHẢI VIẾT VỚI CÁI TÂM CỦA MÌNH VÀ NHẤT LÀ DÁM VIẾT.

Với anh Vũ Ngọc Tiến tôi xin mạn phép :  Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình.
                                                         Mặt chưa thấy mặt mà tình đã ưa .