Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vị đắng của món “Canh gà Thọ Xương”

Nguyên Hải
Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 10:13 PM


Không hiểu có phải vì thiếu đề tài hay vì thiếu dũng cảm động đến những vấn đề quốc gia đại sự ê hề chuyện để nói mà một số báo điện tử hình như đang chạy theo mốt khai thác những đề tài giật gân liên quan tới cá nhân công dân. Để tránh bị bạn đọc cho là chuyện bịa đặt, có cây bút còn « tương » lên báo cả họ tên, địa chỉ, thậm chí « trích ngang lý lịch » của đương sự, bất chấp hậu quả.
Quả thật những bài viết về đề tài này thu hút nhiều người đọc nhất. Một ông người quen cao tuổi vừa gặp tôi đã rối rít : « Cậu xem này, xã hội mình bây giờ thối nát kinh khủng » « Gì thế ạ ? » « Đến người mẫu cũng đi bán dâm! ». Ôi trời, chuyện ấy thì có gì đáng quan tâm nhỉ, có cầu thì tất nhiên có cung, quy luật kinh tế thị trường mà. Cả nước mình có được bao nhiêu người mẫu, trong đó bao nhiêu cô bán dâm ? Đã có chế độ nào sụp đổ vì chuyên ấy đâu mà phải lo. Đọc những tin lá cải ấy làm gì nhỉ, thật khó hiểu.
Xã hội cần phải biết bảo vệ từng công dân
Loạt bài mới đây nhất về chuyện chữ nghĩa điển tích lịch sử như "Phụ huynh sửng sốt với món canh gà Thọ Xương", « Cô giáo đã sai sót trong vụ canh gà Thọ Xương », « Giật mình với món ‘canh gà’… Thọ Xương”… cho thấy nếu không kịp thời ngăn chặn thì thói viết báo thiếu trách nhiệm sẽ còn đi xa tới đâu, sẽ còn bao nhiêu người lương thiện bị khốn khổ vì bỗng dưng trở thành nhân vật « hot » trên miệng lưỡi thiên hạ.
Sai lầm về chữ nghĩa và điển tích lịch sử là sai lầm phổ biến nhất mà bất cứ ai cũng có thể mắc, kẻ viết bài này cũng thế. Thập niên 90, một học giả được coi là giỏi tiếng Anh hàng đầu nước ta từng giải nghĩa từ « sergeant » (trung sĩ) là « hạ sĩ », in trong từ điển hẳn hoi. Bản dịch một tiểu thuyết Trung Quốc dịch từ « Không thư » (nữ tiếp viên hàng không) là « Cô gái trên trời ». Báo Mỹ đưa tin : ngày 5/6/1992 khi đến thăm trường học nọ, Phó Tổng thống Dan Quayle gọi một học sinh 12 tuổi lên bảng viết từ « khoai tây », chú bé viết xong từ « potato », ông Quayle lại nhất định bắt viết thêm chữ « e » vào cuối từ ấy. Video quay cảnh này tung lên truyền hình làm cả nước Mỹ ôm bụng cười (trong ảnh, Quayle phía trái). Một tờ báo châm biếm : « Không thể nói ông Quayle là idiot (người dốt) nhưng ông ấy cần học thêm ». Có điều Quayle không vì bị chê dốt mà bỏ chức vụ của mình.
Những chuyện như trên ở đâu, thời nào cũng thấy, thiển nghĩ có gì mà « sửng sốt », « giật mình » nhỉ ? Những từ ấy nên dành cho tin về thủy điện sông Tranh, về nhà máy Bô xít Tân Rai (sau khi vận hành sẽ lỗ vốn mỗi năm 74,4 triệu đô-la — xem http://sgtt.vn/Thoi-su/168995/Boxit-Tan-Rai-truoc-ngay-chay-thu.html), về thị trường bất động sản Việt Nam (đọng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng) v.v…
Trong nghề viết báo có một cái luật bất thành văn là phải hết sức thận trọng khi đưa tên thật và chuyện riêng tư của bất cứ ai lên mặt báo. Hãy xem tin 4 người Nhật một công ty nọ bị dân Trung Quốc ẩu đả. Bạn đọc chẳng những không biết tên 4 người ấy mà ngay cả tên công ty của họ, báo cũng giấu kín. Chớ có sử dụng quyền mình được đăng báo mà tùy tiện đưa tên tuổi người ta lên mặt báo khi đưa những tin về mặt tiêu cực của xã hội ; cẩn thận không thì ra tòa đấy. Chẳng rõ luật pháp nước ta có cho phép đưa những chuyện tương tự vụ « Canh gà » ra tòa đòi bồi thường danh dự hay không ? Xin các luật gia chỉ giáo.
Thầy cô giáo lại càng cần được bảo vệ
Năm xưa tôi gửi con gái vào lớp mẫu giáo Kim Liên do cô Tường (về sau là hiệu trưởng trường) phụ trách. Cô giáo xinh đẹp dịu dàng, khéo dạy các cháu, đến nỗi con bé hôm nào về nhà cũng đòi đổi tên nó là Tường. Lớn lên con gái tôi vẫn yêu quý cô, tuy rằng nó chẳng còn ngây thơ đòi đổi tên nữa. Mỗi khi nhớ lại chuyện trên, tôi thấy nghề dạy học quả là một nghề cao quý : được đối tượng mình phục vụ yêu mến từ đáy lòng. Thử hỏi có bao nhiêu quan chức được nhân dân yêu mến như thế?
Thầy cô giáo là nhân vật quan trọng nhất trong bất cứ nhà trường nào — một nhà giáo dục nước ngoài kết luận. Thủa học tiểu học và phổ thông, lũ học trò chúng tôi vô cùng yêu quý các thầy cô ; vì thế chúng tôi chẳng ai bảo ai, đứa nào cũng cố ngoan và chăm để thầy cô khỏi phiền lòng vì mình. Các cụ gọi đấy là tôn sư trọng đạo, là truyền thống quý giá của dân tộc ta. Xã hội cần hết sức bảo vệ thanh danh các nhà giáo ; thanh danh ấy chỉ cần sứt mẻ một chút thôi là thầy cô rất khó đứng trên bục giảng.
Thế mà bây giờ có người dám đưa tên họ, quê quán, lý lịch của cô giáo nọ lên mặt báo cho cả nước biết là cô dốt cô dại. Nghe nói cô quá xấu hổ phải bỏ trường bỏ lớp, bỏ các học sinh thân yêu của mình, trốn về quê, thậm chí phải vào bệnh viện, thật tội !
« Độc » hơn nữa là những lời bình thiếu cân nhắc của một số bạn đọc các bài báo ấy, theo kiểu suy diễn, tát nước theo mưa (tiếc rằng lại là đa số). Có người lên án cả trường sư phạm đã đào tạo cô giáo. « Quá nguy hiểm », « Quá kinh khủng, trưa nay cả cơ quan tôi bị choáng » « Có lẽ đây là sự xuống cấp của giáo dục » « Tôi dám chắc các em đã được ‘lĩnh hội’ một loại kiến thức sai lệch trầm trọng! » — toàn những từ ngữ đao to búa lớn thiếu lý trí giáng xuống đầu một cô giáo trẻ đầy tâm huyết muốn lao vào sự nghiệp Bác Hồ gọi là « Trồng người », một sự nghiệp cao quý và lâu cả trăm năm. Chỉ vì một sai sót nhỏ, cô giáo nọ đã phải rời bỏ hàng ngũ những người đáng trân trọng nhất ! Thật buồn cho những ai luôn miệng nói « Giáo dục là quốc sách hàng đầu » nhưng vô tình ( ?) đã làm hại một cô giáo.
Ban Giám hiệu trường Lômônôxôp đã không biết bảo vệ thầy cô giáo của mình khi vội vã cung cấp cho nhà báo tên tuổi, bằng cấp, lý lịch cô giáo. Đem nhân viên dưới quyền ra làm cái khiên che chắn cho mình là cách xử lý rất dở của không ít cán bộ lãnh đạo ta hiện nay khi gặp tình huống bị chê trách (« Tại cậu đánh máy » …). Lẽ ra họ nên nhận lỗi thay thì mới hợp với đạo lý của người lãnh đạo — kẻ đứng mũi chịu sào. Ban lãnh đạo cao nhất còn dám tập thể nhận lỗi chứ đâu có đổ lỗi cho cá nhân nào. Thế mới là bản lĩnh người lãnh đạo.
Thiếu lòng khoan dung — căn bệnh phổ biến của xã hội ta  
Xã hội ta có một cái tật rất lạ : có thể dễ dàng bỏ phiếu bầu lên những ông nghị trình độ xoàng xoàng (thí dụ ông phản đối làm luật biểu tình, ông quyết tâm huy động « hệ thống chính trị » làm đường sắt cao tốc Bắc Nam « để phụ nữ đi chợ, trẻ con đi học » v.v..) nhưng lại rất khắt khe khi chọn một nữ người mẫu làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Dạo nọ dư luận bàn chuyện « Phản biện xã hội », có người « ném đá » một nhà khoa học từng làm rạng rỡ tên tuổi đất nước ta, chỉ vì suy diễn ông này do nhận ân huệ của chính phủ nên không dám « phản biện ».
Toàn sự nực cười thể hiện tâm lý hẹp hòi. Một xã hội như thế sao có thể có nhiều nhân tài.
Không ai có thể tránh khỏi sai lầm. Vấn đề là phải biết xử lý sai lầm như thế nào. Khi thấy người ta mắc sai lầm chớ có làm rùm beng, chớ đánh đòn hội chợ, chớ có đánh hôi.
Rốt cuộc xã hội người lớn chúng ta thua lũ trẻ con. Tâm hồn chúng trong sáng tới mức em học sinh cung cấp thông tin vụ việc « canh gà » biết sốc nặng vì các anh chị lớp trên chê trách em « làm hại » cô.  Một số em còn lên mạng bênh vực cô giáo đáng thương của mình.
Hoan hô các em ! Trẻ em ngây thơ trong trắng, có lòng vị tha, bao dung như thế đấy. Trong vụ này, liệu có người lớn nào biết sốc hoặc ân hận vì sai trái của mình không ? Mong rằng có. Như thế mới hợp luân thường đạo lý.
Cũng xin nói thêm : có người đổ lên đầu ngành giáo dục lỗi tình trạng giả dối thịnh hành, đạo đức xã hội xuống cấp. Chưa bao giờ ngành giáo dục bị « bới lông tìm vết » nhiều như ngày nay. Rất may là lãnh đạo cao nhất đã tìm ra đâu là nguồn cơn, và vì thế đã có Nghị quyết Trung ương IV. Nhiều người nói đây là lỗi cơ chế, lỗi hệ thống. Ngành giáo dục có thể làm được gì khi cả xã hội dối trá?

Mong sao cô giáo X sẽ sớm ngẩng cao đầu trở lại trường Lômônôxôp với các em học sinh thân yêu đang mong ngóng cô. Giả thử thấy mình có sai sót thì cô cứ việc nhận lỗi, vì cái lỗi của cô nếu có cũng là quá nhỏ bé, chưa có gì phải xấu hổ và tự dằn vặt mình đến mức như vậy, cho dù tình cảm ấy của cô rất đáng trân trọng.