Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lan man chuyện về "Nhiệt liệt chào mừng" và...

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 23 tháng 4 năm 2012 6:43 AM

Lâu rồi tôi mới có dịp gặp lại mấy ông anh thuộc loại lão làng trong làng báo mà tôi đã từng có những năm tháng cùng sống, cùng hoạt động nghề nghiệp từ hàng chục năm trước.
Đó là nhà báo Hữu Thọ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Sinh từ thời cùng ở Khu IV khói lửa của thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước; nhà báo, nhà thơ trào phúng Đặng Minh Phương từ thời Khu V dằng dặc khúc ruột miền Trung những ngày cùng là phóng viên chiến trường thời chống Mỹ. Ba ông anh nhà báo ấy mỗi người một quê (anh Hữu Thọ người Hà Nội, anh Nguyễn Sinh quê Hà Tĩnh, anh Đặng Minh Phương quê Phú Yên), mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai nhưng đều có chung một cái tình sâu đậm với đồng nghiệp và với lớp đàn em như tôi trong những năm tháng làm báo gian khổ không thể nào quên. Cả ba ông anh đều đã quá tuổi xưa nay hiếm. Anh Hữu Thọ, anh Đặng Minh Phương còn quá cả tuổi 80. Anh Nguyễn Sinh kém một vài tuổi nhưng xem ra sức khỏe lại không bằng hai bậc đàn anh cao niên hơn.
Ngày ở Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, anh Hữu Thọ là Tổ trưởng Tổ phóng viên thường trú của báo Nhân Dân, còn anh Nguyễn Sinh, anh Quốc Vinh, anh Hồng Khanh (hai anh ở xa, không có mặt tai cuộc gặp này), là phóng viên của báo. Khi ấy tôi là phóng viên của TTXVN thường trú tại đây. Sau này, anh Hữu Thọ là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư trước khi về hưu. Còn anh Nguyễn Sinh chuyển qua Nhà xuất bản Phụ nữ, nhiều năm làm Phó Giám đốc, Tổng biên tập của Nhà xuất bản. Anh Nguyễn Sinh là nhà văn, đồng tác giả với anh Vũ Kỳ Lân, Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự Đặc khu Vĩnh Linh, viết cuốn Ký sự vùng đất lửa về “vùng đất thép” này trong những năm chống Mỹ. Tác phẩm đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn anh Đặng Minh Phương là nhà báo kỳ cựu của báo Nhân Dân, từng là Tổng Biên tập báo Cờ Giải phóng miền Trung Trung bộ trong những năm chống Mỹ, một nhà thơ trào phúng có mấy câu thơ đã trở thành thơ ca dân gian, rất nhiều người biết nhưng không biết ai là tác giả: Thu Vân giới thiệu Thu Bồn/Thu Bồn cảm động sờ ...vai Thu Vân”  và Anh đi công tác Plây/Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra... (tôi đã có dịp giới thiệu về xuất sứ của mấy câu thơ này trên blog Đầu Gối và trên báo Văn nghệ Công an mấy năm trước). Anh được ví như là nhà thơ Bút Tre của Khu V thời chống Mỹ.
Anh em chúng tôi lâu ngày gặp nhau nên có biết bao chuyện muốn hỏi, muốn nói. Tôi hỏi  anh Hữu Thọ và anh Đặng Minh Phương, hai nhà báo thuộc loại thạo tin cung đình nhất về những chuyện tôi có biết nhưng không biết cặn kẽ và những chuyện tôi nghe nói nhưng chưa biết thực hư ra sao, trong đó có chuyện về câu khẩu hiệu Nhiệt liệt chào mừng... và “Mừng Đảng, Mừng Xuân” , cùng nhiều  chuyện khác mà làng báo gần đây hay nhắc đến.
Hai anh cho biết, không phải bây giờ mà cách đây hàng chục năm dư luận đã không đồng tình với lễ nghi đón tiếp các vị lãnh đạo về thăm đơn vị, địa phương rườm rà, hình thức, nhiều khi phản cảm. Anh Đặng Minh Phương kể cách đây 30 năm, từ thời ông Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (chức vụ như Chủ tịch nước bây giờ), ông Trường Chinh đã không đồng tình về chuyện này. Đã có lần thư ký riêng của Chủ tịch không để cho phóng viên truyền hình quay cảnh đón tiếp Chủ tịch về thăm địa phương mà phía sau có khẩu hiệu Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh về thăm.... Nhà báo Đặng Minh Phương còn cho biết, khi ông là Trưởng ban Đại diện báo Nhân Dân tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong một buổi họp bàn về việc tổ chức đón Chủ tịch Trường Chinh về thăm địa phương, khi có ý kiến nêu ra là nghi thức đón nguyên thủ quốc gia cần trải thảm đỏ và có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…”, anh đã trực tiếp góp ý với ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy là không nên làm vậy và ý kiến của anh đã được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh chấp thuận.
Còn tôi, người viết những dòng này, cách đây hơn chục năm đã biết không phải địa phương nào cũng có khẩu hiệu Nhiệt liệt cháo mừng… khi đón các vị lãnh đạo về thăm và không phải vị lãnh đạo nào cũng thích, cũng khoái” và cũng để ý đến việc này. Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, một người bạn đồng môn và cũng là đồng nghiệp với tôi kể rằng: Năm 2004, khi lên Điện Biên công tác đúng vào dịp tỉnh chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chứng kiến cảnh đón tiếp rầm rộ các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ lên thăm, khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng …” căng đầy đường phố, trẻ em đứng thành hàng dài chờ hàng tiếng đồng hồ, anh đã góp ý với một cán bộ lãnh đạo địa phương nên xem lại việc này. Sau đó. trong một buổi làm việc ở Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Vũ Huyến cũng đã có ý kiến nên bỏ “Nhiệt liệt chào mừng…” khi đón các vị lãnh đạo về thăm và làm việc. Trong một lần gặp bà Võ Thị Thắng khi bà còn đang là Tổng cục trưởng Du lịch, Vũ Huyến hỏi thẳng bà Thắng sao lại có thể chấp nhận việc có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…” khi bà về thăm và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh? Anh cũng đã góp ý với Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Phú Thọ về việc để khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy…” đến dự khi tổ chức buổi sinh hoạt của một Câu lạc bộ thơ của các cụ về hưu trong tỉnh?
Về khẩu hiệu “Mừng Đảng, Mừng Xuân”, tôi được dịp hỏi anh Hữu Thọ để biết cặn kẽ vì sao khẩu hiệu chỉ có vậy? Anh Hữu Thọ cho biết: Năm 2000, khi đang giữ chức Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, anh đã ký công văn hướng dẫn việc tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm (70 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930/3-2-2000); 55 năm ngày thành lập nước (2-9-1945/2-9-2000); 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2000). Trong công văn hướng dẫn ấy, có nêu ra mấy khẩu hiệu để các đơn vị, địa phương thực hiện, trong đó có khẩu hiệu: “Mừng Xuân, Mừng Đất nước, Mừng Đảng”. Nhưng rồi chỉ có …03 địa phương thực hiện đúng khẩu hiệu nói trên, còn các đơn vị, địa phương khác vẫn để khẩu hiệu có bốn chữ: “Mừng Đảng, Mừng Xuân”. Có thể tôi không nghĩ đúng, nhưng mọi người làm thế có lẽ vì khi đọc lên nó “thuận tai hơn” là để cả sáu chữ “Mừng Xuân, Mừng Đất nước, Mừng Đảng” như hướng dẫn của Ban tư tưởng Văn hóa Trung ương chăng? (theo kiểu nói “Con ông cháu cha” thuận tai hơn là “Con cha cháu ông” xưa nay vẫn thường dùng), chứ chưa hẳn để thế là nịnh Đảng>!
Về chuyện “Nhiệt liệt chào mừng…” này, cách đây hai tháng, tôi đọc trên blog của nhà báo Trương Duy Nhất bài: “Tôi đã vận động đảng & chính phủ bỏ “nhiệt liệt chào mừng” như thế nào?”, trong đó ông cho biết, ngày 22-11-2007 ông đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  về việc bỏ “Nhiệt liệt chào mừng…” khi đón tiếp các vị lãnh đạo về công tác tại địa phương.
  Năm 2009, nhà báo Trương Duy Nhất lại có bài “nói không với nhiệt liệt chào mừng”, trong đó có đoạn: “Không “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được thì cái quãng cách cầu nối với dân vẫn còn rất xa. Và mọi lời huấn thị, rao giảng dưới những câu “nhiệt liệt” ấy rất khó lọt tai dân”
Khi thấy ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - theo nhà báo Trương Duy Nhất,  “là người đầu tiên và duy nhất không cho các địa phương, đơn vị căng băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” mình”, ông lại có bài viết “Ấn tượng đầu tiên của ông “không ấn tượng” . Đến khi Ban Bí thư Trung ương Đảng  có công văn số 243/CV-VPTW, yêu cầu không treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” và nhắc rõ đây là việc “phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”, ông viết bài: “Ban Bí thư trung ương đảng cấm “nhiệt liệt chào mừng”.
Trong bài viết “Tôi đã vận động đảng & chính phủ bỏ “nhiệt liệt chào mừng” như thế nào?” nhà báo Trương Duy Nhất viết: “ Không biết có phải “chiến dịch phê bình- vận động” đảng và chính phủ nói không với “nhiệt liệt chào mừng” do tôi khởi xướng và kiên trì hô hào mấy năm qua đã có tác động và hiệu quả? Hay do tự thân Tổng Bí thư và đảng biết xấu hổ nên quyết từ bỏ trò “nhiệt liệt” này?”.
Tôi biết qua trang blog của ông và một số trang mạng khác, nhà báo Trương Duy Nhất là người trăn trở và quyết liệt (nhiều khi ... cay nghiệt!) nêu ý kiến bỏ kiểu “Nhiệt liệt chào mừng…” và đã có kết quả. Song nếu nói ông là người khởi xướng của một chiến dịch hay một phong trào “nói không với nhiệt liệt chào mừng” thì có lẽ hơi quá. Tôi kể chuyện về “Nhiệt liệt chào mừng…” trên đây để thấy rất nhiều người, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo từ hàng chục năm trước đã có ý kiến về việc này, chứ không phải gần đây mới nêu lên. Chỉ có điều những ý kiến đúng đắn đó, cũng như nhiều ý kiến đúng đắn khác chậm được các vị lãnh đạo và các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và sửa đổi, vì thế nó chậm đi vào cuộc sống mà thôi!
Trước khi chia tay, anh Hữu Thọ cho biết hàng ngày anh vẫn viết đều đặn và thường xuyên vào Internet để đọc và tra cứu thông tin. Anh Đặng Minh Phương tặng tôi cuốn sách “Từ trong cõi thực” của anh do Nhà xuất bản Dân Trí mới in quý I năm 2012. Còn anh Nguyễn Sinh cho biết đang dốc sức để hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết mới viết về làng quê nơi anh sinh ra. Tôi thật sự nể phục sức làm việc hiếm có của các ông anh nhà báo lão làng này!
Nguồn: Blog Đầu Gối