VIẾT TẶNG CON GÁI
Nguyễn Thị Thuý Ngoan
Thương con năm tuổi mồ côi
Thắt lưng buộc bụng mẹ nuôi tháng ngày
Gầy như ngọn gió heo may
Dắt em tay nắm bàn tay qua cầu
Sông Chanh dù hẹp mà sâu
Cầu treo lắt lẻo hai đầu đong đưa
Tan tầm mẹ đội nắng mưa
Bữa cơm chỉ có rau dưa qua ngày
Đồng lương như chiếc lá bay
Dãy nhà tập thể rụng đầy trăng sao
Học hành chẳng được là bao
Thua bạn, nào dám ước ao điều gì.
Xuống đò con bước chân đi
Thay hồi môn: Mẹ thầm thì dặn con
Làm dâu phải biết lo toan
Dù ai nói dọc nói ngang cũng nhường
Trái tim giầu có yêu thương
Thì con vượt được con đường chông gai
Ở ăn trên, dưới, trong, ngoài
Chữ tâm đứng trước, chữ tài đứng sau.
*
Tiễn con ra cửa làm dâu
Thay cha mẹ dặn bằng câu thơ buồn!
( Ngôi nhà không bình yên-
NXB Văn học-2008)
Lời bình:
“Thiếu nữ vu quy” là một trong bốn niềm vui lớn của người đời. Xưa nay đều vậy. Nhưng sao giữa ngày con gái lên xe hoa, bao nhiều người đến chúc mừng, chia vui thì nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan lại “Viết tặng con gái”“bằng câu thơ buồn”? Xin thưa, thông điệp của thơ là thông điệp nghệ thuật; nhiều khi nhà thơ nói có là để nói không, nói giàu là để nói nghèo, nói động là để nói tĩnh và cũng có thể, nói buồn là để cho thêm vui…
Lại nữa, đời sống nội tâm người ta nhiều khi khá phức tạp. Không phải đã vui là chỉ có vui và ngược lại. Có khi “ Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi” (Tế Hanh). Cho nên, từ xưa đã có câu: Khấp như thiếu nữ vu quy nhật (Khóc như con gái ngày về nhà chồng). Âý là vì, trong vui có ít buồn, trong mừng có ít tủi. Người con gái tự cảm thấy mình chưa báo đáp được ơn sinh thành mà đã lo hạnh phúc riêng, nên cứ thấy thương thương, tủi tủi. Còn cha mẹ, nhất là mẹ, mong cho con gái đến tuổi thì lấy được xứng đáng tấm chồng nhưng lại cảm thấy mình thương con, lo cho con vẫn chưa trọn vẹn mà đã “cho con ra cửa nhà”, rồi lại cảm thấy cửa nhà trống vắng...Nên dù vui mà không buồn sao được. Soi vào gia cảnh của hai nhân vật trữ tình ở đây, ta lại càng cảm thông với tâm trạng vui buồn ngổn ngang của người mẹ:
Thương con năm tuổi mồ côi
Thắt lưng buộc bụng mẹ nuôi tháng ngày
Biết bao vất vả, nhọc nhằn, cơ cực trong cảnh mẹ góa con côi. Ta hiểu vì sao người mẹ đã dành đến mười hai câu để cho con gái ôn lại cả một quãng đời chừng hai mươi năm sau ngày bố mất. Nhiều chi tiết, hình ảnh gợi lại nghe mà nao lòng. Một bé gái nhỏ nhắn, hai chị em gầy mòn “như ngọn gió heo may”, dắt díu nhau qua cầu sông Chanh:
Sông Chanh dù hẹp mà sâu
Cầu treo lắt lẻo hai đầu đong đưa
Nghĩa thực hòa trong nghĩa bóng, cho thấy cái thân phận nhỏ nhoi của mẹ con giữa cuộc đời đấy bất trắc. Phải đặt vào hoàn cảnh những năm tám mươi, chín mươi của thế kỉ trước, khi mà khó khăn chung đã đến mức cùng cực, ta mới hiểu hết nỗi gian truân riêng của người góa phụ phải một thân một mình tần tảo thân cò lặn lội “mót tép nơi phố đông”, với đồng lương tháng nuôi mấy đứa con thơ.
Đồng lương như chiếc lá bay
Dãy nhà tập thể rụng đầy trăng sao
Phép tu từ so sánh, tương phản, ẩn dụ trong hai câu thơ như càng nhói vào nỗi khổ tâm của người mẹ luôn cảm thấy mình thương con, hi sinh vì con đến mấy cũng không vừa. Đúng như lời hát ru:
Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày
Nhắc lại những kỉ niệm buồn thương trong những câu lục bát với âm diệu buôn buồn cốt để cho con đừng bao giờ quên quá khứ và hãy biết so sánh với hiện tại. Điểm xuất phát là vậy mà có được ngày hôm nay, con đã trưởng thành, bước vào một chặng đường mới, đẹp duyên chồng vợ, kể cũng đã bằng lòng, nếu chưa dám bảo là tự hào.
Trong phép biện chứng tâm hồn, có một điều này nữa: thường khi gặp lúc nỗi buồn, lúc niềm vui lớn, người ta hay nhớ về dĩ vãng.“Thần khúc” của Dante (1265- 1321), thi hào nước Ý, có câu:
Trên đời đau khổ gì tày
Chuyện vui nhớ lại giữa ngày thê lương (thơ dịch)
Còn ở đây, chiều hướng tâm lí hoàn toàn ngược lại. “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” (T. H), lúc sung sướng, nhớ về những ngày qua cay đắng để càng thêm thấm thía, càng biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ niềm hạnh phúc ngọt ngào đã có trong tay. Thành ra, những câu thơ tưởng chừng như buồn, lại có hiệu ứng “tô đậm” niềm vui.
Người vợ góa biết vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy con cái nên người đâu chỉ nhờ vào sự tảo tần và đức hi sinh, mà trên hết phải là sự thông minh chèo lái.
Cha mẹ dặn con, dạy con, thì có bao nhiêu điều đáng nói. Nỉ non tâm sự nhiều rồi, nhưng hôm nay, giữa ngày vui, mẹ chỉ muốn truyền cho con bài học về đạo làm dâu ở gia đình nhà chồng. Mới đọc qua cứ ngỡ như những lời “thầm thì dặn con” có vẻ nhuốm màu văn hóa đạo đức phong kiến, sao mà như phận làm dâu thời xưa vậy? Nghĩ kĩ lại thấy, bài học vừa truyền thống vừa hiện đại. Vì trong nhiều quan hệ đối với người con gái mới về nhà chồng thì vai trò làm dâu vốn có nhiều phức tạp và khó ứng xử. Tất cả đều là mới lạ như tục ngữ đã nói: Quen việc nhà mạ (mẹ), lạ việc nhà chồng.. Mẹ dặn bí quyết để vượt qua là “biết lo toan”, biết “Ở ăn trên, dưới, trong, ngoài” theo đạo “trên kính dưới nhường”. Vậy có gì là mới so với ông bà thuở trước? Xin thưa, tất cả là ở đây:
Trái tim giàu có yêu thương
Thì con vượt được con đường chông gai
Thường khi, để vượt qua thử thách chông gai, người ta nói tới sức mạnh tinh thần của ý chí và nghị lực. Nhưng đây, trong bổn phận con làm người vợ, làm người con dâu, mẹ lại nói tới sức mạnh của của tình cảm, của trái tim. Hơn nữa, thời nay, để có kĩ năng sống, sống có hạnh phúc, ta không chỉ cần có chỉ số IQ- trí tuệ thông minh lí trí, mà rất cần tới chỉ số EQ- trí tuệ thông minh cảm xúc. “Trái tim giàu có yêu thương” đối với người con gái, người phụ nữ chính là lòng vị tha, là tâm hồn phong phú; để có một sức mạnh nội năng, biết sống khiêm nhường mà vẫn hiên ngang giữa cõi đời. Chữ TÂM và chữ TÀI kết tinh tất cả. Cụ Nguyễn Du khuyên ta: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Bằng sự trải nghiệm, mẹ xin lời của vĩ nhân, để nói với con rằng: Chữ tâm đứng trước, chữ tài đứng sau.
Trong hoàn cảnh không có tiền của vật chất để cho con, người mẹ đã có của “ hồi môn” bằng tình cảm, bằng những lời dạy vàng ngọc để “ tặng con gái” lúc này thật quý giá lắm thay!
Cặp câu lục bát kết bài đứng tách thành một khổ thơ riêng:
Tiễn con ra cửa làm dâu
Thay cha mẹ dặn bằng câu thơ buồn
đã chạm vào nỗi rưng rưng của người đọc. Con nhận ra lời mẹ dặn cũng là lời dạy của cha vọng về. Trong niềm vui, người con sẽ bớt đi nỗi tủi thân vì cảm thấy hồn thiêng ấm áp của cha cứ luôn dõi theo và đang “ngậm cười chín suối” khi thấy mình hạnh phúc. Thế là con gái đã có của “hồi môn” của mẹ, lại có lời dặn bảo của cha. Niềm vui ngày vu quy như được tăng lên gấp bội…
Thơ buồn, mà tình sâu nặng. Thương con, động viên con và dạy con nhường ấy thì quả là “Khôn ngoan đến, mực, nói năng phải lời” (Kiều). Chủ thể trữ tình đã rất phải đạo với chồng, với con, lại rất ý thức về bản lĩnh của chính mình. Không tài hoa, sao viết được những câu thơ hiền lành, dễ thương và chất đầy năng lượng đến thế!
Từ motip đời thường, với phong cách của một hồn thơ giản dị, chân thành, đằm thắm mà sâu sắc, Thúy Ngoan đã chinh phục được trái tim bạn đọc một cách nhẹ nhàng, thấm thía. Được biết, đây không phải là kiểu trữ tình nhập vai, mà nhà thơ chính là người trong cuộc. Người mẹ- thi sĩ này đã trải lòng mình chân thật để viết nên những vần thơ có tính riêng tư, chan chứa tình yêu thương con, nhưng lại có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
“Viết tặng con gái” là một trong những bài thơ hay về tình mẫu tử.
Viết giữa mùa cưới 2012
Phạm Văn Chữ
phamvanchu@gmail.com
ĐT: 0915.807028