“Người dân phải chia sẻ và hy sinh hy sinh cho thủy điện!” là phát ngôn của ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý Dự án thủy điện Sông Tranh 2. Theo người viết đây là một câu nói giàu tính hài hước đồng thời cũng khá… vô duyên!
Một câu nói nhiều tính áp đặt khi “dân phải…”, chứ không phải là “dân thông cảm, dân làm ơn”. Và cái dân “phải” ấy là điều người viết đoan chắc chẳng muốn chút nào! Sao dân lại “phải thế này, thế nọ”, trong khi dân vốn được gọi là…chủ?
Dân phải làm sao?
Không chỉ người dân ở Trà My, Quảng Ngãi chịu đựng mà người dân Việt nói chung, chịu đựng và chịu đựng rất nhiều! Nếu không vì thủy điện dày đặc thì đâu có những trận lũ từ Bạ Hạ, A Vương…
Không có một loạt các bậc thang trên sông Đồng Nai thì UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã không gửi công văn kiến nghị Chính phủ về các tác hại nhãn tiền cũng như lâu dài. Và các chuyên gia về sinh thái, môi trường, văn hóa cũng cảnh báo rõ ràng về việc thủy điện đã làm biến mất nhiều giá trị cốt lõi mà đáng ra phải trân trọng và gìn giữ.
Người dân sẽ chia sẻ và hy sinh, nếu điều đó vì lợi ích chung. Nhưng làm sao chia sẻ và hy sinh nếu quyền lợi chỉ ngả về hướng chủ đầu tư thủy điện sông Tranh 2?
Một chủ đầu tư dám nói vết nứt trên thân đập nước tràn xối xả là… sự cố nhỏ, dám ngăn cản đoàn đại biểu Quốc hội đến thị sát công trình lẫn báo chí đưa tin. Một chủ đầu tư vừa thiếu minh bạch vừa hành xử bất chấp pháp luật và công luận thì liệu có đáng để chia sẻ và hy sinh không?
Ai chia sẻ và hy sinh cho người dân quanh vùng thủy điện sông Tranh khi các ngôi nhà nứt toác, trần nhà rơi có thể gây thiệt hại về tài sản lẫn tính mạng của gia đình mình?
Ăn một bữa cơm, uống một chén trà hay muốn chìm vào giấc ngủ, liệu có thể yên không khi nền nhà rung. Dân sợ động đất vì thủy điện đến mức phải dọn ra lều tranh ở tạm thì còn đòi dân “chia sẻ, hy sinh” cái gì nữa đây?
Đến trâu bò còn sút dây, xổng chuồng như điên loạn vì sợ động đất, thì những người có suy nghĩ, có lương tâm nên lo lắng hơn trước cái họa “nhân tai” từ thủy điện Sông Tranh 2. Tiếc thay, vẫn có những người không lo cái lo của dân…
Chuyên gia cũng có… năm, bảy loại
Cách đây hai năm, trong một cuộc hội thảo về việc dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong khuôn viên vườn Quốc gia Cát Tiên, người viết từng đặt câu hỏi: “Nếu đơn vị tư vấn giám sát đưa ra các yếu tố thuận lợi cho dự án nhưng sau đó xảy ra sự cố thì có phải ra tòa không?”
Khi ấy đã rất nhiều người bật cười, trong đó có không ít nhà báo. Nhiều người sau ấy thân tình bảo các chuyên gia chỉ đánh giá trên số liệu và đưa ra nhận định, nên hỏi như vậy làm gì…
Sau đó ít lâu, hai dự án thủy điện này được phát hiện làm báo cáo đánh giá tác động môi trường rất cẩu thả. Nội dung được sao chép từ một dự án khác một cách thô thiển. Làm lại lần nữa cũng chẳng khá hơn, với một bản báo cáo giàu thủ thuật văn bản mà ít yếu tố khoa học. Hiện nay bản báo cáo đánh giá tác động môi trường mới nhất vẫn “trong vòng bí mật”…
Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị gần đây có bài viết “Dân đáng bị mắng hay nhà khoa học đáng phải ra tòa?” của GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Sydney, Úc nêu lên một thực trạng tại Việt Nam: Khi bênh vực quyền lợi của chủ đầu tư, nhà khoa học sẵn sàng mắng dân “kém hiểu biết”. Trong khi đó, tại nước ngoài, các nhà khoa học thậm chí phải ra tòa vì đánh giá sai nguy cơ của dự án. Hiểu nôm na là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Mặt khác, nhiều phóng viên kinh tế cũng chia sẻ sự hoài nghi đối với các chuyên gia về việc phát ngôn của họ.
Ví như có lần, một chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ lên trong vài ngày tới, thì y như rằng, tuần sau sẽ gặp cảnh cổ phiếu đỏ sàn. Chuyên gia bảo giá vàng sẽ lên đến 50 triệu đồng/lượng khi đang 49 triệu/lượng thì vàng nhanh chóng quay đầu về… 44 triệu đồng/lượng..v.v.
Nghĩa là những dự báo của các chuyên gia luôn đáng …nghi ngờ. Còn về tư cách, có thể tìm hiểu bao gồm việc ai trả tiền để anh/ chị nói điều đó, nó có lợi cho ai, nó có thể gây ra hậu quả như thế nào… Bởi chuyên gia cũng có năm, bảy loại!
Và trong sự nhập nhằng hiện nay giữa một đánh giá, nhận định theo kiểu “dân phải thế này, dân phải thế kia” theo hướng không có lợi cho dân thì đúng là phản cảm!
Nó càng phản cảm hơn khi được tiếp sức bởi những nhà khoa học mắng dân “kém hiểu biết”. Con người, nếu không được ăn học mà ngu dốt, kém cỏi là một vấn đề. Nhưng biết mà không nói hoặc nói khác đi bản chất câu chuyện, lại là một vấn đề khác….
Nhiều khi thấy cảnh “công bộc của dân” mắng dân “kém hiểu biết”, người viết tự hỏi họ có quên mất rằng người dân mới là chủ đất nước không nữa?
Theo VNN