Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Xe đèn trung thu xứ Tuyên

Vũ Xuân Tửu
Thứ sáu ngày 28 tháng 9 năm 2012 4:59 PM
 Mấy năm nay, phong trào làm xe đèn trung thu ở thành phố Tuyên Quang đã trở nên rầm rộ. Đó là phong trào do dân, của dân và vì trẻ thơ.

 Đã thành lệ, năm nào làm mô hình theo con giáp năm đó, nên năm nay, mô hình trung thu chủ yếu là con rồng. Thôi thì muôn hình vạn trạng, con rồng huyền thoại, có ai nhìn thấy nó bao giờ đâu, nên các tổ dân phố thỏa sức sáng tạo. Có xe đèn lắp cả đôi rồng, có con uốn lượn vòng trong trên không, như kiểu đèn kéo quân, có con lúc lắc từng khúc, có con phun nước, nhả khói, có con sum vầy một bầy long, ly, quy, phượng. Mô hình gà trống khổng lồ vỗ cánh gáy, nom rất dĩnh đạc. Có tổ dân phố làm mô hình theo tích truyện Tấm Cám, với hình nộm bà lão xách giỏ thị, quả thị từ từ mở ra, cô Tấm hiện lên lộng lỗng. Có mô hình là hình con mèo vác chổi đổi con thỏ, cả hai chạy tại chỗ, rối tinh cả lên, khiến trẻ con thích thú cười khanh khách. Rồi thì mô hình sự tích công và quạ, Cổng thành nhà Mạc, Bia Chiến thắng trận địa lôi cây số 7. Học sinh các trường làm thần Kim Quy và mô hình thuyền kéo chở các con vật lạ, ngộ nghĩnh đầy vẻ sáng tạo. (Còn cái mô hình Bia chủ quyền Hoàng Sa, thì không được tham dự, nghe nói, ban tổ chức đã nhắc nhở từ khi thi công, bởi liên quan vấn đề nhạy cảm gì gì đó!).

 Làm xe đèn trung thu, quả là một kỳ công, gồm 2 phần chính là xe kéo và mô hình. Xe kéo hầu hết chế bằng sắt, mặt sàn lát gỗ, diện tích chừng vài chục mét vuông. Có tổ làm thành một đoàn xe nối nhau như tàu hỏa. Bánh xe hơi, hoặc cao su đặc. Tay lái kiểu vô-lăng, hoặc cần lái. Xe kéo thường chỉ làm một lần, hết mùa trung thu lại tháo ra, chờ mùa sau. Mô hình thường hàn bằng sắt, hoặc kết bằng tre nứa, có khi là cả  mấy loại vật liệu cố kết với nhau làm cốt bên trong. Bên ngoài mô hình phất ni-lon, giấy báo, sơn màu lộng lẫy. Bởi làm bằng vật liệu dễ cháy, nên xe đèn nào cũng có bình chữa cháy mang theo. Người lớn thì kỳ công cắt dán từng cái vây rồng, vảy rồng, râu rồng… Trẻ con thì háo hức nhòm xem, chờ sai vặt và nô đùa xung quanh. Tất cả tạo nên không khí náo nức hội làng, thường kéo dài cả tháng mới xong. Vật liệu thì phải mất tiền mua, nên các hộ gia đình phải tự nguyện đóng góp, ít thì dăm chục nghìn đồng, nhiều thì vài ba trăm, vì phần đông là dân buôn bán nhỏ và viên chức. Ngoài ra, huy động các doanh nghiệp ủng hộ. Mỗi xe đèn tốn khoảng hơn chục triệu đồng trở lên. Công sức thì bà con dân phố tự nguyện tham gia, nào là thợ hàn, thợ mộc, thợ điện, thợ cơ khí, thợ máy, thợ âm thanh… thôi thì chuyên nghiệp và nghiệp dư, đủ cả. Thợ hàn thì lo hàn khung. Thợ mộc lo đóng sàn. Thợ điện, thợ máy thì lo máy nổ, ác-quy và lắp điện chiếu sáng, đèn trang trí. Thợ âm thanh lo loa, đài, đĩa nhạc… Tất cả om sòm cả lên, nào là tiếng chặt sắt, cưa gỗ, tiếng cãi vã, ai cũng có ý tưởng nhất…

Đêm qua, mười một tháng Tám, tổng duyệt, các xe đèn phải tập kết từ 2 giờ chiều. Toàn thành phố có 67 xe đèn  trung thu tham dự. Từ quảng trường Nguyễn Tất Thành, bên hữu ngạn sông Lô, diễu hành qua tuyến đường Bình Thuận, Tân Trào, 17 tháng Tám, Quang Trung… Máy nổ rầm rầm, loa đài rộn ràng, điện màu lung linh, trẻ con reo cười náo nức. Đứng hai bên đường đón xem có hàng vạn người. Không biết người từ đâu đổ về mà đông thế. Tôi hỏi, có mấy bà bảo, từ tận Chân Sơn ra. (Chân Sơn- Núi Là, nơi cố nhà văn Lan Khai làm nương khi xưa…). Hàng ngàn máy ảnh, ca-mê-ra và điện thoại di động chụp hình, quay phim…
Chúng tôi đi đẩy xe đèn, mỏi rã rời cả chân tay, mà lòng vui lâng lâng.
Tối mười tư này là vào hội chính.

Thành phố Tuyên Quang, 12 tháng Tám, Nhâm Thìn.
VXT