Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Số 0 và số 1

Trần Huy Thuận
Thứ ba ngày 3 tháng 7 năm 2012 5:00 PM
 
 Số “không” là số không có giá trị gì cả, dù cho có tập hợp cả ngàn, cả triệu, cả tỉ tỉ số không, vẫn thế mà thôi, nghĩa là vẫn không có chút giá trị gì! Nhưng đấy là lúc nó đứng ở vị trí đằng sau dấu phẩy hoặc trước số nguyên. Còn khi số không đứng vào vị trí trước dấu phẩy, sau số nguyên, thì vấn đề đã trở nên khác hẳn. Số không lúc này, càng có giá trị khi lực lượng càng đông. Đấy là điều các em lớp 1 cũng biết!
 Số “một” là số có giá trị thấp nhất trong 10 chữ số. Càng ít giá trị nếu nó lại đứng sau dấu phẩy. Lớp một là lớp thấp nhất bậc tiểu học. Điểm một là số điểm thấp nhất (nếu như thày cô thương tình không đến nỗi hạ bút cho… “0,5” điểm!). Gió cấp 1 là gió có cường độ nhẹ nhất, muốn trở thành bão phải là gió cấp 8 cấp 9 trở lên. Nhưng xét học lực mà em nào xếp thứ nhất thì danh giá rồi – danh giá cho em, cho gia đình em, cho họ tộc em và cao nhất là cho Tổ quốc em nếu như em được xếp thứ nhất trong một cuộc thi Quốc tế! Trong cuộc sống, phần lớn cái gì đã được xếp hạng nhất, thì đều có giá trị, từ một cuộc thi thể thao (người ta còn gọi là “vô địch” – không có ai địch nổi), thi người đẹp, đến việc xếp hạng sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân… Nhưng cũng có loại khi “được” xếp hạng nhất, lại làm cho người đời kinh tởm: Quan tham, côn đồ, đĩ điếm chẳng hạn. 
 Khi nói “vô (không) giá trị” thì có nghĩa chả có giá trị gì sất. Nhưng vẫn câu đó, nếu bỏ đi một (1) chữ “trị” thì lại có nghĩa hoàn toàn ngược lại: “vô giá”! “Không” và “một” lúc này có “giá” lắm đấy chứ!
 Số không và số 1 đã tạo nên cuộc CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI NHẤT không chỉ trong lĩnh vực KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, THÔNG TIN mà còn ảnh hưởng vô cùng to lớn đến mọi hoạt động XÃ HỘI. Chỉ dựa vào sự sắp xếp số lượng những sô không và số 1 mà nhân loại biết được rất nhiều, mở mang đầu óc ra rất nhiều.
 Có người nói: “Khi chết, con người không mang theo bất cứ một cái gì, từ tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, vợ hiền hay gái đẹp…- tất cả chỉ còn là MỘT SỐ KHÔNG TRÒN TRĨNH mà thôi”. Nhưng cổ nhân lại nói “Trâu chết để lại da, người chết để lại tiếng”. Cái “tiếng” ở đây có loại “thơm” và có loại… “không ngửi được”. Loại không ngửi được thì rõ ràng chết vẫn không yên!
  Người lớn chúng ta mới rút ra rằng: Thoáng thấy một cái gì đó không có giá trị gì hoặc giá trị rất thấp, chớ vội coi thường. Nếu thay đổi vị trí, giá trị của nó sẽ khôn lường!
3/7/2012.