Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhỏ nhẹ vài điều nghe và thấy ở bệnh viện

Trần Huy Thuận
Thứ hai ngày 23 tháng 4 năm 2012 10:04 PM
 
Lâu lắm mới phải nằm điều trị ở bệnh viện.
Thoạt đầu thấy trong người mệt mỏi, soi gương thấy da trắng xanh, mắt vàng, bà xã ép phải đi khám bệnh ngay. Lưỡng lự mãi rồi cũng phải “chấp hành”. Đến khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, cũng được đưa đi siêu âm, lấy máu xét nghiệm, chụp xquang… Khi bác sĩ xem kết quả, kết luận không có vấn đề gì lớn, cấp cho (cho không) mấy viên thuốc hoạt huyết dưỡng não và một vài thứ thuốc khác, trị giá độ vài chục nghìn đồng. Mình về nhà và chiều ấy tí bị ngất xỉu! Vậy là vợ con bắt phải “vượt tuyến” lên Hà Nội khám. Bác sĩ khám qua đã kêu lên: “Sao cụ để mất hồng cầu nặng đến mức này, mới vào viện?” và cho biết chỉ chậm nhập viện vài ngày, có thể khó an toàn tính mệnh – Thế mà bà tân bộ trưởng Y tế lại có ý gạt bớt bệnh nhân về “tuyến dưới” để “tuyến trên” không bị nạn “quá tải”! Làm như thế khác gì đẩy bệnh nhân vào cảnh “cá ở trên thớt”, thậm chí chết oan có ngày!
Nằm 12 ngày liền, khám đủ các bộ phận, cuối cùng lấy tủy sống đi xét nghiệm mới biết mình bị mất tới 80% hồng cầu là do “rối loạn sinh tủy” – Một căn bệnh cũng khá nặng! Được cái bác sĩ đã hướng dẫn rồi, cũng đơn giản thôi: Khi nào thấy người mỏi mệt, nên đến bệnh viện kiểm tra, nếu hồng cầu giảm 25%, phải tiếp máu ngay! Bệnh này phải chung sống như kiểu dân Nam bộ vẫn nói: “sống chung với lũ”, chả có cách nào hơn.
Nằm 12 ngày ở bệnh viện “tuyến trên”, các bệnh nhân cùng phòng có nhiều chuyện kể với nhau lắm, đặc biệt là chuyện về cách và thái độ chữa bệnh của các “mẹ hiền” cấp địa phương. Một chị nông dân đi xe đạp bị xe công nông va phải, ngã gãy tay. Vết gãy rõ đến mức người trần mắt thịt không có chuyên môn y tế, cũng thấy đoạn xương gẫy chồng lên nhau một đoạn khoảng mươi phân. Vậy mà bác sĩ – mẹ hiền “tuyến dưới”, chả thèm sửa, nắn gì, cứ để nguyên thế, tiến hành bó bột! Chưa là cái gì, còn khá nhiều trường hợp, khi “tuyến dưới” buộc phải đưa bệnh nhân lên “tuyến trên”, lúc nhận bàn giao, bác sĩ “tuyến trên” đã không nể nang nói thẳng vào mặt y, bác sĩ “tuyến dưới”: “Làm sao mà bệnh nhân mắc bệnh này các anh lại cho dùng thuốc ấy?”… Hôm nay đọc trên báo mạng, thấy có tới 3 sản phụ bị chết oan ngay trên bàn đẻ các bệnh viện “tuyến dưới” (Bắc Ninh, Hưng Yên…) mà xót xa quá chừng! Than ôi, mệnh con người sao mà mỏng manh! Đến đây lại phải có lời thưa với bà bộ trưởng, bà không thể cấm bệnh nhân “vượt tuyến” được đâu, bởi muốn sống, muốn chữa được bệnh,  khó mấy, tốn mấy, bệnh nhân chúng tôi cũng vẫn phải “vượt” thôi, trừ phi bà nâng cao được chất lượng thực sự cho bệnh viện tuyến dưới – một điều còn khó hơn cả nạn “quá tải” nhiều lần nữa, thưa bà!
12 ngày ở bệnh viện trung ương, mặc dù mình vẫn tỉnh táo và tự xử lý các sinh hoạt cá nhân, nhưng vợ con vẫn khá vất vả: Nấu cơm, đưa cơm, dẫn đi làm các xét nghiệm, gọi điều dưỡng viên khi ống truyền máu, truyền đạm… bị nghẽn v.v. Đêm con trai phải ngủ lại phòng bệnh đề phòng có chuyện bất trắc. Thế là phải lo chỗ nằm cho con chứ ngồi suốt đêm sao được? Vậy là mỗi bệnh nhân phải kèm ít nhất 1 người phục vụ 24/24 mỗi ngày. Bệnh viện vốn quá tải, càng thêm quá tải – Mình nghĩ: Giá như Bộ Y tế quy định việc chăm sóc bệnh nhân không để gia đình bệnh nhân làm, mà giao cho điều dưỡng viên làm, thì sẽ giảm được số người trong phòng bệnh, phòng bệnh luôn thoáng mát, vệ sinh và bệnh nhân được chăm sóc có bài bản hơn. Tôi tin gia đình nào cũng sẵn sàng góp thêm tiền để trả công cho điều dưỡng viên để được ở nhà làm các việc khác kiếm tiền nuôi người bệnh. Như thế, có khi lại còn giúp kiếm thêm việc làm cho một số điều dưỡng viên chưa có công ăn việc làm… Một lão bệnh nhân nằm cạnh thấy mình nói vậy, liền nói: Trước chiến tranh chống Mỹ, các bệnh viện ở ngoài Bắc mình đã làm như thế rồi đấy chứ, người nhà bệnh nhân chỉ được vào thăm mỗi tuần một lần thôi. Vậy là lại nhớ đến câu “bao giờ cho đến ngày xưa?”!
Còn nhiều chuyện nữa muốn nói, nhưng vì mới xuất viện, sức khỏe chưa thật sự hồi phục, xin tạm dừng ở đây. Hy vọng sẽ có ngày được kể tiếp.
MỘT BỆNH NHÂN
THT