Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Nói là phải làm”

Tuấn Đạt
Thứ năm ngày 26 tháng 4 năm 2012 8:15 PM

Không phải đến giờ chuyện nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật mới được đem ra bàn thảo và có thể trở thành đề tài nóng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Trong lịch sử, mỗi giai đoạn lại có tấm gương về sự thẳng thắn, dám nói rõ sự thật, thậm chí dám rước tai họa vì sự thật ấy. Người dám nói sự thật ấy, chính là sự xả thân vì nghĩa lớn.
Cũng chính vì thế, ngay cả ở chế độ phong kiến, khi mà ý vua là ý trời, chuyện nói sao cho lọt tai vua là điều khó đối với các quan trong triều, thì vẫn có người dám lưu ý vua, rằng: Những kẻ miệng nói rất hay về mọi điều mà sắc mặt không biểu hiện sự xúc cảm ấy là những kẻ luôn xa với điều Nhân (Xảo ngôn, lệnh sắc, tiễn hĩ nhân), để phân biệt đâu là trung thần, đâu là nịnh thần. Nhắc lại điều đó để thấy, dù con người ta có ở vị trí nào, điều quan trọng nhất là phải biết tự sửa mình, có như vậy mới dám nói sự thật và đã nói thì phải làm.
Bác là người coi trọng “Nói thì phải làm”. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, trong bài giảng “Tư cách một người cách mệnh” tại lớp huấn luyện chính trị ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đề cập ba vấn đề lớn: Đối với mình, đối với người và đối với công việc. Và khi đề cập đến vấn đề gì bác thường hay dung từ “phải”, một từ mang ý nghĩa bắt buộc.
“Nói thì phải làm” nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động.
Sau này, thời kì đầu đổi mới, người sớm lấy tư tưởng đó của Bác làm nền tảng tư tưởng là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”. Trong bài đăng Báo Nhân Dân ngày 10-7-1987, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì có bao nhiêu việc cần làm, sao cứ phải hăng hái chống tiêu cực như vậy?” nhưng tôi vẫn cương quyết. Cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”.
Trở lại hiện tại, chúng ta không thể không day dứt khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI). Chúng ta buồn và phẫn nộ vì điều đó. Không buồn và phẫn nộ sao được khi có cán bộ, đảng viên chơi mỗi ván cờ đến bạc tỉ, có cán bộ, đảng viên được giao quản lí ngân sách nhà nước lại để thất thoát bằng thu nhập của mấy tỉnh trong nhiều năm, có cán bộ, đảng viên đứng lên trên pháp luật để đẩy người dân mất trắng cả của cải và danh dự…
Đáng buồn là, việc chống tham ô, lãng phí, tiêu cực vẫn được hô hào mạnh mẽ, việc kê khai tài sản vẫn được tiến hành đều đặn nhưng số cán bộ, đảng viên giàu nhanh chóng, không minh bạch vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Chuyện chạy chức, chạy quyền xảy ra ở từ TW đến đại phương nhưng “vô bằng chứng” cũng gây nhức nhối.
Trong khi, ở các diễn đàn, nhiều cán bộ, đảng viên nói rất hay, nhất là họ nói về lí tưởng cách mạng, đạo đức truyền thống… Chỉ tiếc, hành động của họ lại không đi đôi với lời nói. Cho nên, để dám nói sự thật, nói đi đôi với làm cũng cần những cán bộ, đảng viên có đủ trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất làm việc thật. Chuyện nói phải đi đôi với làm, “nói là phải làm” không hề mới, nhưng lại không hề cũ.
Nhắc lại những lời Bác dạy để đối chiếu với thực tế, nếu chúng ta có quyết tâm, có biện pháp đủ mạnh và quyết liệt, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng nói thật và “nói là phải làm”.