Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người sang tiếng nói cũng sang

Hoàng Bích Nga
Thứ tư ngày 27 tháng 6 năm 2012 6:03 PM

Khi tiếp xúc với người Hà Nội người ta rất thích nghe giọng nói của người Hà Nội. Có thể những nhà ngôn ngữ học sẽ bắt bẻ: giọng người Hà Nội không rung chữ R và uốn lưỡi chữ S…. Quả có đúng như vậy, bởi vì nếu nói đúng như thế thì giọng nói của người Hà Nội đâu của người Hà Nội nữa mà nó đã lai sang giọng người miền Trung hoặc người Thái Bình rồi. Thế thì giọng nói của người Hà Nội có gì khác để người ta nhớ mãi, không quên.
Phải đi đến những nơi khác, phải sống ở nhiều nơi mới thấy cái nét riêng của giọng nói người Hà Nội. Có lần vào thành phố Hồ Chí Minh thăm cha mẹ tôi được gặp một người bạn của mẹ là người Hà Nội đã sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ, tuổi bà xấp xỉ 80, ở cái tuổi đáng lẽ giọng người ta bắt đầu run thì giọng bà vẫn rõ ràng nhưng nhẹ và ấm. Vẫn có kiểu phát âm không phân biệt giữa âm S và âm X, nhưng không thiên vị làm rõ âm nào cả, mà giọng nói của bà cứ nhẹ lướt qua từng câu, từng lời. Nghe giọng bà người ta buộc phải tôn trọng ngay. Khi nói bà nhìn nhẹ lướt người nghe, không nhìn chằm chằm vào họ nhưng vẫn có ánh mắt dịu hiền giao lưu với họ. Cách nói không khoa trương, không kể về mình nhưng tất cả nội dung định nói đều rất chuẩn xác. Nhìn bà người ta vẫn thấy phảng phất nét đẹp của thời con gái, khuôn mặt thon thả, sống mũi cao và nhất là miệng bà lúc nói thật tươi. Nghe giọng nói êm ái của bà tôi lại muốn so sánh với một cách nói của một số người bán hàng ở các chợ Hà Nội thời nay. Họ nói rất ngọt ngào khi mời chào khách mua hàng, nhưng nếu khách chọn hàng thấy không thích hợp rồi không mua của họ thì hàng loạt lời nói ngoa ngoắt phát ra ngay. Cách nói năng sàm sỡ này trước đây hầu như không có, ngay ở các chợ mua bán.
Tôi ngồi với bà và nghe bà kể về những câu chuyện về cuộc đời bà chìm bảy nổi của bà ở đất Sài gòn. Chồng bà làm việc tiền lương rất cao nhưng ít gửi tiền về nhà nuôi con vì mải đi theo bà hai. Có năm tết đến không có tiền, bà phải đến tận nơi ông ở, không đôi co, bà gặp thẳng sếp của ông mà trình bày, xin ông ta can thiệp và giữ kín chuyện này cho chồng. Giọng nói của bà thanh thoát, biểu cảm khiến cho ông sếp cảm thông và hứa sẽ giúp bà. Quả nhiên, người chồng sau này đã thực hiện nghĩa vụ của mình Ấy thế mà, khi ông mắc bệng hiểm nghèo vào cuối đời bà vẫn chăm sóc ông cho đến khi ông chết, bà hai lẩn trốn trách nhiệm. Các con, có đứa không đồng ý với bà về hành động này, nhưng bà khuyên con giữ được cái đạo với bố đẻ ra mình. Cuộc đời sóng gió như vậy nhưng bà vẫn nói năng nhẹ nhàng, thanh thoát với chồng con.
Bà còn kể chuyện cho tôi nghe về cái ngày xưa chưa lấy chồng và chưa lưu lạc đến đất Sài Gòn. Bà nhớ, hồi ấy cái áo dài tân thời cũng đã bắt đầu được cắt sát người các cô gái nhưng không quá mỏng. Các cô thích mặc áo dài đồng màu(Complete)và chọn những màu nền nã hợp với lứa tuổi. Trẻ họ thường dùng gam màu sáng như màu trắng, màu thiên thanh, màu hồng phấn nhạt, cao tuổi hơn thì dùng gam màu mơ già, đứng tuổi thì hay dùng nhung the màu mận chín hay màu xanh cô ban sẫm. Những ngày lễ tết, hay đi chơi với bè bạn, nhất là khi đi chùa các bà và các cô đều mặc áo dài. Ngày xuân đi chơi chợ hoa Hà Nội thích lắm. Chợ hoa rợp màu sắc, của hoa, của trang phục áo dài, của màu hồng phơn phớt trên má đào thiếu nữ. Giọng nói êm ái, du dương của các cô cất lên trong chợ hoa khiến cho bao chàng trai phải ngoái nhìn, lắng nghe. Chẳng thế, có văn nhân đã ví, giọng nói của cô gái Hà Nội nhẹ nhàng như gió thoảng, thánh thót như oanh vàng. Ít khi họ nói to hoặc gắt gỏng, từ cô hàng hoa đến các bà mệnh phụ phu nhân.
Khi đến thăm hoặc gặp người nhà, người quen, người Hà Nội đều rất coi trọng lời chào. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, lời chào được người xưa dùng theo thứ bậc, tuổi tác, theo cách nói với đàn ông hoặc đàn bà. Cách cúi đầu, vòng tay hay nghiêng đầu đáp lễ đều được người Hà Nội chú ý đã từ bao đời. Người đàn ông có cách cư xử đáp lễ riêng. Ở họ toát lên vẻ đường hoàng, đĩnh đạc. Với phụ nữ, họ tôn trọng. Ít khi người đàn ông xàm sỡ, nói trống không với phụ nữ. Còn người đàn bà thì, họ đáp lễ mềm mại, kín đáo mà tinh tế, đâu có buông ra những lời nói vội vàng, thô thiển, khó nghe. Văn minh châu Âu hoà quyện với nết riêng của Hà Nội khiến cho người Hà Nội sang trọng hơn.
Nay thì buồn quá. Những lời nói hay vẫn còn nhưng không phổ biến nữa. Có cái lạ là, có người vừa nói xong lời hay, nếu đối tượng không thoả mãn yêu cầu của họ - ví như, một chủ bán hàng, họ mời chào khách mua hàng rất ngọt ngào, nhưng khách không mua, thì lập tức lời không hay bay ra ngay, thậm chí cả thô thiển và thô tục. Có người đã làm phiền người khác, không có lời xin lỗi lại còn sừng sộ, nói khó nghe khiến cho hai bên căng thẳng, thậm chí chém giết lẫn nhau bởi câu nói. Ngay trên ôtô bus, đáng lẽ người lái xe hoặc phụ xe phải lịch sự khi giao lưu với khách hoặc giữ gìn lời nói thì, bất kể, hứng lên họ nói tục thoải mái, chẳng để ý đến sự tồn tại của hành khách. Nhiều cô gái, chàng trai rất đẹp mã nhưng khi cất lên lời nó thì ôi thôi, cái đẹp của họ bỗng biến mất bởi những lời nói thô tục, bất nhã.
Ở Hà Nội đã có án mạng xảy ra mà thủ phạm là do lời nói không thân thiện, hoặc cái nhìn không thân thiện khi hai người lạ có sự va chạm ngẫu nhiên. Các cụ xưa đã dạy:
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Ấy thế mà, người ta vẫn quên. Người xưa cảnh báo “ lời nói, đọi máu”, mà người ta vẫn coi thường cách nói năng khi giao tiếp. Biết bao gia đình, anh chị em, chồng vợ ly tán bởi lời nói không suy nghĩ, nói quá đà. Lời nói bay ra nhiều khi mang mang hoạ cho mình. Chẳng thế mà Tô Tần, người Trung Hoa xưa nói “ hãy uốn lưỡi bảy lần mới nói”. Nói không suy nghĩ sẽ không có đường quay về, nhà cửa nát tan, hạnh phúc trôi sông.
Người ta thường nói:
Chim khôn tiếng hót rểnh rang
Người ngoan tiếng nói nhẹ nhàng dễ nghe
Vì khi nghe người khác nói là người ta có thể hiểu được tính cách và nhất là hiểu được chiều sâu văn hoá của họ. Chẳng thế mà, khi nghe người nói chuyện với ta, ta có thể hiểu ngay: “ Người sang, tiếng nói cũng sang” để rồi ta có thể kết bạn tri kỷ, để giao lưu và mở rộng mối quan hệ./