Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trẻ em- sách và nhân tính.

Bich Nga
Thứ ba ngày 26 tháng 6 năm 2012 6:42 PM

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6
        

Khi bắt đầu có cháu, được làm bà, tôi mới thấy mình yêu các cháu như thế nào. Và cũng mong muốn những đứa cháu của mình nên người, nhân hậu, hiếu nghĩa và thành đạt.

             Tôi hay vào hiệu sách tìm mua các sách , chủ yếu là truyện tranh cho các cháu. Khi cháu còn bé tí, chưa đầy năm thì tìm sách có các hình con vật, bông hoa, …Khi cháu biết nói thì nhu cầu tiếp xúc với sách tranh lại nhiều hơn, các cháu đã thể hiện sự thích thú, nên tôi cố gắng lựa những cuốn sách hay và hợp với các lứa tuổi của các cháu như sách có các chữ cái, chữ số, hình vuông, hình tròn, màu vàng, màu xanh...và các truyện kể đơn giản cho trẻ.

 Tôi có đứa cháu gái mới 20 tháng tuổi,hiện đang ở Úc, nói rất sõi và đã biết đủ thứ. Bố mẹ cháu cũng có ý thức tìm đọc các loại sách hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng con, về ăn uống và định hướng nhận thức của cháu bé. Những quyển sách truyện tranh các cháu chọn cho con theo tháng tuổi, với các chủ đề phong phú về thiên nhiên, như các con vật như gấu, hổ, thỏ, kanguru, chuột, lợn, các các loại hoa, cỏ, cây, các em bé, các nhân vật trong truyện cổ tích… Những con vật chơi với nhau rất thân thiện, kết thúc là các bạn nắm tay nhau nhảy múa. Ngay cả truyện nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn cũng vậy, họ chỉ chọn lựa những hình ảnh đẹp, nhân ái để in cho trẻ xem. Bé ít tháng tuổi có loại riêng của bé, lớn hơn một chút lại có loại sách khác. Họ hướng cho trẻ thơ đến với thiên nhiên, đến với những con vật, kể cả ác thú, đều là bạn của nhau, chơi với nhau thân thiết, trong những khu rừng đầy hoa, quả, mật ong… không bao giờ họ nói về những cái ác của các loài ăn thịt như hổ, báo, chó sói…. Các bậc cha mẹ khi cho bé xem thường nói với bé: “ Bạn Lợn, bạn Hổ, bạn sư tử, bạn thỏ…đang múa hát vui quá”.

Cháu tôi được bố mẹ mua cho rất nhiều sách tranh kể chuyện đơn giản. Cháu xem sách tranh thích lắm. Cháu chơi với bà thường đưa sách cho bà và nói, bà đọc cho cháu nghe. Rồi cháu chỉ vào các con vật và nói, bạn Lợn đẹp quá đi, bạn Pooh ( bạn gấu ) đang đi tìm mật ong, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn kìa… Các con vật là “ bạn” của cháu. Cảnh thiên nhiên, con người, con vật sống hiền hoà bên nhau được ghi đậm nét qua sách truyện cho trẻ thơ.  Khi hướng dẫn cho bé xem sách, tôi và các con tôi giảng giải cho bé theo ngôn ngữ của bé chứ không bê nguyên xi những câu chữ ghi trong sách tranh ra kể, bởi bé đã biết đọc đâu. Bà, bố, mẹ chọn lọc sách và dùng ngôn ngữ trẻ thơ để đưa bé vào “ Thế giới thần tiên” của bé.

 Các nhà làm sách và các nhà xuất bản thấy được sách, nhất là các quyển truyện tranh tác động đến nhân cách và tâm hồn của trẻ rất nhanh nên sách xuất bản cho trẻ em rất nhiều. Các cô bán sách cũng hướng cho cha mẹ tìm sách đọc theo lứa tuổi cho con cái họ. Khi về đọc sách cho con nghe, bố, mẹ biết cách dẫn chuyện cho hợp với tư duy của bé, thận trọng khi biết chỗ nào có những đoạn văn tác động mạnh tới tâm hồn trẻ để giải thích cho trẻ hiểu, hoặc tránh đi những câu nói về bạo lực là tốt nhất nếu bé chưa biết đọc thì các cuốn sách mới có tác dụng tích cực với trẻ. 

            Tôi thấy vui vì các con tôi đã biết cách dạy con theo sách, vì có đứa con đầu lòng nên các cháu chưa có kinh nghiệm nuôi và dạy con. Sách chỉ dẫn nuôi dạy trẻ ở Úc rất cụ thể, không chỉ nuôi dưỡng mà còn phải chú ý rèn trẻ, một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Khi cháu được 13 tháng, sau những ngày được các bà giúp, đến lúc các con phải tự lo, thời gian ấy bé rất bướng bỉnh, không chịu ngồi ăn trên ghế riêng, và ăn rất lâu mới xong một bữa. Bố mẹ cháu quyết cho con vào nề nếp. Đúng giờ ăn, bé phải ngồi vào ghế để ăn, bữa ăn không kéo dài quá 40 phút. Không chịu ăn thì dọn đi. Sách dạy nuôi trẻ có nói, chỉ cần bé ăn thức ăn khối lượng bằng lòng bàn tay của bé là bé không thể chết đói được. Vì thế, con ăn ít và mè nheo, nhưng bố mẹ không chiều theo bé. Những ngày đầu, cái cảnh con không ăn được, đến giờ mẹ cứ dọn đi, con khóc cũng cứ để cho nó khóc, vì biết , trên 1 tuổi trẻ đã biết đòi hỏi bố mẹ và quyết đòi cho bằng được những gì chúng thích. Thấy con khóc, không chịu ăn, bố mẹ cũng thương xót lắm. Mẹ tránh ra chỗ khác mà khóc vì thương con. Nhưng cô bé này rất khôn, thấy chẳng lay chuyển được bố mẹ nên dần dần bé đã phải phục tùng, không mè nheo, khóc lóc nữa. Bố mẹ thường chỉ nói một, hai lần những yêu cầu với bé, ví dụ:“ Bé yêu bố mẹ, bé uống sữa đi nào”, như nói với một thành viên trong gia đình đã biết suy nghĩ và nhìn thẳng vào mắt bé. Cuối cùng, bé chịu thua và làm theo yêu cầu của bố mẹ một cách tự giác. Chỉ một tuần sau đó là bé đã theo được nếp ăn uống nghiêm chỉnh, khi ăn phải ngồi ở bàn của mình, đi ngủ đúng giờ ( từ 8,30 đến 9 giờ tối). Những ngày đầu, bé bị sút hơn 1kg vì không chịu ăn. Một tuần luyện, bé bắt đầu vào nếp, và khi có người giúp việc thì bé đã ăn, ngủ đúng giờ và một tháng sau thì lên cân trở lại. Vì ăn, ngủ đúng giờ nên mọi sinh hoạt khác cũng dễ dàng hơn. Ngay cả khi mẹ quyết định cai sữa đã nói với bé: “ Ti cay lắm, hôm nay bé đừng bú mẹ nhé”. Thế là đêm đó bé trằn trọc mãi không ngủ được nhưng không đòi ti, những ngày sau đó cũng vậy, bé đã thôi bú mẹ.

            Tôi có hỏi, vì sao bé lại nghe lời như vậy.? Con gái tôi nói, chúng con coi bé là một thành viên có ý thức  nên nói chuyện với bé như nói với mọi thành viên trong gia đình. Có điều là phải lựa chọn ngôn từ phù hợp với bé để bé có thể hiểu và thực hiện được. Khi chỉ các con vật ở truyện tranh, chúng con đều dùng những từ ngữ rất nhẹ nhàng, thân thiết, coi những con vật như bạn của bé, đang chơi với bé, đang nói chuyện với bé, nên bé yêu tất cả con vật ở truyện tranh. Chúng con thống nhất với nhau, không bao giờ nói to hoặc cáu kỉnh với cháu. Có những lúc cháu buồn ngủ quá, có thái độ cáu kỉnh thì chúng con nói: “ Bình Ann( tên của cháu)yêu bố mẹ không cáu kỉnh”. Những lời nói ấy vào cháu từ bao giờ không biết, mà có lần, vợ chồng con hơi phật ý nhau, khi bế cháu, cháu nói: “Bố mẹ yêu con, bố mẹ không cáu kỉnh!” làm cho chúng con hốt hoảng bởi sự sơ xuất của mình.

 Tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm, còn rất bé, chúng đã cảm nhận được tình yêu thương. Chẳng thế mà, sau khi con tôi sinh cháu được 5 tháng thì tôi về Việt Nam. Ở với cháu, tôi hay chơi trò “ Ú oà” với cháu, khi tôi về , mấy ngày sau, bố mẹ chơi trò ấy với bé, bé đã khóc oà lên. Nhiều lần như thế, bố mẹ mới phát hiện là bé nhớ bà ngoại. Sau, bố mẹ không chơi trò ấy nữa bé mới thôi khóc.

Khi tôi sang lần này, bé đã được 20 tháng, nói sõi và hiểu nhiều điều, thuộc rất nhiều bài hát, biết các màu sắc, biết các hình khối và biết líu lo kể chuyện. Nhưng những tiếng có chữ L thì cháu nói là N. Hỏi ra thì biết, bà giúp việc nói ngọng chữ L và N nên bé cũng chưa sửa được vì những ngày tập nói những chữ đầu tiên bé ở với bà giúp việc nhiều thời gian quá nên nói cũng giống bà.

Biết cháu rất thích sách , bà giúp việc có đưa tới cho cháu mấy cuốn truyện tranh Việt Nam do nhà xb Kim Đồng ấn hành. Bố cháu đã đọc và nói, sách này không hợp với cháu. Tôi có đọc mấy cuốn truyện tranh bà ấy đưa lại như cuốn Nàng tiên cua, Sự tích con khỉ, Chàng học trò có chí, Chàng Ngốc và gã bợm. Xem xong tôi thấy con rể nói đúng, không thể đọc nguyên si cho cháu bé được, mặc dù cháu thích lắm, cứ đòi bà cho xem.

Tôi không phê phán gì về nội dung các cuốn sách, vì nội dung của nó- thuộc  loại văn chương truyền miệng, truyện cổ tích, ai là người Việt Nam đều biết. Nhưng nếu nó nằm trong một cuốn truyện viết cho người lớn và trẻ lớn thích đọc và hiểu biết thì lại là chuyện khác. Nhưng đây là truyện tranh, thường là những ấn phẩm các bậc cha mẹ hay mua cho trẻ tuổi ấu nhi xem, hoặc tuổi nhi đồng đọc, cần phải lựa chọn ngôn ngữ khi viết. Vì  nội dung của truyện cổ tích đã được sưu tầm bằng ngôn từ viết cho người lớn xem, bố mẹ mua về không biết chọn lọc, đọc nguyên xi cho con nghe thì thật nguy hiểm. Chẳng hạn truyện Nàng Tiên cua, có đoạn: “…Tìm mãi không thấy nàng đâu, lão tức giận châm lửa đốt hết vườn tược, nhà cửa. Bất chợt sấm chớp nổi lên, mưa ào ào trút xuống. Một tiếng sét nổ vang giáng trúng tên nhà giàu khiến lão chết không kịp ngáp…”( Nhà xb Kim Đồng, chịu trách nhiệm xuất bản Phạm Quang Vinh, chịu trách nhiệm bản thảo Nguyễn Huy Thắng, biên tập Trần Hà, trình bày Bich Hồng- tháng 2/2009, tr 30). Hay truyện Chàng học trò có chí, có đoạn

“ …Thì ra khi bị người chồng ném cuốc vào người, nàng chỉ ngất lịm đi. Người chồng tưởng vợ đã chết thì sợ mang tội giết người nên vội đem chôn cất..”(trang 18, sách đã dẫn,  như trên)… Quyển sách truyện cổ tích nào cũng nói đến cái thiện, cái ác, cái thiện thắng cái ác. Truyện tranh do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành nên đối tượng chính là trẻ em. Nếu trẻ đã có nhận thức, và người lớn biết chọn lọc sách cho trẻ theo lứa tuổi thì điều ấy khỏi phải bàn. Nhưng, đa số, các ông, bà, bố, mẹ cứ thấy tên Truyện cổ tích thì mua cho con cháu đọc, nhiều khi còn nhấn mạnh những từ viết về cái ác để bé lo sợ mà tránh sau này. Nhưng thật ra, những điều kinh khủng xảy ra ở trong sách đối với người lớn thì không sao, nhưng điều ấy lại làm cho tâm hồn trẻ thơ của bé run rẩy và sợ hãi, có khi để lại dấu ấn rất đậm sau này, có thể bé sẽ ghét cái ác, mà cũng có thể coi cái ác là “bình thường”(như hình ảnh chơi Gemes sau này). Nếu là nhà tâm lý học, nhà giáo dục học và những bậc cha mẹ cẩn thận, e rằng họ rất lo nếu những từ ngữ, hình ảnh ấy xâm nhập vào trí nhớ và tâm thức của đứa trẻ, như tờ giấy trắng, đang ghi những gạch đầu tiên vào bộ não non nớt của mình, để rồi có những diễn biến trái chiều nhau khác với những gì người lớn mong đợi.

  Các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rõ , trước 6 tuổi, não bộ của trẻ đã phát triển gần như người trưởng thành. Vì thế, mọi điều định hướng cho trẻ phải làm từ rất sớm để trẻ có được tư duy đúng đắn và một tâm hồn trong sáng, mang đậm nhân tính. Vì vậy các bậc cha mẹ, ông bà, người lớn thường xuyên tiếp xúc với trẻ rất cần sự thận trọng, chọn lọc những gì cần được đưa vào đầu cho trẻ. Thiếu cẩn trọng sẽ có hậu quả sau này, một thế hệ , thậm chí nhiều thế hệ mất dần đi nhân tính, Cái Ác hiện hành nhiều khiến cho Cái Thiện khó thắng thế.

 Thật đáng sợ khi xem các tin tức của báo chí đưa tin hàng ngày hiện nay, cả thế giới, và cả Việt Nam, những cảnh giết người man rợ xuất hiện như thời dã man, nguyên thuỷ.

Phải chăng chúng ta đã quá coi trọng dạy  kiến thức sách vở mà ít chăm lo việc nuôi dưỡng nhân tính cho trẻ qua tấm gương tốt của cha mẹ như , cha mẹ yêu thương, tôn trọng nhau, không đánh mắng nhau trước mặt con, con cháu hiếu nghĩa chăm lo đến cha mẹ…. Các cha mẹ trẻ quá lạm dụng phương tiện thông tin đại chúng như cho con xem tivi quá nhiều, không có sự chọn lọc sách truyện, sách tranh, sách giáo khoa cho con học, các đồ dùng, các đồ chơi, chương trình tivi…cho các con chơi. Cái gì làm cho trẻ, dùng cho trẻ phải được thống nhất, có hệ thống liên hoàn. Tivi có giờ riêng phát để cho các bậc cha mẹ cho con xem, không quá 20 phút cho trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ phải cương quyết thực hiện. Việc tạo dựng, nuôi dạy Nhân tính cho con từ cái nhỏ, như chia cho bạn quà, nhường cho bạn đồ chơi, vuốt ve các vật nuôi như chó, mèo con, không đá nó hoặc đánh nó…Những việc nho nhỏ nhưng lại giúp cho bé có tình yêu thương. Việc giáo dục con trẻ cần được một cơ quan giáo dục hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện để các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm giáo dục con trẻ có phương pháp giáo dục trẻ phù hợp với sự phát triển của cá nhân và thời đại.

Mặc dù hiện tượng “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là có thật, bởi khí chất của mỗi đứa trẻ được sinh ra rất khác nhau, thậm chí có dị biệt. Cho nên các bậc cha mẹ và những nhà giáo dục phải biết phát hiện tính cách của trẻ để từ đó có cách uốn nắn, định hướng cho trẻ phát triển thành một công dân có ích, có trí tuệ, ý chí, nghị lực vượt khó và nhất là biết chia sẻ với đồng loại những hiểm nguy và niềm vui trong cuộc sống, thực sự là Người, có lòng nhân ái, bao dung -  Nhân tính -  khác hẳn phần Con ( thú) còn sót lại đã khiến xã hội Loài Người lo ngại. Trong quá trình nuôi dạy con, công việc khó nhất của đời người, chúng ta càng nhận rõ, gieo hạt nào, gặt đúng hạt ấy ./.

(Đăng ở TC Đời sống gia đinh và văn hien.vn 6/2012)