Từ kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng và chuyện “ba bỏ” của Tổng Bí thư:
NGHĨ VỀ VIỆC THU PHỤC LÒNG DÂN
Sau hơn một tháng chờ đợi, ngày 9/2/2012 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận về vụ việc Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn, một vụ việc làm cho dư luận nhân dân rất bất bình. Thủ tướng kết luận: “UBND huyện Tiên Lãng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn…”.
Kết luận đó và những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đối với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc xử lý những sai phạm trong vụ việc này đã được mọi người quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài cũng lên tiếng sôi nổi và liên tục bình luận về sự kiện này. Một số trang báo mạng và cả blog cá nhân lâu nay không có thiện cảm với Thủ tướng, lần này cũng không thể phủ nhận kết luận của Thủ tướng là hợp đạo lý, hợp lòng người. (Ngoại trừ một số người, tuy là số nhỏ, nhưng luôn luôn giữ vững “lập trường” trái chiều, “phàm là” cái gì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm đều sai, đều đi ngược lòng dân!).
Kết luận của Thủ tướng về một sự kiện tưởng rằng chỉ bó hẹp trong một địa phương, trái lại lại mang ý nghĩa rất lớn, ở tầm quốc gia. Vấn đề ruộng đất ở nước ta mấy chục năm nay luôn là vấn đề nóng bỏng. Theo số liệu điều tra đáng tin cậy đã được báo chí nêu ra, có tới trên dưới 80% số đơn từ khiếu nại và tố cáo của công dân gửi các cơ quan của Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể đều có liên quan đến chuyện ruộng đất, tập trung vào các vấn đề đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất. Vì thế cũng dễ hiểu vì sao kết luận của Thủ tướng Chinh phủ về các quyết định cấp đất, thu hồi đất và việc cưỡng chế thu hồi đất đã cấp cho ông Đoàn Văn Vươn của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng lại được dư luận cả nước quan tâm và chờ đợi đến thế. Người dân quan tâm, chờ đợi và, như có nhà báo đã viết, thở phào nhẹ nhõm khi thấy kết luận của Thủ tướng là thấu tình, đạt lý, phù hợp với sự mong đợi của dân. Vấn đề còn lại là các cấp chính quyền ở Hải Phòng thực thi kết luận đó ra sao để người dân thực sự tin rằng kết luận của Thủ tướng không chỉ dừng lại trên giấy. Có như vậy lòng dân mới yên.
Dù sao, trong khi còn chờ đợi kết luận của Thủ tướng trở thành hiện thực thì đã có thể nói rằng bằng kết luận rõ ràng, minh bạch về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp cụ thể, dứt khoát mà người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước cần noi theo. Đó là “Việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” như lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, nhân viên Chính phủ, những người được coi là “công bộc của dân, đầy tớ của dân” chứ không phải là những “ông quan cách mạng như Bác nói.
Cùng với việc Thủ tướng đưa ra kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, những ngày qua dư luận cũng rất quan tâm đến việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiên “ba bỏ” trong các chuyến đi công tác của mình. Đó là: “Bỏ khẩu hiệu kiểu “Nhiệt liệt chào mừng…” khi về thăm các địa phương; Bỏ xe cảnh sát huýt còi dẹp đường khi đi công cán; Bỏ việc đưa tiễn và đón tiếp khi từ địa phương này sang địa phương khác”. Thật ra việc này không hề mới, ít nhất là sau khi được bầu làm người đứng đầu của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thực hiện. Người viết những dòng này từng được cử làm phóng viên đặc biệt tháp tùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ chuyến đầu tiên Tổng Bí thư đi thăm và chúc tết đồng bào cán bộ, chiến sĩ ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh năm 1986, chứng kiến không có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…” và không có xe cảnh sát huýt còi dẹp đường trước xe của Tổng Bí thư khi về thăm địa phương. Nhưng sau này, có lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều đơn vị, địa phương khi đón tiếp lãnh đạo về thăm đều căng khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng …” và nhiều vị lãnh đạo khi đi thăm các địa phương đều “tiền hô hậu ủng”, có xe cảnh sát dẹp đường, và dường như ai cũng coi đó là chuyện bình thường. Tôi không phải là người cực đoan đến mức đòi bỏ hẳn chuyện xe cảnh sát dẫn đường mỗi khi đưa các vị lãnh đạo đi thăm các địa phương. Bởi ví đó là trách nhiệm bảo vệ của cảnh sát, hơn nữa đường sá của ta hiện nay còn kém, giao thông hay ách tắc, cần thiết có xe cảnh sát dẫn đường cho thuận tiện. Chỉ có điều không cần thiết là ở chỗ xe cảnh sát cứ hú còi liên tục, còn cảnh sát cầm loa tay chĩa ra hai bên đường quát tháo người đi đường, trong thật khó “thương”!
Vì thế việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện “ba bỏ” như trên chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ. Tất nhiên không chỉ có việc này mà còn rất nhiều việc khác đòi hỏi Tổng Bí thư đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo, gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác Hồ, hiểu dân và gần dân, làm cho lãnh đạo và nhân dân gắn bó với nhau hơn.
Nhưng có thể nói rằng, không phải đợi có những việc làm to lớn, “hoành tráng” dân mới tin Đảng, mà chỉ cần bắt đầu làm ngay từ những việc cụ thể, kiểu “ba bỏ” như trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất định người dân sẽ đồng tình và úng hộ sự lãnh đạo của Đảng và Đảng sẽ thu phục được lòng dân .
Hà Nội, 12/2/2012
Nguồn: Blog quang 194-đầu gối-yahoo!360plus