Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thế có chết người ta không !

Nghiêm Lương Thành
Thứ bẩy ngày 20 tháng 10 năm 2012 7:48 PM


Truyện ngắn

Hưng Vịt là gã ưa vui, hay cười. Cha mẹ sinh ra, giời cho cái tính, tự nhiên đã thế. Người quen và bạn hữu, một bộ phận nhỏ bảo bất hạnh, số còn lại khen có phúc. Nghe vậy thì biết vậy, chẳng phải vì thế mà hắn thấy phát vui hay sinh buồn trong lòng, tâm tư vẫn ổn định như mặt nước chén trà thoảng hương sen Hồ Tây đầu hạ. What is Buồn? Vớ vẩn! – Hắn thường tửng tưng, vênh mặt giễu cợt bạn bè bằng cái thứ ngôn ngữ hỗn hợp tây-ta ngố ngộ như vậy.
Thời con cái các nhà đều còn đang nhỏ dại, ngồi cà phê với chúng bạn, hắn thường bô lô tuyên ngôn rằng mong về sau con cái chúng mình lấy được nhau. Tôi vặn vẹo: “Có gì hay mà mong?”. Hắn bảo: “Ờ, mày ... đúng là đồ tối dạ. Nghĩ xem, nếu con gái diệu của mày và con trai tao thành gia thất ... thì sao? Sẽ khắc biết. Giả dụ như khi chúng nó có xích mích, mày có thể nói uỵch với tao: Bảo thằng con mày nhường vợ một tý nha ... Còn như cuối năm, nếu thấy bên tao chưa có động tĩnh gì, mày có thể trung thực mà minh bạch gọi điện nhắc nhở: Này, năm hết tết đến rồi đấy ... sao giờ này vẫn chưa thấy sêu lễ gì cho cái lão già “phải đấm” này vậy ? – Ha ha ...”.
Chuyện tưởng đùa vui mà hóa thật. Ngoảnh đi ngoảnh lại, sắp trẻ đã trưởng thành từ lúc nào. Rồi, quên bẵng câu chuyện tếu, hắn chẳng hề xui, tôi không hề định hướng, thế mà con trai hắn và con gái tôi, không hiểu bắt đầu từ bao giờ, lúc nào cũng thấy quấn quýt như sam, gặp nhau là cứ ríu rít như chim bên tổ. Và cái kết cục triết học biện chứng khách quan tất yếu, thấm đẫm tinh thần thơ Hậu hiện đại, nói theo cách của ngài Andersen – Ông Hoàng của những câu chuyện cổ tích - là: Hài kịch. Nghĩa là chúng tôi đã rất hân hoan vui sướng cùng dang vòng tay nhớn, nối thông hai nhà với nhau. Chuyện thật mà cứ như “Đương đại Hàn Quốc Ly kỳ Phim” vậy. Thật, chẳng khác giấc mơ hoa trong tiết Lập Xuân ở xứ bốn mùa kết trái.
Trong cuộc thông gia này, so với Hưng Vịt, tôi là người may mắn hơn. May mắn hơn bởi Thiệp – Con trai của hắn, chàng rể chuẩn không cần chỉnh của tôi - là một gã trai ngoan lành, thực thà, rất biết vâng lời cha mẹ. Khả năng tôi bị lâm vào trạng thái “méo mó” khẳng định là tuyệt đối không thể có. Hơn nữa, do sáng dạ, học hành giỏi giang, Thiệp được Sứ quán Vương quốc Thụy Điển cấp học bổng, cho học một lèo hết đại học rồi tiến thẳng – kiểu đi của những tâm hồn nghèo nàn mưu chước - lên làm luận án, lấy bằng Đốc tờ khoa học luôn. Và, cho đến bây giờ, thực thế, chưa lần nào con gái tôi bị chồng nó nói nặng lời, dù chỉ bằng một câu thơ sến; vào những cữ năm hết tết đến, tôi chưa hề một lần phải động thủ bấm số, gọi điện nhắc nhở Hưng Vịt về chuyện sêu lễ của chàng rể bao giờ. Về vụ lương duyên này, nói là tôi may mắn hơn hắn thì, mặc nhiên, phải hiểu hắn cũng có phần may mắn. Con gái tôi là đứa đã xinh xắn, lại còn rất ngoan chứ; và năng lực ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, thậm chí, còn cao hơn cả con trai hắn.
Trước mặt quan viên hai họ thì cả hai lão già – tôi và hắn - đều trịnh trọng giữ lễ “sân đình”, chẳng thể chê vào đâu được. Nhưng cứ xểnh một cái, ra chỗ khác, đâu lại vào đấy, không mày tao tý toét với nhau được mấy câu thì không sao chịu được. Bạn bè chứng kiến cảnh ấy thì lấy làm ngưỡng mộ và thèm muốn lắm. Đã thấy có mấy cặp trong đám bạn bắt đầu chụm đầu bàn bạc, lờ tít Trăng Già, lấn sân Nguyệt lão, định hướng duyên trời, bày đặt kịch bản, kín đáo tế nhị vẽ đường xuân cao tốc cho các hươu nai sao xác tìm đôi ...

*

Những tưởng thái bình từ bấy bền vững. Nào ngờ, đã sáu chục tuổi đầu có lẻ, thấy mình vẫn chưa tốt nghiệp một chữ ngờ ngắn tũn.
Dạo này, không hiểu sao, nom vẻ mặt Hưng Vịt cứ buồn buồn thế nào. Điều này là cực kỳ bất thường. Bất thường như một điềm triệu. Thứ điềm triệu chẳng hứa hẹn điều gì sáng sủa. Chắc hẳn có chuyện gì không ổn. Ruột gan phấp phỏng không yên, tôi mới gọi điện triệu tập hắn đến quán cà phê Sáng Tạo, lân la hỏi chuyện: “Dạo này nom thần sắc mày không được tốt. Có chuyện gì à?”. Hắn gật đầu: “Ừ”. “Chuyện gì?”. “Buồn – lắc đầu - Quá buồn!”. “Buồn về cái gì?”. “Thằng con!”. Tôi ớ người. Nghĩ bụng: Sao có chuyện ấy được. Chàng rể của tôi ... một một nam tử Việt hoàn hảo, đẹp trai chưa bao giờ sai. Bực cả mình:
- Nói uỵch ra đi!
Im lặng.
Càng bực mình.
Đợi một câu trả lời.
Vẫn im lặng. Lại còn thở dài. Tôi đâm chột dạ, rón rén hạ giọng:
- Công việc của nó không tốt sao?
Lắc đầu.
- Nó hỗn với vợ chồng mày à?
Lắc đầu.
- Hay là nó mắc bệnh gì?
Lại lắc đầu. Đến đây thì tôi chớm hoang mang. Đắn đo một lúc, lại gặng:
- Nó đi biểu tình phản đối “nước lạ”, bảo vệ biển đảo ư?
Lắc đầu.
- Hay nó đua đòi làm bờ lốc bờ leo, rồi ngôn luận hùa theo nước lạ ?
Vẫn lắc đầu.
-  Thôi rồi ... chắc lại tham gia chống tham nhũng rồi bị chúng nó hùa nhau uýnh cho chứ gì ?
Vẫn lắc đầu. Chán. Đột nhiên, giật thót mình, tôi hạ giọng, thều thào:
- Thế nó cặp bồ với đứa nào hử?
Hưng Vịt ngẩng phắt cái đầu, quất vào mặt tôi một ánh nhìn giận dữ, không thèm giấu diếm vẻ bất mãn ngay thẳng trong sáng:
- Đẹp giai có gì sai ?
Tôi nhẹ người, nói một hơi:
- Thế thì chỉ còn chuyện ... hai đứa chúng nó có chuyện xích mích thôi. Vặt. Chuyện thường ngày trong hôn nhân. Phi ẩu ngôn ẩu hành bất thành phu phụ. Xích mích chút đỉnh cũng cần chứ. Không có đắng cay, đố cảm nhận đầy đủ cái vị ngọt bùi. Bầu ơi thương lấy bí thôi, dẫu sao cũng đã một nồi .... vào chung!
Hắn chán ngán, phẽo phợt phẩy tay:
- Nếu vì những cái đó thì lại dễ hiểu. Đằng này lại không chứ!
- Thế thì là cái gì? Ỡm ờ mãi ... Nói! – Tôi to giọng, hệ điều hành thái độ bắt đầu mất kiểm soát.
Hắn đưa mắt nhìn tôi hồi lâu, nét mặt phô ra đầy đủ các đặc trưng của một kẻ đang quá thất vọng, thất vọng đến mức chẳng thiết giấu diếm: “Mày ... đúng là đồ ... vô tâm vô cảm vô hồn vô tình vô trách nhiệm vô tích sự!”. Mồm miệng há hốc, toàn thân cứng đơ, tôi không biết phải xử sự thế nào. Hắn dồn tôi: “Hai đứa lấy nhau đã hơn hai năm mà vẫn chưa thai nghén bầu bí gì. Mày không thấy nghiêm trọng sao? Không sốt ruột sao? Không mong có cháu sao?. “Bất hiếu hữu tam ...” ! Đúng là cái đồ bố vợ phải đấm!”. Ra thế. Tôi lặng người, thở dài đánh sượt. Không oan. Không cãi được. Quả thực, trong chuyện này, tôi hơi bị vô tư vô hồn. “Chậc ... thì cũng phải từ từ ... có thể chúng có kế hoạch ...”. “Ờ ”. Hưng Vịt thẫn người ngơ ngác. Rồi, đột nhiên, hắn thầm thì hớt hải: “Hay là chúng nó bị hỏng thật?”. Câu nói như thùng nước lạnh đổ ập xuống đầu tôi. “Vậy ... phải làm gì bây giờ?”.
Thế là hai lão già, chẳng phải rủ rê, không cần thuyết phục, liền tự giác chuyển hướng sang thái độ cùng hợp tác. Và kết quả của sự hợp tác lành mạnh, đầy thiện chí ấy là một thỏa thuận song phương như sau: 1) Làm việc trước với hai bác sỹ giỏi của hai bệnh viện để họ, bằng nghệ thuật nghề nghiệp và sự khôn khéo của mình, xác định giúp cho chúng tôi về sức khỏe và năng lực sinh sản của hai đứa con. 2) Phân công hai bà mẹ của hai nhà, một cách thật mềm dẻo, tế nhị, bảo từng đứa đến chỗ hai bác sỹ kia để kiểm tra sức khỏe định kỳ thông thường, thực hiện chiến lược phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Vốn là những đứa con ngoan, việc này đã diễn ra theo đúng kịch bản mà không gặp chút khó khăn nào.
Kết quả cho thấy: Hai con của chúng tôi, trừ việc hát đôi và thực hiện các bước nhảy hoàn vũ showbiz, là một cặp đôi hoàn hảo về mọi phương diện.
Thở phào. Sướng. Vui. Nhẹ người. Nhưng nỗi thèm một đứa cháu của hai cặp ông bà dự khuyết chỉ càng thêm cháy bỏng. Muốn giục chúng nhưng cả bốn, chẳng ai cất nổi nhời. Vấn đề tế nhị mà. Chỉ sợ lại làm tổn thương con cái; thậm chí, không chừng, đang lành lại hóa hỏng thật. Gà lành chữa gà què. Cực chẳng đã, thôi thì giời chẳng hiểu đất thì đất đành phải nhịn giời vậy. Thế là chúng tôi đành phải đồng ý với nhau: Lấy chữ nhẫn làm trọng. Có phúc, sớm muộn gì thì cũng có phận. Thì chờ!

*
Chờ.
Một tháng.
Hai tháng. Ba tháng.
Sáu tháng sau.... vẫn chưa thấy cánh chim báo tin vui ...
Đã sắp được ba quý. Nỗi buồn sao lại chóng nhớn đến thế. Mong lại càng mong. Hai bà vợ thỉnh thoảng lại thậm thụt tìm nhau, ngẩn ngơ tâm sự.
*
Cuối tháng sáu, vào một buổi chiều chang chang nắng nực, Hưng Vịt xồn xồn gọi điện cho tôi, giọng hối hả thúc bức: “Đến ngay quán cà phê Sáng Tạo. Có chuyện rất quan chọng”.
Đến nơi thì hắn đã có mặt từ bao giờ. Chẳng kịp để cho tôi an tọa, hắn quẳng toẹt tờ giấy khổ A4 xuống mạt bàn, hất hàm bảo: “Đọc đi!”. 
Tôi cầm tờ giấy lên, đọc:
SGTT.VN - Sau khi ca sĩ X thổ lộ bức xúc với các nhà quản lý văn hoá qua bài phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện “chỉ thị cấm hở”, trên mạng xuất hiện lá thư sau của một phóng viên ảnh báo mạng:
Gửi toàn thể chị em ngành showbiz,
Trước hết, cho tôi chia sẻ niềm cảm thông với nỗi xấu hổ mà chị em buộc phải thừa nhận. Nhưng về những gì chị em đang phải chịu đựng trước ống kính chúng tôi, xin có đôi điều nói lại.
Chị em cứ bảo sao các phóng viên ảnh lại thích đứng dưới sàn diễn chĩa ống kính lên trong khi chị em đang ra sức nhảy nhót với chiếc váy ngắn cũn? Xin thưa: không chĩa ống kính vào đó thì biết chĩa vào đâu? Chĩa vào nơi cưỡng chế giải toả đất để bị đánh hội đồng à? Chĩa vào chỗ tụ tập khiếu kiện để bị đập máy ảnh à? Hay chĩa vào chỗ đang ăn mãi lộ để bị bắt giam sao?
Tụi này đâu có ngu! Tốt nhất, chỗ phải chĩa ống kính vào mà rình rập từng giây phút chỉ nên là những chỗ nhạy cảm của giới chị em nghệ sĩ, vì đó là cách tác nghiệp an toàn nhất, lại được nhận thù lao hậu hĩnh! Nhân đây có đôi chút kiến nghị với những nhà sản xuất máy ảnh: đã có chức năng dò tìm mặt người, dò tìm nụ cười, sao chưa có máy ảnh có thể dò tìm đỉnh “núi đôi” hay tâm “tam giác vàng”? Nếu có thì đỡ tốn công sức lao động của giới phóng viên ảnh chúng tôi biết chừng nào!
Thôi thì ai nói gì kệ họ, nếu hàng họ của chị em mà cứ hở như thế thì chúng tôi sẽ tiếp tục giúp cho chúng lộ hẳn ra! Vài triệu tiền phạt chẳng là cái đinh gì, so với sự nổi tiếng và lượng view mỗi ngày!
NGƯỜI GIÀ CHUYỆN
Quẳng tờ giấy xuống bàn, tôi bực bội, tiếc cái công hộc tốc lao đến quán cà phê giữa nắng hè lửa đốt:
- Thế thì sao ? Liên quan gì đến mày và tao?
- Kiềm chế, kiềm chế nào ... – Hưng Vịt xòe hai bàn tay học trò trắng trẻo, cổ tay lấp lánh cái đồng hồ Movado mạ kền ngót 80 năm tuổi, úp úp xuống làm hiệu nhắc nhở - Trước đây một giờ đồng hồ, tình cờ lên mạng, đọc được bài báo này trên trang Sài Gòn Tiếp Thị mà giật mình đánh thót, liền in ra đưa mày xem. Chuyện là thế này: Sau hôm cưới, tao gọi hai đứa ra bàn uống nước, không có tế nhị tế tam gì hết, định hướng luôn: Các con cố gắng làm việc và học tập cho tốt. Đấy là điều mà cả hai nhà, bốn bố mẹ đều mong mỏi. Còn ba cái thứ gọi là nhạy cảm thì tuyệt đối – bố nhắc lại - tuyệt đối chớ có chàng màng động đến, tuyệt đối không có ý kiến ý cò gì nhá. Muốn yên ổn làm ăn, muốn tiến bộ, muốn có tiền đồ thì hãy nhớ lời bố dặn.
Một tia sáng lóe lên, phóng ngang trong đầu tôi:
- A .... thú vị đây ....  Mày ... đúng là cái đồ định hướng rách chuyện! Thế đã kiểm tra xem chúng đã đọc cái bài này hay chưa?
- Kiểm rồi. Tao đưa cho chúng nó, chúng nó cười tủm, ra cái điều chê ông bố lạc hậu, rồi bảo chúng con đọc từ trước hôm cưới cơ.
- Báo với chí ... Thế có chết người ta không !
- Mày bảo bây giờ phải xử lý chuyện này thế nào?
Tôi nổi khùng, chỉ đạo quyết liệt luôn:
-  Còn nghĩ gì nữa? Phải, ngay lập tức, bãi bỏ tế nhị, làm rõ với chúng về khái niệm nhạy cảm một cách có khoa học nhân văn ... Nói cho nó trực giác, là Khoa học nhân chi Sơ. Nghĩa là: Bắt đầu đi từ định nghĩa, rồi đến phân loại, sau đó mới là thái độ ứng xử ...!
Hưng Vịt ngây mặt, vặn lại:
- Tây với chả Tàu. Sốt ruột! Nhân chi Sơ là cái quái gì vậy?
- Chỉ là ...phát triển tư tưởng dân gian thôi: Nhân chi Sơ, chậc ... tính “hiếu  đ... ộng” ấy mà.

*

Đọc xong mẩu chuyện này, chắc chắn độc giả sẽ quẳng toẹt nó vào sọt rác mà cằn nhằn: Truyện với trò ... vô lý! vớ vẩn !
Tôi, kẻ chép lại chuyện này, bạch thưa: Vâng, xin chân thành cảm ơn độc giả vì hành vi đã quẳng cái truyện này vào sọt rác. Câu chuyện quả là vô lý. Bất kể xét trên phương diện nào, xét ngược xét xuôi, xét xiên xét thẳng, xét lên xét xuống, xét ngang xét dọc ... cũng đều vô lý. Vô lý đến mức bất cứ ai ở bên ngoài hàng rào bệnh viện Trâu Quỳ cũng đều không thể chấp nhận được. Quý vị không quẳng nó vào sọt rác mới là chuyện lạ. Tôi vô cùng mừng rỡ hân hoan vì điều đó !

NLT - 17/09/2012