Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Với "Thăm thẳm mìền sông"

Lê Duy Thái
Chủ nhật ngày 14 tháng 10 năm 2012 2:45 PM


Đọc THĂM THẲM MIỀN SÔNG –tập Bút ký của
DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI -NXB Văn Học – 2012

Ký hấp dẫn ở nội dung phản ánh. Những sự kiện, sự việc, con người, cảnh vật kỳ vĩ hay huyền thoại; nóng bỏng thời sự hay chỉ bình thường, nhưng sâu sắc suy tư, trăn trở nỗi đời, tình người, hồn đất... Trầm tích văn hóa một miền quê, một cộng đồng con người được tác giả soi sáng, khơi gợi trở lên sống động, bật nở những chân lý bất ngờ, cuốn hút chính mình, do đó làm say mê người đọc.
Nội dung ký hấp dẫn đến đâu, người thưởng thức đọc một lần là biết là nhớ, không cần đọc lại cũng nhớ, đọc lại vẫn thấy thêm hay. Câu hay lời đẹp của ký mới là sức hút người đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần.
“Thăm thẳm miền sông” tập Bút ký của Dương Phượng Toại là một tập sách như thế.
Tôi đã đọc nhiều lần bút ký, phóng sự của Dương Phượng Toại trên các báo, trong đó có báo Văn Nghệ, báo Hạ Long, báo Nhân Dân cuối tuần, báo Quảng Ninh... Có bài tôi đã đọc từ khi còn bản thảo. Song nay tôi vẫn thích đọc lại vì hai lý do:
-Một là Hải Dương nơi sinh nuôi tôi ăn học, đưa tôi vào Đảng, trên 20 năm. Chiến trường và quân đội tôi cống hiến tuổi xuân, làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc, hơn 10 năm. Quảng Ninh, Quảng Yên từ 1975 đến nay, gần 40 năm, tôi học hỏi, giảng dạy và sinh sống mà tôi chưa hiểu biết là bao. Tập bút ký này đã giúp tôi nhiều tri thức bổ ích.
-Hai là tập sách đặc biệt hấp dẫn tôi về ngôn ngữ ký văn học. Văn ký của  Dương Phượng Toại nhiều câu hay chữ đẹp. “Thăm thẳm miền sông” của anh đã hoàn toàn thoát ra khỏi ký báo chí khi viết những bút ký, tùy bút, tản văn. Những bài: Quảng Yên-Bến Ngự-Sông Chanh, Người thăng Long bên sông Bạch Đằng, Tiếng vọng một dòng sông, Còn đâu dàn đồng ca mùa mưa, Nhớ tết Đoan ngọ xưa, Miên man theo dòng huyền thoại... là những bút ký đẫm chất văn học. Ở đây, tôi chỉ xin cảm nhận về một nét đẹp trong ngôn ngữ văn học của tập ký.
Nhiều câu văn trong ký Dương Phượng Toại có tâm lực khảm vào hồn người đọc những hình ảnh đẹp về quê hương đất nước. Người đi xa nhớ quê, hướng về Quảng Yên là nhớ những câu văn ấy; hoặc nhớ những câu văn ấy là nhớ Quảng Yên: “sông Chanh như một dải lụa phơi cuối sông Hồng vắt ngang trấn An Bang cổ xưa... Dòng sông ôm lấy các phường xã Hà Bắc- Hà Nam như người mẹ vỗ về hát ru cho cả hai đứa con”
“Chợ Rừng ngày nay mở rộng, xây mới, trông xa như một đóa sen nở giữa phố phường”.
“Trong một đêm mưa, chợt nghe tiếng ếch kêu văng vẳng dưới chân mây”...
Những câu văn gợi lại chiến công hiển hách của dòng sông Bạch Đằng với trận địa cọc lim nổi tiếng thư hùng, có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Dương Phượng Toại có những câu văn độc đáo, sâu sắc rất đồng quê bến bãi:
“Nắng chiều nhuốm màu vàng sậm trên đỉnh ngọn hai cây lim giếng Rừng... Gió gieo trong tán lá như tiếng vọng đại ngàn. Gốc lim lớn như hai pho tượng người lính già cổ xưa...”
“Mùa thu, cây lộc vừng nở những chùm dây hoa đỏ buông xuống đan thành những tấm mành mỏng mảnh như tua mành của những chiếc y môn...”
“Ngày xưa, cư dân Nam Hòa sống như những mảng bèo trôi dạt vào bến bãi...”
“Có những khu ruộng, người cày vẫn vấp sá cày, sá bừa vào mũi cọc. Hương sen cuối mùa còn sót lại thoang thoảng từ những ao đầm ven chân đê...”
“Mũi cọc nhất loạt nghiêng về phía bắc đón lõng đạo thủy binh Nguyên Mông từ sông Hồng tháo ra cửa biển”.  Mỗi chữ “tháo” đã nói đầy đủ thế trận tất thua của quân giặc. Đây là ngôn ngữ của người dân vùng biển dùng khi họ tháo túi đáy, túi vó để trút cá thể hiện vốn sống của tác giả. Quả là “ Nhãn tựu thần tình”
“Nhờ chiến công mà người đời biết đến những tên làng, tên núi, tên sông. Nhưng cũng nhờ hậu thế mà  nhũng tên làng, tên núi sông ấy làm tôn vinh thêm chiến tích đã đi qua”...
Dương Phượng Toại là một hồn thơ, nên văn xuôi chan chứa chất thơ:
“Bỗng có ba người đàn bà váy áo trắng muốt, như ba búp hoa sen từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Làn nước từ thân thể ướt sũng rớt xuống lấp lánh những giọt trăng”,
“Chiếc thuyền tôi như chiếc lá trúc do tay một họa sĩ thả trên bức tranh lụa”
“Nàng Ngóe thả dải yếm lên trời xanh. Dải yếm bay nhẹ nhàng trong gió, rồi từ từ bay xuống mặt sông”...
Văn là tình. Tình đẳng cấp văn hóa là tình say mà tỉnh; chan chứa từ bi mà sáng suốt trí tuệ. Ký Dương Phượng Toại có những câu triết lý hay:
“Đảo Hà Nam trông tựa một con cá chép lớn đang bơi trên của sông Bạch Đằng vươn lên phía Tây Bắc, phía kinh thành Thăng Long... Hà Nam sẽ hóa thân, hương tới đất rồng bay...”
“Không ai từ chối tương lai. Nhưng, dù cuộc sống phát triển đến đâu cũng không để mất đi sự hài hoà kim cổ. Chúng ta cần kết hợp, gìn giữ các nền văn minh trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt như nền móng của ngôi nhà. Móng chắc chắn thì nhà mới rộng mới cao! Phấn đấu nông thôn ngày càng tươi đẹp, đời sống vật chất và dân trí người nông dân ngày càng cao hơn, nhưng vẫn giữ được truyền thống, di sản cội nguồn, chúng ta phải làm sao đây để duy tu, bảo tồn di tích trong đó có di tích các nhà gỗ cổ, kẻo tốc độ “hoá phố” đang xâm thực nhanh chóng các làng quê!...”
“Đôi chân bỗng bủn rủn, tôi sụp xuống như một kẻ tội đồ. Toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Nhìn khoảng hồ cạn, lòng tôi se thắt lại như chính ruột mình vừa bị cắt. Hồ Mạch, một điểm khởi thủy, có ý nghĩa lịch sử...” Đay là một câu văn rút ra từ gan ruột, cũng là một nỗi niềm da diết, một triết lý nhân sinh: sống phải biết yêu quý, trân trọng những gì đã qua.
“Hạnh phúc không chỉ trong đời thường hàng ngày ta có được những gì khát vọng và gặt hái từ hiện thực, mà hạnh phúc nằm ngay trong những giấc mơ, cất cánh từ những huyền thoại và cổ tích...”
Đọc đến đây, tôi nhớ hai câu danh ngôn nổi tiếng thế giới luôn đi liền nhau: “Hãy ước mơ và hãy hành động”
Những câu những chữ có lửa, có hồn, có sức lay động người đọc bởi nó dạt dào vốn sống, chan chứa tình yêu, phong phú tri thức, giàu hình ảnh, khi âm vang, khi day dứt nhịp điệu nỗi lòng. Những câu văn tác giả viết bằng cả một tâm hồn văn chương tinh tế, đọc lên nghe như những câu thơ ngân nga làm ta khó quên. Ngay câu “Quảng Yên-Bến Ngự-Sông Chanh”, “Sông Chanh-Bến Ngự-Quảng Yên” trong Bút ký: “Quảng Yên-Bến Ngự-Sông Chanh” mở đầu tập văn đã tự nhiên tạo thành cụm từ hình như dành cho Quảng Yên và chỉ Quảng Yên mới có. Nó như một câu hát trong lòng người Quảng Yên vậy. Phải chăng đây là thế mạnh bút ký văn học trong bút ký và tản văn của Dương Phượng Toại?
Câu hay chữ đẹp trong “Thăm thẳm miền sông” rất nhiều, khiến những ai có hứng thú không thể không đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc lại sẽ còn phát hiện thêm câu hay chữ đẹp mới.