Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Buông và nắm

Bùi Văn Bồng
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2012 8:37 PM

Lãnh đạo là kỳ vọng của mọi người, dù bất cứ ở cấp nào. Cho nên, để người đời nhìn nhận về mình ra sao, chính người lãnh đạo phải biết tự chủ, và nhất là phải có lòng tự trọng. Khi đã ở vị trí lãnh đạo, phải làm gì cho người ta tin yêu, mến phục, và đặc biệt là ấn tượng về những điều tốt đẹp. Về Đảng, ở cương vị lãnh đạo nào thì cũng chỉ một hoặc vài nhiệm kỳ theo đúng quy định. Về chính quyền thì còn tùy nhu cấu, có vị làm cấp phó, làm giám đốc tới trên 20 năm. Thế nên, trong khi thực hiện chức danh, chức trách ở cương vị lãnh đạo, ai cùng cần để lại dấu ấn, những tiếng lành, lời ngợi khen và nhất là hiệu quả đem lại cho công việc cơ quan, địa phương, ngành, đất nước.
Thế nhưng, có những vị lãnh đạo “kéo” hai nhiệm kỳ, chẳng để lại được dấu ấn gì. Thậm chí, người ta còn nói, trong 10 năm lãnh đạo, ông ta đã kéo lùi sự phát triển của cộng đồng cả mấy chục năm. Như thế là tội, dâu phải công, nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”. Và như thế là lãnh đạo bị tai tiếng, chứ không thể trở thành danh tiếng. Rồi hết làm lãnh đạo, những nhân vật như thế cũng chẳng để lại cho đời được gì, thậm chí chỉ là những tiếng xấu, những đàm tiếu, những chuyện buồn cười, những trò lố bịch, lối sống kỳ quặc. Họ bị người đời quên luôn, trở thành biệt vô âm tín, chẳng ai thèm nhắc đến. Thế là, coi như họ đã tự mình “lấy nhục làm vinh”.
Cho nên, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác, các mối quan hệ của người làm lãnh đạo là  rất quan trọng. Khi lập kế hoạch, chương trình, nội dung cho công tác lãnh đạo của mình, ta thấy không ít vị do trình độ năng lực, do tùy hứng cá nhân, do cách sống mà làm những việc chẳng đâu vào với đâu. Họ “buông những cái cần phải nắm, nhưng lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông”. Không thiếu các vị lãnh đạo việc cần làm thì bỏ qua, nhưng lại mất quá nhiều thì giờ vào những việc sự vụ, thậm chí vụn vặt. Chọn vấn đề mà chỉ đạo, chọn việc để làm sao cho xứng với cái tầm của mình, đúng với chức danh, chức trachs của mình là rất cần thiết đối với mọi cương vị lãnh đạo. Nhưng họ lại đi lo giải quyết những việc lẽ ra là của nhân viên, của cấp dưới, của chuyên trách, chuyên ngành. Nhiều khi họ quên vả cương vị của mình.
Họ bao biện, làm thay, muốn cái gì cũng toàn quyền, cũng từ đó mà sinh ra lo đuổi gà, quên nhà sắp cháy. Nhưng trái lại, các số liệu tổng kết, các thông số, thông tin cần thiết cho lãnh đạo thì họ lại bỏ qua. Như bài phát biểu, nội dung đi làm việc với đối tác, đối tượng, đối nội, đối ngoại lẽ ra bản thân người lãnh đạo phải biết tự chủ “vận suy”, tự trong đầu óc của mình phải nghĩ ra, sắp xếp thứ tự, nội dung, phương pháp. Nhưng, vì năng lực yếu kém, trình độ thấp, hiểu biết có hạn, vì lười biếng nữa, người lãnh đạo lại giao những việc đó cho trợ lý, thư ký, văn phòng. Là lãnh đạo, nhưng chỉ quen cái lối ăn sẵn, đọc những gì người khác đã viết, nói những gì người khác đã mớm, nói theo thói quen, mỗi câu đó đi đâu cũng nói, nghe phát nhàm chán.
Những vị lãnh đạo không biết làm việc, vô trách nhiệm kiểu ấy còn có cái tật nói theo trình độ trợ lý, ký theo ngón tay văn phòng. Đi làm việc ở địa phương, cơ sở thì đến đâu cùng phát biểu trùng lặp nội dung, không có gì mới, không có gì là thiết thực, cụ thể với từng nơi, từng thời điểm. Những vẫn đề nổi cộm, những ách tắc, khó khăn và nhu cầu của địa phương, cơ sở chỉ chờ lãnh đạo về chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện và mở ra cách nào đó giúp cho địa phương thì không thấy, chỉ thấy ông ta và các thành viên trong đoàn công tác cười như hoa trong đoàn xe đưa đón dài ngoằng, cưỡi ngựa xem hoa, dự chiêu đãi, rồi về. Thế nên cán bộ và  nhân dân địa phương bị tiu nghỉu, chưng hửng: “Ông ấy thăm và làm việc như thế, nhưng có giải quyết được vấn đề gì đâu”. Do quá ỷ lại, có khi không thuộc bài, cho nên đã thấy có trường hợp khi đi thăm nước ngoài phải mag theo mảnh giấy làm “phao”, có lẽ do trợ lý giúp việc gạch đầu dòng chuẩn bị trước những nội dug cần nói. Ông ta vừa tiếp kiến vừa liếc nhìn vào mảnh giấy bằng bàn tay, khác nào học sinh đi thi nhìn lén “phao cứu sinh”?
Có những giấy mời hiểu hỉ, đi những cuộc chẳng cần đến cái chức vụ, chức danh, vị trí mình phải dự, nhưng họ cũng mất cả ngày cả buổi đi dự. Còn việc trọng yếu, những vụ việc cấp bách lại bỏ qua, để cho bê trễ, câu dầm, mặc dân chúng kêu ca phiền toái. Nơi cần lãnh đạo thì chẳng thấy ai đến. Nhưng có những hội nghị mà lãnh đạo cương vị cao làm “quý đại biểu” ở ngồi hàng ghế trước? Thông thường, dễ nhận ra là cuộc nào có phong bì “nặng giá trị”, nơi còn “quan hệ sống còn” thì nhiều lãnh đạo dự. Những cuộc thấy lợi cho dân, cần cho ngành thì ít ai đến dự. Để làm gì? Sao ai thích đi cứ đi? Không có sự phân công cụ thể, có đại diện là được rồi. Họ bị mất nhiều thời gian cũng bởi những việc “đại biểu” ấy. Quỹ thời gian chỉ có vậy, nhưng lại đi nước ngoài, lấy cớ công việc để đi du lịch, rồi đi họp, dự liên hoan, tiếp khách, lại việc gia đình, riêng tư, mối quan hệ này kia ngồn hết thời gian, chẳng làm được gì trong suốt nhiệm kỳ.
Nhưng, trong các hiện tượng “buông” và “nắm”, có không ít lãnh đạo cũng biết “khôn lõi”, lợi dụng sự trúng phiếu, trúng ghế lãnh đạo như sự trúng mánh đầy mong đợi từ lâu, có những trường hợp mất công, tốn tiền cũng khá là dữ dội mới có được chức quyền. Thế nên, sinh ra “tư duy nhiệm kỳ”, và từ đó chỉ dồn thời gian, công sức cho “tư duy chức danh, quyền lực, thanh thế”, tranh thủ lợi dụng chức vụ quyền hạn lo thật nhiều cho “cái tôi”, buông chức trách, buông nhiệm vụ, nắm lấy mọi cơ hội để vơ vét, vụ lợi cho cá nhân, gia đình, dòng họ, mục đích là trong nhiệm kỳ phải vinh thân, phì gia, kệ cha thiên hạ. Những người lãnh đạo như thế đã buông lý tưởng cộng sản, buông hết những lời Bác Hồ dạy, chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo danh lợi một thời, ôm lấy quyền lực lo cho nhóm lợi ích, che chắn cho phe cánh để tiếp tay và dùng mọi thủ đoạn tham nhũng, tục trục lợi.
Họ sẵn sàng buông nguyên tắc Điều lệ Đảng, buông 5 nhiệm vụ đảng viên và 19 điều đảng viên không được làm, buông luôn uy tín và danh dự cũng như lòng tự trọng của chính mình để nhằm mục đích tất cả chỉ vì đồng tiền, “đem  quyền đời bố củng cố đời con”. Đó cùng là hệ lụy do những người trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền”. Thiên hạ ai cũng thấy ngay trong nhỡn tiền sự cố tình hành động “buông” và “nắm” ấy của những người đã khoác áo, mượn danh cộng sản mà buông đạo đức, chỉ lo nắm tiền, vàng, đô la, nắm giữ quyền cao chức trọng để lo cho bản thân, con cái, dòng họ. Buông như thế, nắm như vậy, họ có còn xứng đáng với cái danh và phẩm chất, đạo đức của người cộng sản?
    B.V.B