Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gửi về quê mẹ Văn Giang

Nguyễn Thẩm Văn
Thứ năm ngày 26 tháng 4 năm 2012 5:51 AM

Sách viết gần xong
Dạo chơi hồ Đại Lải
Non nước hữu tình
Rượu ngon bạn đãi
Ngỡ trên đời
Sướng nhất có mình ta!

Tin dữ đến làm rơi chén ngọc:
Chiến tranh bùng nổ tại quê nhà!
Cưỡng chế đất đai làm đô thị mới
Cách Hà Thành mươi cây số, không xa!
Văn Giang quê tôi đó!
Chuyện gì đã xảy ra?
Bão nổi lên rồi!
Dùi cui bủa vây bốn phía
Dân chặn đường đốt lửa  giữ đất ông cha !

Này ông nhà văn
Đừng sống trên mây trên gió nữa
Hãy nghe ta nói đây này:
Đất nước đang phát triển Công nghiệp hóa
không thể quay về nền văn minh lúa nước như xưa
Muốn văn minh phải phá bỏ cái cũ đi
để xây cái mới!
Nhưng dân làng ông
cái đất Văn Giang chết tiệt nhà ông
đã không hiểu điều này
nên cố tình ngăn trở
Hãy quay ngòi bút về khuyên bảo họ
Ngoan ngoãn nghe theo
Sẽ không có chuyện gì!

Này kẻ kia!
Ngươi nói ra câu đó
mà không xấu hổ
không biết ai đang đứng trước mặt mình
Ngươi bị đứt dây thần kinh
Tự Trọng
rồi chăng?
Lại còn lôi kéo người văn
Uốn ngòi bút bẻ cong chân lý
Hãy nghe ta nói đây này:
Đất Văn Giang quê ta
Vốn là nơi được mệnh danh Địa linh nhân kiệt
Nơi đã sinh ra biết bao nhân sỹ, anh hào
như Tô Hiệu kia đã đi vào huyền thoại với cây đào
trồng trên đất Sơn La làm rạng danh Tổ quốc
như Phó Đức Chính, Lê Văn Lương… biết sống vì dân, lấy dân làm gốc
để làm nên cơ đồ vĩ đại hôm nay
như Phan Văn Ái, Chu Mạnh Trinh, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm…
nổi tiếng văn hay
mà không chỉ làm văn
còn biết dùng ngòi bút đấu tranh cho sinh tồn dân tộc
Người rất đỗi tài hoa như Nguyễn Công Hoan, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân…là vô cùng quý hiếm
cũng được sinh trên mảnh đất này…
Còn rất nhiều nhưng chỉ kể đến đây
cho ngươi thấy
sự tăm tối của mình khi phát ngôn như vậy!

Vâng thưa bác! Em biết là như vậy
Nhưng điều em nói là chuyện khác, bác ơi!
Phải! Ta rất hiểu ngươi
Và biết rõ mười mươi
việc ngươi làm
Đó là thu hồi đất của dân
Với giá bọt bèo
Rồi san gạt, bán đi, gấp ngàn lần giá cũ!
Dân ta vốn hiền lành
nhưng đâu dễ ai lừa được họ?
Họ biết hy sinh và dám hy sinh
Nhưng chỉ hy sinh cho những gì họ thấy là cao cả
Họ đâu có “ngu lâu” mà cản đường công nghiệp hóa?
Họ chỉ cản những gì bất nhân bất nghĩa mà thôi!

Này ông nhà văn!
Ông đâu phải Ông Trời
mà phán bảo chúng tôi như Thánh sống
Hãy tránh sang bên may ra còn chỗ đứng
không kẹt giữa hai luồng, ông chết, chẳng ai thương!

Ai cãi nhau mà nghe tiếng ong ong?
Không biết nữa, chỉ có mình với sách
Hình như có tiếng ai thầm mách:
“Hãy mau về góp chút với quê hương…