Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thế nào là tổng xỉ vả

Bùi Văn Bồng
Thứ hai ngày 26 tháng 3 năm 2012 10:08 PM
 
 Mới đây, tôi có viết một bài báo chủ đề công tác Đảng, công tác chính trị. Tôi đã cố gắng để bài viết thể hiện sự chân tình, động cơ xây dựng và cũng tính toán đến sự thận trọng nghiệp vụ, Trong bài báo có nội dung phê bình, rồi góp ý, khuyên nhủ “một bộ  phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền bị suy thoái...” về nhiều mặt. Thực ra, bài viết chỉ là nêu những hiện tượng chung. Cũng có đôi chỗ dẫn liệu, chứng minh cho rõ ý, đưa ra mấy nét cụ thể trong cái tổng thể, làm rõ thêm cho thực thể. Cũng cố tránh không đụng đến đích danh ai. Tôi gửi bài đến tòa soạn một tờ nhật  báo thuộc diện khá đông bạn đọc. Trưởng phòng biên tập gọi điện, cảm ơn là đã nhận được bài, đọc rồi, thấy sướng, viết chân thành, có chỗ sâu sắc, sẽ đưa sớm. Trong bài viết, tôi cũng đề xuất những việc nên làm để đảng viên ta học tập, làm theo gương Bác Hồ được thiết thực, ngấm sâu, hiệu qua hơn. Được hơn một tuần sau, tôi điện hỏi lại. Ông trưởng phòng biên tập nói: “Đổ rồi!”. Tôi hỏi là tại sao? Ông ta nói, Phó TBT chuyên trách mảng chính trị nói: “Không đăng được, Đảng ta đang bị tổng sỉ vả nhiều rồi. Cứ từ từ để xem đã”. Thế là tôi lại gặp cú sốc. Bài báo viết xong thấy tâm đắc, mà ban biên tập nói từ từ còn để xem, là coi như tiêu rồi. Nhất là cái yêu cầu phải nhanh nhạy, kịp thời của báo chí. Tôi gặp khối bê-tông cổ hủ và thủ cựu mọc rêu rồi.
 Tôi lại nghĩ, thế cũng mừng cho những cái sai còn được những kẻ thực dụng, cơ hội, nhát gan che chắn. Những cán bộ đảng viên mắc những sai lầm đến mức tự làm mất niềm tin của mọi người đối với chính bản thân họ, mà nguy hơn là họ có tội làm mất niềm tin của toàn dân với Đảng cầm quyền. Ấy thế mà vẫn có người còn thông cảm, còn tỏ ra thương hại, nhẹ tay, nương lời. Nhất là cương vị của ông ta, một chỗ “lừng danh công luận”, nơi người dân vẫn kỳ vọng tiếng nói của báo chí mạnh mẽ tham gia định hướng, hỗ trợ, hợp sức vào cuộc chỉnh đốn Đảng lần này.
Mới đây, giao ban về công tác tuyên truyền, báo chí tại Ban Tuyên giáo Tung ương cũng khen ngợi báo chí trong thời gan qua bắt kịp với những vấn đề bức xúc của thời cuộc, nhất là báo mạng đã kịp thời đưa ra công luận những vụ việc nhiều nan giải, gay cấn, những vấn đề rất thời sự, là kênh thông tin tạo lợi thế cho việc lãnh đạo, chỉ đạo. Người ta cũng ghi nhận rằng, nếu không có các thông tin kịp thời, có trách nhiệm của các trang báo, blog mạng, thì Trung ương còn nghiên cứu chán mới có đủ thông tin giải quyết nhanh và khá chính xác vụ Tiên Lãng. Điều đó càng chứng minh hiệu quả của báo chí là kênh thông tin giúp nhiều cho lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xã hội. Và tại cuộc họp cũng nhắc nhở một số báo chưa thực sự nhanh nhạy, thiếu chủ động, bỏ qua sự kiện, tính chiến đấu chưa cao. Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới cần lưu ý phải phát huy mạnh hơn nữa vai trò, chức năng, tính chiến đấu, tình kịp thời trong tuyên truyền báo chí, tập trung vào các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết TW 4; tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thế nhưng, cái ông Phó TBT của tờ báo trên đây vẫn trong cái bờ rào khoanh kín, thủ thế, phòng thân, “cẩn tắc vô áy náy”, cứ bài cũ mà làm an toàn nhất. Đối với ông ta, nếu như đưa lên mặt báo những bài có vấn đề mới, có chiều sâu, nêu thực trang rất sợ bị đụng chạm. Không nêu cũng chẳng chết ai. Tiên phong không khéo chẳng phải đầu cũng phải tai, phiền toái. Giữ ghế trong mọi tình huống vẫn là trên hết. Nhưng mà, suy cho cùng cái cung cách làm báo như thế là kém, là không hiện đại, thiếu đi sự thức thời cần thiết. Người ta nói, lòng tham và tính nhút nhát là bộc lộ của kẻ ngu hèn.
 Vì né tránh sợ mang tiếng là “tổng sỉ vả” mà bài báo bị găm lại, coi như vứt sọt rác. Tôi buồn. Không phải buồn vì bài báo không được đăng, mà buồn vì có những kẻ thích chui vào vỏ ốc, vô cảm trước mọi diễn biến, xu thế phát triển không ngừng nghỉ của xã hội. Sự xu thời, lối cơ hội vẫn thường lội ngược dòng với xu thế đi lên ào ạt của lịch sử xã hội, của cả cộng đồng trong thời đại. Những kẻ như thế rất sợ “cuốn theo chiều gió”, né tránh như thỏ đế nấp sau cành lá nhìn ra ngoài. Thôi thì tốt nhất đóng cửa cho kín, giữ lấy mình. Đối với họ, an phận thủ thường vẫn là thượng sách.
 Thực trạng không trong sạch, yếu kém, báo động sự không đủ mạnh để đứng vững của Đảng ta đã rõ. Ngay như Nghị quyết Trung ương 4 cũng nói rất thẳng, lời lẽ dứt khoát, nói mạnh, chỉ ra sự thể đã đến mức cấp bách rất cần phải kiên quyết “dựng lại Đảng”. Bởi vì nói xây dựng Đảng đã trở thành nội dung, nguyên lý chung, và đã xây dựng suốt 82 năm nay rồi. Nhưng thực tế xã hội đã bộc lộ và đang phát sinh những nhiều chỗ đã xây lên rồi, tưởng vững mà nay lại thấy chưa thực sự là vững, thậm chí bị nghiêng. Theo tôi, trong bối cảnh này, với mục đích mà Nghị quyết TW4 đã đề ra, gọi là “dựng lại Đảng” mới đúng. Vậy mà có người cũng gạch xóa, mũi tên biên tập kéo ra lề đổi hai chữ “dựng lại” thành “xây dựng”. Cái lối làm việc cũ mèm, kém hiệu quả mà không được sửa lại mà cũng tự xưng là người cách mạng ư? Bởi vì đã nói đến cách mạng là đồng nghĩa với đổi mới. Báo chí phải tiên phong. Trong tình hình hiện nay, báo chí không chịu đổi mới, thì ai đổi mới đây. Cái nỗi buồn trong tôi qua chuyện bài báo bị “gác” là như thế!
 Ngay từ trong tư duy chậm đổi mới của ông Phó TBT nọ, chỉ sợ mang tiếng “tổng sỉ vả” lỡ ra bị liên lụy gì đó, mất lòng ai đó, cũng là một trở lực đáng ngại trong công cuộc đổi mới. Tôi bỗng nhớ đến câu nói quá đúng và lý thú của ông Liễu Truyền Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty máy tính Lenovo: “Do dự không quyết định có thể tránh được một số sai lầm, nhưng cũng làm mất đi nhiều cơ hội khác”. Bùng nổ thông tin toàn cầu hiện nay đòi hỏi các phương tiện truyền thông đáp ứng nhu cầu nhanh nhạy phải tính theo từng giây. Vậy mà khi có sự kiện, cứ để nghiên cứu, thành ra “ngâm cứu” thì coi như bài báo cho dù phóng viên có hăm hở đi nhanh, viết nhanh đến mấy cũng toi công. Làm báo thời nay mà còn lòi cái đuôi quan liêu, bao cấp ngày xưa thì coi như tự tháo lui tai hại và quá bất lợi. Vì thế, tờ báo được Nhà nước rót ngân sách, nhà cửa trụ sở, lương nuôi bộ máy, chi phí nghiệp vụ tốn kém, rồi tiền giấy in báo, công in, tiền phát hành tốn kém, cuối cùng đến tay người đọc thì thông tin bị quá lạc hậu và khô cứng, chỉ nặng về nêu, phản ánh thành tích một chiều, kém tính thời sự, không có tính chiến đấu. Tờ báo đặt lên bàn, ít ai muốn đọc, mỗi ngày càng ít bạn đọc, bán ế, phải lo đi vòi vĩnh thân quen, nể nang để phát hành và còn phải lo chạy nhiều quảng cáo bù lỗ cũng phải.
          Trở lại cách dùng từ của ông Phó TBT nọ là “tổng sỉ vả”. Trong thực tế, không nói ra thì những đảng viên có chức có quyền mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bỏ chức trách nhiệm vụ, lờ tịt mọi dư luận, chỉ chạy đi lo vun vén đặc quyền đặc lợi đã bị dư luận tổng sỉ vả từ lâu rồi. Thậm chí, nói thẳng là có kẻ bị dân chửi nhục hơn chửi chó. Vậy mà họ cứ tưởng còn ngon, oai, nhởn nhơ như không có gì xảy ra cả, mặc sức cố cùng vơ vét thật nhiều vẫn chưa đầy túi tham. Cuộc chỉnh Đảng lần này, ai sai lầm, ai bị suy thoái trầm trọng, nếu như chỉ bị dư luận sỉ vả là còn ít, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, đưa ra trước pháp luật những cá nhân, tổ chức không còn chất cộng sản, vi phạm nghiêm trọng, thì dân mới tin được. Vụ không nhỏ, khuyết điểm, vi phạm lớn, mà chỉ kỷ luật nhẹ, cảnh cáo, khiển trách, không dám mạnh dạn đưa ra ngay khỏi Đảng, chẳng lẽ sợ hết đảng viên? Tình hình này, không dám kiên quyết, chắc còn có sự tiếp tục lình xình. Cuộc chỉnh đốn Đảng lần này có được coi “đấu tranh này là trận cuối cùng”, từ đó làm cơ sở “kết đoàn lại để ngày mai…” như trong bái Quốc tế ca hay không? Các Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Không dám đấu tranh, sống cái kiểu chỉ biết cơ hội, hèn nhát, chỉ lo cái lối an phận thủ thường, thì lấy đâu ra hạnh phúc? Nhà tư tưởng, cũng là tỉ phú từ thiện người Mỹ là Arnold Glasnow đã nói: “ Một người lãnh đạo tốt là người nhận phần lỗi về mình và nhường phần lớn công lao của mình cho người khác”. /.
                  Bùi Văn Bồng