- A lô, bố à, gửi thêm tiền ra cho con đưa mẹ đến bệnh viện chữa bệnh.
- Ô hay, đã đưa tiền đủ rồi mà. Tiền thuốc men, tiền ăn, tiền lưu trú.
- Còn thiếu khoản tiền bỏ vào phong bì dúi tay cho các bác sĩ, y tá.
- Kìa, lãnh đạo Bộ y tế đã bảo nếu bệnh nhân không đưa tiền cho thầy thuốc thì thầy thuốc đâu có hư. Để trong sạch đội ngũ cán bộ ngành y tế, con không nên đưa tiền.
- Bố ơi, không đưa tiền, bác sĩ lạnh nhạt, thờ ơ khi chữa bệnh cho mẹ thì chỉ có chết.
- Đã bảo không đưa tiền là không đưa tiền. Bố nói lại: “ Lãnh đạo Bộ Y tế đã bảo thầy thuốc hư là do bệnh nhân đưa tiền. Cần nghe họ, không đưa tiền, tự khắc thầy thuốc sẽ trong sạch, phục vụ nhân dân, trong đó có mẹ của con tốt hơn”.
- Bố ơi, họ nói là nói vậy thôi. Bây giờ một số cơ quan quản lý khi làm công việc nào chẳng ra gì là lại đổ lỗi cho dân. Chẳng phải trong lĩnh vực y tế, khi y đức yếu kém họ bảo là tại bệnh nhân, mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ: hiện nay mũ bảo hiểm rởm nhập tràn lan, sản xuất tràn lan, họ buông lỏng quản lý, chẳng kiểm tra, ngăn chặn, thậm chí để cho bày bán dăng dăng trong các cửa hiệu và trên nhiều vỉa hè ở các phố đông người qua lại. Thấy nguy hiểm quá, báo chí lên tiếng thì họ lại không kiểm điểm, truy cứu trách nhiệm cơ quan quản lý thị trường mà đổ lỗi tại dân mua mũ bảo hiểm rởm và đề xuất xử phạt người dân nào đội mũ bảo hiểm rởm.
Lại ví dụ: thực phẩm bẩn hiện đang tràn lan trên thị trường, từ thức ăn khô, hoa quả có hóa chất độc hại, thịt lợn dùng hóa chất độc hại tạo nạc cho tới chân gà vịt, lục phủ ngũ tạng lợn đã thối, được xử lý tẩy bằng hóa chất rồi đưa ra thị trường bán. Dân ta thán thì những người quản lý thị trường lại đổ lỗi: sở dĩ tồn tại tình trạng thực phẩm bẩn là có lỗi của người dân, ai bảo dân cứ mua thực phẩm bẩn ăn, và họ cao giọng dạy mỗi người dân phải là một nhà thông thái khi ra chợ, biết phân biệt mớ rau, cân thịt, con cá nào là thực phẩm bẩn, chẳng hóa ra dân phải có đủ kiến thức và thiết bị để kiểm tra các loại thực phẩm thay cho các nhà quản lý thị trường sao?
Lại ví dụ : ……..
- Kìa con, không phải lúc nào các nhà quản lý không hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao cho cũng đổ lỗi cho là tại dân đâu. Nhiều người cũng tôn trọng dân, biết dựa vào dân ra phết đấy. Chẳng hạn chuyện lãnh đạo một quận ở thành phố nọ cùng nhà đầu tư phá bỏ công viên mang tên “CV…” để xây chợ, trước khi triển khai dự án đã báo cáo lên lãnh đạo thành phố họ đã cẩn thận xin ý kiến của dân cư tại đó, dân đã đồng ý, đồng tình, đồng thuận, hăng hái ủng hộ việc xây chợ này. Tôn trọng dân đến thế cơ mà.
- Bố ơi, chuyện đó bố chỉ biết có một nửa là họ báo cáo lên thành phố như vậy, còn nửa thứ hai bố không biết là: Lãnh đạo thành phố trăn trở công viên thành phố đã ít, công viên này lại ngay cạnh trường học, nếu bỏ đi xây chợ thì ồn ào, xô bồ, ảnh hưởng đến học sinh. Mặt khác, thấy quận báo cáo dân đã đồng thuận nhưng sao dân vẫn gửi đơn thư lên kiến nghị bỏ dự án phá bỏ công viên để xây chợ này, bèn xuống kiểm tra tại chỗ, mới tá hỏa khi nghe dân bảo: Họ báo cáo bịa thế thôi, chứ nào có thấy ai thèm hỏi gì chúng tôi, gặp gỡ chúng tôi, phát phiếu thăm dò ý kiến của chúng tôi đâu.
Cho nên, bố ạ, họ không hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao thì đổ lỗi luôn là tại dân, còn khi muốn làm việc gì bậy thì họ lại lấy dân ra che chắn, báo cáo không trung thực là thực hiện ý nguyện của dân, để việc làm sai đó được trên cho phép tiến hành. Con thấy làm dân khổ thật, kiếp sau con chả làm dân nữa đâu!
Nguyễn Đoàn