Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Vụ án Lệ Chi Viên đã được một số tác giả đề cập đến dưới dạng biên khảo, truyện và thơ. Chúng tôi có nhận xét chung là, cho dù xuất hiện dưới hình thức nào, cuối cùng, phần lớn tác phẩm đều quy chiếu về một điểm, đây là một vụ án oan dẫn đến họa tru di đại gia đình Nguyễn Trãi mà nhân vật chính được coi là người gây ra cái chết của mấy chục nạn nhân là Nguyễn Thị Lộ. Chuyện này không lạ, bởi nó đã được Ngô Sĩ Liên (hoặc một sử gia nào đó sau Ngô Sĩ Liên, theo quan điểm của Phan Huy Lê) chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế, không ít người lấy Quốc sử thời Lê sơ làm cơ sở, một mặt đề cao nhân cách Nguyễn Trãi, mặt khác lại phỉ báng Nguyễn Thị Lộ, thậm chí còn bịa ra cả huyền thoại rắn báo oán để gán tội cho một người phụ nữ tài hoa, từng đảm nhiệm chức Lễ nghi học sĩ trong triều Lê Thái Tông.
Ngô Sĩ Liên đã làm một việc khá hồ đồ là đóng đinh vụ kỳ án vào lịch sử, không cho Nguyễn Thị Lộ được thanh minh, nhưng hậu thế chiêu tuyết cho bà. Những năm gần đây đã có những công trình nghiên cứu nghiêm túc về thân thế sự nghiệp Nguyễn Thị Lộ, trong đó có cả một cuội hội thảo tầm cỡ quốc gia đã phát hiện được nhiều tư liệu giá trị về vị nữ học sĩ tài danh đã một thời làm nghề bán chiếu gon ở kinh thành Thăng Long. Những bí mật vụ án Vườn vải Gia Định từng bước được khai mở, và người ta dần dần hiểu được, những kẻ nào đã thao túng triều cương, đạo diễn vở bi kịch chính trị đẫm máu nửa đầu thế kỷ XV.
Tác phẩm viết về vị Lễ nghi học sĩ tài danh gần đây nhất là tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ của nhà văn Hà Văn Thùy do NXB Văn học ấn hành vào năm 2005. Xét về mặt hình thức, Nguyễn Thị Lộ là một tiểu thuyết lịch sử gần đúng nghĩa, bởi tác giả ít nhiều đã tạo được không khí lịch sử thời Lê sơ qua cách xử lý không gian, ngôn ngữ và những nét đặc trưng tâm lý nhân vật. Nói cách khác, với bút pháp riêng của mình, Hà Văn Thùy đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử, tạo nên văn bản nghệ thuật có tính gợi mở, mặt khác, ông góp phần làm sáng tỏ những điểm còn mù mờ trong nội bộ triều Lê, cung cấp cho người đọc một cái nhìn mới về Vụ án Lệ Chi Viên.
Về mặt kết cấu, tác phẩm chia làm 8 chương, ở phần cuối còn có một Vĩ thanh (phần này không có trong văn bản do NXB Văn học ấn hành), mỗi chương đều gài một vài chi tiết quan trọng dẫn người đọc đi dần đến vụ thảm án bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, đậm hình ảnh, đặc biệt hấp dẫn với những bạn đọc... không khó tính.
Đọc Nguyễn Thị Lộ, chúng ta dễ bị thuyết phục, đôi khi còn như bị thôi miên bởi không ít những lý lẽ Hà Văn Thùy đưa ra biện minh cho cuộc tình vụng trộm giữa Lê Thái Tông với bà Lễ nghi học sĩ. Một khi đã bị tác giả lừa vào mê cung tình ái bằng những trường đoạn phân tích diễn biến tâm lý ngọt ngào, mùi mẫn, bạn đọc sẽ dễ dàng mất cảnh giác, buông lỏng lý trí, sẵn sàng đồng hành với tác giả trong cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên không thể trách tác giả về mặt diễn biến cốt truyện, bởi có vẻ như ông đã tôn trọng sự thật lịch sử, tuy đó là thứ lịch sử không mấy tin cậy được viết dưới áp lực của một nhóm quyền thần sau khi đã thanh toán vợ chồng Nguyễn Trãi, đang ở thế thượng phong, có thể nhổ toẹt cả vào Quốc sử.
Nhưng chính vì quá lệ thuộc vào lịch sử, quá tin vào sự trung thực của các sử quan, Hà Văn Thùy đã vô tình rơi vào cái bẫy của đám lộng thần. Chính vì thế, cuốn tiểu thuyết tuy có nhiều chương ca ngợi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, nhưng xét về mặt tổng quát, tác giả lại hạ nhục họ bằng cách biện hộ cho cho cuộc dan díu vô luân của Lê Thái Tông với bà Lễ nghi học sĩ.
Căn cứ trên văn bản, Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện Lệ Chi Viên khá mập mờ, có những điểm rất đáng nghi, nhưng việc kết tội Nguyễn Thị Lộ là chắc chắn :Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, xa giá về tới vườn vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về. Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”( Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỉ thực lục, quyển XI ). Vậy mà Hà Văn Thùy để cho Lê Thánh Tông khen Ngô Sĩ Liên :Giỏi, giỏi! (...) Đáng mặt sử gia! Khanh đã viết đúng như sự việc xảy ra... (Chương 8).
Trong cuộc Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ do đảng ủy xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức ngày 19 tháng12 năm 2002, sau đó ra đời tập Kỷ yếu nhan đề Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, có khá nhiều bản tham luận nghi ngờ tính trung thực của sử gia Ngô Sĩ Liên, mà một trong những người phản biện mạnh mẽ nhất là nhà văn Hoàng Quốc Hải với bài Trắng án Nguyễn Thị Lộ. Trong đó, ông dẫn ra đoạn Lê Thánh Tông trách mắng thậm tệ Ngô Sĩ Liên :Vua dụ bảo Đô Ngự sử đài là Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:Ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tôn nên mới đầu xuân tế Giao, ngươi lại bảo tổ tông đặt ra tế Giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, Khi Lệ Đức hầu (Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự sử đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vì lợi lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư? (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, trang 180, bản dịch), rồi kết luận :Tư cách của sử quan và Đài Ngự sử như thế thì chúng ta có quyền tin tưởng sâu sắc rằng, những điều họ chép ghi trong Vụ án Vườn Lệ Chi là dối trá. Điều này được chứng minh trong lời văn Đại xá của Lê Nghi Dân sau khi đã giết Bang Cơ. Trong đó Nghi Dân khẳng định :... Diên Ninh tự biết mình không phải là con của Tiên đế... (Đại Việt thông sử, trang 226, bản dịch).
Nếu chỉ căn cứ vào đoạn ghi chép về cái chết của Thái Tông trong Quốc sử, hậu thế tuy có trách nhưng vẫn có thể tha thứ cho Ngô Sĩ Liên, thế nhưng đến khi chính ông lại hạ lời bình rất bất lương (chữ của HQH) về nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ :Nữ sắc làm hại người quá lắm thay. Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái Tôn yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư? (ĐVSKTT, tập 3, trang 13, bản dịch), thì ta có thể kết luận, tư cách kẻ sĩ của viên sử quan này quá tầm thường. Hơn nữa, cũng chính vì thiếu chữ dũng của một vị Đô Ngự sử đài mà ông đã để lại vết nhơ trong lịch sử Đại Việt.
Người viết tiểu thuyết lịch sử, nếu muốn thành công, cần làm sống lại được tinh thần lịch sử thời đại, nghĩa là phải chuyển tải được cái hồn thời đại ấy qua hệ thống nhân vật cho dù chỉ là hư cấu. Với Nguyễn Thị Lộ, phải nói, Hà Văn Thùy rất có ý thức về vấn đề này, nhưng đáng tiếc là, ông đã sai lầm ngay từ phương pháp luận khi quá lệ thuộc vào chính sử để hư cấu nên mối quan hệ bất thường giữa vị hoàng đế thứ hai nhà Lê với người thiếp yêu của một đại công thần, thi vị hóa cuộc dan díu này rồi đẩy nó vào quỹ đạo ái tình : Không cầm được lòng, nàng đăt lên trán chàng nụ hôn nhẹ như thoảng qua. Cái gì đã xảy ra? Nàng tự hỏi. Tội lỗi, tội lỗi, nàng thầm nhủ. Nhưng sao lạ quá, một cái gì đó mới mẻ chưa bao giờ nàng thấy. Nó dữ dội nó bạo liệt như xoáy lốc cuốn nàng bay vút lên tới tận trời xanh, toàn thân nàng đê mê như tan ra, nàng như muốn ngộp thở, nàng kiệt sức ngất đi … Tình yêu là như vậy sao? Nàng tự hỏi. Thật khác xa những gì nàng đã có với Nguyễn Trãi... (chương 4) Để thuyết phục người đọc bằng quan điểm duy quốc sử của mình, Hà Văn Thùy không ngại sử dụng hàng loạt sự kiện được diến giải thông qua các biện pháp nghệ thuật như hồi ức, trạng thái tâm lý, trích dẫn văn bản (kể cả tất yếu và ngẫu nhiên), nhằm ngăn chặn các ý kiến phản biện mà ngôn ngữ thông tục gọi là rào trước đón sau. Một trong những biện pháp khá hữu hiệu phục vụ đắc lực cho quan điểm sai lầm trên là những trang độc thoại của các nhân vật chính.
Nội dung độc thoại trong diễn biến tâm lý các nhân vật, ở chừng mức nào đó, kể cả Lê Thái Tông, đều có xu hướng thanh minh cho cuộc tình không chính danh, được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ đầy ma lực, có sức mê hoặc ngay cả những người hoài nghi nhất: Chàng thấy tâm hồn trở nên thanh thản, tâm trí tỉnh táo. Sao lạ vậy, có lúc chàng tự hỏi. Hơn một người vợ. Người vợ chỉ biết tuân phục và nuông chiều. Hơn một người mẹ, từ mẫu chỉ biết thương yêu và răn dạy. Nàng như là người mẹ trong một người tình. Nàng biết khuyên can ta những điều sâu xa, nàng cũng nghiêm khắc như người mẹ với những điều ta chưa phải. Nhưng sau đó, bao giờ ta cũng được hưởng sự vuốt ve chiều chuộng cùng niềm vui ân ái … Chàng nhận ra, từ khi gặp nàng, chàng đã thành người khác, trầm tĩnh hơn chín chắn hơn (chương 4). Hồi ức của Nguyên Long qua giấc mơ thuở nhỏ được một cô tiên tắm cho rồi cậu bé sờ ti được lặp đi lặp lại như là một định mệnh, hay việc Nguyễn Thị Lộ, dùng tình yêu và tài sắc của mình cải hóa Thái Tông từ một ông vua lười nhác, ham mê tửu sắc thành đấng minh quân, luôn là tiêu chí định hướng thẩm mỹ tránh cho người đọc sự nhầm lẫn về mục đích tác phẩm.
Nhưng sự việc chưa dừng ở đó. Nhằm hoàn thiện hình tượng Nguyễn Thị Lộ với ý đồ tôn vinh người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, Hà Văn Thùy còn gán cho nhân vật này những công tích rất đáng ngờ. Điển hình là việc sửa lễ nhạc để thay thế loại lễ nhạc hổ lốn của nhóm hoạn quan Lương Đăng. Từ nội dung chương 4, người đọc tinh tế sẽ nhận ra ngay mục đích của tác giả trong trường đoạn Nguyễn Thị Lộ mời Thái Tông nghe nhạc. Là nhân vật có quyền uy nhất trong triều, từng nhiều lần lên giường với một giai nhân tài sắc bậc nhất kinh thành, thì việc gì mà nhà vua chẳng gật đầu. Tuy nhiên, đến đây cần phân định rạch ròi giới hạn không thể vượt qua đối với một nữ quan, bất kể người ấy là nhân tình của bậc quân vương. Theo quan niệm nam tôn nữ ty trong điển chế Khổng Mạnh, tại triều đình, làm lễ nhạc phải là nam nhân có danh vị cao trong Bộ Lễ và Viện Hàn lâm. Trường hợp thái giám Lương Đăng và Hạ Đăng Đắc được xem là các biệt chỉ xảy ra vào lúc triều cương rối nát. Việc để Nguyễn Thị Lộ chủ trì lễ nhạc, cho dù phía sau bà là Nguyễn Trãi, cũng không đủ sức thuyết phục.
Đến đây tưởng cũng nên làm rõ một điều về chức danh nữ quan của Nguyễn Thị Lộ. Lễ nghi học sĩ là chức quan do Bộ Lễ quản lý. Với chức trách cung trung giáo tập, hàng ngày, Nguyễn Thị Lộ đi kiệu vào hậu cung dạy các phi tần, cung nữ, hết giờ lại lên kiệu về phủ đệ, không được ở lại hậu cung. Vậy mà Hà Văn Thùy lại bịa ra một cung Lễ nghi học sĩ, vô hình chung, ngay từ đầu tác giả đã biến bà thành một cung nữ, chịu sự quản giáo của Quý phi Dương Thị Bí và Thần phi Nguyễn Thị Anh. Chuyện này ngỡ như bình thường nhưng thực chất đó lại là chi tiết quan trọng. Loại bỏ chi tiết này ra khỏi tiểu thuyết, có nghĩa là loại bỏ một điểm hẹn rất hợp lý của đôi tình nhân trong hậu cung đầy bất trắc và lắm chuyện thị phi. Hai người khó có thể gặp nhau thường xuyên bởi tai mắt của bọn thái giám.
Bây giờ chúng tôi xin nói đến điểm mấu chốt nhất của cuộc tình này mà nếu bị bác bỏ thì xem như cuốn tiểu thuyết của Hà Văn Thùy bị đổ. Ấy là tuổi tác Lê Thái Tông và vị nữ quan. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, năm sinh của Nguyễn Thị Lộ có sự chênh lệch nhau. Theo Đất và người Thái Bình, bà sinh vào năm 1400 tại làng Hải Triều (còn gọi là Hải Hồ) tục gọi làng Hới, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà). Nhưng theo giáo sư Võ Thu Tịnh trong Vụ án Lệ Chi Viên(http://vietsciences.free) và và tiến sĩ Đinh Công Vỹ trong Bên lề chính sử(NXB Văn hóa Thông tin) thì bà sinh vào năm 1390. Từ đó, nếu lấy mốc năm 1390, Nguyễn Thị Lộ hơn Lê Thái Tông 33 tuổi, còn lấy năm 1400 làm năm sinh như khá nhiều tác giả đã sử dụng, thì Nguyễn Thị Lộ cũng hơn nhà vua 23 tuổi. Cho dù là rất đẹp, thì người phụ nữ ở vào độ tứ tuần cách đây già nửa thiên niên kỷ cũng đã là một bà già, bởi hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, chế độ chăm sóc sức khỏe cộng đồng vô cùng thấp kém. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ trung bình không quá 30. Trong khi ấy, theo Hà Văn Thùy, Lê Thái Tông là một ông vua ít học, ham mê sắc dục, hẳn không thể có một mối tình cuồng nhiệt với một bà già hơn cả tuổi mẹ mình. Mặt khác chúng ta cũng không thể quên, lúc ấy, nhà vua đã có đến 6 bà vợ, toàn những người đẹp chim sa cá lặn cùng hàng trăm cung tần mỹ nữ nơi hậu điện. Có lẽ khi viết, Hà Văn Thùy cũng lấn cấn về vấn đề này, nên ông đã dành khá nhiều trang phân tích diễn biến tâm lý và những màn độc thoại mùi mẫn để thuyết phục bạn đọc chấp nhận cuộc ngoại tình tưởng tượng. Lê Thái tông nghĩ : ...Nhưng từ khi gặp Nguyễn Thị Lộ, Thái tông cảm thấy cuộc đời mình không như trước nữa. Quyền lực vô biên của chàng lần đầu tiên bị thách thức. “Uy quyền có thể làm được nhiều điều nhưng không làm nên tình yêu!” Nàng nói. Quả vậy, nàng là người đàn bà đầu tiên mà chàng phải bỏ công chinh phục. Cảm hóa nàng không dễ. Chàng không ép buộc bởi chàng cần một người tình, người yêu chứ không chỉ là một con mái tuân phục! Chàng muốn nàng tự nguyện hiến dâng. Chàng biết nàng có cảm tình với mình. Chàng cũng biết, trong cái cảm tình ấy mong manh tình yêu. Nhưng sống lâu năm với con người đạo đức, nàng đã nhiễm thói quen kìm nén. Nàng khép lòng lại như vị tướng giữ thành. Chính cái đêm nàng gẩy đàn trong nước mắt ấy, chàng đã nghe rõ lòng nàng và chàng hành động. Lúc đó hoặc mãi mãi không bao giờ! Lúc đầu, nàng chống cự. Nhưng chàng biết, đó là nàng chống cự lại bản thân. Chàng đã giúp cho nàng chiến thắng… (chương 4).
Từ những dòng trên, người đọc có quyền nghi ngờ, liệu tác giả có bất nhẫn khi để cho Nguyễn Thị Lộ không bị cưỡng ép phải yêu mà tình nguyện yêu Lê Nguyên Long đắm đuối bất chấp cả đạo nhân luân? Đọc đến đoạn Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ làm tình cuồng nhiệt đến nỗi nhà vua đột tử trên bụng Lễ nghi học sĩ tại hành cung Lệ Chi Viên, người ta chợt nhận ra một điều, tất cả mọi cách bài binh bố trận trong kỹ xảo của tác giả là để dẫn đến kết cục bi hài này chứ không phải là án quyết tru di tam tộc gia đình Nguyễn Trãi của triều đình nhà Lê sau đó.
Như trên đã nói, Hà văn Thùy lệ thuộc hoàn toàn vào chính sử. Cái nhìn của ông không vượt khỏi hệ ý thức thời đại. Ông chỉ nhìn thấy chữ trên giấy trắng mực đen mà không biết nhìn giữa hai dòng chữ như một nhân vật của Lỗ Tấn đã phát hiện ra người ăn thịt người trong truyện ngắn Cây Trường minh đăng. Từ cách dàn dựng, bố cục và khai triển tiểu thuyết như trên, chẳng cần đào sâu các tầng ý nghĩa mà chỉ cần căn cứ vào văn bản trực tiếp, chúng ta cũng có thể thấy được, Nguyễn Thị Lộ là tác phẩm làm biến dạng lịch sử, hạ nhục nhân cách Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lê Thái Tông, đồng thời đem đến cho người đọc một cái nhìn lệch lạc về tư tưởng thẩm mỹ. Nguyễn Thị Lộ xuất thân từ gia đình nền nếp, chắc chắn bà hiểu rất rõ đạo tam cương, ngũ thường. Là một phụ nữ thông minh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục nho học, dứt khoát người nữ quan làng Hới này không thể có hành vi thái quá vượt ra ngoài khuôn khổ tam tòng tứ đức. Lại nữa, Nguyễn Thị Lộ từng đề xuất nhà vua ban sắc dụ trừng phạt loại đàn bà lăng loàn thì không thể tự mình làm chuyện thương luân bại lý. Trong khi đó, Nguyễn Trãi là bậc anh hùng cái thế, từng giữ trọng trách nơi miếu đường, nhân cách sáng như sao khuê, làm sao có thể tình nguyện hiến vợ (mà lại là thiếp yêu) cho một ông vua chỉ bằng tuổi con mình, để rước về một cô Cẩm Nhung như là sự đổi chác ngầm của phường lục lâm thảo khấu? Hà Văn Thùy đã cố tình tạo ra một sự nhập nhằng khiến bạn đọc hiểu lầm. Thực ra, người thiếp của Nguyễn tiên sinh, sau này sinh ra Anh Vũ không phải là cung nữ do Lê Thái Tông ban.
Kẻ sĩ quân tử như Nguyễn Trãi tuy chịu sự chi phối bởi đạo thần tử (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung), nhưng danh dự dòng họ, thể diện gia đình mới là quan trọng. Người quân tử có thể chết chứ quyết không chịu nhục. Danh dự đã mất, thử hỏi sống trên đời còn có ý nghĩa gì? Cho nên cái đoạn Hà Văn Thùy miêu tả tâm trạng Ức Trai giằng xé như một trận bão lòng khi Nguyễn Thị Lộ theo xa giá về Côn Sơn, chỉ phù hợp với những kẻ tầm thường của loại tiểu thuyết diễm tình. Nguyễn Trãi cũng là một người đàn ông, hơn thế còn là nhà thơ lớn, ngón đòn mà Lê Nguyên Long đánh vào tâm hồn ông vô cùng hiểm độc. Nếu tác giả tự đặt mình vào hoàn cảnh Ức Trai, cẩn trọng suy nghĩ, chắc chắn ông sẽ không để cho người chồng bị cắm sừng nói những lời an ủi nhuốm màu cải lương thế kỷ XXI như sau : Khi chuyện xẩy ra, ta vô cùng đau khổ vì người yêu thương nhất đã phản bội ta. Ta trách nhà vua đã xúc phạm ta. Quả thực lúc đó ta thù hận nàng… Nhưng rồi, khi uống cạn nỗi đau, ta hiểu ra, nàng không phản bội ta mà nàng chỉ theo tiếng gọi của lòng nàng. Nàng yêu ta khi còn quá trẻ, những năm tháng bên ta, tình yêu của nàng đã khuôn theo tình cảm của ta. Nay khi gặp một người như Nguyên Long, những tình cảm từ lâu bị kìm nén trong lòng bừng tỉnh, thúc giục nàng tìm những cái mà nàng vì ta đã để mất. Ta hiểu việc nàng làm. Ta già rồi không thể cho nàng những cái nàng có quyền được hưởng. Lẽ nào ta lại cấm đoán niềm vui, cấm đoán hạnh phúc của nàng? Thiên hạ chê những ông vua ngày xưa khi chết bắt thê thiếp chết theo. Nhưng nếu cấm đoán nàng, thì ta có khác gì một bạo chúa bắt nàng chôn vùi tuổi trẻ… Chính vì vậy, ta từ lâu đã thông cảm với nàng…(chương 7).
Về nhân cách Lê thái Tông, tuy là ông vua ít học, nhưng sau bao năm bị khống chế dưới bóng của đám cường thần, đến năm1440 đã trưởng thành, tự mình điều hành chính sự. Vị vua còn khá trẻ này đã thẳng tay trừng trị bọn Lê Sát, Lê Ngân, dám lục dụng các công thần bị thất sủng thời Thái Tổ, biết dựa vào các lương thần chỉnh đốn triều cương, không thể là một hôn quân cướp vợ người khác. Như phần trên chúng tôi đã phân tích, hậu cung của Nguyên Long thiếu gì giai nhân tài nữ đến nỗi phải đeo đuổi một người đàn bà hơn mình ít ra là 23 tuổi? Một vương triều vừa mới kiến lập sau mười năm chống giặc ngoại xâm mà đã có một ông vua nhân cách thấp hèn, tinh thần bệnh hoạn như thế làm sao có thể đứng đầu trăm họ? Sai lầm có tính hệ thống này, trước hết bắt nguồn từ các nhà chép sử thiếu trung thực, nhẫn tâm đổi trắng thay đen dưới áp lực của phe nhóm Nguyễn Thị Anh, gán tội cho Nguyễn Trãi, tạo một thiên cổ kỳ án, đến nỗi ngày nay, nhiều người coi đó là vụ án lương tâm muốn Tòa Thượng thẩm Việt Nam, nhân danh sự liên tục của một Nhà nước, xử lại.
Đọc Hà Văn Thùy, phần phản cảm nhất là những đoạn Lê Thái Tông tìm mọi cách săn đón Nguyễn Thị Lộ. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Những pha làm tình nóng bỏng giữa hai người và diễn biến tâm trạng của họ mới địch thực là cú đòn hạ nhục vợ chồng Nguyễn Ức Trai :Rồi chàng vồ vập đòi yêu nữa. Nàng buông người vô cảm. Dù sao việc cũng đã rồi, hối cũng đã muộn, nàng nghĩ, và mặc cho chàng vày vò. Nhưng rồi sau đó những kìm nén mà nàng cố tình gìn giữ bị phá tung, không cưỡng nổi bản thân, nàng hưởng ứng cuồng nhiệt. Cơn khát thèm tích tụ bao ngày đã được thỏa mãn ở lần trước, lần này chàng trai trẻ từ tốn điệu đàng dẫn nàng vào cuộc vui, đưa nàng lên cực điểm khoái lạc(chương 4). Và đây chính là đỉnh điểm của cái gọi là tình yêu để rồi sẽ kết thúc với bản án đẫm máu: Không còn cách nào khác, nàng đành chiều và vận dụng hết ngón nghề giúp chàng. Vẫn biết khoái cảm nơi mình lên chậm, nàng tự kích thích để hòa hợp với chàng. Để chứng tỏ mình là trượng phu nam tử, chàng không ngừng mân mê những nơi nhạy cảm nhất của nàng. Rồi hai cơ thể hòa vào nhau trong tận cùng hoan lạc. Nàng cắn chặt môi như cố ghìm lại tiếng rên trong miệng nhưng rồi tiếng rên sung sướng cứ bật ra: “Chàng, Nguyên Long, chàng ơ ơ ơi!” Rồi nàng lịm đi mê mẩn. Tận cùng sung sướng, chàng run rẩy trên người nàng (chương 7).
Từ những trích dẫn trên, nếu tham khảo thêm cả những đoạn diễn biến tâm trạng Nguyễn Thị Lộ nằm rải rác ở các cương 4, 5, 6 và phần đầu chương 7, chúng ta phải thừa nhận Hà Văn Thùy rất có sở trường trong việc xây dựng hình tượng nhân vật có tâm lý phức tạp. Ông hư cấu mà như ngỡ cứ như thật tạo nên sự khác lạ về đẳng cấp với những nhân vật được xây dựng theo khuôn mẫu cứng nhắc của khá nhiều tiểu thuyết lịch sử chịu ảnh hưởng của mỹ học giáo điều. Thế nhưng, như phần đầu chúng tôi đã cảnh báo, do phương pháp tiếp cận Vụ án Lệ Chi Viên sai lầm nên tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ đi chệch khỏi quỹ đạo thẩm mỹ. Ý đồ tác giả có thể là lương thiện, nhưng thay vì đề cao nhân cách Nguyễn Thị Lộ thì ông lại hạ thấp phẩm giá của bà.
Tất nhiên, quyền hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật là của tác giả, tuy vậy người viết cần phải có bản lĩnh và một tâm hồn nhạy cảm để nhìn ra bản chất vấn đề trong cái mớ bòng bong của lịch sử để lại. Nguyễn Thị Lộ thực chất không phải như hình tượng văn học hư cấu của Hà Văn Thùy. Bà là một giai nhân, một tài nữ, nhưng dứt khoát không phải là một dâm phụ.
Minh họa lịch sử thì dễ, nhưng tái hiện và làm sinh động một giai đoạn lịch sử bằng hình tượng văn học qua cái nhìn minh triết của người cầm bút thì không phải ai cũng làm được. Thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn ra đây nhận xét trứ danh của văn hào Gabriel García Márquez trong tác phẩm Mùa thu của ngài trưởng lão về lịch sử: Những gì là dối trá hôm nay sẽ là hiện thực của ngày mai.
Chí Linh, xuân Nhân Thìn, ngày lành
ĐVS
Tài liệu tham khảo:
1 -Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, NXB KHXH
2 -Đại Việt thông sử (bản dịch)
3 -Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
4 -Vụ án Lệ Chi Viên của Võ Thu Tịnh
5 - Bên lề chính sửcủa Đinh Công Vỹ (NXB Văn hóa Thông tin)
6 -Trắng án Nguyễn Thị Lộ của Hoàng Quốc Hải (Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ)
7 -Nhà văn và lịch sử của Hà Văn Thùy
8 -Đọc Tiểu Thuyết Lịch Sử NGUYỄN THỊ LỘ của Hà Văn Thùy của Uyên Hạnh
Gabriel García Márquez trong Mùa thu của ngài trưởng lão đã nhận xét rất xác đáng về lịch sử như sau: Những gì là bịa đặt hôm nay sẽ là hiện thực của ngày mai.