Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhìn về tương lai giáo dục Việt Nam

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ tư ngày 27 tháng 6 năm 2012 6:05 PM

  Năm học 2006, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN THIỆN NHÂN phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và không vì thành tích” – tóm gọn là “Hai không”. Ngay kỳ thi tốt ngiệp THPT năm đó, kết quả dù là thảm hại nhưng dư luận xã hội lại mừng vì như lời Bộ trưởng nói rằng nếu không dũng cảm chấp nhận sự thật đau lòng ấy để quyết tâm chấn chỉnh kịp thời thì sẽ là “đại họa cho dân tộc”. Đảng lãnh đạo coi đó như là một nhân tố mới tích cực cần ra sức ủng hộ, khuyến khích, động viên và hỗ trợ phong trào.
  Thế nhưng ngay từ đầu nó đã bị dội những xô nước lạnh bởi chính những quan chức chóp bu phá rối chủ trương nhà nước! Trùng thời điểm đó có hai sự kiện được đăng tải trên báo chí mà nhiều người vẫn nhớ: Một là tại cuộc thi tuyển viên chức của Bộ GD&ĐT, bà vụ trưởng một vụ quan trọng dắt em gái vào phòng riêng ngay tại văn phòng Bộ giải bài thi mà lẽ ra nơi này phải được giữ nghiêm cẩn và gương mẫu nhất. Sau đó không thấy thông tin về việc xử lý người thi và người bảo trợ vụ việc này ra sao! Tiếp sau đó trong kỳ thi tuyển hệ cao học trường Hành chính quốc gia, một quan chức lớn hơn, đường đường trong cương vị ủy viên TW Đảng, thủ lãnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mang tài liệu vào phòng thi và mở ra xem, bị bắt quả tang. Vụ này vì áp lực nội bộ và xã hội quá lớn, nhà lãnh đạo bị nhận án kỷ luật gọi là “khiển trách”. Sau một thời gian thuyên chuyển vòng vo rồi ông ta lại lên ngồi ở vị trí cao hơn! Đó là tiền triệu báo hiệu cuộc cải cách giáo dục khó thành! Ông bộ trưởng nêu nguyên do bởi sự suy thoái đạo đức của xã hội, của người thầy và của học sinh. Mấy ai chẳng biết không ít vị chức sắc thời gian đi học thì ít, đi họp thì nhiều mà cũng có đủ các bằng đại học và học vị khiến người nghe sởn gai ốc lên! Cái nạn “học giả bằng thật” và “học thật bằng dởm” làm sang cho cái chức, tăng oai cho cái quyền khiến qui chuẩn văn hóa chỉ là hình thức đang là một thực tế gây nhức nhói trong toàn xã hội, muốn phanh phui ra không dễ nói chi là cải cách? Học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh hẳn không ít người biết trong lý lịch ở Quốc tế cộng sản về trình độ văn hóa, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc khai: tự học. Đó là sự khiêm nhường mà cũng là bản lãnh văn hóa của vĩ nhân!
Có nhà quản lý giáo dục nói thẳng ra do năm đầu, các địa phương chưa kịp ứng phó nên nhiều nơi đạt kết quả thấp một cách bất ngờ nhưng chỉ một hai năm sau đó thành tích giáo dục được phục hồi nhanh chóng và còn khả quan hơn! Ai cũng biết đó không là thực chất nhưng không dám hoặc không thể khui ra! Kỳ thi THPT năm nay, trong khi cơ quan quản lý thông báo “cuộc thi cơ bản là nghiêm túc và thành công” thì xuất hiện các đoạn video clip về những lộn xộn thi cử ở trường PTTH Đồi Ngô (Bắc Giang) là điều tất nhiên để dư luận đặt ra câu hỏi: Đây là chuyện cá biệt ở một hội đồng thi? ở một tỉnh? hay đại trà cả nước? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói có trong tay vài clip nữa ở mấy hội đồng thi khác nhưng nếu tung ra thì “không còn đất sống”! Một trăm người thi chỉ một người không đậu là kết quả mỹ mãn không bất ngờ mà cũng thật bất ngờ! Trong các mục tiêu chống tiêu cực thì chống tiêu cực trong giáo dục tưởng như dễ nhất mà cứ loay hoay bế tắc có nghĩa là tiêu cực đã thành căn bệnh xã hội trầm kha!
Cũng như nhiều ngành khác, căn bệnh thành tích bao nhiêu lâu nay đã thành thâm căn cố đế làm biến dạng một xã hội! Nó như “mối bòng bong” rối rít chằng chịt lấy nhau! Các nhà quản lý giáo dục nan giải vì nếu cứ nghiêm túc cầu toàn thì chẳng những thành tích không còn mà mỗi năm lượng học sinh hỏng thi ngồi học lưu ban cứ tăng thì không còn chỗ cho các em từ lớp dưới lên! Trách nhiệm sẽ không còn chỉ là của một ngành giáo dục khi hàng năm thêm số đông thanh niên nam nữ học hành dang dở lại không nghề nghiệp lao vào đời, xã hội càng rối tung lên! Còn đâu là ưu việt? Đó là cái vòng luẩn quẩn!
Ai cũng đậu cần thi làm chi nữa?
Trước thực trạng ấy ngày càng có nhiều ý kiến yêu cầu bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT! Thoạt nghe cảm thấy khó thông vì xưa nay có học phải có thi mới rõ thực học thực tài. Có thi tất phải có người đậu, người rớt cũng là chuyện bình thường thôi. Không phải ai rớt đều dở cả, mới có câu “học tài thi phận” và có ai vì hỏng thi mà thành vô dụng đâu. Thế nhưng năm nào cả nước cũng tổ chức cuộc thi rầm rộ, tốn kém rất lớn với đủ kiểu quy chế thi cử thực ra chỉ là hình thức mà chất lượng học vấn vẫn chẳng hơn gì. Càng cải cách tệ nạn gian lận ngày càng trắng trợn và bất trị! Trong khi các bậc cha mẹ cũng như học sinh chỉ mong có được tấm “Chứng chỉ học hết THPT” như có được tờ “giấy thông hành” để vào đời tính chuyện mưu sinh.
Giả như điều đó được thực hiện thì tất nhiên nhà trường sẽ bị trút lên vai gánh nặng hơn nữa là được giao việc đánh giá học lực của mỗi học sinh. Liệu các thầy cô giáo đứng lớp có chịu nổi áp lực thường xuyên trực tiếp nhiều bề từ trò, từ phụ huynh đa dạng của trò và từ nhà trường trong khi các thầy cô giáo là những người hiền lành, nghèo, yếu lại rất cô đơn và không được bảo vệ?
Liệu chất lượng các cô cậu “tú” sẽ ra sao?
Đồng thời với việc các trường đại học mọc nhanh như nấm vì tỉnh nào cũng đua nhau nâng tầm văn hóa trong khi không ít nhà quản lý giáo dục coi học trò là một dạng “khách hàng” đặc biệt, giở nhiều chiêu độc chỉ cốt mộ được nhiều trò, bất cần chất lượng thầy không ra thầy, trò không ra trò sẽ cho ra lò những lớp trí thức “dở dở ương ương” liệu có mang nổi gánh nặng của tương lai?
Vì không muốn nhận cái bằng “local”, sẽ có một bộ phận thanh niên bằng mọi cách xuất dương “tầm sư học đạo”. Nhìn góc độ nào đó thì trong cái dở lại có cái hay. Nhưng người quản lý xã hội cần có tầm nhìn xa hơn nữa. Thực ra trong số du học sinh, con em những gia đình lương thiện cầu học không nhiều mà phần đông là con em nhà giàu không rõ nguồn gốc tìm mọi cách cho con cái xuất dương hoặc để trốn lính, hoặc để tránh xa tệ nạn, hoặc để rửa tiền và để chờ thời. Điều cần biết rõ là trong cơ chế thị trường, “người ngoại” khôn ranh hơn “người nội” ta nhiều lắm ngay cả trong giáo dục. Họ có nhiều loại trường thu nhận tuốt tuột cả người hay lẫn người dở. Họ sẽ kiếm được nhiều tiền và dạy cho xong rồi trả về xứ của anh. Một số người giỏi thì được “câu” ở lại trong khi ta chưa có cơ chế giàng buộc và khuyến khích những người được học bổng nhà nước cho đi du học không chịu trở về hoặc trở về phục vụ nước nhà. Hoặc có đó mà không thực thi! Một thực tế khá phổ biến là trong khi chỗ nào cũng kêu oai oải thiếu người có kiến thức chuyên sâu thì còn số rất đông sinh viên ra trường kể cả những người đi học nước ngoài về đang trong cảnh thất nghiệp sống cù bất cù bơ hoặc không tìm được việc làm tử tế bởi những ghế trống đều đã được đánh số ghi danh cả rồi! Cụ thể như ngành tư pháp đang kêu to rất thiếu và rất yếu. Xin hãy kiểm lại số sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học luật trong cả nước tỷ lệ đang “vô công rồi nghề” hiện là bao nhiêu trong khi các cơ sở vẫn xí chỗ chờ người đào tạo từ nguồn tại chỗ mà ai cũng biết việc đào tạo tại chức chẳng những lãng phí thời gian, tiền của và thực chất chẳng ra sao!           
Chợt giật mình thấy ông bạn già bác sỹ, đeo hàm Đại tá về hưu đến bên bàn. Nhấp chuột đọc ba trang viết, ông nói ào ào: “ Đừng trách lớp hậu sinh! Anh có nhớ chuyện um xùm năm trước, mấy ông “Hội đồng biên soạn Đại từ điển bách khoa toàn thư quốc gia” toàn bậc lão làng hưởng nhiều ưu ái để thành đại trí thức, đại sư phụ “ho ra bạc khạc ra bằng” từng là phương diện quốc gia vẻ vang danh giá cả mà cãi nhau chí chóe bởi nhập nhằng ăn chặn tiền nhà nước? Chuyện để dây dưa mãi đến nỗi ông Thủ tướng phải lờ tịt đi! Xem ra thì dân trí hưng mà dân khí lại suy! Đã đến lúc cần vị cứu tinh xuất thế để chấn lên dân khí”!
Rõ là: Hưng dân trí thì dễ. Chấn dân khí mới là điều khó!

      Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/2012