Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghĩ vè gương sử soi

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ năm ngày 26 tháng 4 năm 2012 5:26 AM

 
Trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên-Huế (số 4 – 2011) ông Trần Văn Chánh nói rằng: “Viết sử đòi hỏi phải có sự nghiền ngẫm sâu xa, nêu lên được những bài học tham khảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vun đắp nhân bản”. Thiết nghĩ người viết sử mà làm được theo lời chỉ bảo của ông thì quá tốt rồi. Tiếc rằng chỉ trong 16 trang ông viết đã có  nhiều điều trái hẳn!
Trước hết nói “xóa bỏ quá khứ, hướng tới tương lai” là sự hiểu sai. Đúng ra là “xếp lại quá khứ” bởi vì quá khứ đau thương lâu dài chất chồng bao uất hận của dân tộc dễ gì xóa đi? Miếng ngon nhớ lâu. Đòn đau nhớ đời. Những chiến công hiển hách chống ngoại xâm là truyền thống đáng tự hào của một dân tộc đã cùng “Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” cần được lưu truyền mãi mãi. Cũng như nỗi tủi nhục của người dân vong quốc từng bị quân xâm chiếm “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn – vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” thì muôn đời con cháu không thể nào quên. Giáo lý nhà Phật lấy ân trả oán đã thành nền tảng cho việc giáo huấn trong các gia đình Việt Nam nghĩa là không quên điều oán mới biết lấy điều ân mà xử sự để khơi dậy lòng nhân trong mỗi con người. Dậy lớp người sau quên đi quá khứ bi tráng của dân tộc là trúng ý đồ thâm sâu độc địa của văn hóa ngoại lai nô dịch để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình theo ý họ. Trải nửa thiên niên kỷ rồi mà hậu duệ các dân tộc vùng Trung Đông vẫn biết tổ tiên của họ từng chỉ vì một sự không chịu bị đồng hóa giữa cái “gật” và “lắc” với đế quốc Ottoman đã phải trả giá thế nào. Cũng như ta khi nào mất cảnh giác quên đi bản chất thâm sâu tàn độc của giặc ngoại bang đô hộ thì nước non sẽ lại một phen chao đảo. Vẫn hay muốn cho oán ấy tiêu vong thì phải biết lấy hiếu hòa làm trọng.
Ông Chánh viết: “Không có ai là kẻ thù thật sự hay vĩnh viễn”. Đúng ra là kẻ thù vĩnh viễn thì không nhưng kẻ thù thật sự bao giờ cũng có. Một người có thể được người này thương mà người kia ghét, cộng đồng này tôn vinh nhưng cộng đồng khác hận thù. Một quốc gia có thể được những quốc gia này coi như bầu bạn nhưng cũng không ít quốc gia nọ coi như kẻ thù. Tuy nhiên mức độ tới đâu tùy cảnh tùy thời. Quyền lợi cá nhân, quyền lợi dân tộc dễ làm quáng mắt chao lòng người ta. Người làm sử chân chính biết chỉ rõ ra đâu là chính đáng đâu là ích kỷ và dứt khoát bảo vệ điều chính đáng chứ không chịu hùa theo kẻ mạnh.
Ông Chánh khen những nhà viết sử phương tây phóng khoáng, không có tâm hồn nhỏ nhen, biết tôn trọng sự thật lịch sử nên với các nhân vật lịch sử Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… họ thường mô tả “với lòng kính ái đặc biệt, đưa tên vào từ điển, một phần cũng nhờ vậy mà nước Việt Nam đến nay được rất nhiều quốc gia khác trên thế giới biết đến một cách trân trọng”. Nhân danh sử học mà ông đánh giá như vậy liệu được mấy người đồng thuận? Nhân dân thế giới biết đến Việt nam bởi dân ta có một lịch sử dựng nước và giữ nước vô cùng bi tráng. Dù biết đức khiêm tốn là cần nhưng vẫn nên nghe lời bình: Lịch sử thế giới hiện đại, Việt Nam được coi như tấm gương của một nước nhỏ đã thắng lợi trong việc chống lại ách nô dịch của những cường quốc lớn. Tất nhiên là dưới ngọn cờ của người tượng trưng cho khí phách Việt Nam. Cụ Hồ và tướng Võ chỉ một lòng đấu tranh cho độc lập thống nhất tổ quốc và chưa từng cử một ai vượt đại dương qua tây bán cầu bắn chết một con chó hoặc làm gãy cánh một con chim thì dù ai đó muốn đặt điều bôi đen họ cũng phải nhớ lời dạy của cổ nhân: “Ngậm máu phun người miệng mình dơ trước”! Trái lại, việc làm của những quân xâm lược trên đất nước ta dù Á hay Âu đã là những vết nhơ mà “trúc Nam sơn không ghi hết tội, nước Đông hải không rửa sạch mùi”! Sách sử cần nêu ra để con cháu đời sau nhớ mãi những tội ác đó mà cảnh giác đề phòng. Nhiều quốc gia vẫn lưu giữ các chứng tích chiến tranh từ cả hai phía cho hậu thế. Song ta vẫn sẵn lòng đổi oán thành ân với những người từng gây tội ác nay đã ngộ ra mong được từ thù thành bạn. Nghe người chê cần suy nghĩ: Họ là ai và ta sai đúng ở điểm nảo? Nghe người khen cần tỉnh táo: Người Pháp tôn vinh một Nguyễn Thái Học lẫm liệt hy sinh vì nước nhưng cũng tôn vinh một Phan Thanh Giản hai lần dâng đất giao thành cho giặc trong khi họ tôn vinh tướng De Gaule như một người hùng vĩ đại mà coi Thống chế Pétaine như một vết nhơ lịch sử? Không thể vì hướng về tương lai mà xóa bỏ đi những bài học từ quá khứ đã thành những trang máu đọng trong lịch sử nước nhà.
Đặc biệt ông Chánh nêu ra nhiều tấm gương “hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù” từ cuộc chiến giữa hai miền Nam và Bắc Mỹ hồi thế kỷ XIX với nhiều dẫn chứng. Nào là chuyện ngày kết thúc chiến tranh: “Tướng Lee (bại trận) đứng dậy lần lượt bắt tay tướng Grant (thắng trận) cùng các sỹ quan trong Bộ Tham mưu của ông, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp. Tướng Grant và các sỹ quan của ông đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà nơi đôi bên hội nghị. Khi ngựa của tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Các sỹ quan và binh lính miền Bắc đứng quanh đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận trong quân đội Liên hiệp miền Nam… Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ vui mừng của binh sỹ miền Bắc vì “Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ” để giữ gìn cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong một cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ”. Nào là chuyện “Các sỹ quan và binh lính dưới quyền của tướng Lee miền Nam thua trận đã không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Những binh sỹ chết trận của cả hai phe thắng bại đều được chôn xen kẽ trong cùng một khu mộ, nơi có tấm bia ghi rõ “Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất cả những người vì nước Mỹ”!”. Ông Chánh coi đó là tấm gương mã thượng giữa người thắng với kẻ thua chớ không như ai lập nên các trại tập trung cải tạo như các nhà tù chỉ để lại “oan oan tương báo”, “oán oán chập chùng” mà thôi.        
Lý lẽ ấy thoạt nghe thì tưởng là hay nhưng có đôi điều cần làm cho rõ. 
Người thường nhìn nước Mỹ với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, những phương tiện sống hiện đại tân kỳ và cách tổ chức xã hội tưởng như là văn minh phóng khoáng. Nhưng nhà sử học lại nhìn từ ngóc ngách đến ngọn nguồn.
Trước hết đem cuộc chiến chống phân ly Nam-Bắc của nước Mỹ 1862-1865 so sánh với cuộc chiến trường kỳ chống xâm lăng của dân tộc ta 1945-1975 thật chẳng hợp chút nào, bởi lẽ về bản chất hai cuộc chiến ấy khác nhau hoàn toàn. Ở Mỹ là cuộc nội chiến thật sự qua lời nói tiêu biểu của Chúa cứu thế Mỹ Abraham Lincoln: “Một gia đình bị chia rẽ thì không thể đứng vững được. Một chính phủ không thể mãi mãi một nửa là tự do và một nửa kia là nô lệ. Tôi không muốn cho Liên bang tan rã. Tôi cũng không muốn cho gia đình sụp đổ. Nhưng tôi muốn cho nó chấm dứt chia rẽ”. Thắng lợi của người  Bắc Mỹ là thắng lợi của tư tưởng tự do tiến bộ đối nghịch với tư tưởng bảo thủ duy trì nô lệ mà trên cơ sở đó cả Bắc và Nam Mỹ đều có cơ hội vươn lên mạnh mẽ. Khác hẳn cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của chúng ta. Khởi đầu là cuộc chiến chống quân Pháp tái xâm lược 1945. Người Mỹ từ gật đầu làm ngơ đến can thiệp ngày càng sâu, cuối cùng nhảy vào thay thế hoàn toàn quân Pháp. Để thích nghi với hoàn cảnh thế giới mới, người Mỹ không áp dụng Chủ nghĩa thực dân cũ như người Pháp (dùng quân đội và bộ máy thống trị ngoại bang) mà thay thế bằng Chủ nghĩa thực dân mới (tổ chức quân đội và chính quyền tay sai thông qua viện trợ quân sự và kinh tế). Người Việt Nam không dễ bị mắc lừa. Người Mỹ buộc phải tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ với gần 600 ngàn lính GI (quân chính phủ liên bang) và lính Đồng minh. Kết cục là cuộc tháo chạy tán loạn chưa từng thấy trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam. Có người liên tưởng tới câu nói lịch sử của Napoléon Bonapart bên bờ sông Vistule: “Từ vinh quang đến lố bịch chỉ một bước thôi” sau khi ông ta dẫn đám hùng binh hổ tướng chạy thoát khỏi nước Nga vào mùa đông năm 1812!   Quân đội của hai miền Nam-Bắc Mỹ đều chiến đấu vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi của xứ sở mình, hoàn toàn không bị ngoại bang chi phối. Trái lại ở miền Nam Việt Nam cũng có chính phủ và quân đội nhưng thực chất thế nào, hàng chục triệu dân chúng từng qua thời ấy là nhân chứng sống. Người viết chỉ cần nhắc lại lời nói đã thành “danh ngôn” của hai nhân vật chóp bu trong quân đội và chính phủ Sài Gòn lúc hiểm họa “cháy nhà” – Ông tướng bốn sao giữ trọng trách Tổng tham mưu trưởng: “Chúng ta không có trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra. Chúng ta chỉ làm theo họ mà thôi”! Và lời nói rút ra từ gan ruột của ngài Tổng tư lệnh tối cao quân lực Việt Nam cộng hòa: “Người Mỹ đưa viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít thì chúng tôi đánh ít!... Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng, một năm mà chỉ sau ba giờ chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc lập”! Hẳn một số người tưởng rằng mình chiến đấu thật sự vì lý tưởng quốc gia không khỏi xót lòng cay đắng cho đến cuối đời mới biết đã lầm lỡ trao thân gởi phận cho ai để nhập vào một đội quân thật đấy mà giả đấy! Người dân bình thường qua những điều mắt thấy tai nghe cũng nhận ra rằng: Nếu không có đội quân viễn chinh xâm lược Pháp thì không thể có cái gọi là “quân đội quốc gia” của phế đế–quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại. Và nếu không có bàn tay của phù thủy Mỹ thì cũng không thể có cái gọi là “chính phủ và quân lực Việt Nam cộng hòa”. Trái lại người ta dễ nhìn ra sự thật là kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam mới thì trên đất nước này chỉ có một đội quân thật sự từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu duy nhất – Đó là đội quân khởi đầu từ những chiến sỹ tự vệ hợp thành các đội du kích, trưởng thành Đoàn Vệ quốc quân, Đoàn Giải phóng quân và Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Về tướng Lee, trước đó người Mỹ đều biết ông là vị tướng có tài và có nhân cách. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông đã chủ động giải phóng những nô lệ của mình và ông cũng không muốn Liên bang Mỹ phân ly: “Tôi không thể mường tượng một tai họa lớn đối với đất nước là sự tan vỡ của khối Liên hiệp các bang”. Nhưng cuối cùng ông lại là người chỉ huy chiến đấu cho mục tiêu ngược lại ý mình. Phải chăng éo le ở chỗ ông xuất thân từ lớp quý tộc thượng tầng của bang Virginia ở miền Nam – là sự giàng buộc tinh thần mà ông không thể cưỡng lại xu thế của quê hương dù là bảo thủ? Tuy vậy ông vẫn rộng lòng đón nhận cả những người Mỹ đen nô lệ gia nhập quân đội của ông. Đó là sự trớ trêu của đời ông! Tướng Grant thông hiểu nghịch cảnh ấy và có cơ sở để nói rằng: “Ông ta là người thất bại đáng được kính trọng!”. Một hành động mã thượng là không xứng với tướng Lee.
Tại sao nhân dân ta “không được phép reo mừng” trong ngày vui toàn thắng bởi hòa bình đến với mọi nhà sau bao nhiêu năm loạn ly chết chóc, giang sơn không còn bị chia cắt nữa và đại gia đình dân tộc không còn trong cảnh đối đầu? Hẳn mọi người không quên sau ngày chiến thắng, Chính quyền cách mạng đã đối sử tử tế và nhân đạo với nhiều người giữ trọng trách trong chính quyền Sài Gòn? Đấy không phải là hành động mã thượng của kẻ thắng với người thua bởi vì như Chính quyền cách mạng đã giải thích rõ cho nhân dân ngay từ những ngày đầu giải phóng: Đây là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam. Kẻ thua là thế lực ngoại bang xâm lược và bè lũ tay sai chống lại lợi ích của dân tộc! Vì thế mà đã không hề có cuộc tắm máu sau đó như các thế lực thù địch rất mong muốn có.
Lịch sử Mỹ thừa nhận rằng Tổng Thống A. Lincoln lệnh cho quy tập 7.000 tử sỹ cả hai bên đưa vào an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington là điều thế gian chưa từng thấy xưa nay. Đó là việc làm hàm chứa ý nghĩa chính trị lớn xuất phát từ nội tình nước Mỹ đang cần thiết cất bỏ đi gánh nặng của ý muốn phục thù đặng an dân, ổn định xã hội nhanh chóng hướng đến việc phát triển đất nước. Nói rằng xuất phát từ tính nhân văn – nhân bản thì tại sao sau đó những “đồng bào nổi loạn” ở miền Nam vẫn bị tước quyền bàu cử và những người Cộng hòa cấp tiến vẫn bằng mọi cách khống chế những kẻ chiến bại ngoan cố và dùng cả vũ lực khi cần? Trải một thời gian dài hai miền nước Mỹ mới chung nhịp thở và đồng bước song hành. Đặc biệt 100 năm sau (1968), hậu duệ những người Phi nô lệ mới hoàn toàn được hưởng mọi quyền công dân bình đẳng với người da trắng đúng lúc nước Mỹ đang rất cần có lính quân dịch đưa sang Việt Nam! Và tới 120 năm (1988) với những người cầm đầu phe ly khai mới được ân xá về tội lỗi của họ. Trong khi ngài Tổng Thống Nixson phạm tội vi hiến trong vụ Water Gate (1974) nổi đình đám buộc phải từ chức giữa nhiệm kỳ nếu không sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm mà chưa đầy một năm sau đã được hưởng đặc ân xóa án!
Thiết nghĩ trong lĩnh vực khoa học xã hội thì Lịch sử và Chính trị luôn gắn chặt với nhau. Chính trị là cách trị nước. Tất nhiên thời nào có chính trị của thời ấy, xã hội nào có chính trị của xã hội ấy và tầng lớp thống trị nào cũng có nền tảng chính trị của họ. Vì thế chính trị mang tính nhất thời. Dù nói đến sử học đích thực, sử học chân chính cũng chỉ là cách dùng ngôn từ mị của một vài người mà chính họ cũng không thoát được sự chi phối của một ý thức hệ nào đó. Điều người ta cần là sử học nào phục vụ cho sự tồn tại và phát triển lành mạnh của dân tộc mình, của tổ quốc mình. Cùng một sự kiện lịch sử mà vẫn có sự tranh biện dai dẳng có khi quyết liệt giữa người này người nọ, thậm chí là giữa các nước liên quan nảy sinh từ đấy. Cõi tâm linh là điều rất mơ hồ. Khi thân xác hòa chung với đất lại là nguồn tái sinh sự sống. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Vậy thì việc hậu táng con người bằng hình thức nào và đặt ở đâu thật chẳng có ý nghĩa gì với người đã chết. Cũng là xuất phát từ ý nghĩa chính trị xã hội mà người ta bày ra những hình thức tôn vinh người quá cố, là cách hướng thiện cho người đang sống và những lớp người sau biết phải sống có trách nhiệm cao cả, chớ sa vào cái triết lý tầm thường vị kỷ: Lẳng lơ chết cũng ra ma – Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng sẽ là mối nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Không khó đồng cảm với một bạn viết rằng: “Chính trị và lịch sử là trò chơi của quyền lực, ở đó không có chỗ cho lòng nhân từ thiếu nguyên tắc cũng như chẳng bao giờ là nơi trú ẩn của tính nhẹ dạ bốc đồng hay lòng hận thù dai dẳng”.
Còn như việc có những trại cải tạo tập trung là điều từng thấy trong bối cảnh chiến tranh đặc biệt lúc xã hội rối ren phức tạp sau một cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Nếu bạn có điều kiện đọc lại những tư liệu về các cuộc cách mạng từ Âu sang Á và gần nhất là sau cuộc Thế chiến thứ hai. Sự đối đầu dù chỉ thời gian ngắn mà sự trừng phạt của những người chiến thắng nghiêm khắc bạo liệt tới mức độ nào và cái án mờ hợp tác với quân phát xít còn dai dẳng nhiều năm sau đó từng làm điêu đứng cả những nhân vật tiếng tăm trên các chính trường? Ông Chánh nói là: “Bình luận về con người lịch sử không thể thiếu sự thông đạt chính trị nhân tình và đức công bằng”. Vậy thì ông có bỏ qua một thực tế là những hành động phục thù như “chuyển lửa về quê hương” có người Mỹ là chỗ dựa diễn ra từ mọi phía? Cuộc chiến tranh bản chất là khủng bố của những kẻ phản bội ở cả hai đầu đất nước đều có sự đồng tình của người Mỹ? Song hành với chính sách kích động nhân tâm và cấm vận nghiệt ngã cũng do người Mỹ chủ xướng kéo dài hàng chục năm càng làm cho dân tình khốn đốn, có lúc tưởng như là bế tắc? Tiến đến việc bình thường hóa quan hệ là do nhu cầu thiết yếu của cả hai bên. Người thoát họa can qua thường mong được sống dĩ hòa vi quý.
Đành rằng giới hữu trách có những sai lầm không nhỏ trong việc quản lý kinh tế, tổ chức xã hội… càng làm những khó khăn thêm chồng chất. Nước Mỹ thời sau nội chiến từng lâm vào cảnh: “Toàn bộ cuộc sống chỉ là làm thế nào để khỏi chết”! Và từ lời gợi ý của một nhà lãnh đạo cấp cao: “Mỗi người hãy tự cứu lấy mình!” ta có thể suy ra bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó ra sao? Trong tình  cảnh ấy, những người tù cải tạo sống qua được thật là điều rất may cho họ và hôm nay nhìn lại cả xã hội cùng chia vui với họ! Đấy là nỗi đau, là trang sử buồn có điều tránh được và cũng có điều khó tránh. May thay lịch sử chỉ diễn ra có một lần! Hãy xem sự cởi mở trong xã hội Mỹ về tự do, dân chủ, nhân quyền trước và sau sự cố 11/9/2001 có gì khác chăng?
Nếu như ông Chánh làm đúng theo những dòng ông viết: “Tấm lòng người viết sử phải bao la nhân đạo mới trùm lên được những gì mà kho lịch sử phong phú của quá khứ muốn khai thị lại cho con người” thì hay biết mấy!

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3 năm 2012